Thế giới bên trong mình ‘trên hành trình tự học’ của Rosie Nguyễn

Thế giới bên trong mình ‘trên hành trình tự học’ của Rosie Nguyễn

(Thethaovanhoa.vn) – Cuốn sách Trên hành trình tự học (NXB Hội Nhà văn – Nhã Nam vừa phát hành) của Rosie Nguyễn đã viết về chủ đề tự học theo một cách rất riêng. Tác giả Ta ba lô trên đất Á đã kể lại quá trình suy ngẫm, chiêm nghiệm và phản tư của mình trên suốt hành trình tự học.

Sao Kpop 'thiên tài' tự học tiếng Anh thành thạo: BTS, Bigbang, SNSD...

Sao Kpop ‘thiên tài’ tự học tiếng Anh thành thạo: BTS, Bigbang, SNSD…

Trong làng giải trí Kpop có rất nhiều nghệ sĩ không chú trọng đến ngoại ngữ. Để thành tạo nó đã khó, nhưng các idol như BTS, Bigbang hay SNSD còn tự học, thật đáng ngưỡng mộ!

1. Trên hành trình tự học được bắt nguồn từ quãng thời gian khó khăn và lạc lối nhất trong cuộc đời của tác giả Rosie Nguyễn. Quãng năm 2009 – 2010, Rosie Nguyễn ra trường và có một công việc văn phòng ổn định nhưng chị luôn có cảm giác bị bó hẹp và không hạnh phúc. Thay vì tiếp tục sống một cuộc đời sao chép như bao người, Rosie Nguyễn chọn không thỏa hiệp với chính mình.

“Có thể cuộc sống ổn định với một công việc làm trong 10 – 20 năm và có một gia đình đầy đủ, với nhiều người là hài lòng, hạnh phúc. Nhưng với tôi thì khác. Tôi muốn có một cuộc sống khác. Tôi muốn khám phá, tìm hiểu nhiều thứ xung quanh. Tôi không muốn thấy bản thân già đi theo thời gian mà không lớn lên, không phát triển” – chị tâm niệm.

Thời gian đầu trong hành trình tìm kiếm lối thoát để kiến tạo một cuộc sống mới, một cuộc đời hạnh phúc cho bản thân, Rosie Nguyễn bắt đầu đọc sách. Chị đọc sách của học giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần, sách của Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt. Khi đọc sách của những học giả này, chị cảm thấy xấu hổ khi bản thân có những lỗ hổng kiến thức lớn về mọi mặt. Nhận thức được điều này, Rosie Nguyễn bắt đầu bước vào hành trình tự học.

Chú thích ảnh
Tác giả Rosie Nguyễn

Coi hành trình tự học là hành trình tự giáo dục để phát triển bản thân, Rosie Nguyễn từ một nhân viên văn phòng trở thành một tác giả sách, một người làm hoạt động phát triển thanh niên và hiện tại là một người làm nghiên cứu. Rosie Nguyễn cho hay, trong tương lai, chị không biết hành trình tự học sẽ đưa chị đến đâu, có thể trở thành một nhà nhân học, một tiểu thuyết gia, và thậm chí chị nói đùa có thể trở thành một tay chơi trống trong một ban nhạc rock nào đó. Sau cùng, “tôi tin rằng khi có kỹ năng tự học tốt sẽ học được những điều bản thân mơ ước và có thể sống được nhiều cuộc đời khác nhau” – Rosie Nguyễn bộc bạch.

2. Từng viết những cuốn sách best-seller như Mình nói gì khi nói về hạnh phúc hay Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu… ấy vậy mà chưa bao giờ Rosie Nguyễn tự đặt mình trong áp lực phải viết một cuốn sách để vượt qua cái bóng của mình. Tâm thế này có lẽ sẽ thấy ngay ở tên của cuốn sách mới.

Thoạt tiên hẳn nhiều người sẽ chẳng mấy ấn tượng với cái tên Trên hành trình tự học. Một tựa sách giản dị, trực tiếp khác hẳn với những tên sách bay bổng trước đây của Rosie Nguyễn. Chị cho hay: “Tôi vẫn là một người đang học, đang đi trên con đường tự học, vẫn luôn và sẽ luôn trên con đường đó đến khi nào rời bỏ cuộc sống này. Đối với tôi, việc tự học không có đích đến, việc đặt tên sách đã thể hiện được tâm thế đó”.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Trên hành trình tự học”

Tiếp nhận một tựa sách về chủ đề tự học, hẳn độc giả sẽ kỳ vọng tìm thấy những phương pháp tự học tốt nhất. Thế nhưng, Trên hành trình tự học lại không có những chỉ dẫn hay phương pháp cho việc tự học hiệu quả. Thay vào đó là những câu chuyện chiêm nghiệm, phản tư trong hành trình tự học của chính tác giả. Thêm nữa là nội dung liên quan đến ý nghĩa cốt lõi của việc tự học, tự giáo dục bản thân.

“Tôi viết cuốn sách này một mặt để cung cấp những thông tin mà tôi cảm thấy hữu ích. Đó những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Mặt khác, tôi mong muốn mở ra một không gian, một diễn đàn, “một khu vườn nho nhỏ” để những người thích học, thích tự học có thể cùng nhau bàn về sự học ở đây” – Rosie Nguyễn nói.

3. Trên hành trình tự học được viết trong nhiều giai đoạn khác nhau. Cuốn sách được chia thành 4 phần chính gồm: Học để biết, Học để làm, Học để chuyển mình, Học để chung sống, ứng với tinh thần về sự học của UNESCO: “Learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be”.

Đọc Trên hành trình tự học, hẳn nhiều độc giả thân thiết sẽ bất ngờ khi bắt gặp Rosie Nguyễn trong những góc đời sống khác nhau mà tác giả chưa từng thể hiện ở đâu. Đó có thể là những câu chuyện về sự thất bại nặng nề trong sự nghiệp, cuộc sống. Hay là những khoảnh khắc tác giả trò chuyện với sự giận dữ bên trong mình. Và cũng có thể là những chấn thương tâm lý trong tuổi thơ ảnh hưởng đến khuôn mẫu hành vi khi trưởng thành…

Đề cập đến những câu chuyện tưởng như không mấy liên quan đến việc tự học nhưng qua đó, Rosie Nguyễn lại chủ đích muốn mở rộng định nghĩa của việc tự học.

“Tôi nghĩ rằng tự học vừa để tiếp thu những kiến thức bên ngoài cũng vừa để lắng nghe, làm bạn với nội tâm bên trong mình. Hay nói cách khác, tự học không chỉ là tìm hiểu thế giới bên ngoài mà còn là khám phá thế giới bên trong mình” – chị nhấn mạnh – “Cho nên trên hành trình tự học, tôi nhận thức rõ hơn về bản thân. Từ đó, điều chỉnh bản thân cân bằng với môi trường xung quanh. Suy cho cùng, tự học bao gồm tất cả thứ mà một con người cần để có thể sống tốt hơn, sống có ích hơn và sống tử tế hơn mỗi ngày”.

Rate this post