Việt Nam – Những ngày trở lại của cựu chiến binh Eric Henry (2) | Đàn Chim Việt Online – Thông tin – Chính trị – Nghị luận
Tiếp theo phần 1
ERIC HENRY VÀ THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
Và rồi những emails trao đổi tiếp theo giữa Eric và tôi đều có liên quan tới chặng đường 13 năm gập ghềnh của bộ sách tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy cho đến nay vẫn chưa có thể xuất bản.
Email 1: Anh Bác sĩ Ngô Thế Vinh thân kính, [ May 4, 2022 ]
Rất cảm ơn Anh quan tâm đến việc xuất bản sách phiên dịch Hồi Ký Phạm Duy. Lịch sử của các nỗ lực của tôi và các người “đồng minh” để xuất bản sách này giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô — là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?
Một lần, Phạm Duy và tôi sắp ký hợp đồng với Cornell S.E. Asia Publications vào năm 2009 để xuất bản sách này – nhưng một công ty VN mang tên là Phương Nam không cho phép – tại vì Phạm Duy mấy năm trước đã ký một hợp đồng với Phương Nam và dành cho công ty ấy độc quyền xuất bản và phổ biến tất cả sản phẩm của Phạm Duy, gồm có cả sản phẩm thuộc lãnh vực văn chương (như Hồi Ký, chẳng hạn).
Về sau, vào năm 2012, vài tháng trước khi qua đời, Phạm Duy đã thực hiện được một sự thay đổi trên hợp đồng này, nói là độc quyền này của Phương Nam chỉ hữu hiệu trên đất Việt Nam mà thôi, chớ không hữu hiệu trong lãnh vực của các nước khác. Biện pháp này đã giải quyết vấn đề với Phương Nam, nhưng chưa giải quyết được vấn đề với những người con của Phạm Duy — đặc biệt là với Duy Đức, người con trai út của Phạm Duy.
Xin lỗi, tôi phải tạm ngừng viết, và tôi sẽ giải thích thêm vào buổi chiều ngày mai. Kính thư, Eric
Email 2: Anh Vinh thân mến, [ May 5, 2022 ]
Ngoài Duy Đức ra, một nhân vật khác trong việc này là Tina Phạm, luật sư của gia đình Phạm Duy — tôi đã từng trao đổi thư từ với Tina từ năm 2009. Duy Đức lúc nào cũng làm theo ý kiến của Tina. Theo Tina, Duy Đức nên đòi hỏi nhà xuất bản Cornell bảo đảm là họ sẽ “indemnify” (bồi thường) gia đình Phạm Duy nếu họ bị công ty Phương Nam kiện. Nhưng Sarah Grossman, tổng biên tập của Cornell nói với tôi là Cornell không thể phát hành một văn kiện “bảo đảm” như thế. Sarah Grossman đã phát hành giùm tôi một văn kiện khác tuyên bố là Nxb Cornell sẽ tuyệt đối không tìm cách bán tác phẩm này trên đất Việt Nam. Nhưng Tina và Duy Đức chưa thỏa mãn với lời hứa chính thức này của Cornell.
Eric Henry sau đó đã liên lạc với Ban Giám Đốc Cty Phương Nam, và bây giờ Cty Phương Nam đã có giám đốc và phó giám đốc mới. Eric Henry đã nhận được thư hồi âm của Trịnh Hải Phương, phó giám đốc Phương Nam.
Kính chào ông Eric Henry,
Tôi là Trịnh Hải Phương, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Sách Phương Nam, có nhận được thư của ông Eric Henry đề nghị cho phép xuất bản bản tiếng Anh “Hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy” ở Mỹ. Sau khi chúng tôi kiểm tra lại nội dung hợp đồng độc quyền khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy thì nhận ra công ty Phương Nam chỉ độc quyền khai thác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó công ty Phương Nam không giữ quyền khai thác tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Về đề nghị của ông thì thuộc quyền quyết định của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, những người thừa kế. Do đó ông có thể liên hệ với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy để trao đổi.
Trân trọng, Trịnh Hải Phương
Nhận được thư này, tôi gửi thư hồi âm như sau:
Kính gửi Ông Trịnh Hải Phương,
Rất cám ơn Ông gửi thư hồi âm. Thư của Ông rất rõ rệt và rất là giúp việc. Tôi sẽ cho Nxb Cornell và gia đình nhạc sĩ Phạm Duy biết về thư này ngay lập tức. Tôi thấy là mỗi người sẽ yên tâm hơn; (và trong bản dịch Hồi Ký tôi sẽ nói về vai trò quan trọng của Công ty Phương Nam trong việc hồi hương của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi thấy là nếu hồi trước không có Phương Nam, thì cuộc hồi hương ấy chắc là không có cách nào thực hiện được.) Một lần nữa, xin hết lòng đa tạ Ông và các đồng nghiệp. Xin chúc Ông mọi sự tốt đẹp.
