Trần Thánh Tông – Một Ngôi Sao Sáng Của Thiền Học Đời Trần

TRẦN THÁNH TÔNG

MỘT NGÔI SAO SÁNG CỦA

THIỀN HỌC

ĐỜI TRẦN

Nguyễn Thế Đăng

blankThông thường, nhắc đến các vị Thiền sư đời Trần, chúng ta vẫn chỉ nghe nhắc đến Trần Thái Tông, Huệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Trần Thái Tông là tác giả Khóa Hư Lục, bản văn Thiền đồ sộ nhất đời Trần. Huệ Trung thượng sĩ là tác giả Thượng sĩ ngữ lục, bản văn Thiền đã biểu lộ một trí huệ sắc bén, một phong cách phóng khoái không thua gì những ngữ lục của các thiền sư nổi tiếng Trung Hoa. Trần Nhân Tông là người sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm, phái Thiền độc lập của Việt Nam; Pháp Loa và Huyền Quang là hai đệ tử của Nhân Tông, là Tổ thứ hai và thứ ba của Thiền Trúc Lâm; ba vị sau được gọi là Trúc Lâm tam tổ.

Quả thật Trần Thánh Tông ít được chú ý, mặc dù về đời, thành tích làm vua của ông không thua gì- nếu không nói là hơn – Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông; về đạo, ông là người ngộ đạo, có thể xem là một thiền sư trong dòng các thiền sư Việt Nam.

Trần Thánh Tông (1420- 1290) húy là Trần Hoảng, con trưởng của Trần Thái Tông, và là cha của Trần Nhân Tông. Ông có mặt cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, 18 tuổi đã dự trận Đông Bộ đầu năm 1258, chủ trì Hội Nghị Diên Hổng năm 1288. Vừa khôn khéo vừa nhân hậu, trong hơn 30 năm khó khăn và oanh liệt nhất đời Trần, ông đã xây dựng mối đoàn kết của dân tộc, vừa lãnh đạo đất nước tiến đến đỉnh cao về mọi mặt văn hóa, chính trị và xã hội. Với chế độ hai vua của đời Trần, ông làm Thượng hoàng giữ vai trò cố vấn quyết định cho Trần Nhân Tông trong hai lần chiến thắng Nguyên Mông năm 1285 và 1288, sau đó ông về Bắc cung rổi đi tu. Cả cuộc đời ông chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, để nỗi sử gia Ngô Sĩ Liên trong cái nhìn Nho học cứng cỏi nhất phải viết: “Song ham mê đạo tam muội, kê cứu đạo Nhất thừa, không phải là đạo trị nước giỏi của đế vương”. Theo Thơ văn Lý Trần do Viện Văn học xuất bản năm 1989 thì hiện nay chúng ta chỉ còn lại có 14 bài thơ của ông, nhưng chỉ dựa vào đầu đề các tập sách đã mất của ông, chúng ta cũng có thể hình dung tầm mức Thiền học của Trần Thánh Tông khi ông viết những tập đó: Di Hậu lục, Cơ Cấu lục, Thiền Tông Liễu ngộ ca, Phóng Ngưu ( thả mất trâu, trâu ở đây tượng trưng cho cái tâm trong Thập mục ngưu đồ), Chỉ Giá minh (bài minh ‘Chỉ là Cái Ấy’, ‘Cái Ấy’ ở đây là Tự Tánh).

Qua các bài thơ còn sót lại, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem ông đã tham cứu và đi sâu vào Thiền học như thế nào, để có thể được xem là một ngôi sao sáng của Thiền học Việt Nam.

Đứng trong chính quan điểm của Thiền Tông về sự tu hành chúng ta có thể có một nhận định – dù chỉ là tương đối – về một người đã tu Thiền như thế nào và đến mức độ nào. Sự tu hành của Thiền Tông là ‘đốn ngộ diệu tu’ hay ‘đốn ngộ tiệm tu’ tương đương với hai quá trình cuối cùng của kinh Pháp Hoa là Ngộ và Nhập. Đốn ngộ là sự nhìn thấy lần đầu tiên cái Thực Tại, cái Thực tánh không sanh không diệt của tất cả hữu tình lẫn vô tình, cái khuôn mặt chân thường xưa nay của con người và vũ trụ. Đốn ngộ còn được gọi là ‘Nhất niệm tương ưng’, sự tương ưng lần đầu với Phật tánh. Từ cái Ngộ này, hành giả càng ngày càng thâm nhập sâu hơn vào cái Thực Tại bất sanh bất diệt mà kinh giáo gọi là Pháp Thân, cho đến khi toàn mãn, cho đến khi chuyển y tất cả phiền não thành Bồ-đề, tất cả sanh tử thành Niết-bàn. Sự diệu tu hay thâm nhập này (mà Kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhập Pháp giới) còn được gọi là ‘niệm niệm tương ưng’, sự thường trực thấy Tánh, sự tương ưng với Phật tánh trong từng niệm niệm, cho đến khi ‘mỗi một niệm đều là niệm Phật, mỗi một sắc đều là sắc Phật, mỗi một pháp đều là pháp Phật’.

