Nikola Tesla là ai: Tiểu sử, sự thật nhà khoa học từ chối giải Nobel
1. Tiểu sử Nikola Tesla
Nikola Tesla luôn được đánh giá rất cao trong giới khoa học. Thậm chí ông còn được ca ngợi là “nhà phát minh ra thế kỷ 20”. Vậy rốt cuộc Nikola Tesla là ai? Và tại sao ông lại được đánh giá cao đến vậy?
1.1. Nikola Tesla là ai?
Hình ảnh nhà khoa học Nikola Tesla. Nguồn: Wikimedia
Nikola Tesla (1856-1943) là một nhà khoa học, nhà phát minh người Mỹ gốc Serbia, người đã có cống hiến vĩ đại bằng việc tạo ra hàng chục bước đột phá trong sản xuất, truyền tải và ứng dụng năng lượng điện. Ngoài ra, ông còn nắm giữ hơn 300 bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dù rất nổi tiếng và được kính trọng nhưng Nikola Tesla không bao giờ có thể biến những phát minh phong phú của mình thành tài sản kếch xù giống như Thomas Edison – ông chủ cũ và cũng là đối thủ của ông. Mặc dù vậy, với những phát minh luôn hướng về tương lai, Nikola Tesla được mệnh danh là “nhà phát minh ra thế kỷ 20”.
1.2. Gia đình
Nikola Tesla sinh ngày 10/07/1856 tại Smiljan, Croatia trong một gia đình có 5 người con.
Milutin Tesla, cha của Tesla, là một linh mục chính thống người Serbia và một nhà văn, đã khuyến khích con trai mình trở thành một linh mục. Nhưng Tesla chỉ bày tỏ sự hứng thú với khoa học.
Djuka Mandic, mẹ của Tesla là một người nội trợ nhưng đam mê phát minh các thiết bị gia dụng nhỏ khi có thời gian rảnh rỗi. Tesla từng thừa nhận rằng ông được thừa hưởng dòng máu phát minh từ người mẹ của mình.
1.3. Sự nghiệp
Năm 1880, Tesla tốt nghiệp Đại học Praha. Năm 1882, ông đã phát hiện ra dòng điện xoay chiều. Nó khác với kiểu được sử dụng trong hai nhà máy điện đầu tiên trên thế giới, mở cửa vào năm đó. Cả hai trạm đều sử dụng dòng điện một chiều (DC), không thể thay đổi hướng. Tuy nhiên, dòng điện xoay chiều (AC) của Tesla thì có thể. Nhà phát minh đã chế tạo động cơ điện xoay chiều đầu tiên của mình vào năm 1883.
Năm 1884, nhà phát minh Tesla chuyển đến Hoa Kỳ. Ông làm việc cho nhà phát minh lừng danh Thomas Edison. Không giống như Tesla, Edison thích dòng điện một chiều hơn dòng điện xoay chiều. Sau 2 năm, Tesla rời phòng thí nghiệm của Edison.
Năm 1887, Tesla mở một phòng thí nghiệm ở thành phố New York. Năm tiếp theo, ông bán ý tưởng dòng điện xoay chiều của mình cho George Westinghouse, người đứng đầu Công ty Điện lực Westinghouse.
Đến năm 1891, ông đã phát minh ra cuộn dây Tesla, được sử dụng rộng rãi trong trong radio, máy thu hình và các thiết bị điện tử khác. Cũng trong năm này, Tesla trở thành công dân Hoa Kỳ.
Năm 1893, dòng điện xoay chiều được sử dụng để thắp sáng Triển lãm Columbian Thế giới ở Chicago. Đây là một chiến thắng lớn của Tesla trước Edison.
Đến năm 1896, Tesla và Westinghouse đã xây dựng một nhà máy điện xoay chiều chạy bằng năng lượng của thác Niagara.
Năm 1899, nhà khoa học Nikola Tesla đã tiến hành nhiều thí nghiệm từ một phòng thí nghiệm ở Colorado. Ông đã chứng minh rằng điện có thể được gửi đi mà không cần dây dẫn.
Năm 1905, Tesla đã mất nguồn tài trợ để xây dựng một tháp truyền thông không dây. Ý tưởng đó và nhiều ý tưởng khác đã không bao giờ thành hiện thực trong cuộc đời ông.
2. Sự thật việc Nikola Tesla từ chối giải thưởng Nobel
Một trong những tin đồn khá phổ biến về nhà khoa học Tesla, đó là ông đã từ chối nhận giải thưởng Nobel (kèm theo số tiền thưởng 20.000 USD) vào năm 1915 vì không muốn chia sẻ giải thưởng đó với Thomas Edison. Vậy tin đồn này có đúng không và câu chuyện thực sự bị che giấu là gì?