Eric Henry
Và Ông Phương đã trả đáp như thế này:
Kính gởi ông Henry,
Cám ơn ông đã hồi âm, công ty Phương Nam chỉ góp một phần nhỏ trong việc phổ biến những giá trị nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Duy đến với người dân Việt Nam.
Cá nhân Phương Nam cũng rất cảm kích công việc anh đã làm cho nhạc sĩ Phạm Duy và hy vọng tập hồi ký được sớm xuất bản.
Trân trọng, Trịnh Hải Phương
Như vậy, Công ty Phương Nam không những không phản đối việc này, mà còn hy vọng là The Memoirs of Phạm Duy được sớm xuất bản.
Email 3: Anh Vinh thân quý, [ May 7, 2022 ]
Cám ơn Anh gửi cho tôi thấy thiếp chúc mừng 1996, và bức thư 1995 mà đều mang bút tích của cố nhạc sĩ. Tôi sẽ tiếp tục cung cấp chi tiết về vụ tìm cách xuất bản The Memoirs of Phạm Duy. Thân ái, Eric
…
Cám ơn Anh liên lạc với Duy Minh, Duy Cường và Duy Đức. Tôi thấy là Duy Cường, giống như tôi, rất muốn thấy Cornell xuất bản The Memoirs. Thân ái, Eric
Email 4: Anh Vinh thân quý, [ May 10, 2022 ]
Nay mai, tôi sẽ viết thêm một chút về vụ xuất bản “The Memoirs”. À, suýt quên: 3 bản hợp đồng mà tôi đã gửi cho Anh không chút nào “classified”. Muốn trích dẫn câu nào, xin tùy nghi! Chúc Anh thoải mái, yên tâm, Thân ái, Eric
…
NGÔI NHÀ MỚI CỦA PHẠM DUY
BA BỨC THƯ NGÔ THẾ VINH GỬI NHỮNG NGƯỜI CON NHẠC SĨ PHẠM DUY
Qua điện thoại, tôi liên lạc được với Phạm Duy Minh, người con trai thứ hai của nhạc sĩ Phạm Duy, đang sống nơi căn nhà của cha ở Midway City. Tôi có nói với Duy Minh về ý nghĩa to lớn của bộ Hồi Ký tiếng Anh đối với sự nghiệp của Bố Phạm Duy khi được University Press của một Đại Học danh giá là Cornell nhận xuất bản. Đây cũng là điều mà Phạm Duy khi còn sống đã rất mong ước.
Nhưng rồi qua Duy Minh – nay là con cả trong gia đình sau khi Duy Quang mất, tôi được biết là tất cả bảy anh em – cùng có quyền thừa kế giống nhau, nếu chưa có sự đồng thuận tuyệt đối 7/7 thì chưa thể có một hợp đồng với Đại Học Cornell. Và sau đó Duy Minh đã cho địa chỉ email của ba người: Duy Minh, Duy Cường và Duy Đức để tôi có thể trao đổi liên lạc.
Mặc dù đang rất bận rộn, nhưng do sự trân quý sự nghiệp âm nhạc / văn hóa của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đã không ngần ngại chia sẻ những ý nghĩ tâm huyết với Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và các Anh Em trong gia đình Phạm Duy, chỉ với mục đích duy nhất là làm sao vượt qua tất cả những trở ngại hiện nay để bộ Hồi Ký The Memoirs of Phạm Duy sớm được xuất bản.
Và sau đây là vắn tắt nội dung ba bức thư ngỏ, trong đó tôi xưng Anh với những người con của nhạc sĩ Phạm Duy, vì tất cả đều nhỏ tuổi hơn.
Tôi có nhắc, là mấy năm cuối đời Bố Phạm Duy đã quan tâm và kỳ vọng rất nhiều về bộ Hồi Ký bản tiếng Anh nếu được xuất bản ở Mỹ. Năm 2012, một năm trước khi Phạm Duy mất, trong một cuộc phỏng vấn Ông còn hãnh diện nhắc bộ sách The Memoirs of Phạm Duy. Đến nay 2022, 10 năm đã trôi qua, bản tiếng Anh ấy vẫn còn nằm ở Đại Học Cornell như một bản thảo. Và người dịch cuốn sách ấy là Tiến Sĩ Eric Henry, mà mấy Anh Em cũng đã từng gặp, Anh ấy năm nay cũng đã 79 tuổi rồi, với tuổi đã cao như vậy, nếu có vấn đề gì về sức khỏe đột ngột xảy ra cho Anh ấy, thì bao nhiêu công sức của Anh Eric Henry và của Bố Phạm Duy sẽ có nguy cơ bị rơi vào quên lãng! Sẽ rất đáng tiếc!
