trần việt hoàng Archives – Trường Đại Học Fulbright Việt Nam

Lễ khai giảng niên khóa 2020-2024 của Đại học Fulbright Việt Nam là buổi lễ khai giảng thứ ba của trường kể từ khi thành lập. Trong một năm đặc biệt như năm 2020, buổi lễ khai giảng dù vẫn giữ những nghi thức truyền thống như những năm khác, lại mang đến những cảm xúc mới mẻ và những khoảnh khắc xúc động.

Đó là khi sinh viên khiếm thị Trần Việt Hoàng bước lên sân khấu, chia sẻ bằng tiếng Anh hành trình đặc biệt đến với Fulbright của em, cùng lời nhắn nhủ “ngay giữa những lúc khó khăn, ta vẫn có thể tận hưởng những điều tốt đẹp”. Đó là khi diễn giả khách mời, nghệ sĩ Thanh Bùi, khuấy động cả khán phòng bởi câu chuyện truyền cảm hứng của cuộc đời ông, cùng lời kêu gọi “hãy can đảm dấn thân trong thế giới biến động”.

Và sau cùng, điểm nhấn của buổi lễ là khi gần 200 sinh viên đồng thanh xướng vang Chuẩn mực Đạo đức Fulbright, đánh dấu thời khắc đáng nhớ khi các bạn chính thức trở thành những thành viên mới của một cộng đồng mang tên Fulbright, nơi mọi giảng viên, sinh viên và nhân viên cùng nhau nỗ lực kiến tạo một cộng đồng “cùng học, cùng trưởng thành”.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, quy mô của lễ khai giảng đã được thu gọn. Không như những năm trước, năm nay các phụ huynh và gia đình của các tân sinh viên phải tham dự lễ khai giảng qua hình thức trực tuyến. Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cộng đồng, những người tham dự được yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì giãn cách trong suốt buổi lễ. Tuy nhiên, những bất tiện đó không ngăn được các tân sinh viên cùng nhau tận hưởng trọn vẹn nghi thức đầy cảm hứng khởi đầu cho một hành trình đáng mong đợi phía trước.

“Chúng ta rất may mắn khi được ở đây, cùng với gia đình và bạn bè, cả cũ và mới, với các nhà lãnh đạo, giảng viên và nhân viên của trường, để cùng nhau tham dự buổi khai giảng này. Trên khắp thế giới, nhiều sinh viên đã không thể cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc thú vị này trong khuôn viên trường. Nhiều bạn thậm chí còn không thể đến lớp. Tôi hi vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trong hành trình theo đuổi tri thức của riêng mình”, Tiến sĩ Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc Chương trình Cử nhân chia sẻ.

 “Tận hưởng điều tốt đẹp ngay cả giữa thời khắc khó khăn”

Trong niên khóa 2020-2024, những sinh viên Fulbright đến từ nhiều hoàn cảnh xuất thân, những vùng đất địa lý, có những đức tin khác nhau… Có những sinh viên ở Việt Nam nhưng cũng có những em là du học sinh ở các nước trên thế giới tìm đến với trường để tiếp tục việc học sau khi bị “mắc kẹt” vì đại dịch Covid-19.

Trong những sinh viên mới có Trần Việt Hoàng đến từ một vùng quê nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh, miền trung Việt Nam. Năm Hoàng lên năm tuổi, hai mắt em bắt đầu mờ dần. Dù mẹ Hoàng đã làm lụng vất vả, chạy vạy vay mượn để chữa trị mắt cho em, sau hàng chục lần thăm khám tại nhiều bệnh viện khác nhau và 4 lần phẫu thuật tại BV Mắt Trung ương Hà Nội không thành công, Hoàng đã hoàn toàn mất đi thị lực. Với cậu học trò trong gia đình nghèo chỉ có người mẹ một mình tần tảo nuôi hai con khôn lớn, cuộc sống tưởng như chìm vào bóng tối.

