Trịnh Hoài Đức và niềm tự hào của xứ Đồng Nai
Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Hiện nay, tên ông được lựa chọn để đặt tên đường, tên trường học trên địa bàn tỉnh và cả giải thưởng văn học – nghệ thuật Trịnh Hoài Đức được tổ chức 5 năm/lần.
Văn miếu Trấn Biên thường xuyên tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm ngày mất danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức. Ảnh: L.Na
Việc làm này không chỉ để nhắc nhớ một danh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước mà còn tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hóa to lớn mà ông đã để lại cho đời.
* Ngưỡng vọng người hiền
Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765, cha của ông là người Phúc Kiến (Trung Quốc), mẹ là người Việt. Ông là học trò của Võ Trường Toản, là bạn của Ngô Tùng Châu và Lê Quang Định. Trịnh Hoài Đức làm quan trong triều Nguyễn, được bổ nhiệm và lần lượt giữ nhiều chức vụ trong bộ máy của nhà nước đương thời như: Thượng thư bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Lại, có lần kiêm Binh bộ Thượng thư; hai lần làm Hiệp trấn Gia Định thành. Khi lớn tuổi, ông được sung chức Phó tổng tài Quốc tử giám, sau thăng Hiệp biện học sĩ.
Năm 1825, Trịnh Hoài Đức bị bệnh và mất tại Huế, vua phái hoàng tử Miên Hoằng đưa thi thể ông về Gia Định. Từ đây, Tổng trấn Lê Văn Duyệt lại đưa linh cữu của ông về chôn tại làng Bình Trúc (sau gọi là Bình Trước), Biên Hòa. Đến năm 1990, khu lăng mộ của ông và người vợ được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.
Theo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, trong tháng 5-2022, có gần 50 ngàn lượt khách đến tham quan, dâng hương và tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Các đoàn khách chủ yếu là các trường học (từ bậc mầm non đến bậc đại học) đến từ Đồng Nai và TP.HCM. Ngoài dâng hương tại Nhà bái đường, du khách còn chụp hình lưu niệm, tham quan Vườn tượng danh nhân văn hóa tại Văn miếu Trấn Biên.
Trong cuốn Theo dòng chảy Đồng Nai, nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết: “Trịnh Hoài Đức đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm, cho thấy ông vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là một sử gia tài ba. Trong đó, tác phẩm Gia Định thành thông chí gồm 6 quyển viết bằng chữ Hán của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng bậc nhất. Bộ sách ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất về xứ Đồng Nai – Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt. Trịnh Hoài Đức được thờ tại Văn miếu Trấn Biên cùng các danh nhân văn hóa – những người hiền được nhân dân ngưỡng vọng”.
Hiện nay, Trịnh Hoài Đức đang được thờ phụng tại Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên cùng với các danh nhân văn hóa như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Nhân Tịnh… Tên tuổi của ông đi vào lịch sử, không chỉ nổi tiếng bởi tài hoa mà còn là tấm gương sáng, có nhiều cống hiến cho sự phát triển chung của miền Nam. Ngoài nhà bái đường, tại Vườn tượng danh nhân văn hóa ở Văn miếu Trấn Biên cũng đặt tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức. Đây là khuôn viên lý tưởng cho hoạt động tham quan, ngắm cảnh, đi dạo…
Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho hay, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Hằng năm, Văn miếu Trấn Biên chú trọng duy trì các lễ dâng hương tưởng niệm; cùng với các trường mang tên Trịnh Hoài Đức đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản thông qua các tìm hiểu về danh nhân; tham quan, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp của ông đối với đất nước. Các hoạt động đã và đang được góp phần bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa, khích lệ các thế hệ tích cực noi gương sáng của tiền nhân, say mê học tập, tu dưỡng, luyện rèn để trở thành công dân tốt cho xã hội.
* Nhân lên những giá trị văn hóa
Khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức hiện nay tọa lạc tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa), có lối kiến trúc rất độc đáo. Mộ được xây bằng đá ong tô vôi trộn với hợp chất, có thiết kế hình voi phục trên nền mộ hình chữ nhật, đầu voi hướng về phía bia đá. Khu mộ do cựu chiến binh Nguyễn Đức Thùy trông coi suốt hơn 20 năm qua. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Tượng danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức trong khuôn viên Vườn tượng danh nhân văn hóa tại Văn miếu Trấn Biên
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thông tin và thể thao TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Tình, trong 4 năm được phân cấp quản lý di tích, TP.Biên Hòa thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức (Ban Quản lý dự án thành phố làm chủ đầu tư). Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa khảo sát và xác định lại vị trí các ngôi mộ ở khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức; thực hiện thay mới biển chỉ dẫn đường vào lăng mộ, sơn mới lại trụ sở di tích đã xếp hạng tại cổng chính; thực hiện bảng nội quy tham quan tại di tích. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về di tích – danh thắng được thành phố chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.
Tên của Trịnh Hoài Đức được nhiều địa phương như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh lựa chọn đặt tên đường, tên các trường học. Đặc biệt, Đồng Nai đã chọn tên ông để đặt tên cho giải thưởng văn học – nghệ thuật (5 năm/lần). Đã có nhiều bộ sách, nhiều tác phẩm thơ, văn viết về Trịnh Hoài Đức được giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội, đưa vào các trường học trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai (gồm 5 cuốn, trong đó có cuốn Trịnh Hoài Đức – nhà văn hóa lớn đất Đồng Nai) của nhà văn Nguyễn Thái Hải và họa sĩ Phạm Quang Huy do NXB Đồng Nai ấn hành năm 2020.
Việc thờ phụng danh nhân Trịnh Hoài Đức, bảo tồn và phát huy giá trị di tích… đã và đang tôn vinh, tiếp tục nhân lên những giá trị văn hóa. Những thế hệ người Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức – một tài năng lớn, một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai.
Ly Na