Vẻ đẹp Tây Bắc dưới góc nhìn của Tân “Hoa Ban Food”

Vẻ đẹp Tây Bắc dưới góc nhìn của Tân “Hoa Ban Food”

Một phần Tây Bắc không chỉ đẹp bởi sự hùng vĩ, kỳ bí của núi rừng, sông nước mà qua ống kính của Phạm Tân, chủ sở hữu kênh Hoa Ban Food đạt nút vàng Youtube với lượng subscribe (theo dõi kênh) trên 2,5 triệu người, đã tái hiện chân thật và sinh động cuộc sinh tồn đầy thử thách mà vô cùng mãnh liệt của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây.

Tại sao nhiều người lại dành sự quan tâm đặc biệt cho kênh Hoa Ban Food đến vậy? Lướt kênh Hoa Ban Food là hơn 500 video với lượng tương tác cao nói về Tây Bắc ở mọi khía cạnh khác nhau: từ giới thiệu sản vật Tây Bắc, các phóng sự ghi nhận lại những nét văn hóa, sinh hoạt rất đỗi đời thường của bà con đồng bào các dân tộc sinh sống dọc sông Đà hay những ký sự khám phá thiên nhiên hoang dã theo từng bước chân của Phạm Tân… Thoạt nhìn không có gì đặc biệt bởi bản chất đó cũng chỉ là dạng video review mà Phạm Tân mang đến cho khán giả nhưng tác động cộng đồng tích cực từ đó tạo nên nhiều giá trị vô hình.

Các Youtuber chuyên nghiệp khẳng định để tạo một kênh riêng thu hút được cả cộng đồng lớn thường xuyên theo dõi và tương tác đều đặn như cách mà Hoa Ban Food đang tạo ra trong những năm qua là điều không dễ dàng. Chưa kể Phạm Tân cứ giữ “chất” quê của mình cùng đội ngũ anh em dân bản hồn hậu chất phác, bên những người con của núi rừng… xuất hiện thật bình dị vậy thôi, không có sự đặt để hay tô vẽ gì thêm nhưng vẫn khiến cho hàng triệu con tim phải dõi theo, phải mến thương và dành tình cảm đặc biệt cho họ. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Phạm Tân giải đáp câu hỏi lớn ấy bằng một cách nghĩ của người làm kinh doanh thuần túy: sản xuất video để phục vụ cho việc kinh doanh đặc sản, ẩm thực chế biến của Tây Bắc, không phải mục đích phát triển kênh. Anh cho biết xuất phát điểm chỉ muốn ghi lại hình ảnh thật nhất tại nơi thu mua, chế biến sản phẩm để khách hàng an tâm hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm khi biết rõ xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm. Điều đó là cần thiết khi mà vào thời điểm những năm 2012 – 2013, Internet vẫn chưa phát triển mạnh nên việc chuyển tải các thông tin sản phẩm từ vùng núi đến với bà con miền xuôi càng khó thuyết phục hơn. Chỉ có giải pháp tạo các video review sản phẩm mà anh học từ các kênh ẩm thực nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ như “Food, Inc.” đã hình thành nên một hệ sinh thái phong phú cho Hoa Ban Food sau 8 năm hoạt động.

Dần dà, Hoa Ban Food không còn đơn thuần chỉ kinh doanh các sản vật Tây Bắc mà qua đó đã tạo nên những giá trị gắn kết cộng đồng qua cách giới thiệu văn hóa, ẩm thực và cuộc sống đơn giản của bà con đồng bào Tây Bắc, một cuộc sống thật giàu tình cảm từ các bản làng xa xôi rất cận cảnh, rất thực tế qua góc máy “độc quyền” của Tân “Hoa Ban Food”.

Được biết anh là người con Tây Bắc, rời bản lên thành phố đi học, đi làm rồi lại quay về đúng nơi đây để phát triển sự nghiệp kinh doanh, anh cảm nhận điều gì khi trở về?

Ồ, cảm giác thì vô cùng sung sướng, tuyệt vời rồi! (cười vui) Tôi có dịp được tận hưởng không khí trong lành, tránh xa chốn phố xá thành thị ồn ào, náo nhiệt. Cảnh đẹp núi rừng Tây Bắc thì vô cùng quyến rũ những tay mê chụp ảnh như tôi. Mỗi chuyến trở về Tây Bắc cho tôi được tìm lại tuổi thơ của mình, cùng vô tư cười đùa, tắm suối, câu cá, leo trèo hái quả rừng với đám trẻ con trên bản mà quý vị có thể xem rất nhiều video trên kênh của tôi.

