Đời nhiều biến cố của Thái hậu Thuận Thiên

Lý Thuận Thiên là công chúa trưởng con vua Lý Huệ Tông với hoàng hậu Trần Thị Dung, là chị ruột của nữ vương Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của vương triều Lý. Bà sinh vào tháng 6 năm Bính Tý 1216.

Cuộc đời éo le của bà bắt đầu từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Khi Trần Thị Dung mang thai công chúa Thuận Thiên thì cũng là lúc diễn ra cuộc giằng co quyết liệt của bà với Đàm Thái hậu để được tồn tại trong hoàng cung. Trong con mắt Đàm Thái hậu, Trần Thị Dung là nội ứng của kẻ đang nhòm ngó ngai vàng của nhà Lý nên quyết giết bà cho bằng được. Để cứu vợ con, vua Lý Huệ Tông phải cùng bà bỏ trốn. Công chúa Thuận Thiên ra đời trong cuộc trốn chạy này, ngay trên bãi sông Hồng thuộc địa hạt huyện Văn Giang, Hưng Yên.

du-lich-den-tran-1.jpg

 Lễ hội Đền Trần (Thái Bình)

Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh, lập trên vương triều Trần. Công chúa Thuận Thiên sau đó được gả cho An Sinh vương Trần Liễu – anh ruột vua Trần Thái Tông Trần Cảnh. Cuộc sống của bà những tưởng trôi qua yên bình nhưng không ngờ bà lại trở thành nạn nhân của những mưu toan sắp đặt trong chốn thâm cung.

Sống với nhau hơn chục năm, Lý Chiêu Hoàng không thể có con. Vào năm 1237, lo sợ dòng đích không có người kế truyền ngôi báu, theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, Trần Cảnh buộc phải lấy Thuận Thiên – tức là chị dâu mình. Đang sống yên ổn, Thuận Thiên được lập làm hoàng hậu, thế vào chỗ của em gái mình. Đây là bi kịch éo le của hai công chúa Thuận Thiên – Chiêu Thánh của nhà Lý và hai anh em Trần Liễu – Trần Cảnh của nhà Trần. Đây cũng là đoạn đời sóng gió nhất của công chúa Thuận Thiên. Bụng đang mang thai con chồng nhưng bị ép trở thành vợ của em chồng, Thuận Thiên chỉ biết đau đớn câm lặng không chút phản kháng vì lợi ích của hoàng tộc.

Khi sống với Trần Liễu, bà đã sinh được một con trai là Trần Doãn. Sau khi lên ngôi hoàng hậu, bà sinh hoàng tử trưởng là Trần Quốc Khang. Về danh nghĩa, Quốc Khang là con vua Trần Thái Tông Trần Cảnh nhưng thực chất là con của An Sinh vương Trần Liễu. Sau này, Trần Quốc Khang trở thành một tướng giỏi của nhà Trần, được phong làm Vọng Giang Phiêu Kỵ Đô thượng tướng quân, cai quản vùng Diễn Châu.

3.jpg

 Đền thờ An Sinh vương Trần Liễu

Năm 1240, hoàng hậu Thuận Thiên sinh tiếp con trai là Trần Hoảng, lập tức được sách phong là Thái tử. Năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng rồi lên làm Thái thượng hoàng. Trần Hoảng trở thành vua Trần Thánh Tông, một vị vua anh minh, tài giỏi nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã xây dựng được một vương triều vững mạnh và được chính sử khen là bậc “thần văn thánh võ, trung hiếu nhân từ, tôn hiền trọng đạo”.

Năm 1241, bà lại sinh người con trai nữa là Trần Quang Khải, sau được phong tước vương – Chiêu Minh vương. Thời Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải giữ chức Tướng quân nắm giữ mọi việc. Sang đời vua Trần Nhân Tông, năm 1282, quân Nguyên xâm lược bờ cõi nước ta, ông được phong chức Thượng tướng Thái sư chỉ huy đại quân đánh giặc. Khi đánh tan quân Nguyên, triều đình xét công, ông đứng vào bậc nhất. Ông được xem là một anh hùng dân tộc, một anh tài văn võ song toàn nổi danh trong lịch sử.

Tuy cuộc đời lắm nỗi muộn phiền song Thái hậu Thuận Thiên vẫn là một phụ nữ hạnh phúc bởi được làm mẹ của những người con tuyệt vời. Năm 1248, bà qua đời, được truy tôn là Hiển từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu. Điều đặc biệt là mặc dù bà đã trở thành vợ vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh nhưng ở ấp A Sào (nay là xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình), miếu thờ bà vẫn được lập cạnh đền thờ An Sinh vương Trần Liễu.

Rate this post