Tôi cũng nhắc tới điều mà Duy Minh và mấy Anh Em có thể e ngại là có vi phạm bản Hợp Đồng với Công ty Văn Hóa Phương Nam, nhưng điều đó không có — vì trước khi Bố Phạm Duy mất, bản hợp đồng với Phương Nam ghi rõ chỉ hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam!
Và như vậy, tiếng nói quyết định cuối cùng để The Memoirs of Phạm Duy có thể được Cornell University Press xuất bản là nơi 7 anh em — những người con thừa kế di sản Phạm Duy.
Tôi đã đề nghị Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và tất cả mấy Anh em trong gia đình nên cùng nhau bàn bạc để có một quyết định đúng vì sự nghiệp lâu dài của nhạc sĩ Phạm Duy. Vì thời gian sinh học thì không phải là bất tận. Tôi cũng nhắc cho Duy Minh, Duy Cường, và Duy Đức cùng các anh em trong gia đình nhạc sĩ Phạm Duy thêm một văn kiện từ Đại Học Cornell / attachment của “Sarah Grossman bảo đảm là Nxb Cornell sẽ tuyệt đối không bán The Memoirs of Phạm Duy trên đất Việt Nam.”
Cho dù ngay từ ban đầu, Nhạc sĩ Phạm Duy đã đồng thuận làm việc song hành với TS Eric Henry để hình thành được bộ sách tiếng Anh đồ sộ The Memoirs of Phạm Duy. Nhưng nay do Bố Phạm Duy đã mất, Nxb University Press Cornell vẫn cần thêm một giấy cho phép / Permission của những người con thừa kế di sản Phạm Duy, tôi cũng đã gửi kèm theo eMail thứ 3 này một mẫu bản thảo / draft lá thư cho phép ấy. Một thủ tục đơn giản nhưng quan trọng để Đại Học Cornell có thể khởi sự in bộ sách The Memoirs of Phạm Duy. Bản thảo gợi ý đó như sau:
To: Eric Henry
Cc: Cornell University Press
I, Phạm Duy Minh, the son of the Vietnamese song composer and author Phạm Duy, am the copyright proprietor (representing both myself and my six brothers and sisters), of the musical and literary works of my father, including his four-volume set of Vietnamese-language memoirs, Hồi Ký Phạm Duy. I, Phạm Duy Minh, hereby grant you permission to promote your annotated English translation of this autobiographical work, which I have seen and approved.
With this letter I certify as well that I grant you permission to publish this work with Cornell University Press.
Signed,
Phạm Duy Minh
“Và rồi tôi có nhắc tới ngày 27.01.2023 sắp tới đây sẽ là Ngày Giỗ thứ 10 của nhạc sĩ Phạm Duy. Ngày Giỗ sắp tới ấy sẽ có thêm rất nhiều ý nghĩa nếu trên bàn thờ Bố Phạm Duy, thay vì chỉ có hoa trái nhang đèn, sẽ là một bộ sách The Memoirs of Phạm Duy, điều mà Anh Vinh biết chắc chắn là nhạc sĩ Phạm Duy đã rất ao ước lúc sinh thời!”
Một cuốn sách được xuất bản bởi một Đại Học danh tiếng như Cornell, sẽ được lưu trữ nơi các thư viện lớn trên thế giới, để từ đó có thể mở ra các cuộc nghiên cứu, đây không chỉ là niềm tự hào của Bố Phạm Duy mà còn niềm hãnh diện cho các thế hệ thứ 2 thứ 3 của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Hãy không để dự án lớn này bị “đứt gánh giữa đường” để sau này chỉ còn lại là sự hối tiếc!
…
Bằng mọi giá, Duy Minh Duy Cường Duy Đức và Các Anh Em cần có nỗ lực “tạo thuận” cho giấc mơ của Bố Phạm Duy trở thành hiện thực, để rồi ra, Duy Minh Duy Cường Duy Đức và Các Em sẽ không phải thốt nên câu là “rất tiếc”…
Last but not least, Think Big nha mấy Anh Em!
…
Các emails này tôi đều có gửi cho Anh Eric được đọc, trong một email thứ ba không rút ngắn, có thêm đoạn này:
…
Thập niên 1970, khi anh Vinh họp một Hội nghị Sinh Viên Á Châu bên Nhật, anh Vinh thấy các bảng hiệu rầm rộ quảng cáo cho cuốn phim “Love Story” mô phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Erich Segal: câu catchphrase ấy là: “Love means never having to say you’re sorry / Yêu là không bao giờ phải nói câu là anh rất tiếc”. Anh Vinh lúc này thì nghĩ tới tình yêu thương của những đứa con đối với Bố Phạm Duy. Bằng mọi giá, Duy Minh và Các Em cần phải “tạo thuận” cho giấc mơ của Bố Phạm Duy trở thành hiện thực, để rồi ra, Duy Minh và Các Em sẽ không phải thốt nên một câu là “rất tiếc”.
Đó là những điều tâm huyết mà Anh Vinh muốn chia sẻ với Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức và các Anh Em.
…
Eric Henry viết:
Anh Vinh thân quý, Thiệt ra, tôi rất thích draft email [3] mà Anh đã gửi cho tôi thấy ngày hôm qua — trong khi đọc, tôi thấy là cách viết của nó hùng biện đến độ “chuyển trời rung đất”, có đầy đủ sức lực khiến thần quỷ rơi lệ, tuy vậy, nếu Anh thấy là draft mới nhất sẽ hữu hiệu hơn, thì tôi cũng xin tuân theo. I trust your judgement.
Với 3 bức tâm thư được gửi đi và đã đến người nhận, nhưng rồi vẫn là sự im lặng của những người con Nhạc sĩ Phạm Duy.
Không biết ngày mai của bộ Hồi Ký ấy sẽ ra sao: Que Sera, Sera… Và rồi trong sự tin cậy, Eric Henry sau đó cũng đã gửi tôi một copy bản thảo bộ sách The Memoirs of Phạm Duy như “Của tin gọi một chút này làm ghi.“ [Nguyễn Du]
PHẠM DUY – ERIC HENRY VÀ HUẾ
Trong một bài viết thay lời chúc mừng thượng thọ Phạm Duy 90 tuổi (2011) nhan đề Phạm Duy và Huế, Đặng Tiến viết:
“Nhạc sĩ Phạm Duy không có quan hệ dây mơ rễ má gì với đất Huế và người Huế, nhưng xứ thần kinh đã để lại trong nhạc phẩm anh nhiều âm hưởng và hình ảnh sâu đậm, đặc biệt sau bốn lần ghé Huế: 1944 khi đi hát rong; 1946 sau cách mạng tháng 8, từ chiến khu Nam Bộ về Bắc; 1948 trong kháng chiến chống Pháp; và 1953 khi về thành.”
Không phải chỉ có 4 lần ghé Huế, Phạm Duy đã có rất nhiều lần ra Huế sau thập niên 1960, khi cường độ chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, cũng là thời gian Phạm Duy viết 10 bài Tâm Ca. Riêng Nguyễn Đắc Xuân có ba bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc: Để Lại Cho Em, Nhân Danh, Chuyện Hai Người Lính. Bài Tâm Ca Số 5 – Để Lại Cho Em, là một dấu ấn đặc biệt của giai đoạn ấy.
TÂM CA SỐ 5: ĐỂ LẠI CHO EM
(nhạc: Phạm Duy – thơ: Nguyễn Đắc Xuân)
Ðể lại cho em này nước non mình
Ðể lại cho em một nước đẹp xinh
Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh
Ðể lại cho em hèn kém của anh
Ðể lại cho em cuộc sống mệt nhoài
Ðể lại cho em hồn nước tả tơi
Ðường đời quanh co kẹt lối
Lòng người không căm giận dỗi
Ðể lại cho em tội lỗi qua rồi…
Cuộc gặp gỡ giữa Phạm Duy – Nguyễn Đắc Xuân, và tôi sau này nơi căn nhà bên bờ sông Hương ấy được ghi lại trong Chương XVII cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, với nhân vật hư cấu tên Vy, một sinh viên Phật tử tranh đấu chính là Nguyễn Đắc Xuân và một nhạc sĩ nổi danh về Dân Ca là Phạm Duy.
Đôi lần vào Sài Gòn, Nguyễn Đắc Xuân đều có tới tòa báo Tình Thương, Xuân đích thân đem theo một bài viết hay đôi bài thơ để được chọn đăng trên tờ báo Tình Thương.