Tin đồn này bắt nguồn từ một bài báo đăng trên tờ New York Times được xuất bản vào ngày 07/11/1915. Theo đó, tờ báo này đã đăng một thông báo ngắn gọn với nội dung rằng 2 nhà khoa học Nikola Tesla và Thomas Edison là đồng chủ nhân của Giải Nobel vật lý năm 1915. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã được chứng minh là sai bởi chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý năm đó là William H. Bragg và W. L. Bragg – con trai ông.
Nhưng tin đồn chưa dừng lại ở đó. Người ta đồn rằng Tesla và Edison thực sự nhận được giải Nobel nhưng họ từ chối chia sẻ giải thưởng với nhau, nên Hội đồng Nobel đã quyết định trao giải cho người khác. Vậy có chuyện này không?
Đáp trả lại tin đồn, Hội đồng Nobel đã tuyên bố dứt khoát rằng họ không bao giờ rút lại giải thưởng chỉ vì người được trao giải từ chối nhận nó.
Vậy Tesla và Edison phản ứng ra sao với tin đồn? Về phía Edison, ông chưa bao giờ lên tiếng về tin đồn này.
Còn Tesla, mới đầu, khi có tin đồn mình được trao giải Nobel, Tesla tỏ ra khá phấn khích khi trả lời báo chí: “Tôi có thể kết luận rằng vinh dự này được trao cho tôi là nhờ những khám phá về ý tưởng truyền tải điện không dây”. Có thể thấy, Tesla cũng rất coi trọng giải thưởng Nobel, và coi đó là một vinh dự.
Sau đó, khi biết kết quả, Tesla tỏ rõ sự thất vọng. Trong một bức thư gửi cho một người bạn, ông đã chia sẻ: “Trong một ngàn năm nữa, sẽ có nhiều chủ nhân của giải Nobel, nhưng tôi đã có không dưới bốn chục phát minh, sáng chế mang tên mình. Đó là những vinh dự thật sự và vĩnh cửu, được công nhận bởi cả thế giới, những người hiếm khi mắc sai lầm, chứ không phải từ số ít những người dễ mắc sai lầm”.
Ngoài ra, trong giai đoạn này Tesla cũng đang rất cần tiền vì ông đang gặp rắc rối lớn về tài chính. Do đó, khó có chuyện ông từ chối giải thưởng Nobel và số tiền 20.000 USD đi kèm. Thực tế, chỉ một năm sau đó – năm 1916, ông đã tuyên bố phá sản.
Như vậy, có thể kết luận rằng nhà khoa học Nikola Tesla chưa từng nhận được giải Nobel bất chấp tài năng phi thường của mình. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự cho tới nay vẫn còn là bí ẩn chưa lời giải đáp. Tuy nhiên, chắc chắn không có chuyện Tesla từ chối giải Nobel.
3. Những phát minh của Nikola Tesla cho thế kỷ 20
Nhà phát minh Nikola Tesla có khoảng 300 bằng phát minh, sáng chế, phần lớn trong số đó là những ứng dụng cho tương lai. Hãy điểm qua những phát minh quan trọng nhất của ông.
3.1. Dòng điện xoay chiều AC
Nikola Tesla đối đầu với Thomas Edison trong “Trận chiến dòng điện”. Ảnh minh họa
Đây là công nghệ nổi tiếng gắn liền với nhà khoa học Nikola Tesla, sau này đã trở thành chủ đề cho một trận chiến đặc biệt với Thomas Edison, gọi là “Trận chiến dòng điện”.
Năm 1884, Tesla rời châu Âu để làm việc cho Edison, người được cho là đã hứa sẽ trả ông 50.000 USD nếu cải tiến được dòng điện một chiều. Nhưng Edison không giữ lời hứa, và nói với Tesla rằng đó chỉ là một lời nói đùa kiểu Mỹ. Tesla quyết định rời bỏ phòng thí nghiệm của Edison để phát triển dòng điện xoay chiều.
So với dòng điện một chiều của Edison, dòng điện xoay chiều của Tesla có ít vấn đề hơn. Với dòng điện xoay chiều, dòng điện được đảo chiều nhiều lần trong một giây, giúp dễ dàng chuyển đổi sang điện áp cao và thấp hơn.
Tuy nhiên, Edison không muốn bị mất khoản tiền bản quyền khổng lồ của những bằng sáng chế liên quan đến dòng điện một chiều mà ông đang nắm giữ. Do đó, ông đã thực hiện một chiến dịch truyền thông bẩn nhằm chống lại dòng điện xoay chiều của Tesla.
Theo đó, Edison công khai giật điện động vật bằng dòng điện xoay chiều để cho mọi người thấy sự nguy hiểm của công nghệ này. Đáp lại, Tesla công khai gây sốc bằng cách cho dòng điện xoay chiều 250.000V chạy qua cơ thể bản thân để chứng tỏ sự an toàn của nó.