Khi tiếp xúc với bà con để phục vụ công việc kinh doanh, tôi cảm nhận được thứ tình cảm ấm áp quá đỗi thân quen, chân thành, mộc mạc của bà con nơi đây. Càng ở những vùng càng xa xôi, hẻo lánh nhất thì lại là những nơi nhiều tình thương nhất. Tôi có dịp được đi cùng anh em, ăn cùng một nồi, ngồi cùng một tấm vải bạt, băng rừng tìm mật ong, làm những hành trình nhiều ngày vượt sông, lội suối giăng chài lưới đánh bắt cá, câu cá vô cùng thú vị… Họ thực sự là những người anh em chí cốt mà không có họ thì chắc chắn sẽ không có Hoa Ban Food như ngày hôm nay được.

Nếu vậy có lẽ anh sẽ có góc nhìn cận cảnh nhất về đời sống của bà con sinh sống nơi đây?

Đối với bà con đồng bào Tây Bắc thì tuy họ có đời sống đơn giản và giàu tình yêu thương nhưng bởi lối sống bám trụ vào thiên nhiên, tự cung tự cấp dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có đã từ bao đời nay nên vẫn còn hạn chế về cơ hội thoát nghèo, cơ hội thay đổi cuộc sống khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên không còn phong phú như trước nữa.

Nếu quý vị nào có theo dõi các video vào rừng thu hoạch mật ong mà anh em chúng tôi thực hiện trong tập “Ký sự rừng già” thời gian đầu cho đến giai đoạn gần đây thì sản lượng đã không còn đáng kể nữa. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cụ thể về nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Con người không thể chỉ sống bám vào sản vật từ thiên nhiên mãi được mà phải biết tự nuôi trồng để có được cuộc sống bền vững hơn, sung túc hơn.

“Ký sự rừng già” trên kênh Hoa Ban Food cuốn hút người xem bởi những chuyến khai thác mật ong rừng cận cảnh vô cùng gian nan và ẩn chứa nhiều nguy hiểm của người dân vùng núi Tây Bắc

Theo anh thì có giải pháp nào để giúp bà con có thể thay đổi cuộc sống?

Chỉ có một cách duy nhất là lao động và lao động mà thôi. Đừng ai đổ lỗi cho hoàn cảnh hay số phận mà phải tự tìm ra giải pháp cho mình để mưu sinh. Theo tôi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu chịu khó lao động một cách khôn ngoan thì không bao giờ phải chết đói cả. Bản chất bà con đồng bào Tây Bắc họ chăm chỉ, chịu thương chịu khó, nhưng vẫn chưa có tư duy làm việc khoa học hơn. Phần lớn họ tư duy làm đủ ăn, không có nhu cầu gì quá nhiều nên cũng không cần thiết phải lao động quá nhiều. Cứ sẵn có con gà, con vịt và vườn rau quanh nhà là đã thành ra bữa cơm no. Nhưng mãi như vậy thì nếu cuộc sống cứ êm đềm thì không có gì phải bàn nhưng khi trở trời, bệnh hoạn thì lúc đó không có tiền để chạy chữa, không thể chạy vạy được ở đâu được… Cái nghèo đói vì vậy mà cứ quanh quẩn bám lấy họ.

Tôi luôn khuyên bà con còn sức còn làm, phải xoắn tay vào mà làm chứ. Tới mùa măng thì tập trung khai thác măng để hết mùa thì lại xoay sang làm thứ khác. Phải biết tiêt kiệm trong mọi hoàn cảnh. Thường thì bà con nào cũng vậy, hễ hôm nay nhà có 4 con cá là đem nấu canh hay kho ăn cho hết trong khi chưa có thức ăn tích trữ cho ngày hôm sau. Tôi vẫn thường nói với một số bà con trong một số video về việc bà con phải học cách tiết kiệm từ những việc đơn giản hàng ngày. Nếu có 4 con cá thì có thể dung 2 con thôi rồi 2 con đem nướng lên hay kho mặn để vào tủ ăn dần…

Chị em phụ nữ nơi những bản làng Tây Bắc, thương con, chiều chồng, mến khách và cực kì chịu khó.

Hoa Ban Food có giải pháp gì riêng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường khi mà sản vật đang ngày một ít đi?