Khoảng tháng 4/1965, khi ấy tôi đang là Tổng thư ký tòa soạn báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương, Nguyễn Đắc Xuân, trong một chuyến vào thăm các Thầy ở chùa Già Lam, có tới tòa soạn 103 Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài Phát thanh Sài Gòn, trao tay một bài viết nhan đề: Bài Âu Ca của Phạm Duy, sau đó bài được chọn đăng trên báo Tình Thương số 17, phát hành tháng 5/1965. Nguyễn Đắc Xuân rất mê nhạc Phạm Duy và nhất là phần ca từ, Xuân viết: “lời nhạc của anh hay hơn cả thơ”. Nguyễn Đắc Xuân cũng có làm thơ, Bài Tâm Ca số 5 sáng tác năm 1965 của Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để Lại Cho Em” của Nguyễn Đắc Xuân.
Một năm sau đó, tháng 5/1966, tôi gặp lại Nguyễn Đắc Xuân ở Huế trong chuyến ra Chùa Từ Đàm, cùng Chủ Nhiệm Phạm Đình Vy thực hiện cuộc phỏng vấn 96 Phút với Thượng Tọa Thích Trí Quang.
Khi ấy, Nguyễn Đắc Xuân là sinh viên năm cuối ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế và là Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế, được coi như một thành phần chủ chốt của Phong trào đô thị đấu tranh của cộng sản nằm vùng nấp bóng Phật giáo, sau đó bị lộ diện và truy lùng, Xuân trốn vào sống trong các chùa và sau đó thoát ly vào mật khu của cộng sản từ cuối 1966.
Tới Tết Mậu Thân 1968, thì Nguyễn Đắc Xuân xuống núi, lộ nguyên hình là một cán bộ cộng sản và đã có mặt ở Huế trong suốt chiều dài tấn thảm kịch Tết Mậu Thân, nơi diễn ra vụ thảm sát hơn ba ngàn thường dân Huế với các nấm mồ chôn tập thể.
Sau 1975, với công lao cách mạng ấy, đảng viên cộng sản Nguyễn Đắc Xuân được phong làm cán bộ Tuyên giáo Thành ủy Huế, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi sau đó được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Huế và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác.
Và từ 1966 cho tới nay 2022, chưa bao giờ tôi gặp lại người sinh viên quyết tử năm xưa – nay Xuân có thêm danh xưng là “nhà Huế học”, có người còn dễ dãi gọi Nguyễn Đắc Xuân là sử gia. Ở tuổi 85, Nguyễn Đắc Xuân (sinh năm 1937), không còn là hình ảnh gầy ốm của một sinh viên “hàn nho” thuở nào, và khi gặp phóng viên Phan Đăng, báo Công An Nhân Dân, Nguyễn Đắc Xuân với giọng hãnh tiến: “Tôi xây nhà được nhờ viết sách. Cho con cái đi học nước ngoài nhờ viết sách. Sống khỏe nhờ viết sách.“ [Báo Công An Nhân Dân PV nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, 25.03.2019]
Nguyễn Đắc Xuân – nhân danh một nhà Huế học, đã nói về Cố đô Huế như sau: “Không đâu êm ả, phẳng lặng tựa như mặt nước sông Hương nhưng cũng không ở đâu sóng lũ dữ dội như ở Huế. Khách đường xa đến Huế ai cũng thấy đời sống chậm, khoan thai, họ không hiểu Huế là nơi có những biến động không nơi nào trên nước mình sánh được.”
Và biến động “không nơi nào trên nước mình sánh được” vẫn là vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 – kéo dài suốt 26 ngày hay đúng hơn 624 giờ — mà mỗi giờ là giờ thứ 25 / La Vingt-cinquième Heure của mỗi người dân Huế sống sót — và trong “mắt bão” Tết Mậu Thân đó, tên tuổi Nguyễn Đắc Xuân luôn luôn được nhiều phía nhắc tới, như một tác nhân và là nhân chứng sống.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN “ĐỎ” VÀ NHẠC “VÀNG”
Mùa Hè 2017, 4 năm sau ngày Phạm Duy mất, TS Eric Henry được mời ra nói chuyện ở Nhạc Viện Huế, với đề tài ban đầu là: “Nhạc Á Đông, nhạc Phạm Duy” sau phải đổi là “Lịch sử nhạc phổ thông Việt Nam và các nước láng giềng”, tên Phạm Duy không được chính thức ghi trên Poster trong sự kiện văn hóa ấy. Eric Henry qua một email, đã kể cho tôi nghe diễn tiến trước và sau chuyến đi Huế ấy:
“Khi nói với khán thính giả, tôi – Eric Henry muốn kể lể cho họ nghe một mảnh đối thoại ngày nào giữa tôi và Phạm Duy. Phạm Duy đã hỏi tôi, “Ông nghĩ gì về nhạc vàng?” Trả đáp của tôi lúc ấy là: “Tôi thấy nhạc vàng là một loại nhạc chân thật.” [khi nghe câu ấy, Phạm Duy đã không nói gì, nhưng có vẻ nửa đồng ý nửa bất đồng ý.]
