Nhà văn Tô Hoài: Sinh ra là để viết
–
Chủ nhật, 27/09/2020 16:00 (GMT+7)
Với 95 năm tuổi trời, hơn 60 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản, đến nay, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác.
Chân dung Tô Hoài trên bìa một cuốn sách của ông.
1. Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27.9.1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Cách đây 6 năm, ngày 6.7.2014, nhà văn Tô Hoài từ giã cõi đời, khép lại hành trình hơn 70 năm đi và viết.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có kể câu chuyện lạ được nghe trong một lần đến thăm Tô Hoài ở Bệnh viện Việt Xô: Chuyện “trấn lột quan tài”: “Gia đình một người bệnh vừa qua đời đặt bộ phận dịch vụ của bệnh viên chuẩn cho một cỗ quan để sớm hôm sau thì liệm. Nhưng sớm hôm sau thấy trong chiếc quan tài đã có một xác chết đặt vào đấy từ lúc nào rồi. Ngồi với Tô Hoài một lúc thì biết đủ thứ chuyện linh tinh đại loại như thế” (“Tô Hoài với quan niệm về con người” – Văn nghệ số 25 – 2000). Đó cũng là cảm nhận chung của những ai đã từng tiếp xúc với Tô Hoài. Tất thảy đều thấy ông là một nhà văn từng trải, giàu vốn sống thực tế và “biết đủ mọi chuyện trên đời”. Chuyện đời cũng thế mà chuyện văn cũng vậy.
Trong “Cát bụi chân ai”, hình ảnh các nhà văn hiện lên thật sinh động bởi họ cũng là những con người của đời thường như mọi người: Xuân Diệu thì ăn rất khỏe và mắc cái bệnh “tình trai” thật phiền phức, Ngô Tất Tố xỉ mũi quệt ngay vào gốc cây, Nguyên Hồng mắc bệnh tháo dạ và luôn luôn có gói thịt chó ăn dở nhét trong cặp… Đành rằng nhà văn là phải có vốn sống nhưng không phải ai cũng có cái vốn sống đặc biệt, phong phú, giàu có đến từng chi tiết của đời thường như Tô Hoài. Tôi cho rằng, đó là năng lực thu nhận cuộc sống của Tô Hoài, một năng lực rất riêng, dường như là bẩm sinh, trời phú cho nhà văn này. Năng lực ấy, trước hết biểu hiện ở đôi mắt ông mà ai mỗi lần gặp cũng phải chú ý. Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói: “Vâng, tôi rất ấn tượng về đôi mắt của Tô Hoài – đôi mắt hẹp và dài, có đuôi. Tinh quái lắm! Tô Hoài, như đã nói, chỉ viết về đời thường, chuyện thường, vậy mà vẫn có sức hấp dẫn riêng, chính vì ông đã nhìn nhiều cái lạ trong những cái rất thường bằng đôi mắt ấy”. Một đôi mắt sắc sảo, tinh đời, hóm hỉnh, lại có duyện – nó là cái “cửa sổ tâm hồn” của nhà văn để vừa “thu” cuộc sống bề bộn, tươi nguyên vào tâm trí mình, sau đó lại “phát” ra cái cuộc sống đã được tinh lọc, thăng hoa ấy trên trang viết.
2. Cuộc sống ấy đã đi vào tác phẩm của ông như thế nào? Trước hết, đó là cái làng Nghĩa Đô quê ông, nơi ông sinh ra, lớn lên. Cái làng quê ấy đã ào ạt đi vào tác phẩm của ông trên nghìn trang viết, “tôi viết như chạy thi, được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, tôi không nhớ hết…” (Tự truyện). Đó là cái truyện dài Quê người (1941), Giang thề (1943), Xóm Giềng ngày xưa (1943), ba tập truyện ngắn Nhà nghèo (1942), Chớp biển mưa nguồn (1942), O chuột (1943) và truyện cho thiếu nhi Con dế mèn, Dế mèn phiêu lưu kí (1941)… Vốn sống phải phong phú, giàu có và cái đài thu – phát ấy phải tài giỏi, nhạy cảm biết chừng nào thì cái làng quê bình thường như bao làng khác, với những người nông dân, người thợ dệt cũng bình thường mới tạo nên bấy nhiêu trang viết và để lại cho đời một vệt truyện đầy ấn tượng về vùng Kẻ Bưởi quê ông ven thành Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám. Cái Vệt truyện ấy chỉ toàn chuyện đời tư, đời thường: Vợ chồng đánh nhau, mẹ con chửi nhau, đi tắm đêm nhiều nhất là chuyện tình yêu trai gái ở làng quê và cả chuyện về loại vật. Vậy mà truyện nào cũng hay, cũng thú vị bởi mỗi truyện đều đem đến một điều mới lạ, hấp dẫn riêng. Đều viết chuyện vợ chồng đánh nhau, dỗi nhau nhưng Nhà nghèo, Buổi chiều ở trong nhà, Ông dỗi lại không giống nhau, mỗi truyện một nguyện cớ, một sắc thái riêng, để rồi người đọc thấm thía thấy rằng cái nguyên nhân sâu xa của những cuộc