Kết quả của trận chiến này là một chiến thắng vĩ đại dành cho nhà phát minh Nikola Tesla. Ngày nay, dòng điện xoay chiều được sử dụng rộng rãi trong đời sống để chạy các thiết bị điện (tivi, tủ lạnh, quạt…). Còn dòng điện một chiều vẫn được sử dụng cho một số loại máy móc công nghiệp nhưng đòi hỏi phải bảo trì nhiều hơn.
3.2. Thủy điện
Nikola Tesla có đóng góp rất lớn để xây dựng nên Trạm thủy điện tại thác Niagara. Ảnh minh họa
Nhà khoa học Nikola Tesla cũng là người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trạm thủy điện đầu tiên trên thế giới ở thác Niagara, New York, Mỹ được xây dựng dựa trên 9 (trong tổng số 12) bằng sáng chế của ông.
3.3. Sóng Radio
Ai mới là người phát minh ra sóng Radio? Nikola Tesla hay Marconi? (Ảnh minh họa)
Lịch sử thường ghi nhận Guglielmo Marconi – một doanh nhân người Ý là người đã phát minh ra sóng Radio. Nhưng sự thật là Marconi đã sử dụng công nghệ từ 17 bằng sáng chế của Tesla. Cuối cùng, 2 nhà phát minh đã lôi nhau vào một cuộc chiến bằng sáng chế.
Năm 1943, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã thu hồi bằng sáng chế vô tuyến điện của Marconi để ủng hộ Tesla và 2 nhà khoa học khác, Oliver Lodge và John Stone. Thật không may, Tesla đã qua đời trước đó.
3.4. Điều khiển từ xa
Nikola Tesla và con tàu điều khiển từ xa của ông. Ảnh minh họa
Nikola Tesla đã phát minh ra một trong những điều khiển từ xa đầu tiên trên thế giới, được ông gọi là “teleautomaton”. Năm 1898, nhà khoa học này được cấp bằng sáng chế cho chính thiết bị của ông và được gọi là “Phương pháp và thiết bị điều khiển cơ chế chuyển động của tàu hoặc phương tiện”. Và ông đã sử dụng nó để điều khiển một chiếc tàu mô hình trong một cuộc trình diễn tại Madison Square Garden.
3.5. Tia X
Nikola Tesla đã khám phá ra tia X từ rất sớm. Ảnh minh họa
Mặc dù Wilhelm Conrad Röntgen – nhà khoa học người Đức được ghi nhận là người đầu tiên khám phá ra tia X vào năm 1895, tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Nikola Tesla cũng đã khám phá ra tia X trước đó vài năm.
Ông đã thử nghiệm với bức xạ và chụp được một số hình ảnh tia X đầu tiên của cơ thể con người, mà ông gọi là shadowgraph. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong các nhà khoa học đầu tiên có giả thuyết về sự gây hại của tia X.
3.6. Cuộn dây Tesla
Cuộn dây Tesla. Nguồn: Wikimedia
Cuộn dây Tesla được Nikola Tesla phát minh ra vào năm 1891. Đây được xem là một trong những phát minh quan trọng nhất của ông, là nền tảng cho phần lớn công việc sau này của nhà phát minh vĩ đại.
Về cơ bản, cuộn dây Tesla là một máy biến áp cộng hưởng, tạo ra dòng điện xoay chiều có tần số cao và điện áp cao. Nó có khả năng biến điện áp đầu vào 120V thành điện áp đầu ra 100.000V. Nó được biết đến là hệ thống đầu tiên có khả năng truyền tải điện không dây.
3.7. Máy phát phóng đại
Thí nghiệm về máy phát phóng đại của Nikola Tesla. Nguồn: Wikimedia
Máy phát phóng đại là một phát minh của Tesla nhằm khai thác sức mạnh của cuộn dây Tesla để truyền tải điện không dây trên phạm vi toàn thế giới.
Bằng cách kết nối một sợi dây kim loại với máy phát phóng đại, ông có thể truyền năng lượng điện từ vào phòng thí nghiệm của mình và có thể thắp sáng một bóng đèn huỳnh quang cầm trên tay vì điện áp trong không khí đủ lớn để tạo ra một dòng điện đủ lớn.
Thậm chí, bằng cách sử dụng máy phát phóng đại, Tesla có thể thắp sáng một bóng đèn cách đó 1 km.
3.8. Tuabin Tesla
Tuabin của Nikola Tesla. Nguồn: Wikimedia
Tesla đã coi sự nổi lên của động cơ piston trong ngành công nghiệp ô tô là một cách để thay đổi thế giới. Ông đã phát triển động cơ kiểu tuabin của riêng mình, sử dụng quá trình đốt cháy để làm cho các đĩa quay.