Thế nhưng Hoàng đã không để bản thân bị nhấn chìm bởi khổ đau và tuyệt vọng. Em đã chọn cách vượt qua nghịch cảnh. Em đã đi học chữ nổi braille ở Hội Người mù Hà Tĩnh rồi trở lại trường, học với các bạn bình thường. Từ lớp 1 đến lớp 12, Hoàng luôn là học sinh xuất sắc, đứng tốp đầu của lớp. Nghị lực phi thường và những phẩm chất của cậu học trò đặc biệt đã thuyết phục Hội đồng Tuyển sinh của Fulbright. Hoàng được nhận vào trường với hỗ trợ tài chính toàn phần kèm điều kiện tự học một năm để nâng cao trình độ Tiếng Anh.

Khi Hoàng bước lên và kể câu chuyện cuộc đời em bằng vốn tiếng Anh còn đôi chỗ ngập ngừng nhưng đầy cảm xúc, đó là khoảnh khắc lặng đi của cả khán phòng. Đã có những giọt nước mắt rơi xuống. Có thể đây sẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong những lễ khai giảng ở trường Fulbright.

Nhưng thay vì kể về những thử thách, khó khăn khi là một người khiếm thị, Hoàng lại muốn nhắc đến những kỷ niệm ấu thơ bình dị, “những buổi chiều cùng bạn bè đá bóng, những buổi trưa trốn cha mẹ đi câu cá, thả những con diều tự làm trên cánh đồng bát ngát thơm mùi lúa”.

“Vì mình tin là, ngay giữa những lúc khó khăn, ta vẫn có thể tận hưởng những điều tốt đẹp,” Hoàng chia sẻ.

Trong lời kết cho bài phát biểu của mình, em nhắn nhủ đến các bạn: “Nếu có những lúc trở ngại, hãy tin vào chính bản thân mình, các bạn nhé. Đừng mong trời yên biển lặng, hãy trở thành người chân cứng đá mềm.”

Can đảm trong một thế giới biến động

Có một sự trùng hợp thú vị khi diễn văn của các diễn giả, từ diễn giả khách mời Thanh Bùi, sinh viên Trần Việt Hoàng, đến Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Tiến sĩ Đinh Vũ Trang Ngân đều tập trung vào thông điệp “Can đảm”.

“Hãy can đảm, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn” là lời khuyên số một của diễn giả khách mời, nghệ sĩ, doanh nhân và nhà giáo dục Thanh Bùi.

Kể về thời khắc khó khăn mà cho đến giờ những cảm xúc vẫn còn vang vọng trong đầu, khi chàng trai trẻ 17 tuổi Thanh Bùi lần đầu tiên rụt rè nói với ba mẹ về ước mơ theo đuổi con đường âm nhạc và ngay lập tức bị phản đối với lý do người nhập cư châu Á sẽ chẳng có cơ may nào để thành công trong lĩnh vực này. Chàng trai trẻ đã đi tới thoả hiệp với ba mẹ là sẽ cố gắng kiếm một tấm bằng đại học, trước khi theo đuổi đam mê âm nhạc. Nỗ lực rút ngắn thời gian học đại học xuống còn 3 năm, sự can đảm và kiên trì của Thanh Bùi đã được tưởng thưởng xứng đáng khi vài tháng trước lễ tốt nghiệp, anh nhận được cơ hội tham gia ban nhạc nổi tiếng…

Năm 2008, Thanh Bùi, một người nhập cư gốc Á đã lọt vào Top 8 cuộc thi Thần tượng Âm nhạc nước Úc, và là tác giả của hàng trăm ca khúc được đón nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Khi sự nghiệp đang thành công ở Úc, Thanh Bùi đã bỏ tất cả về Việt Nam với mong muốn làm việc đóng góp cho cộng đồng thông qua giáo dục và nghệ thuật.

“Hãy can đảm và đừng bao giờ nghe những kẻ bàn lùi”, là lời khuyên của Thanh Bùi dành cho các tân sinh viên Fulbright, từ câu chuyện truyền cảm hứng của cá nhân ông.

