Ông Trương Đình Tuyển: Về hưu mà chưa bao giờ được nghỉ
Ông Trương Đình Tuyển: Về hưu mà chưa bao giờ được nghỉ
(ThanhtraVietNam) – Có hôm đi họp về, khi đến ngõ ông lại ghé vào quán nước, đơn giản chỉ là để chiêu một ngụm trà đá, hút một điếu thuốc lào và trò chuyện rôm rả với mọi người. Nếu mới nhìn, khó ai có thể đoán được đó là vị Bộ trưởng Thương mại nổi tiếng một thời, một trong những người đã góp sức đưa Việt Nam gia nhập WTO thành công.
Trà đá, thuốc lào và thơ…
Không biết từ khi nào, con ngõ nhỏ phố Võ Văn Dũng (từ phố Hoàng Cầu rẽ vào) đã trở thành một địa chỉ thân thuộc cho đủ các thành phần, từ công chức về hưu, người bán hàng cho đến cả “cánh” xe ôm, đánh giày… cùng ngồi với nhau để cùng trò chuyện. Ở đây, mọi người không phân biệt thành phần, tuổi tác, nghề nghiệp mà tất cả đều “bình đẳng”.
Và nhiều hôm trong các cuộc trò chuyện rôm rả đó, người ta lại thấy xuất hiện một “ông già” gầy gò nhưng vui tính, hay chuyện. Ông chính là “linh hồn” của quán nước.
Có hôm đi họp về, trước khi về nhà mình, đến ngõ ông lại ghé vào quán nước. Đơn giản chỉ là để chiêu một ngụm trà đá, hút một điếu thuốc lào và trò chuyện rôm rả với mọi người. Nếu mới nhìn, khó ai có thể đoán được đó là vị Bộ trưởng Thương mại nổi tiếng một thời – ông Trương Đình Tuyển, một trong những người đã góp sức đưa Việt Nam gia nhập WTO thành công.
Có hôm ngồi quán nước, chủ quán bảo: “Mấy cây bằng lăng lại nở hoa rồi. Lại một năm rồi đấy. Thời gian không đợi ai bác nhỉ, thảo nào chúng ta chóng già”. Ông Tuyển cười: “Tôi thì vẫn thấy mình trẻ. Giữ cho tâm hồn mình trẻ thì mình vẫn trẻ thôi. Mà tối qua tôi vừa làm thơ về cây bằng lăng trước ngõ đấy”. Nói rồi ông chậm rãi đọc.
“Hoa bằng lăng trước nhà
Sao nhạt nhòa không tím
Sân vẫn rộng như xưa
Trăng không tròn tháng nữa…”
Thơ ông thường thế. Là thể thơ 4 hoặc 5 chữ, nôm na dễ nhớ, dễ thuộc. Bàng bạc, chầm chậm. Nhưng cũng không kém phần sâu sắc.
Rời quan trường, “ông gàn” xứ Nghệ Trương Đình Tuyển lại vui thú điền viên và đó là lúc thi ca bỗng trở thành người bạn hữu. Ít ai biết, ông thương mại, “ông WTO” lại có chất trữ tình thế này:
“Vụng về và chậm muộn
Sao cứ nhiều đam mê
Thu có còn đủ nắng
Cho xôn xao mùa về…”
Bom đạn chiến tranh dội xuống, “anh Tuyển” rời quê hương ôm theo mối tình đơn phương. Cuộc chiến kết thúc, cảnh cũ người xưa đã đổi thay. Một buổi chiều cuối năm 1979, bất ngờ hai người gặp lại nhau ở một trạm xe buýt. Dành nụ hôn nhẹ lên mái tóc rồi chia tay, cả đêm hôm ấy “gã si tình” không sao ngủ được. Tỉnh dậy, thơ cứ chảy tự nhiên…
“Tuổi hai mươi đôi môi đỏ mọng
Em trao cho ai những chiếc hôn đầu
Dẫu rất yêu em
Anh chỉ được hôn lên mái tóc
Cái e ấp này chẳng tại anh đâu
Hương nước gội thơm từng nỗi nhớ
Những năm tháng
Có phải đất quê mình
Sâu nghĩa nặng tình
Nên chi màu mỡ
Lọc nước trong gội tóc em xinh
Em mang hình ai lung linh đôi mắt…”
Những bài thơ tình từ thuở hai mươi vẫn là dòng cảm hứng mà “ông gàn Nghệ” khoái trá mỗi khi đọc lại, tựa như thuở ấy đang còn đâu đây. Hơn 40 năm trước, chàng sinh viên Trương Đình Tuyển thầm yêu trộm nhớ cô bạn cùng lớp nhưng thẹn thùng, bẽn lẽn cho đến ngày chia ly giữa mùa phượng cháy, họ vẫn chưa kịp thổ lộ.
