Nhà văn Tô Hoài qua đời
Tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”… qua đời trưa nay (6/7) tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
Nhà văn Tô Hoài qua đời khoảng 11h trưa nay tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Trao đổi với VnExpress, Duy – cháu ngoại của nhà văn – cho biết, hiện tại, gia đình đang nén đau buồn để bàn bạc, định ngày giờ đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Những năm gần đây, tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký yếu đi nhiều. Ông thường xuyên phải ra vào bệnh viện vì đủ loại bệnh tật của tuổi già. Trong một lần nhà văn nhập viện mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm hỏi ông trên giường bệnh. Hôm qua, Tô Hoài trở bệnh, được gia đình đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị nhưng không qua khỏi.
Sức khoẻ hạn chế nên gần đây, nhà văn không còn tham gia nhiều sự kiện văn chương – các hoạt động mà khi còn nhúc nhắc đi lại được, ông vẫn rất hào hứng tham dự. Tuy nhiên, năm 2012, khi có mặt trong sự kiện kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, ông vẫn trò chuyện hóm hỉnh với bạn bè đồng nghiệp và chia sẻ sự say mê với việc sáng tác khi sức khoẻ cho phép.
Nhà văn Tô Hoài năm 2010. Ảnh: An Thành Đạt.
Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài của nhà văn gắn liền với hai địa danh nơi ông sinh ra và lớn lên: Sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký năm 2012, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17 – 18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.
Nhớ về Tô Hoài, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói: “Tôi nhớ nhất ông ở sự hóm hỉnh, thân mật. Tết năm ngoái, khi tôi đại diện Hội nhà văn Hà Nội vào chúc Tết ông, hai bác cháu uống rượu vang với nhau còn ‘nhấm nháy’ sợ bà cụ (vợ nhà văn Tô Hoài) ngăn cản. Lần tôi vào thăm ông ở bệnh viện năm ngoái, ông không còn nói được những vẫn nghe và hiểu. Tôi còn pha trò cho cụ vui”.
Tô Hoài trên trang viết. Ảnh: An Thành Đạt.
Đánh giá về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng ‘chú Dế Mèn’ cùng mảng viết tự truyện của ông sẽ được tìm đọc mãi”.
Nhà văn Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1 – 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, nhà văn Tô Hoài cũng được trao Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.
Hà An