cãi nhau đó chính là cuộc sống nghèo đói của một vùng quê đã bị phá sản, bần cùng trước Cách mạng Tháng Tám. Đến chuyện trai gái làng quê yêu nhau thì mới thấy hết cái tài và cái tình của Tô Hoài, cũng chính là ma lực của cặp mắt tinh đời có đuôi ấy. Ông đã viết trong Tự truyện: “Quê người, Giăng thề, Xóm Giếng ngày xưa, trong đó có những mảnh đời, mảnh tình cỏn con của mình”, và hẳn là, những truyện ngắn về tình yêu của ông cũng như thế. Tô Hoài đã viết một loạt truyện ngắn về tình yêu của ông, yêu nhau mà không lấy được nhau. Không truyện nào giống truyện nào, mỗi truyện là một cảnh ngộ riêng, một số phận riêng của cuộc đời cũ lúc bấy giờ. Có mối tình dang dở vì so tuổi không hợp nhau (Lụa), có duyên phận không thành do đến phút cuối cùng, người con gái sợ không dám bỏ làng cùng ra đi với người yêu (Một chuyến định đi xa), có mối tình tan vỡ là do bố mẹ tham giàu (Một người đi xa về), lại có mối tình trớ trêu, cay đắng khi anh con trai cặm cụi học viết được Lá thư tình đầu tiên thì người con gái đã đi lấy chồng, và chua xót biết bao khi chỉ vì bả phù hoa của Kẻ Chợ mà có mối tình đã bay lên trời nhẹ bỗng như không (Vàng phai)… Những chuyện tình thật cảm động mà cũng thật buồn, bởi đằng sau những mối tình tan vỡ đó, là một làng quê cũng đang đảo lộn, phá sản, bần cùng. Người ta rủ nhau đi kiếm ăn xa ở Quê người mặc cho Giăng thề và Xóm Giếng ngày xưa vẫn còn đó. Nhưng làng xóm thì xơ xác buộn thiu, những cô gái làng đẹp nhất đã bị văn mình tỉnh “phỗng” mất và chuyện phụ tình, tham vàng bỏ ngãi cứ nhẹ như không. Vậy là chuyện đời thường đã thành chuyện xã hội, sự việc thường và những con người thường đã dệt thành bức tranh lịch sử ở một vùng quê khá tiêu biểu cho đất nước lúc bấy giờ, mặc dầu Tô Hoài không đề cập đến sự kiện gì quan trọng cũng chẳng có đấu tranh giai cấp, xung đột xã hội căng thẳng như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo của Nam Cao. Phải chăng đó là cảm nhận lịch sử, phản ánh lịch sử theo cách riêng của Tô Hoài và một sự cảm nhận như vậy không phải là không mang đến cho người đọc những rung động sâu sắc và thấm thía!
3. Có ai ngờ ngòi bút tưởng sinh ra chỉ để cắm sâu vào cùng đất ven đô ấy, sau Cách mạng tháng Tám, lại gắn bó với vùng cao Tây Bắc thật sâu nặng. Đó là một ngòi bút nhập cuộc, luôn theo sát các phong trào cách mạng nên đã nhanh chóng bén duyên với núi rừng Tây Bắc và trở thành ngòi bút thân thiết của Miền Tây. Ở đây, ông đã gặt được một lúc cả hai mùa: Mùa tình dân và mùa văn học. Có mùa tình dân thì mới có mùa văn học, như ông đã chân tình ghi nhân: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ trong tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên”. Vâng, ông không thể nào quên được hai tiếng “Chéo lù! Chéo lù!” (Trở lại! Trở lại!) cùng với đôi tay vẫy, lúc vợ chồng A Phủ tiễn ông ra khởi dốc núi Tà Quà, lúc vợ chồng Lỷ Nủ Chu tiễn ông dưới chân núi Cao Phạ. Hai tiếng “Chéo lù! Chéo lù!” đã theo ông về tận dưới xuôi và thôi thúc ông phải viết một cái gì đó để trả món nợ lòng cho những người mà ông thương mến. Và Truyện Tây Bắc đã ra đời, trở thành đỉnh cao của văn học viết và miền núi, cùng Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc về Tây Nguyên đánh Pháp. Với Truyện Tây Bắc (giải nhất Hội Văn nghệ Việt Nam 1955), Tô Hoài đã góp phần khai phá, đặt nền móng và mở ra một hướng sáng tạo mới cho các tác phẩm viêt về miền núi, về nhiều phương diện khai thác chủ đề, tìm hiểu và chọn lọc hiện thực và nhất là cảnh vật và con người miền núi trong tiềm năng và xu thế phát triển cách mạng của nó bằng con mắt tin yêu, bình đẳng và đoàn kết dân tộc. Nhưng ở đây cũng như Miền Tây (giải thưởng Hoa Sen 1970 của Hội Nhà văn Á – Phi), ta vẫn gặp một Tô Hoài của con người và cuộc sống đời thường, khi ông miêu tả một cô Mỵ lùi lũi như con rùa ở xó cửa, ngồi trong căn buồng nhỏ có cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ, trăng trắng và một đêm tình mùa xuân phơi