Rosie Nguyễn và bí quyết đọc 60 quyển sách/năm
Rosie Nguyễn và quyển sách Ta ba lô trên đất Á – Ảnh tư liệu.
Năm 2015 Rosie Nguyễn đã đọc 60 quyển sách và mục tiêu năm 2016 của cô là đọc 65 quyển sách.
* Chào Rosie Nguyễn, làm thế nào một người bận rộn như bạn, vừa viết sách, viết báo, viết blog du lịch, lại có thể đọc đến 60 quyển sách trong vòng một năm?
– Bí quyết đó là: mỗi tuần tôi đọc một quyển sách. Con số 60 quyển sách/năm vừa nghe qua có vẻ rất nhiều, nhưng nếu bạn chia nhỏ thời gian ra, một năm có 12 tháng, một tháng có bốn tuần, vậy là gần một tuần đọc xong một quyển sách thì một năm bạn sẽ đọc khoảng 60 quyển sách.
Với cách tính này, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực với con số “to đùng” kia nữa. Với tôi, con số lý tưởng khi đọc sách là mỗi tuần đọc hết một quyển sách tiếng Anh với độ dài khoảng 300 trang, nếu đọc những quyển sách ngắn hơn, hay sách tiếng Việt thì chắc chắn tốc độ đọc của bạn sẽ nhanh hơn.
* 300 trang sách trong vòng một tuần có vẻ là con số bất khả thi với nhiều người ở thời điểm hiện nay?
– Thật ra, khi các bạn sắp xếp thời gian một cách hợp lý, mỗi ngày bạn chỉ cần đọc từ 20-30 trang sách với thời lượng từ 30 phút đến 1 giờ thì đó không phải là một con số quá sức với bất kỳ ai.
Mỗi ngày chỉ cần dành một ít thời gian để đọc sách như một cách tích lũy, đến khi hết một năm và nhìn lại bạn sẽ thấy “Ồ, hóa ra năm nay mình đã đọc mấy chục quyển sách rồi!”, và tất nhiên kiến thức của bạn cũng sẽ tăng lên rất nhiều.
* Đọc sách nhiều đã khó nhưng làm sao để đọc sách chất lượng còn khó hơn. Thị trường sách ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, làm cách nào để bạn có thể chọn những quyển sách hay để đưa vào tủ sách của mình?
– Goodreads.com – trang mạng xã hội về sách lớn nhất thế giới là nơi mà tôi thường hay ghé thăm để đọc thông tin tổng quan về những quyển sách rồi từ đó chọn lựa cho mình những tựa sách ưng ý.
Tôi cũng thường bỏ qua và không đọc sách về tình cảm nam nữ hay ngôn tình quá nhiều, dù tôi biết có nhiều tác phẩm ngôn tình viết rất hay nhưng nếu đọc nhiều sách thể loại này thì tâm trạng sẽ trở nên ủy mị, sướt mướt và không có nhiều lợi ích về lâu dài cho quá trình tự học của bản thân.
Còn nếu bạn đã hình thành thói quen đọc sách rồi thì hãy dần dần nên nâng tầm từ việc đọc những quyển sách dễ sang những quyển khó hơn, cần hàm lượng chất xám cao hơn một chút để từ đó nâng khả năng đọc sách của mình.
* Đặt mục tiêu lúc nào cũng dễ, nhưng làm cách nào để hiện thực hóa mục tiêu mỗi ngày quả là điều khó khăn với nhiều người. Rosie có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình?
– Bên cạnh việc tham khảo đọc sách, Goodreads còn là nơi để tôi tham gia các thử thách đọc sách. Cứ mỗi năm, tôi sẽ đặt ra tiêu chí là năm nay mình sẽ phải đọc bao nhiêu quyển sách, và kế hoạch năm 2016 sẽ là 65 quyển.
Bên cạnh đó, việc đọc sách không chỉ đơn thuần là đọc xong và gấp lại. Mỗi lần đọc xong một quyển sách, bạn nên đánh dấu là quyển đó đã đọc rồi và viết một vài nhận xét, suy nghĩ của mình về quyển sách đó.
Trang Goodreads sẽ cho bạn biết với tốc độ hiện tại thì bạn đã đạt được bao nhiêu phần trăm so với mục tiêu đề ra để bạn “tăng tốc” cho kịp con số mà bạn đã đặt ra ban đầu.
Rosie Nguyễn và một trong các quyển sách cô đang đọc – Ảnh: Lê Minh
Rosie Nguyễn, tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, tác giả quyển sách Ta ba lô trên đất Á. Hiện cô đang làm công việc viết tự do.
Bên cạnh việc viết sách, viết báo, Rosie Nguyễn còn là giám đốc dự án một chương trình phượt dành cho giới trẻ do UNESCO chủ trì, tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm…