“Lửa nghề” của cựu binh nhập tịch
Năm 2007, lịch sử bóng đá Việt Nam chứng kiến một sự kiện đáng nhớ khi thủ môn người Brazil Fabio Dos Santos của CLB ĐTLA được công nhận mang quốc tịch Việt Nam. Sự kiện này mở đường cho một loạt ngoại binh khác trở thành công dân Việt Nam, trong đó nổi bật không kém Phan Văn Santos chính là đồng hương Huỳnh Kesley Alves.
Mở đường cho trào lưu
Nói chính xác thì Phan Văn Santos không phải cầu thủ nhập tịch Việt Nam đầu tiên bởi trước đó, CLB Đà Nẵng từng xin nhập tịch cho một cầu thủ quốc tịch Pháp là Ludovic Casset, lấy tên là Mã Trí. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ Mã Trí lại có mẹ là người Việt Nam, trong khi Phan Văn Santos là “ông Tây” 100%. Cũng vì vậy, giới bóng đá trong nước mặc định xem thủ môn cao 1,98 m là ngoại binh nhập tịch đầu tiên.
Việc ông bầu Võ Quốc Thắng của ĐTLA xin nhập tịch thành công cho Phan Văn Santos, thậm chí thủ môn người Brazil sau đó còn được gọi lên chơi cho tuyển Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto, đã mở đường cho một trào lưu nhập tịch rầm rộ. Nhiều đội bóng ở V-League tìm cách thuyết phục các ngoại binh đủ điều kiện xin nhập tịch, vì điều đó đồng nghĩa họ sẽ đá với tư cách cầu thủ nội, giúp CLB có thêm được một suất ngoại binh nữa để tăng cường sức mạnh ở giải quốc nội vốn rất khốc liệt. Tiếp bước Phan Văn Santos chính là tiền đạo lừng danh của B.Bình Dương lúc đó là Huỳnh Kesley Alves.
Kesley không những nhập tịch năm 2009 mà còn lấy vợ Việt Nam. Với tài năng nổi trội nên sau khi chia tay B.Bình Dương, dù đã có tuổi nhưng Huỳnh Kesley vẫn nhanh chóng trở thành mục tiêu săn đuổi của nhiều đội bóng giàu tiềm lực như HAGL, Sài Gòn Xuân Thành… Cũng như Santos, Huỳnh Kesley được khoác áo tuyển Việt Nam trong thời gian ngắn. Cả hai trở thành những biểu tượng thúc đẩy nhiều thế hệ ngoại binh khác tìm cách xin được trở thành công dân Việt Nam, tiêu biểu là những cái tên như Nguyễn Rogerio, Đinh Hoàng Max (Maxwell), Đinh Hoàng La (Mykola), Hoàng Vissai (Dio Preye) hay sau này là Hoàng Vũ Samson, Nguyễn Van Bakel (Van Bakel)…
Santos đang huấn luyện cho các thủ môn trẻ Bình Dương Ảnh: Mộc Nghênh
“Bí ẩn” Phan Văn Santos
Khác với nhiều cầu thủ nhập tịch thường rời Việt Nam khi không còn giá trị sử dụng ở V-League, Phan Văn Santos chọn ở lại quê hương thứ hai, tìm cách mưu sinh sau khi giải nghệ năm 2014. Santos mở một lò đào tạo bóng đá “nhí” ở quận 7, TP HCM – nơi gia đình cựu binh nhập tịch này sinh sống. “Sau khi giải nghệ, tôi cùng người bạn Ricardo (đồng đội cũ ở Navibank Sài Gòn) bắt đầu mở một trung tâm đào tạo bóng đá nhỏ ở quận 7, lấy tên BIFA FC, thuê sân bóng ở Trường Cảnh sát Nhân dân để làm công việc huấn luyện. Chúng tôi dạy bóng đá cho các em nhỏ ở Việt Nam cũng như cầu thủ “nhí” nước ngoài đang cùng gia đình sinh sống và làm việc tại quận 7″, – Santos cho biết.
Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, lò đào tạo của Santos giúp anh có nguồn thu nhập ổn định. Thủ môn có biệt tài sút phạt ghi bàn này còn tham gia rất tích cực nhiều hoạt động cộng đồng, thiện nguyện của người Brazil và người nước ngoài tại nơi đang sinh sống. Thế nhưng, khá kỳ lạ là trong suốt 3 năm giải nghệ, từ giới truyền thông cho đến các đồng đội cũ rất khó liên lạc với cựu thủ môn này.
Chưa hết, dù đã sống gần 14 năm ở Việt Nam nhưng Phan Văn Santos rất ít khi sử dụng tiếng Việt, dù vẫn nghe hiểu khá tốt. “Lý do tôi ở lâu như vậy nhưng vẫn không học ngôn ngữ Việt Nam là vì muốn giữ sự bí ẩn giữa các ngôn ngữ. Nếu thông thạo tiếng Việt 100%, tôi sẽ cảm thấy mình biết hết mọi điều ở đây, như vậy tôi sẽ phải ra đi. Tôi cảm thấy mình cần phải giữ khoảng cách, đôi khi chỉ cần nhìn bạn là hiểu bạn đang nói gì. Có thể nói, cuộc sống ở Việt Nam rất thuận lợi, dù tôi rất yêu Brazil. Ở bên đấy có quá nhiều khó khăn, còn sống ở TP HCM, phát triển rất nhanh chóng hơn 10 năm qua, tôi có thể vừa làm việc và chăm sóc gia đình một cách thoải mái nhất” – cựu thủ môn tuyển Việt Nam chia sẻ.
Sống kín tiếng kể từ ngày giải nghệ, thỉnh thoảng một số đồng đội cũ vô tình bắt gặp Santos chơi bóng ở giải phong trào được tổ chức ở quận 7. Tháng 8 vừa qua, người hâm mộ bất ngờ thấy anh xuất hiện trên khán đài sân Bình Dương để theo dõi một trận đấu ở V-League 2017. Hỏi ra mới biết, Santos đã tìm được công việc mới ở B.Bình Dương, đó là đào tạo thủ môn tuyến trẻ, hỗ trợ cho HLV Trần Minh Chiến.
“Nói về chuyên môn, không có gì để phàn nàn về Santos, cậu ta lại còn hài hước nữa nên trong đội ai cũng thích, quý mến. Quan trọng là nhìn Santos dành hết tâm huyết chỉ bảo các thủ môn trẻ, thấy rõ ngọn lửa nghề trong cậu ta còn rất lớn” – HLV Trần Minh Chiến nhận xét về đồng nghiệp mới.
Kesley trong màu áo Kasetsart ở Giải Hạng nhì Thái Lan Ảnh: TFA
“Người không tuổi” Huỳnh Kesley Alves
Nếu như Phan Văn Santos kín tiếng thì người đồng hương Huỳnh Kesley Alves lại có tính cách sôi nổi. Ở tuổi 36, trong khi nhiều đồng nghiệp đã giải nghệ thì cầu thủ nhập tịch thứ hai của bóng đá Việt Nam vẫn đang miệt mài trên sân cỏ. “Kesley nói với tôi, cả cuộc đời anh ấy gắn liền với bóng đá nên bây giờ vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện giải nghệ. Vì vậy mà khi CLB Kasetsart University ký hợp đồng mời Kesley đá Giải Hạng nhì Thái Lan năm ngoái, anh ấy nhanh chóng gật đầu vì chỉ cần được chơi bóng đã là niềm hạnh phúc” – Huỳnh Lộc, người bạn đời của Huỳnh Kesley, chia sẻ về chồng.
Kesley từng có ý định giải nghệ cuối năm 2016 nhưng khi được Kasetsart đề nghị tái ký hợp đồng trước mùa giải 2017, cựu danh thủ B.Bình Dương và HAGL vẫn gật đầu. “Đội bóng Thái Lan tạo điều kiện để tôi vừa thi đấu vừa điều hành một công ty đại diện và đào tạo tài năng trẻ ở Brazil do tôi làm chủ, mang tên K&J Soccer Agents. Ngoài thời gian thi đấu, công việc chính của tôi là liên kết với nhiều người bạn ở Brazil, chủ động đào tạo các cầu thủ trẻ từ 10 tuổi trở lên để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp và gửi ra nước ngoài thi đấu” – Kesley tâm sự.
Huỳnh Kesley thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan để chăm sóc gia đình cũng như thực hiện những dự án liên quan đến đào tạo trẻ. Nhiều đồng nghiệp ví cựu tiền đạo tuyển Việt Nam như “người không tuổi”, còn Huỳnh Kesley cho rằng chính bóng đá là nguồn sống, đem đến niềm vui cho bản thân cũng như là động lực để Vua phá lưới V-League 2005, Vua phá lưới AFC Cup 2009 cố gắng hướng đến mục tiêu đào tạo những tài năng trẻ cho bóng đá Brazil, Việt Nam và cả Thái Lan.
“Việt Nam đã là quê hương thứ hai của tôi, rất khó để chia tay nơi đây. Vợ tôi vẫn đang điều hành tốt công việc của gia đình, 2 con trai cũng học hành, sinh sống ở Việt Nam nên dĩ nhiên tôi muốn con mình lớn lên sẽ dễ dàng thấu hiểu về cả hai nền văn hóa Việt Nam và Brazil. Tôi chuẩn bị lấy bằng HLV và hy vọng trong thời gian tới sẽ có dịp được thể hiện ở Việt Nam. Theo tôi, trình độ của bóng đá Việt Nam thời gian qua có phần đi xuống, có thể do có quá nhiều cầu thủ trẻ và chưa có được kinh nghiệm tốt nói chung” – Kesley nhìn nhận.
Tấm gương của nhiều ngoại binh
Nhiều ngoại binh hay cầu thủ nhập tịch đang chơi bóng ở V-League 2017 đều xem Phan Văn Santos và Huỳnh Kesley Alves là những tấm gương để học hỏi. Theo trung vệ Nguyễn Van Bakel của FLC Thanh Hóa, từ ngày thành hôn với DJ Myno (tên thật Nguyễn Thị Ngọc My) và có “nếp tẻ đầy đủ”, cầu thủ gốc Hà Lan muốn gắn bó với bóng đá Việt Nam càng lâu càng tốt. “Tôi đã gặp và được nghe kể rất nhiều câu chuyện về Huỳnh Kesley hay Phan Văn Santos. Họ đã có một cuộc sống mỹ mãn ở Việt Nam. Tôi không chần chừ khi xin nhập tịch vì cũng muốn gia đình nhỏ cũng như sự nghiệp của mình thành công như họ”.
Tiền đạo Hải Phòng Stevens tiết lộ anh cũng muốn ổn định cuộc sống và có quốc tịch Việt Nam giống Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng Max… “Vợ mới cưới của tôi là người Nga nhưng đang làm giáo viên tiếng Anh ở Hải Phòng. Dù đã mang thai, cô ấy vẫn muốn làm việc ở Việt Nam và muốn tôi gắn bó với nơi đây. Sau khi vợ sinh con, gia đình tôi sẽ tính đến chuyện định cư luôn tại Việt Nam” – chân sút số 1 của đội Hải Phòng chia sẻ.