Khi tôi thảo luận về việc này với Nguyễn Đắc Xuân, anh Xuân đã “cảnh cáo” tôi là trong một nơi công cộng như Nhạc viện Huế, tôi không được nói là nhạc vàng là loại nhạc “chân thật” – vì nếu nói thế, thì mỗi người nghe sẽ hiểu là bên cạnh nhạc chân thật phải có một loại nhạc “không chân thật” nữa – và mỗi người sẽ hiểu ngay là nhạc “không chân thật” là cái gì: nhạc đỏ.
Cho nên tôi – Eric Henry đành phải theo lời dặn Nguyễn Đắc Xuân và tự kiểm duyệt. Trong khi diễn giảng trước khán thính giả, tôi chỉ nói: “nhạc vàng là một loại nhạc mà biểu tỏ cảm tưởng chân thành về đời sống của người bình thường”. Tôi rất là không thích câu ấy — quá thiếu bề thẳng thắn, thiếu bề trung thực!
Trong buổi nói chuyện, TS Eric Henry đã nói được những nét cơ bản về tân nhạc tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, và cả Đại Hàn, Trung Quốc.
TS Eric Henry chủ yếu nhấn mạnh đến nền tân nhạc Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là nhạc sĩ Phạm Duy, TS Eric Henry đã nhận xét: “Nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đa dạng như các bức tranh của danh họa Picasso”.
Trong bài diễn văn tôi – Eric Henry, cũng kể một truyện ngụ ngôn, “Hai đứa bé” để biểu tỏ sự khác biệt then chốt giữa nhạc Phạm Duy và nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ đây là phần duy nhất trong bài có mùi vị buồn cười. Câu chuyện ấy như sau:
Có lần, khi đi thăm Phạm Duy ở nhà của ông tại Midway City bên Cali, tôi đang ngồi bên cạnh ông trên ghế sô-pha, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện về sự khác biệt giữa nhạc của ông và nhạc Trịnh Công Sơn. Nhân dịp ấy, tôi nói với ông là đề tài này thường hay khiến tôi liên tưởng đến một truyện cười, mà tôi xin kể ra cho ông nghe. Lúc ấy tôi hơi sợ là truyện này có thể khiến ông thấy mếch lòng, nhưng tôi không sợ lắm, tại vì tôi biết Phạm Duy không những thông minh tột độ, mà còn là người có óc khôi hài, cho nên chắc sẽ có sức thưởng thức được. Truyện là như thế này:
Hai Đứa Bé: Có ngày một cặp vợ chồng đi thăm một bác sĩ tâm lý. Họ hết sức lo âu tại vì hai đứa con trai của họ đều có một bệnh tâm lý nặng nề. Một đứa bé thì lạc quan tuyệt đối, lạc quan quá độ, lạc quan vô lý. Còn đứa bé thứ hai có một thứ bệnh tật đối nghịch—bé ấy bi quan tuyệt đối, bi quan quá độ, bi quan vô lý.
Sau khi bác sĩ nghe xong, ông ta nói, “Được rồi, tôi có một phương pháp điều trị hai đứa ấy. Cái quá trình điều trị mà tôi định sử dụng sẽ kéo dài ba ngày. Xin ông bà trở lại đây ngày mai với hai đứa bé. Ngày kế tiếp, khi vợ chồng trở lại với hai đứa con, thì bác sĩ đã chuẩn bị xong hai căn phòng khác nhau. Một căn phòng đầy đồ chơi. Đồ chơi ấy có rất nhiều thứ, được làm một cách rất tinh vi, và có nhiều màu sắc vừa sáng vừa đẹp. Còn căn phòng thứ hai, thì đầy cứt ngựa. Chỉ có cứt ngựa thôi, không có gì khác bên trong.
Và bác sĩ cho đứa bi quan dọn vào phòng đồ chơi và ở lại đó ba ngày, trong khi đứa lạc quan ở lại phòng cứt ngựa ba ngày. Sau thời gian chỉ định đã qua, các người lớn bước vào phòng đồ chơi, và thấy là đứa bi quan đang khóc liên miên với những giọt nước mắt lớn rơi xuống mặt.