“Tất cả chúng ta đều muốn thấy người khác thể hiện lòng can đảm, nhưng bản thân chúng ta trong những thời điểm khó khăn lại không dễ để có được sự can đảm. Điều này là bởi việc can đảm để đưa ra những quyết định khó khăn hoặc kiên định trong những tình huống mà người khác đang thắc mắc về những việc chúng ta làm đồng nghĩa với rủi ro và lập tức khiến chúng ta bị ám ảnh sợ hãi thất bại,” ông phát biểu.

Can đảm cũng là một trong ba lời khuyên mà đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink gửi đến các tân sinh viên trường Fulbright trong bài phát biểu ông thể hiện trực tuyến. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích nghi và tận dụng công nghệ và đổi mới để nghiên cứu, kết nối và học hỏi lẫn nhau trong hoàn cảnh thách thức của Covid-19.

“Lời khuyên thứ ba của tôi: đừng sợ. Thế giới đã trải qua những thời kỳ khó khăn trước đây — nạn đói, bệnh tật, chiến tranh, nghèo khổ. Hãy nghĩ về những thách thức mà cha mẹ và ông bà của bạn đã phải đối mặt. Với mỗi cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, thường là bởi vì một thế hệ mới, những người trẻ như các bạn, đã học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và tìm ra cách để làm cho mọi thứ tốt hơn”, Đại sứ Kritenbrink nhắn nhủ.

Môi trường giáo dục sáng tạo

Trường Đại học Fulbright Việt Nam theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng (liberal arts) nơi sinh viên được đặt làm trọng tâm. Các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng có các kỹ năng thay đổi linh hoạt cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc hay thay đổi, đồng thời có khả năng sáng tạo vượt trội.

Theo diễn giả chính của lễ khai giảng Thanh Bùi, mục tiêu của giáo dục sáng tạo là nhằm tạo ra phương pháp giáo dục tốt nhất và những đứa trẻ được tích hợp hoàn toàn để có thể thành công trong môi trường ngày càng phức tạp và không chắc chắn.

Ông Thanh Bùi cho rằng cả cuộc đời chúng ta chỉ cần gói gọn trong hai câu hỏi: What (Cái gì) và So what (Rồi sao nữa). Câu hỏi “Cái gì?” quan trọng bởi vì câu trả lời sẽ cho bạn tất cả thông tin, dữ liệu mà bạn cần. Nhưng câu hỏi thật sự là câu hỏi “Rồi sao nữa?”. Bây giờ bạn đã có những dữ liêu bạn cần, vậy tại sao chúng lại quan trọng? Và bạn tự động bạn nhận ra rằng bạn buộc phải hiểu về những dữ kiện đã được ghi nhớ thay vì thuộc lòng. Bạn bước vào một thế giới đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, đưa ra phán đoán, cân nhắc, xem xét và thấu hiểu các tình huống phức tạp. Đó chính là giáo dục sáng tạo.

“Môi trường đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, khơi gợi trí tò mò, đặt ra các câu hỏi và thách thức sự sáng tạo để giải quyết chúng, điều này cho phép bạn thể hiện sự hiểu biết của mình theo nhiều hướng khác nhau, một môi trường tin rằng giáo dục là một trải nghiệm đầy đủ màu sắc với nhiều khía cạnh và nhất thiết phải là một trải nghiệm mang tính cá nhân,” ông phát biểu.

Đó cũng là cam kết của Fulbright về một môi trường giáo dục nơi các câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, nơi mọi ý tưởng đều được trân trọng, nơi mỗi người được khuyến khích tìm kiếm và phát triển thành những phiên bản tốt nhất của chính mình.

“Mỗi bạn đều có tiếng nói, ý tưởng và kỹ năng của riêng mình để đóng góp cho thế giới.Tại Đại học Fulbright Việt Nam, chúng tôi có thể giúp bạn tìm thấy tiếng nói đó, khơi dậy ý tưởng đó, rèn giũa kỹ năng đó để bạn có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”, Tiến sĩ Trang Ngân cam kết trong diễn văn bế mạc Lễ khai giảng.\

Thuy Hang

Rate this post