Cựu bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Hãy tỉnh táo với thương chiến Mỹ – Trung
Hội thảo chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt – Ảnh: TBKTSG cung cấp
Nhận định này được ông Tuyển đưa ra tại hội thảo với chủ đề thương chiến Mỹ – Trung do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn phối hợp với Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng trong tương lai gần, tác động của cuộc thương chiến đến kinh tế Việt Nam là khá lớn, nhưng theo hướng có lợi cho Việt Nam vì “ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng với điều kiện Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chấm dứt tình trạng trên nóng (lãnh đạo quyết tâm) dưới lạnh (các cấp thực thi chậm chuyển đổi).
Hơn 250 doanh nghiệp tại TP.HCM thuộc lĩnh vực kinh doanh liên quan đến xuất khẩu hàng hóa đã cử đại diện tham dự hội thảo – Ảnh: TBKTSG cung cấp
Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng Việt Nam phải tỉnh táo trước những thách thức đi liền với cơ hội vì những tác động tiêu cực có thể có.
Theo ông Tuyển, một trong những công cụ mà Trung Quốc có thể sử dụng là giảm giá đồng nhân dân tệ. Khi đó, hàng Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn ở các thị trường mà hàng Việt Nam có mặt như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và cả ở chính Việt Nam.
Đấy là chưa nói đến chuyện Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc, khi nước này đang muốn đẩy đi các công nghệ cũ để chuyển đổi sang công nghệ mới.
Một thách thức nữa, theo ông Tuyển, nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỉ giá tiền đồng và đồng USD và nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, giảm giá trị đồng nội tệ và đe dọa ổn định vĩ mô.
Các diễn giả đều nhận định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ không sớm kết thúc – Ảnh: HỒNG VÂN
Ngoài ra, Trung Quốc có thể bắt tay với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào để tìm cách xuất khẩu qua Mỹ. Đây là một nguy cơ có thể khiến hàng hóa xuất từ Việt Nam bị Mỹ tăng thuế, như đã xảy ra với thép và nhôm.
Theo ông Tuyển, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn như giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao, để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ.
Ông Trương Đình Tuyển khuyên khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.
Ông Phạm Sỹ Thành, giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận định cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài hơn một năm và không sớm chấm dứt, dù phía Mỹ – Trung sẽ gặp nhau trở lại vào tháng 10 tới.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận định các mô hình dự báo cho thấy Việt Nam có thể được lợi trong ngắn hạn, nhưng bị bất lợi trong trung và dài hạn với giả định căng thẳng sẽ tiếp tục (khoảng năm 2021-2022) – Ảnh: TBKTSG cung cấp
Ông Mathew Smith, giám đốc nghiên cứu, phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết trong 3 quý đầu năm, dòng vốn ngoại của ETF (Quỹ Hoán đổi danh mục) rút ra khỏi thị trường Việt Nam tổng cộng là 45 triệu USD, nhưng riêng trong tháng 8-2019 số vốn bị rút ra này là 35 triệu USD, cùng thời điểm leo thang thương chiến mới nhất.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang lo sợ và rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, dù Việt Nam không chính thức trong danh sách các thị trường này.
Ông Smith nhận định dù các vấn đề của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa chắc sẽ sớm được giải quyết, dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, có thể được cải thiện vào cuối năm nay.
Bloomberg: Không phải FED, chiến tranh thương mại mới khiến đồng USD mạnh