Không dễ tìm… ‘Vua tiếng Việt’
Thí sinh Phùng Khắc Bắc Linh (trái) và MC Xuân Bắc của chương trình Vua tiếng Việt Ảnh chụp màn hình
Có thể thấy điểm cộng lớn nhất của Vua tiếng Việt là trong khi phần lớn các gameshow truyền hình tập trung vào yếu tố giải trí, hài hước và người chơi chủ yếu là nghệ sĩ thì Vua tiếng Việt dành cho tất cả mọi người, từ giáo viên, học sinh đến diễn viên, nhạc sĩ…
Mục đích đi thi của các thí sinh cũng đa dạng: thử sức mình trong việc sử dụng tiếng Việt hoặc có khi đơn giản chỉ là… thích người dẫn chương trình – MC Xuân Bắc.
“Tiếng Việt khó quá”
Kết cấu chương trình khá đơn giản với các vòng thi: Phản xạ, Giải nghĩa, Xâu chuỗi và Soán ngôi. Tuy nhiên, độ khó và lắt léo của tiếng Việt đã khiến người chơi lẫn người xem không ít lần phải toát mồ hôi.
Nhiều người chơi phải thốt lên “tiếng Việt khó quá” ngay từ vòng Phản xạ trước các thử thách ban tổ chức đưa ra, có những thí sinh qua cuộc chơi này mới biết mình còn nhầm lẫn trong việc dùng tiếng Việt như “ngúng nguẩy” nhầm thành “ngún nguẩy”, “Thạch sùng” thành “Thạch thùng”…
Và có khi ban tổ chức cũng nhầm lẫn, như trong tập 6 (phát sóng vào tối 16-10). Trên Facebook Fan Vua tiếng Việt, khán giả Nguyễn Ngọc Sơn đã chỉ ra sai sót: “Số phát sóng chủ đề “Ứng xử”, có một từ khóa ở vòng thi thứ 2 là “xoay sở” – theo đáp án của chương trình. Theo các tìm hiểu và chương trình dạy học của tôi nhiều năm nay, từ này viết là “xoay xở”, trong đó “xở” là gỡ rối”.
Ngay khi nhận ra sai sót này, bản mới cập nhật trên VTVgo đã được chỉnh sửa. Đạo diễn Khuất Ly Na cho biết: “Sau khi được khán giả góp ý, bộ phận biên tập đã họp rút kinh nghiệm và có thêm giải pháp kiểm tra chính tả của chữ trên màn hình. Đồng thời sẽ thông báo với khán giả về cách viết đúng của từ “xoay xở” ở số phát sóng thứ 9 của chương trình”. Chị cũng bày tỏ: “Thật vui mừng khi thấy sự quan tâm của khán giả với chương trình này và với việc nói, viết đúng tiếng Việt”.
Hoặc như kho tàng ca dao – tục ngữ cũng còn bỏ ngỏ những tranh luận trong cách hiểu của người đọc. Ví dụ trong một tập, ở phần thi Xâu chuỗi, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ – thành viên ban cố vấn – giải thích vế 1 thành ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” rằng “Đi hỏi già ý nói là chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng” đang vấp phải những tranh luận.
Nhiều người không đồng tình, thấy cách giải thích của tiến sĩ Đoàn Hương – cũng là thành viên trong ban cố vấn – hợp lý hơn: “Đi hỏi già còn có nghĩa người già từng trải, hiểu nhiều, hỏi già là chắc chắn”.
Càng khó, càng thêm yêu
Ban đầu ban tổ chức cho rằng chương trình khó nên không hy vọng có nhiều người muốn tham gia. Nhưng thật bất ngờ, số đầu tiên chưa phát sóng đã có 1.000 đơn tham gia và con số tăng liên tục.
Có lẽ chính vì tiếng Việt càng khó, nhiều người càng mong muốn thử sức và nói như tiến sĩ ngữ văn Đoàn Hương: “Chưa ai có thể nói mình nắm vững tiếng Việt, dù có chuyên môn và bằng cấp cao đến đâu. Chúng ta trau dồi tiếng Việt là chúng ta trau dồi đời sống tâm hồn, tâm linh của chúng ta”.
Tham gia ngay tập mở màn của chương trình, nghệ sĩ Trọng Trinh đã khẳng định: “Tiếng Việt phải học nữa, học mãi”. Còn thí sinh Phùng Khắc Bắc Linh cho rằng: “Tôi thấy tiếng Việt mình muôn hình vạn trạng. Những từ ngữ với những ý nghĩa riêng biệt khi đứng độc lập, nhưng nếu đứng chung lại có thể tạo thành từ mang ý nghĩa khác. Vì vậy tôi nghĩ luôn phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi tiếng Việt…”.
Tập thứ tám của Vua tiếng Việt (phát sóng lúc 20h30 ngày 29-10 trên VTV3), thí sinh Phùng Khắc Bắc Linh giữ được ngai “vua” mà anh đã giành được ở tập bảy, tiếp tục thách đấu với những thí sinh ở các tập tiếp theo.
Khi người Nhật đi thi Vua tiếng Việt: ‘Đừng nương tay với cháu’