Nhà thơ Bằng Việt: Thơ vẫn còn tri kỷ

Nhà thơ Bằng Việt: Thơ vẫn còn tri kỷ

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bằng Việt (phải) và Nhà báo Trần Mai Hưởng- Moskva, 2008.

Bằng Việt là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, trong điều kiện gay go ác liệt của chiến tranh, việc xuất bản tập thơ Hương Cây-Bếp Lửa của Lưu Quang Vũ- Bằng Việt, hai nhà thơ tài hoa theo hai cách khác nhau, là một dấu ấn mạnh mẽ với bạn đọc và những người yêu thơ thời gian ấy .

Hình ảnh về người bà, về quê hương trong những vần thơ sâu lắng, thấm đượm ân tình của ông, cùng những bài thơ khác trong tập, làm ấm lòng những người lính trẻ trên những nẻo đường chiến trận:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

                                             (Bếp lửa)

Sau tập thơ đầu tay, Bằng Việt tiếp tục cho ra mắt những tập thơ Đường Trường Sơn, cảnh và người ; Những gương mặt, những khoảng trời; Đất sau mưa, Khoảng cách giữa lời…

Nhiều bạn đọc còn nhớ mãi những câu thơ đẹp mang ký ức của một thời của ông:

Một thế hệ người làm thơ lại đã đi qua…
Thầm thì hoa sấu rơi, quả sấu rụng bàng hoàng trên mái cũ,

                                           (Trò chuyện với thành phố của đời mình)

Nhà thơ Bằng Việt là người được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, từng có mặt ở Trường Sơn trong chiến tranh, là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng văn học ở trong và quốc tế. Ông còn là một dịch giả, một nhà hoạt động văn hoá, một nhà quản lý nhiều kinh nghiệm. Nhiều năm ông là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp văn hoá ở thủ đô.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bằng Việt (phải) tặng sách cho tác giả.

Nhưng sau tất cả, Bằng Việt vẫn là một nhà thơ nhiều suy tư, gắn bó với con người, cuộc sống. Trong cuộc gặp lần này, ông tặng tôi tập Thơ Bằng Việt, 1986-2016 (Nxb Văn Học, 2020). Đây là tuyển thơ Bằng Việt trong thời kỳ Đổi mới, được chọn từ 5 tập thơ: Phía Nửa Mặt Trăng Chìm (1995), Ném Câu Thơ Vào Gió (2001), Thơ Trữ Tinh (2002), Nheo Mắt Nhìn Thế Giới (2008) và Oẳn Tù Tì (2016).

Những bài thơ trong tuyển tập mang dấu ấn về một thời kỳ rất quan trọng trong lịch sử đất nước và mỗi con người Việt Nam, hàm chứa nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ, được sắp xếp thành các phần: Bất chợt từ tâm trạng, Những ấn tượng không ranh giới, Sợi chỉ nối về quá khứ, Muôn mặt chuyện đời và Khoảnh khắc trải nghiệm.

Chú thích ảnh

Rate this post