Bộ trưởng Thương mại nổi tiếng một thời – ông Trương Đình Tuyển
Hưu nhưng… chưa nghỉ
Sau khi nghỉ hưu, nhiều người thường có suy nghĩ tiêu cực hơn, họ thấy mình không còn có giá trị gì nữa, lo lắng khi sợ không được tôn trọng, thiếu vắng bạn bè, môi trường thay đổi đột ngột khiến bị “sốc”…
Nhưng với ông Tuyển, điều đó dường như không đúng. Ông về hưu nhưng có lẽ ông cũng chưa có một ngày nào được nghỉ hưu – theo đúng nghĩa. Người tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ ngày nào vẫn đau đáu công việc chung. Ông vẫn đóng góp những ý kiến quan trọng tham vấn cho việc hoạch định chính sách của Chính phủ.
Sự tôn trọng của đồng nghiệp, cấp dưới và người dân dành cho vị Bộ trưởng Thương mại ngày nào vẫn còn nguyên, cả về tài năng lẫn đức tính khảng khái và thẳng thắn của ông.
Còn nhớ, tại Quốc hội khóa XI, cái tên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng được cử tri gọi là “ông trực tính”, có người nói chọc “ông gàn”. Quả thực, ngay trước diễn đàn chất vấn, sự thẳng tính, bộc trực của ông khiến những phiên trả lời chất vấn thực sự sống động.
Đứng đầu một ngành, lĩnh vực, quản lý, chỉ đạo hàng nghìn con người nhưng khi ra diễn đàn Quốc hội, không ít vị bộ trưởng căng thẳng vì đụng câu hỏi, chất vấn khó của đại biểu.
Tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án “xin cho quota” bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại. Khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và một số cán bộ của Bộ này bị khởi tố, điều tra.
Là người “cầm trịch” Bộ Thương mại, đương nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại bộ mình nhưng điều quan trọng hơn là đại biểu Quốc hội muốn làm rõ cơ chế nào sinh ra tiêu cực để loại trừ chứ không chỉ là chuyện xử lý cá nhân phạm pháp.
“Quota cũng như visa đi nước ngoài, tôi biết rằng ở đâu có cơ chế phân bổ, xin – cho, ở đó có tiêu cực” – Bộ trưởng thẳng thắn. Đại biểu hỏi tiếp: Biết vậy thì Bộ Thương mại đã làm gì? “Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp như công khai toàn bộ thông tin lên mạng, rồi thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ.
“Chặt chẽ là thế nhưng tiêu cực vẫn xảy ra bởi cơ chế suy cho cùng vẫn là xin, cho”, Bộ trưởng phân trần. Ông nói, doanh nghiệp khi lên Bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn lên Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không phải đến Bộ nữa bởi cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao”. Do đó, “tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng. Bản thân cá nhân tôi xin cam đoan không hề có dính líu gì đến tiêu cực trong chuyện quota dệt may”. Ông trả lời “thẳng tưng”, không vòng vo, không đẩy trách nhiệm.
Có lẽ, trong Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, ông Tuyển cũng là người gây được ấn tượng đặc biệt của “cánh” báo chí hơn cả. Có lần, “cánh” truyền hình “bắt” ông trong một hội thảo, khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP và muốn ông nhận xét về sự kiện này. Ông cười lành lành: “Thôi, tôi già rồi. Để cho cánh trẻ trả lời đi. Cánh trẻ họ biết nhiều và cũng giỏi lắm”.
Có những hôm quán nước không thấy ông ra ngồi, ông chủ quán nước lại chép miệng tiếc rẻ: “Có lẽ hôm nay bác Tuyển lại bận đi họp rồi”. “Cánh” xe ôm thì bảo: “Không biết hôm nay ông Tuyển làm thơ về cái gì”.
Ông Tuyển là thế. Giản dị, điềm đạm và gần gũi với mọi người. Có người nói vui, ông Tuyển về hưu mà chưa bao giờ được nghỉ. Điều quan trọng và cũng đáng quý hơn, ông vẫn được nhiều người trân trọng và yêu quý.
Lưu Thủy