Bác sĩ hỏi em:
“Em sao thế? Em không thích đồ chơi này sao?”
Và em trả đáp:
“Những đồ chơi này thật là đẹp, thật tinh vi, thật đáng quý. Và chính vì thế tôi cảm thấy đau buồn vô cùng. Vì tôi biết rõ là những đồ chơi này không thể tồn tại vĩnh viễn. Một ngày sẽ đến khi tất cả đồ chơi này sẽ bị tan vỡ hết.” Nói xong, em bé khóc lần nữa, với vẻ bi thảm hơn trước.
Rồi các người lớn bước vào phòng cứt ngựa. Họ thấy là bé lạc quan có vẻ hết sức vui sướng. Nó đang reo vui và đang nhảy liên miên từ một góc phòng đến một góc phòng khác.
Bác sĩ hỏi:
“Em sao thế? Cứt ngựa xung quanh không khiến em thấy chán sao?”
Và em trả đáp:
“Cứt ngựa thật nhiều như vậy, thì chắc chắn có một con ngựa thực sự ở đâu đó!” Và em ấy tiếp tục nhảy và reo vui.
…
Xin hỏi quý vị cảm thấy như thế nào—đứa bé nào là Phạm Duy, và đứa bé nào là Trịnh Công Sơn? Khi kể ra truyện này cho Phạm Duy nghe, tôi thấy là cái chi tiết mà ông tâm đắc nhiều nhất là chi tiết cứt ngựa, nhưng sau khi nghe, ông không tỏ ra ý kiến nào về sự so sánh mà tôi đã muốn đưa ra.
Sau truyện “Hai đứa bé”, tôi – TS Eric Henry – bàn bạc về hai ca khúc kể truyện của Phạm Duy: “Chiếc cặp tóc thơm tho” và “Ngày xưa một chuyện tình buồn” [Hương Ca số 9 và số 4], và đã đi sâu phân tích từ chủ đề, ca từ, cấu trúc, giai điệu, 2 ca khúc điển hình ấy trong số 10 bài Hương Ca của Phạm Duy được sáng tác mấy năm cuối ở hải ngoại, trước khi Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam.
Riêng các sinh viên ở nhạc viện Huế hoàn toàn không có phản ứng nào cả—lý do là họ đang ngồi với hằng trăm bạn đồng học, xen lẫn với công an văn hóa và trong một hoàn cảnh công khai như vậy—làm sao mà có đầy đủ can đảm để đặt ra bất cứ câu hỏi hoặc nhận xét nào đấy? Rất tiếc là không thể có cuộc gặp mặt riêng tư với một số nhóm nhỏ sinh viên—nếu đã làm như thế được, thì chắc là kết quả sẽ khác hẳn.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Được Eric Henry tặng sách, như một đáp lễ, qua Amazon tôi gửi tặng Eric bộ sách Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa. Chỉ 3 ngày sau, tôi nhận được email hồi âm của Eric:
“Hoan hô! Amazon đúng hẹn rồi! Tôi vừa nhận được Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa, Tập 1 và Tập 2. Trong khi coi Tập 2, tôi hài lòng và quan tâm đặc biệt khi thấy là Anh đã chú ý nghệ thuật tạo hình trong những bài viết về họa sĩ Tạ Tỵ và hai điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ và Mai Chửng. Tôi cũng muốn thấy những gì mà Anh đã viết về John Steinbeck. Tôi suốt nhiều năm hết sức đam mê ngôn ngữ đẹp do Steinbeck tạo ra trong tiểu thuyết (gần như đầu tay) của anh: Tortilla Flat. Có hai quyển sách của Anh, tôi bây giờ có cơ hội được giáo dục về nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam. Đây là một niềm vui lớn!”
Rồi là một email tiếp theo:
“Tôi đã coi lại tập Chân Dung 1, và thấy là ngoại trừ các bài viết về Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường và Nghiêu Đề, có bài viết về họa sĩ Nguyên Khai nữa. Tôi rất muốn biết thêm về những người đã “cống hiến cả cuộc đời của mình cho nghệ thuật” này.
Giống như Anh, tôi suốt nhiều năm đã được cái may mắn trở nên khá thân mật với nhiều người “bất thường tầm — vẫn chữ của Eric”. Tiếc thay, họ đang dần dần trở thành “người của trăm năm cũ” rồi. Tôi nên bắt chước Anh và thử viết một tập “chân dung” để vinh danh họ.”