Vậy thì vua Trần Thánh Tông đã vượt qua được cái cửa ải đấu tiên là đốn ngộ hay chưa? Chúng ta hãy nghe ông nói:

Đập ngói dùi rùa ba chục niên

Bao lần xuất hạn bởi thâm niên

Một sớm rõ ra ‘khuôn mặt mẹ’

Mặt mũi trước giờ khuyết một bên

( Cảm xúc khi đọc Đại Huệ ngữ lục)

“Một sớm rõ ra khuôn mặt mẹ”, sự thình lình thấy được dung nhan cái sinh ra trời đất và con người, chính là sự đốn ngộ của Thiền.

Bài thơ Tự thuật:

Tự hồi để chỏm, nhập làng Thiền

Dùi rùa đập ngói chẳng cầu riêng

Đã nhận ‘bản lai chân diện mục’

Chốn chốn nơi nào chẳng rỗi yên’

Cũng trong bài Tự thuật:

Một búng tay vạn núi phá tan

Công phu thế ấy cũng là nhàn.

Trong thời gian một cái búng tay, phá tan vạn trùng núi là nói đến Ngộ: trong chớp mắt, khối mê tan vỡ, các ấm ngăn che tức thời sụp đổ, màn mây vô minh vẹt ra, để lộ thực tại hiện tiến. Cái kinh nghiệm Ngộ này được nói đến trong tất cả các bản Tự thuật của các Thiền sư.

Sau cái kinh nghiệm Ngộ, cái ‘nhất niệm tương ưng’ ấy, là sự diệu tu ‘niệm niệm tương ưng’ nói như Tổ Lâm Tế: “chỉ tùy thời mặc áo ăn cơm, làm người vô sự: tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”. Chúng ta đọc tiếp đoạn thơ trên của bài Tự thuật:

Suốt ngày rảnh gảy đàn không điệu

Cửa nhàn không sự khá quan tâm

Trong đây khúc nhạc không người hiểu

Chỉ có gió tùng họa tại âm

Tung hoành chẳng lọt hữu hay vô

Muôn pháp đa đoan chẳng rẽ phân

Cơm canh ngủ nghỉ dùng tùy chổ

Ngoài ra không việc khác để làm

Một búng tay vạn núi phá tan

Công phu thế ấy cũng là nhàn

Trong đây không thiếu cũng không dư

Phật cũng không, hề người cũng không.

Cảnh thu miên viễn trời miên viễn

Núi xanh mây phủ mặc trò đùa.

Cái con người ‘nhàn” ấy, “vô sự” ấy, con người mà những thay đổi của bốn đại sanh diệt chẳng hề can dự gì tới mình, phiền não đã hết, phạm hạnh đã thành, nói theo ngôn ngữ Thiền là “thoát thể vô y”, đó là sự giải thoát ngay giữa cuộc đời: “ngũ uẩn giai không”, mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Sự thấu đạt tánh Không, sự giải thoát bởi Trí Huệ Bát Nhã, chúng ta càng thấy rõ tròng bài Cảm xúc khi đọc Đại Huệ ngữ lục đoạn hai ( mà đoạn một đã trích ở trên):

Trước mắt không sắc, tai không thanh

Một phiến tâm đây tự đúc thành

Thanh sắc chẳng can, ngoài môi lưỡi

Mặc kia lẻng kẻng với lăng xăng

Công phu đốn ngộ tiệm tu cũng lộ rõ trong bài Cảm xúc khi đọc Phật sự Đại minh lục:

Bốn mươi năm lẻ một phiến thành

Lao quan nhảy khỏi vạn trùng then

Động như tiếng gió vang hang trống

Tình nợ trăng soi suốt lạnh đầm

Nghĩa lý ngũ huyền thân chứng đắc

Con đường bốn ngả mặc tung hoành

Có kẻ hỏi đâu là ‘tin tức’?

