Người không Hội
TP – Cứ băn khoăn, nếu như ông mà khoác com lê cà vạt không đánh cái quần bò áo phông mà cồm cộp giầy tây thì có còn là Dương Tường nữa không nhỉ?
Có một người viết đáo để Phạm Xuân Nguyên đã định hình về Dương Tường thế này. Ông là nhà báo? Dịch giả? Nhà phê bình mỹ thuật? Nhà phê bình âm nhạc? Nhà phê bình sân khấu? Nhà thơ? Đúng cả!
Vợ chồng Dương Tường
Tôi cứ lờ mờ rằng chớ có chiểu, chớ neo và men theo những nhận xét từng được thiên hạ nắc nỏm như một thứ đóng đinh. Dẫu người ấy có là… gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên! Dưng mà hình như gã đầu bạc ấy đã chưa từng kịp từng lâm cái sự lú lẫn? Bằng cớ là hàng chục bài báo ta cũng như Tây viết về Dương Tường cứ như là một thứ lý giải một sự giải mã một minh chứng những định đề của gã đầu bạc về Dương Tường?
Phải nhỡn tiền một Dương Tường những gì và như thế nào nhỉ? Chứng kiến cái vái sống kiêm thành thực lẫn ngồ ngộ của nhà thơ Lê Đạt khi Dương Tường trưng ra ba câu thơ phỏng theo phong cách haiku buông thõng giữa khoảng rợn trắng mênh mông của khổ giấy rộng Ai bẻ ghi tôi/ tu huýt còi/ hoang ga em? (Lạc 1).
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường nhận Huy chương Bắc Đẩu Bội tinh
Hay thời điểm năm 1995, David Thomas, cựu binh Mỹ, GS kiêm họa sĩ Đại học Emmanuel người đầu tiên tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Mỹ – Việt, người từng trở lại Việt Nam sau này vì quá mê Dương Tường đã thao thiết mời ông qua Mỹ dự triển lãm. Làm hộ chiếu phải qua nhiều thủ tục không đơn giản. Dương Tường bắt buộc phải là hội viên của một Hội nào đó. Mà hỡi ôi, Dương Tường chưa ở bất kỳ một Hội nghệ thuật nào (cho đến thời điểm năm 2020 này, ngày mai 23 tháng 11 khai mạc Hội Nhà văn Việt Nam, ông vẫn chưa thèm có chân trong Hội nhà văn!)
Khi ấy người ta gợi ý ông phải làm cái đơn xin vào hội nghệ sĩ tạo hình ngành lý luận phê bình gì đó.
Nhưng rồi Hội đồng lý luận đã không giới thiệu ông lên Ban chấp hành mặc dù họa sĩ Trần Lưu Hậu, chủ tịch Hội và Thái Bá Vân, nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu. Mà thời hạn đi Mỹ đã sát nút. Bà Vũ Giáng Hương khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện đã rành rẽ, anh Dương Tường viết những bài phê bình về hội họa rất có chất lượng và viết nhiều hơn số đông những nhà phê bình chuyên nghiệp. Anh Trần Lưu Hậu anh Thái Bá Vân đã giới thiệu. Nếu cần tôi là người thứ ba.
Dương Tường được khẩn trương kết nạp. Nhờ đó được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật!
Bảy mươi, rồi bảy lăm. Tám mươi, rồi tám lăm, chín mươi tuổi. Dương Tường vẫn áo phông quần bò giày mềm thung thăng, nhung nhăng khắp Nam Bắc sải những bước khoát hoạt trong các địa hạt mà gã đầu bạc từng liệt kê.
* * *
Một Dương Tường chí cốt với bạn hữu, người thân. Dương Tường về TTXVN cùng thời 1955 với các cây viết Tất Vinh, Mạc Lân về báo Tiền Phong. Sau này, chị Trinh, em gái của Tất Vinh lại làm vợ Dương Tường. Tất Vinh, Mạc Lân chơi thân với những Trần Dần, Phùng Quán. Và khúc nhôi buồn Mạc Lân từng rủ rê Dương Tường đi bán máu kiếm sống những năm khốn khó ấy xin được kể vào dịp khác! Mạc Lân, Tất Vinh từng gật gù khi ngồi với bạn bè Nhân Văn. Và cũng chỉ những ngồi góp bàn suông cà phê cà pháo thế thôi chứ có thể hiện ra con chữ, ở một bài viết nào đâu? Nhưng đã có chuyện. Đã dậy khắp cái tin đồn dính đến Nhân Văn vào cái năm 1958 ấy. Cơ quan bảo vệ văn hóa đã có ý kiến, ý cò. Ở báo Tiền Phong, trưởng ban Văn Nghệ Mạc Lân không được tin tưởng nữa. Mạc Lân phải chuyển sang Ban Bạn đọc. Rồi tụt xuống phóng viên thường. Lương từ bậc 11 hạ xuống còn bậc 7. Cây viết tài hoa Tất Vinh thì phải đi cải tạo lao động mất vài năm. Và cái tên Tất Vinh bị cấm tiệt trong các bài viết! Đành phải lấy tên con trai là Hồng Dương thế vào.
Tuyển tập của nhà thơ Dương Tường
…Dịch giả kiêm nhà thơ tài hoa thon gọn 15 năm trước Dương Tường đẩy về phía tôi một cuốn dầy cộp. Đó cuốn Thi nhân Việt Nam 1885-1965 đã xuộm vàng hơn 1.400 trang của Trần Tuấn Kiệt, nhà nghiên cứu kiêm thi sĩ. Sách xuất bản ở Sài Gòn năm 1965. Trong mục Thi nhân tiền chiến có giới thiệu Tố Hữu. Quang Dũng. Hoàng Cầm… Và trang 561 có những dòng giới thiệu về Tất Vinh thế này.
Nhà thơ Tất Vinh được nhiều bạn thơ hôm nay xem là một thi sĩ ngang với Hữu Loan Hoàng Cầm… Ông cũng đi kháng chiến chống Pháp. Có người nói ông là nghĩa tử của Lê Văn Trương… Rằng chúng tôi đã mục sở thị nhà văn Lê Văn Trương ngâm thơ của Tất Vinh một cách say sưa thú vị…
Kèm theo Trần Tuấn Kiệt tuyển ba bài của Tất Vinh: Sông Mã. Vô đề. Gửi Yên Thao. Những câu như thế này đã găm vào trí nhớ không ít người một thời, một thuở… Sông Mã trôi xuôi mình cũng xuôi/ Mũ lá u u nhớ một người/ Ai viết tân thư mà ứa lệ/ Thương nhớ vô cùng thương nhớ ơi.
Thời điểm đó tôi đâu biết một cuộc xuất bản thơ Tất Vinh đang được ông em rể Dương Tường ráo riết tiến hành!
Cú hích đầu tiên là Mạc Lân. Một tập của Tất Vinh? Tại sao không? Mấy bài tuyển của Trần Tuấn Kiệt sơ sài quá… Mạc Lân khi ấy ốm yếu nhưng căn vặn gay gắt Dương Tường.
Hóa ra không phải chỉ Mạc Lân mà là hai người em của Mạc Lân mới là người “xui nguyên giục bị”.
Chuyện với con bệnh trọng Mạc Lân xuyên qua hai trưa ở phường Quan Hoa.
Số là những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Mạc Lân thường dẫn Tất Vinh bạn hữu cùng trung đoàn 66 về nhà mình chơi. Gia đình nhà văn Lê Văn Trương khi đó tản cư hết mạn Chợ Bến rồi Lò Than của Nho Quan. Đơn vị của Mạc Lân may lại đóng gần đó…
Sinh hoạt của những anh vệ túm cho dù ít phải đi chiến trận như Tất Vinh, Mạc Lân chuyên làm tờ tin của trung đoàn thường xuyên thiếu thốn nhiều khi lâm cả đói rét. Đời sống dân tản cư cũng chả khá hơn nhưng nhà Lê Văn Trương có hai anh con trai, em ruột Mạc Lân, sức vóc cũng khá lại tháo vát chuyên buôn muối từ vùng giáp ranh vào vùng tự do nên đời sống cũng tàm tạm.
Những lần Mạc Lân dẫn bạn ghé nhà những là Tất Vinh, Trần Dần, Yên Thao, Tạ Phương Hiển… thì cũng có tí ti cải thiện ấm chân răng. Những đêm bên bếp lửa chuyện thơ phú mà chủ soái là nhà văn Lê Văn Trương có khi kéo mãi ra tận sáng bạch.
Trong số đám bạn viết lách của con giai, Lê Văn Trương quý Tất Vinh hơn cả. Quý gì chả biết? Nhưng khi ấy, như hồi ức của Dương Tường thì lính văn nghệ hầu như ai cũng thuộc hoặc cả bài hoặc dăm ba đoạn, còn Lòng hậu phương của nhà thơ quân đội 23 tuổi Tất Vinh cũng được nhiều người biết đến.
Ảnh nhà thơ Tất Vinh trên bìa cuốn thơ
Thơ Tất Vinh hồi ấy được các anh bộ đội các học sinh kháng chiến, các cô thôn nữ vùng tự do cũng như vùng địch hậu chép trong sổ tay, truyền tay nhau học thuộc lòng. Tất Vinh đã viết hàng trăm bài thơ như thế… Trong số những thành viên nghe Tất Vinh đọc thơ bên bếp như thế có hai người trong gia đình của Lê Văn Trương, em trai và em gái Mạc Lân, Lê Văn Bổng và Lê Giáng Vân.
Chàng trai Lê Văn Bổng cùng cô bé Giáng Vân xinh xẻo thuở nào luôn có cảm mến đặc biệt với chàng lính trẻ Tất Vinh nay cũng đã thành người thiên cổ! Thấy cứ là lạ, tâm thức cùng cảm nhận của sức nhớ thời tuổi trẻ đã làm nên điều diệu kỳ. Hai anh em nhà ấy đã làu thuộc thơ Tất Vinh hơn hai mươi bài!
Chính vì thế khi nghe khi chứng kiến ông anh ruột Mạc Lân vật vã vì tật bệnh thì ít mà vì bạn, vì kỷ niệm thì nhiều tại sao thơ Tất Vinh lại không hề có mặt trong bất cứ một tuyển tập thơ Việt Nam?
Và trí nhớ của hai người em ruột ấy đã khiến Mạc Lân như vơi vợi bớt những dằn vặt băn khoăn.
Mạc Lân gọi điện gặp Dương Tường. Nhà dịch giả đã vượt thoát ra khỏi cái tình em rể để chỉn chu nghiêm cẩn như bao năm nay vẫn cày xới địa hạt tuyển dịch đã bắt tay cùng với Mạc Lân hoàn thành cuốn thơ của ông anh vợ. Cuốn sách có lẽ hơi bị độc đáo là xuất bản, nhưng không có di cảo bằng văn bản, tóm lại là chưa hề có bản thảo!
Nhiều bạn bè đã xúm tay cùng hai ông… Dăm ba anh em chụm đầu lục lọi trong trí nhớ, người một đoạn kẻ vài câu. Chính vì vậy mà trang đầu của tập thơ 32 bài của Tất Vinh, có những dòng như thế này.
Gia đình cố thi sĩ Tất Vinh xin chân thành cảm ơn ông Lê Văn Bổng, bà Lê Thị Giáng Vân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, nhà thơ Tạ Phương Hiển đã dốc tâm lực gom lại từ sổ tay và bằng trí nhớ những bài trong tập thơ này.
Vâng bây giờ bạn đọc đâu đó đang có trong tay cuốn Thơ Tất Vinh xuất bản đầu năm 2005 của NXB Thanh niên khổ 20x21cm được in trang trọng… Mà nhà thơ Dương Tường, đã nói trong lời mở sách, đây không phải là một tuyển tập mà chỉ là một tiêu mẫu của thơ Tất Vinh! Đằm thắm. Trữ tình. Vương chút u ấn, đượm chất Đường thi. Lục bát đậm đà phong vị ca dao. Mộc mạc ngọt ngào, cảm động…
Có lẽ găm vào trí nhớ và chả dễ chuội đi những câu như thế này: Em đã từng phen tìm giọng tìm người/không gặp/ bàn tay đưa võng; hoặc không trách/ bàn tay/ đẩy thuyền quá vội/ trách dòng sông/ hẹp/ mà thôi; hay Xây cánh hoa đời trên miệng súng/ Dài mùa tan vỡ ngắn thời son.
Và nữa, có một Tất Vinh hơn 60 năm trước đã cách tân đã hiện đại cả về cấu tứ, lời chữ lẫn chất nhạc, tiết tấu Đại đội trưởng/lầm lì/ đôi mắt/ rọi lửa/ trên sơ đồ trại giặc/ ngoài trời/ mưa lắc thắc/ áo tơi liên lạc/ đi/ về/ sèn sẹt/ mài lưỡi mác/ giọng anh xung kích/ thèm đi như khát một ngụm chè.
Chữ ký sau bạo bệnh của Dương Tường
…Cứ tưởng phải và sẽ mãi một Dương Tường phong độ. Thế mà đã phải hơn hai tháng nay đành biệt giam trên gác hai căn hộ ở phố Phan Huy Chú. Dẫu quần bò áo phông nhưng cú ngã sơ sẩy của tuổi 90 khiến các nhà nghệ thuật trong một Dương Tường đã phải nhiều lúc buông ra âm thanh bất lực Trinh ơi… Ấy là âm thanh thương mến hằng bao năm ông chồng gọi vợ. Hình như khi đau ốm bây giờ, âm thanh ấy đâm vổng vót riết róng hơn? Bà Trinh cũng đã xuống sức cùng chậm chạp nhiều. Nhưng biết làm sao, bà phải chăm ông còn hơn con chăm cha. Cái cười của người em gái nhà văn Tất Vinh vẫn tươi tươi rằng quen được vợ hầu rồi giờ ốm đau làm nũng đến khiếp!
Bà đang đưa ngọn bút dạ cho ông ký tặng tập thơ. Bàn tay của cây cọ Dương Tường nghe nói hơn 2 tháng nay mới lại cầm được bút vẫn uyển chuyển vạch một dòng khoát hoạt!