Và chẳng thể ngờ, cũng từ đây giữa hai chúng tôi nảy nở ra mối tương quan mới, với một dự án mới: TS Eric Henry dự định sẽ dịch sang tiếng Anh hơn một ngàn trang toàn bộ hai tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa của tôi. Tôi cũng hiểu rất rõ rằng, Eric cũng đang còn bận rộn với bao nhiêu công trình dở dang khác của anh.
“Vạn sự khởi đầu nan”, chúng tôi vẫn nói với nhau như thế. Tôi còn nói thêm câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Ngay hôm sau, tôi lại nhận được một email khác của Eric:
Anh Vinh thân quý, Dưới đây là hình chụp của cụ Nguyễn Bá Học (1857 – 1921), tác giả danh ngôn “Đường đi khó, không có vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Câu đó tôi đã ngâm đi ngâm lại suốt năm mươi mấy năm vừa qua, là một phần căn bản của cuộc sống Eric Henry.
Danh ngôn này hình như là biến thể của một câu trong thơ Bạch Cư Dị 白居易 (772 – 846): 行路難不在水不在山,只在人情反覆間. (Hành lộ nan bất tại thủy bất tại sơn, chỉ tại nhân tình phản phúc gian), ý nghĩa hơi khác, nhưng cũng sâu sắc—tuy vậy, không có tinh thần hào hùng của câu Nguyễn Bá Học.
Không lâu sau đó, tôi nhận được một chương sách dịch đầu tiên Chân Dung Mặc Đỗ của bộ sách tiếng Anh dự tính có nhan đề là: Creative World of the South Vietnam 1954 – 1975. Và rồi liên tiếp sau đó, cứ mỗi hai tuần hay mười ngày, tôi lại nhận được bản dịch một Chân Dung mới. Và hôm nay là Dương Nghiễm Mậu: “Forty Years of Dương Nghiễm Mậu And the “Autobiography of Nguyễn Du” cũng là Chân Dung thứ sáu vừa được Eric dịch xong, cùng với một lá thư của dịch giả Eric Henry, mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, thay cho một kết từ của bài viết này.
Anh Vinh thân quý, Anh thật là “nhà báo của các nhà báo – Eric dùng cụm từ trong bài viết về Chân Dung Như Phong”. Đối với Anh, thế giới này không có cách giữ được bất cứ việc bí mật nào — sợ là chẳng bao lâu nữa sự hiểu biết của Anh về quá khứ Eric Henry sẽ vượt qua chính Eric Henry!
Tôi bây giờ đang nghĩ về một bức thư mô tả các tác phẩm của Anh cho một nhà xuất bản. “Chân Dung tập 1” tôi tạm gọi là: “The Creative World of South Vietnam, vol. 1: Eighteen Literary, Artistic, and Cultural Portraits”. Tôi đã làm một danh sách cho các nhà xuất bản dễ thấy nội dung là như thế nào (và sẽ làm một danh sách tương tự cho tập 2): Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc liên lạc với các nhà xuất bản. Eric
…
Để hoàn tất bản dịch hơn một ngàn trang sách, rồi tìm được một nhà xuất bản Mỹ trong dòng chính như University Press, còn là cả một chặng đường dài gian truân, như qua một câu thơ Tản Đà:
Hai vai gánh nặng con đường thời xa, và rồi chúng tôi cùng chúc cho nhau, giữ sao cho chân cứng đá mềm.
Và cả hai chúng tôi cũng không bao giờ quên, là làm sao bằng mọi giá sớm xuất bản cho được bộ sách The Memoirs of Phạm Duy, một trong những ước mơ của nhạc sĩ Phạm Duy nay vẫn còn đang dang dở.
Little Saigon, 08/08/2022
THAM KHẢO
1/ “Phạm Duy and Modern Vietnamese History.” Eric Henry. Southeastern Review of Asian Studies 27 (2005), pp. 89 – 105.
2/ The Memoirs of Phạm Duy. Translated from the Vietnamese by Eric Henry. To be published by Cornell University Press.
3/ The curious memoirs of the Vietnamese composer Phạm Duy. John C. Schafer. Journal of Southeast Asia Studies. Feb 2012. The National University of Singapore, 2012.
4/ Tìm hiểu Nhạc Phạm Duy / Phạm Duy’s Study. Nhiều tác giả. Lưu hành nội bộ. [nguồn: Phạm Duy, tháng Giêng 2007]
5/ Phỏng Vấn GS ngôn ngữ học Tiến sĩ Eric Henry. Quỳnh Lệ. Người Viễn Xứ, 17/07/2005.