Mây tại trời xanh, nước tại bình

Xin nói qua ý nghĩa theo văn xuôi cho dễ hiểu: hơn 40 năm tâm đã thành một phiến, đã vào chánh định. Lao quan ( cửa ải cuối cùng trong 3 cửa ải theo sự phân định của Thiền sư Hoàng Long) đã nhảy qua, thấu thoát mọi cửa then tù ngục. Khi động thì như tiếng vang của gió trong tâm trống trải. Khi tĩnh thì như bóng trăng soi thấu đầm lạnh. (Nói lên sự vắng lặng trong sáng của tâm). Ý nghĩa của năm huyền (có thể là Ngủ uẩn vị quân thần của tông Tào Động) đã tự thân thấu rõ được. Con đường 4 ngã (có thể Tứ liệu giản của tông Lâm Tế) mặc sức tung hoành. Nếu có ai hỏi tin tức về chỗ ‘trong ấy’. Chỗ “Niết bàn tự tâm là thế nào, xin trả lời rằng: mây tại trời xanh nước tại bình (Đây là cái “Bình thường tâm là Đạo” của Thiền sư Nam Tuyền).

Qua bài thơ trên, chúng ta dù khó tính đến đâu cũng phải nhận rằng: qua hơn 40 năm tu hành, vua Trần Thánh Tông ai không nhìn ra, cái tâm đã an, sự “sanh diệt đã tịch, tịch diệt hiện tiền” của ông. Chỉ trong một lần dạo chơi cung Thiên Trường vào tháng 5 năm 1289 trong “cảnh vật thanh u”, với “chim chóc”, “quýt cam”, giữa những sự vật bình thường như thế, sau đây là “con mắt pháp thanh tịnh” nhìn thấy thật tướng của ông:

Cảnh thanh u vật cũng thanh u
Mười một chậu tiên, đây một chậu
Trăm giọng chim ca, trăm đàn, sáo
Nghìn hàng cam quýt: nghìn kẻ hầu
Trăng vô sự chiếu người vô sự
Nước muôn thu ngậm trời muôn thu
Bốn bể đã trong, trần đã lặng
Năm nay chơi, thú vượt năm xưa.

Với sự tu học Thiền, ông không chỉ đạt Thể mà còn đạt Dụng, không chỉ thấu Lý mà còn thấu Sự:

Dụng của Chân Tâm
Sáng suốt lặng lẽ
Không đến không đi
Không thêm không bớt

Vào lớn vào nhỏ
Tùy thuận tùy nghịch
Động như mây hạc
Tinh như trường vách

Làu làu sạch trong
Trần trụi không vật
Chẳng thể đo lường
Toàn không tung tích
Nay đã vì ông
Mở phơi sạch bách

(Chân tâm cho dụng)

Sự tự tại trước việc sống chết của ông:

Sanh như mặc y
Từ như cởi khổ
Từ xưa tới nay
Không dường nào khác
Tám chữ mở bày phân trao hết
Tuyệt không còn việc để trình ông

(Sanh tử) Sống chết là sự sống chết của thân tứ đại, thân tứ đại như áo quần, mặc vào hư cũ thì lại cởi bỏ, ăn nhằm gì tới con người chân thật, cái bản tánh bất sanh bất diệt, cái “vô vị chân nhân” của Tổ Lâm Tế, hay cái “tuyệt không còn việc để trình ông” như chữ dùng của chính ông.

Xem toàn bộ cuộc đời mình là công cụ tu hành không ngưng nghỉ, ở trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống bổn phận và trách nhiệm làm người mà Thiền vẫn như một sợi chỉ xuyên suốt, đây là điều làm nên sức mạnh và giá trị của cuộc đời ông. Đó cũng là một đặc tính chung của Phật giáo Việt Nam. Chính việc xem đời sống là một đạo tràng cho việc thể nghiệm tâm linh là một đặc tính làm nên sức mạnh và giá trị của Phật giáo Việt Nam.

Ghi chú: Thơ Trần Thánh Tông được trích trong bài này nguyên là thơ chữ Hán, đã được người viết dịch ra chữ Việt. (TC. VHPG)

Rate this post