phới, cô muốn đi chơi nhưng lại bị trói đứng vào cột nhà bằng cả một thúng sợi đay; một anh A Phủ bị đánh mặt sưng như hổ phù tập tễnh cầm con dao chọc tiết lợn để hầu làng ăn vạ, cuối cùng bị trói đứng vào cột dây mây chờ chết; rồi tiếng sáo gọi bạn tình, việc A Châu đọ tay với A Phủ vào lễ ăn thề giữa hai người. Khi ông dựng lên một phiên chợ vùng cao ngày xưa, bên gốc cây chồng say rượu, vợ ngồi chờ, người nằm la liệt quanh bàn đèn thuốc phiện, người ngồi quây quần bên nồi “thắng cố”. Tất cả đều là những chi tiết của đời thường đã đi vào những trang viết miền núi của Tô Hoài. Đó là kết quả của 8 tháng nhà văn thâm nhập vào Tây Bắc, đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, đến với vợ chồng A Phủ trên đỉnh núi Tà Quà, cùng ăn cơm ngô, canh rau cải nấu với thịt chuột, có lúc ăn cả món “bọ hung xào”, cùng tham gia “cướp vợ” với thanh niên H’Mông trong những đêm trăng sáng giữa rừng. Và hẳn là, đôi mắt sắc sảo, tinh đời ấy đã nhìn thấy nhiều điều mời lạ, nhiều phong tục thú vị của một vùng đất thơ mộng và những con người tốt bụng mà ta chưa hiểu hết. Với hai tác phẩm Truyện Tây Bắc và Miền Tây, Tô Hoài đã ghi lại sinh động bằng hình thức nghệ thuật những chặng đường phát triển của dân tộc vùng cao từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là đóng góp có ý nghĩa đối với quê hương văn học thứ hai của ông cũng như đối với nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng văn học thiếu nhi, hồi ký và tự truyện của Tô Hoài. Ở đây, ông cũng gặt hái được nhiều thành tựu mà tiêu biểu là ba tác phẩm đã được nhiều thế hệ độc giả yêu thích: Dế mèn phiêu lưu kí, Tự truyện, Cát bụi chân ai. Tô Hoài có thể xem là nhà văn viết cho thiếu nhi nhiều nhất với khoảng hơn 70 tác phẩm truyện, kịch bản phim, kịch nói, kịch múa rối. Những tác phẩm như Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Ông Gióng, Vừ A Dính, Kim Đồng, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Con mèo lười sẽ còn được lưu giữ trong tâm hồn tuổi thơ Việt Nam. Ông cũng là người viết hồi ký và tự truyện rất có duyên nhờ trí nhờ kỳ diệu và vốn sống phong phú, từng trải, nhất là ở ông có một quan niệm viết chân tình và đúng đắn: “Tôi cho viết hồi ký là khó khăn hơn cả sáng tác. Bởi đó là một cuộc đấu tranh tư tưởng để viết ra. Nó chân thành hay dối trá, nó thanh minh hay báo công khoe khoang. Làm thế nào cho khách quan nhất mà lại tình cảm nhất với một dụng ý về chủ đề thật rõ ràng. Đây là một mổ xẻ toàn diện, không phải nhẹ nhàng và chỉ có hứng thú. Với tôi, ở Tự truyện, tôi có ý thức dùng tôi để mổ xẻ một anh tiểu tư sản tri thức nghèo rất phổ biến ở nước ta”. Với Tự truyện và Cát bụi chân ai, ông đã làm được những điều ông nói.
4. Trong Tự truyện, tôi chú ý đến một đoạn viết của Tô Hoài khi ông mất việc rồi mà không dám nói với ai, vẫn phải đóng vai đi làm: “Ngày ngày, đúng giờ, tôi cuốc bộ vào thành phố, đi ngồi các vườn hoa. Tôi ngồi xem kiến bò đến tận lúc tôi có thể phân biệt rạch ròi ra từng loại kiên xây tổ khác nhau. Hôm này qua hôm khác, tôi ngắm quả sấu từ hôm rụng mắt cho tới khi nó vàng óng, nó chín”. Có phải cuộc đời 60 năm cầm bút của ông cũng gian khổ, cần cù, bền bỉ như thế này chăng? Và từ một “mẹt chữ” thành “một thúng chữ”, đến nay, ông đã có hơn 150 tác phẩm trong đó có một số tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài để đến với bạn bè thế giới. Nhà xuất bản Văn học đã cho in Tuyển tập Tô Hoài gồm 4 tập từ 1987, Dế mèn phiêu lưu kí và Vợ chồng A Phủ đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông từ mấy chục năm nay. Nhà văn đã được nhận 3 giải thưởng văn học lớn cho tập Truyện Tây Bắc, tiểu thuyết Quê nhà, tiểu thuyết Miền Tây và năm 1996 nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuất – đợt 1 do Nhà nước phong tặng. Trong tâm thức mọi người, ông là nhà văn ruột thịt của Hà Nội, nhà văn thân thiết của vùng cao Tây Bắc và là nhà văn lớn – người bạn đời thường gần gũi của cả nước.