Trong tất cả các video của tôi đều thể hiện quan điểm rất rõ ngay từ khi bắt đầu dự án kinh doanh sản vật của vùng Tây Bắc cũng hướng đến tính bền vững, không chạy theo lợi nhuận, theo thị trường, không khai thác triệt để nguồn tài nguyên quý giá này được. Có những sản vật như cá sông Đà thuộc hàng quý hiếm vài ba triệu một cân nhưng lâu lâu mới có thì chúng tôi vẫn chỉ để dành ăn thôi, không đem bán khi không có nguồn cung bền vững cho nó. Có những sản vật không thể tự trồng được thì không nói làm gì nhưng nếu thứ gì có thể chủ động được như: nuôi trâu, bò để chế biến thành món ăn “gác bếp” truyền thống của Hoa Ban Food hay trồng củ mì để làm tinh bột mì… tôi đều khuyên bà con cố gắng nghĩ cách để phát triển nó, không thể chỉ trông chờ vào vài ba con bò được.

Trong suốt những chuyến đi thu mua tận nơi, chúng tôi đều nói vui với bà con là có thể bao tiêu thịt trâu, bò nên bà con cứ nuôi mạnh vào. Nhưng bà con chưa thể nào ngay lập tức hiểu được mà cần phải có người định hướng sản xuất theo quy trình chăn nuôi khoa học thì mới mong phát triển sản lượng sản vật nuôi trồng của vùng đất này. Chúng tôi chỉ thuần túy là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và lo khâu chế biến lại để bán ra thị trường, chúng tôi không phải là những nhà hoạch định chính sách, những người chuyên về sản xuất… nên thực sự cũng còn nhiều hạn chế.

Quay được cận cảnh về những góc khuất thật cảm xúc về những mảnh đời khốn khó nhất của bà con đồng bào Tây Bắc núp dưới những tán rừng bạt ngàn, anh muốn gửi gắm điều gì?

Thật sự khi chúng tôi thực hiện những chuyến tặng quà cho bà con thì tôi nhận thấy càng ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhất thì càng thấy cuộc sống bà con tuy gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ở những nơi đó lại nhiều tình thương nhất. Như trong ký sự “Người rừng” tôi có bắt gặp câu chuyện trong một căn chòi tạm bợ chỉ có 4 đứa trẻ con ở nhà, đứa lớn nhất chỉ học lớp 6 hay lớp 7 gì đấy, đứa bé nhất chỉ tầm 2 tuổi thôi nhưng bố mẹ chúng đi làm, chúng phải tự cơm nước lo cho nhau. Có những câu chuyện mình không thể hình dung ra cuộc sống bà con còn nhiều khốn khó đến thế để có thể nào chúng ta nhìn lại mình, biết trân trọng hơn cuộc sống hiện tại, sống tốt hơn…

Để đặt chân đến vùng núi Tây Bắc vô cùng hiểm trở, hoang sơ và đầy rẫy nguy hiểm là những trải nghiệm mà không phải ai cũng có thể làm được, kinh nghiệm thực tế từ các chuyến đi của anh?

Kinh nghiệm của tôi là không bao giờ được đi một mình. Trong một số video tôi cũng đã có nhiều cảnh báo cụ thể về những điều nên và không nên làm khi đi du lịch đến vùng núi Tây Bắc, nhất là không được đi một mình vào rừng, chèo thuyền trên sông Đà nếu không có người bản địa thông thuộc địa hình dẫn đường.

Tôi cũng có thực hiện một vài video về khám phá Tây Bắc dành cho những chuyến dã ngoại phù hợp cho các gia đình mà tôi sẽ định hướng phát triển thành một kênh riêng “Hoa Ban Camp” hướng tới một dịch vụ tổ chức tour phượt ngắn ngày tại Tây Bắc cùng với những anh em dân bản am hiểu sông suối, rừng núi như lòng bàn tay, khỏe mạnh, tháo vát, nhiệt tình và trung thực là những người mà tôi mạn phép gọi là “Thợ săn – Hunters”. Chúng tôi hướng dẫn mọi kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất khi đi rừng, ngủ qua đêm bên suối… hay cách cắm trại đơn giản với một vài thiết bị du lịch hiện đại cho những chuyến dã ngoại như thế này. Hoa Ban Camp đến nay đã có hơn 400 ngàn lượt theo dõi.