Hiệu suất nhiên liệu của Tuabin Tesla lên tới 90%, một thành tựu không tưởng thời đó, tương đương với hiệu suất của một số tuabin hiện đại.
3.9. Động cơ cảm ứng
Động cơ cảm ứng của Nikola Tesla. Ảnh minh họa
Động cơ cảm ứng (còn gọi là động cơ không đồng bộ) được phát minh độc lập bởi Galileo Ferraris và Nikola Tesla. Mặc dù Ferraris đã giới thiệu động cơ của mình trước (vào năm 1885), nhưng Tesla lại là người đăng ký bằng sáng chế trước (vào năm 1888).
Động cơ cảm ứng của Tesla sử dụng điện xoay chiều, tạo ra từ trường làm quay động cơ. Phát minh này có ảnh hưởng vô cùng lớn và vẫn được sử dụng trong các thiết bị điện ngày nay như máy hút bụi, máy sấy khô…
3.10. Bảng hiệu đèn Neon
Bảng hiệu đèn neon ra đời nhờ Nikola Tesla. Ảnh minh họa
Tesla không phát minh ra đèn huỳnh quang hay đèn neon, nhưng ông đã góp phần cải tiến cả hai phát minh này. Ông đã lấy đèn và tạo ra bảng hiệu đèn neon đầu tiên.
Tại Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893, Tesla đã trình diễn các bảng hiệu đèn neon và cách chúng có thể tạo ra những hình thù độc đáo và thậm chí tạo thành các từ.
4. Tesla qua đời như thế nào?
Chắc hẳn bạn sẽ phải rất ngạc nhiên khi biết rằng bất chấp có tới hơn 300 bằng sáng chế mang tên mình, Nikola Tesla vẫn không có một xu dính túi. Việc không được công chúng công nhận cùng những lời nhạo báng từ chính đồng nghiệp của mình đã đẩy Tesla vào cuộc sống trầm cảm và tự đày đọa bản thân.
Ông bắt đầu ghi chép các lý thuyết và hoạt động nghiên cứu của mình vào nhật ký và sổ ghi chép của mình thay vì đem chúng xuất bản.
Thật trớ trêu khi người đàn ông phát minh ra thế kỷ 20 đã chết một cách cô đơn, không một xu dính túi trong một căn phòng khách sạn vào ngày 07/01/1943 ở tuổi 86.
Các bác sĩ nhanh chóng xác định được nguyên nhân tử vong là do huyết khối mạch vành – một chứng rối loạn thường gây ra bởi sự tích tụ cholesterol và chất béo trong thành mạch máu. Nguyên nhân chính gây ra nó là do chế độ ăn nhiều cholesterol LDL, hút thuốc, lối sống ít vận động và tăng huyết áp.
Nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu các phát minh khác nhau của ông. Nhiều phát minh trong số đó đã được chứng minh là thực sự hoạt động.
5. 3 – 6 – 9: Bí ẩn cuộc đời Nikola Tesla
Sự ám ảnh của Nikola Tesla với 3 con số 3, 6 và 9. Ảnh minh họa
Nhà khoa học Nikola Tesla được cho là đã từng tuyên bố: “Nếu bạn biết được sự kỳ diệu của 3, 6 và 9, thì bạn sẽ có chìa khóa giải mã cả vũ trụ”.
Mặc dù không chắc là nhà phát minh vĩ đại có thực sự nói như vậy không. Tuy nhiên, trong cuộc đời của mình, đúng là Nikola Tesla đã có những ám ảnh liên quan đến các con số này.
Ví dụ, ông sẽ đi bộ 3 vòng quanh khu nhà trước khi bước vào tòa nhà. Trước khi ăn, Tesla sẽ lau bát bằng 18 chiếc khăn ăn – con số này cũng chia hết cho 3, 6 và 9. Ông cũng chỉ ở trong các phòng khách sạn có số phòng chia hết cho 3.
Và cuối đời, Tesla mất trong một căn phòng khách sạn rẻ tiền, có số phòng là 3327 – một con số chia hết cho 3.
Đến nay, vẫn chưa ai biết được tại sao Nikola Tesla lại ám ảnh với 3 con số này đến vậy.
6. Nikola Tesla IQ?
Không có một con số chính xác về IQ của Nikola Tesla. Tuy nhiên, dựa vào những thành tựu mà ông đạt được, các nhà nghiên cứu ước tính IQ của Tesla nằm trong khoảng 160 – 310, nằm trong top 40 người thông minh nhất mọi thời đại.
Có thể nói Nikola Tesla là một nhà phát minh vĩ đại với tài năng phi thường. Mặc dù chưa từng nhận được giải Nobel nhưng những phát minh, đóng góp cho khoa học của ông đã được cả thế giới ghi nhận bởi nó đã thúc đẩy sự tiến bộ của cả nhân loại.