Trịnh Hoài Đức(1765 – 1825) – Nhân Vật Lịch Sử.
Thân thế và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức
Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu (1765), tại thôn Bình Trước, dinh Trấn Biên (nay là thành phố Biên Hòa- Đồng Nai) tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam sống ở thế kỷ 18.
Năm Mậu Thân (1788), sau khi đánh lấy được Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho mở khoa thi để chọn người giúp việc. Trịnh Hoài Đức đỗ khoa ấy, được bổ làm Hàn lâm chế cáo. Đến năm sau (1789), ông được bổ làm Tri huyện ở Tân Bình, rồi được kiêm làm Điền toán trông coi việc khai khẩn đất đai ở Gia Định.
Năm 1795, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Từ năm 1812 đến năm 1820, ông làm hiệp Tổng trấn, rồi làm phó Tổng trấn Gia Định thành. Ông cùng với Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định được người đời ca ngợi là “Gia Định tam gia”.
Trịnh Hoài Đức đã để lại cho hậu thế những công trình văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Gia Định thành thông chí”; “Cấn trai thi tập gồm 3 tập: Thối thực truy biên tập, Quan quang tập, Khả dĩ tập; Bắc sứ thi tập”; “Lịch kỷ nguyên”; “Kháng tế lục”; “Gia Định tam gia thi tập” (viết chung với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh).
“Gia Định thành thông chí” là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức viết về miền đất Gia Định bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam Bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn. Bộ sách “Gia Định thành thông chí” của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam. Ông cũng là một công thần của triều Nguyễn, đã giúp cho vua Gia Long rất nhiều về các phương diện ngoại giao, chính trị và kinh tế.
Tháng 2 năm Tân Tỵ (1825), Trịnh Hoài Đức mất vì bệnh tại Huế, thọ 61 tuổi. Vua bãi triều 3 ngày, truy tặng ông là Thiếu bảo Cần chánh điện Đại học sĩ, ban tên thụy là Văn Khắc, phái Hoàng tử Miên Hoằng đưa linh cửu của ông về Gia Định. Khi linh cửu của ông về tới nơi, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã đích thân tới phúng điếu và đi đưa tới huyệt tại làng Bình Trúc (hay Trước; nay là tại khu phố III, thuộc phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa),
Ngày 27 tháng 12 năm 1990, khu lăng mộ của của Trịnh Hoài Đức và người vợ chính (họ Lê) được xếp vào di tích di tích Văn hóa – lịch sử quốc gia