Có sự sắp đặt nào để diễn đạt các ý tưởng trong các video của anh không?

Không thể nào sắp đặt được trừ một vài video giới thiệu món ăn thì cần bày biện một chút. Còn lại tất cả các video ký sự, trải nghiệm đều là những video review hành trình thực tế. Đó là những khoảnh khắc, là diễn biến trong suốt hành trình mà tôi quay lại thôi, không thể nào bắt thằng Toản leo lên cây rồi quay mà chỉ canh đúng lúc nó leo lên cây thì mình bắt góc để quay được thôi. Trong các ký sự rừng già, cảnh vượt thác mà quý vị xem đều phải quay ngay lúc xuồng băng thác, không thể nào bắt anh em quay xuồng lại để mình quay được… vô cùng nguy hiểm.

Những anh em dân bản khỏe mạnh – tháo vát – nhiệt tình và trung thực.

Kinh doanh sản vật và ẩm thực Tây Bắc, lại có rất nhiều video giới thiệu văn hóa ẩm thực khác nhau của các dân tộc miền núi thì anh ấn tượng điều gì về ẩm thực Tây Bắc?

(Suy tư một lúc) Với ẩm thực của bà con đồng bào Tây Bắc cũng đơn giản hơn ở miền xuôi bởi nguyên liệu chế biến ít phong phú mà chỉ quanh quẩn chỉ có heo, gà, rau rừng, cá suối… trong khi ở miền xuôi thì có đủ loại nguyên liệu để chế biến món ăn theo nhiều hương vị khác nhau. Do vậy mà nhìn chung thì ẩm thực Tây Bắc ít hương vị hơn món ăn miền xuôi. Chỉ duy nhất tôi cảm nhận được nét gần gũi trong ẩm thực của bà con nơi đây chính là tình yêu thương họ đặt hết vào món ăn và hễ nấu món gì thì đều dành ưu tiên cho trẻ con và người già. Có món nào thì cho con một phần, cho cháu một ít, cho ông bà nữa… Nói cho cùng thì đây là nét văn hóa đẹp trong mỗi gia đình mà tôi gặp cho dù họ thuộc dân tộc nào.

Tôi cảm nhận được nét gần gũi trong ẩm thực của bà con nơi đây chính là tình yêu thương họ đặt hết vào món ăn và hễ nấu món gì thì đều dành ưu tiên cho trẻ con và người già.

Làm thế nào để ẩm thực Tây Bắc vẫn luôn sống động trong các video tiếp theo mà mọi người sẽ được tiếp tục xem trên Hoa Ban Food?

Như tôi đã nói ngay từ đầu là mục tiêu Hoa Ban Food sinh ra để làm thương mại, không phải chủ đích sản xuất video để kiếm tiền trên đó. Chúng tôi sẽ cố gắng sản xuất các video sát thực với đời sống bà con, dĩ nhiên là sẽ đầu tư ngày càng tốt hơn cho những video sau này để quý vị được giải trí khi xem trên các khung hình đẹp hơn, nét hơn, ít rung hơn trước… Nhưng tôi chú trọng vào chất lượng hơn số lượng video để mỗi video khi quý vị đã xem qua một lần vẫn có thể xem lại hay chí ít cũng sẽ nhớ về nó. Chúng tôi tạo ra những thước phim kỷ niệm bởi đấy là những khoảnh khắc mà cho dù 20,30 năm sau có muốn quay lại cũng khó tìm lại được.

Đương nhiên, xem hoài những cảnh quay giống nhau, những con người giống nhau thì lâu rồi sẽ nhàm chán thôi, tôi cũng vậy. Do vậy mà tôi cũng đã dự tính đến một lúc nào đó khi tôi đã hoàn thành mục tiêu đầy đủ thông tin cần thiết cho mọi người thì tôi sẽ dừng việc sản xuất video, tập trung phát triển thương mại. Đấy mới là sự nghiệp lâu dài mà chúng tôi hướng đến. Những cửa hàng nhỏ thôi nhưng chất lượng, là nơi mà quý vị an tâm khi muốn thưởng thức những sản vật của Tây Bắc.

Bạn yêu thích Tây Bắc, muốn hiểu hơn về Tây Bắc, hoặc đơn giản là ngắm nhìn những cảnh đời thường nhất của Tây Bắc, hãy truy cập kênh Youtube hoặc Fanpage: Hoa Ban Food

Rate this post