Giáo sư Phan Văn Trường: Sách tạo nên nhân loại
GS Phan Văn Trường là một người Việt đi khắp thế giới, làm việc ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đúc kết lại cho chúng ta những câu chuyện toàn cầu trong bộ sách Một đời kết tinh.
Về ý nghĩa của sách, GS Phan Văn Trường nói: “Sách là tất cả. Sách tạo nên một chất keo giữa chúng ta với nhau, nó tạo nên nhân loại. Sách, âm nhạc, triết lý, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật sống… nếu không có những thứ ấy, nhân loại này rất buồn”.
Ông cho rằng sách mang cả nhân loại đến với mỗi cá nhân. Xã hội quanh ta đa dạng, có 7 tỷ người là 7 tỷ tâm hồn, ta không thể khám phá hết được. Nhưng qua sách, ta có thể hiểu được những điểm giống nhau của con người bên cạnh những điểm riêng biệt.
“Sách làm cho ta ấm lòng, bởi qua sách giúp ta biết về những người xung quanh, biết mình thuộc một tập thể nhân loại, một tập thể văn minh mà chúng ta nên tự hào”, .
GS Phan Văn Trường nói sách cho ta hai thứ: “Thứ nhất, sách cho ta tự do, khi có sách trong tay, ta có sự tự do vô hạn. Thứ hai, đời người tác giả, độc giả đều hữu hạn, nhưng cuốn sách mang lại cho mình sự vĩnh hằng”.
GS Phan Văn Trường tại chương trình tọa đàm về sách tại Tp. HCM. Ảnh: Minh Thừa.
Ông giải thích, chỉ cuốn sách mới cho ta sự mê man tưởng tượng, bay nhảy, cho ta sống nhiều cuộc đời khác nhau, nhiều cuộc phiêu lưu khác nhau. Khi mở trang sách ra, ta có thể biết được những bộ óc, tư tưởng vĩ đại hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Tư tưởng, quan điểm của họ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là sự vĩnh hằng mà sách mang lại.
Ngày nay, bạn trẻ thường đi tìm một lý do, trả lời cho câu hỏi tại sao cần đọc sách. Tuy nhiên người thành công trên thế giới đều đọc sách, họ đều muốn chia sẻ những cuốn sách giúp người ta vượt qua khó khăn trong hành trình cuộc sống. Điều đó đã đủ thuyết phục để ta đọc.
Bàn về ý nghĩa của việc đọc, GS Phan Văn Trường nói với ông, sách hơn bất cứ phương tiện nào khác, là gốc, cho ta hiểu ngọn nguồn mọi vấn đề. Đọc sách khác với đọc trên mạng bởi trên mạng có cả kiến thức sâu sắc, có cả sự “tào lao”.