Hooligan là ai?
Về mặt thuật ngữ, hooligan được cho là xuất hiện vào những năm 1960 tại Anh để chỉ quá trình chuyển từ các hành vi bạo lực mang tính chất nghi thức sang hành vi bạo lực mang tính chất có tổ chức. Ở VN, vấn nạn hooligan ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây mà vụ loạn đả trên sân Vinh vào ngày 25-5-2008 hay vụ “quậy” của CĐV Hải Phòng trên đường đến sân Vinh vừa qua là những vụ rất điển hình.
Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu xã hội Tây Âu bắt đầu có những nghiên cứu về hiện tượng này. Các nghiên cứu của họ đã đi đến thống nhất chung: không phải mọi CĐV đều trở thành hooligan nhưng chắc chắn 100% hooligan là những CĐV của đội bóng mà họ ủng hộ.
Hooligan và tuổi tác, giới tính
Đa số nghiên cứu đều nhận thấy đây là những nhóm có tuổi đời trung bình còn rất trẻ. Như cuộc khảo sát của Bodin năm 2002 tại các thành phố của Pháp như Bordeaux, Marseille, Paris… cho thấy 61% CĐV có hành vi bạo lực khi xem bóng đá là dưới 25 tuổi.
Tại sao hooligan chỉ diễn ra nơi các nhóm nam thanh niên? Theo Parsons, độ tuổi thanh niên là giai đoạn không ổn định xét về mặt tâm lý cộng với ham muốn chứng tỏ sự độc lập, tự quyết định nơi bản thân của cá nhân và các hành vi bạo lực (trong đó có bạo lực trong thể thao) là một trong những phương tiện hữu hiệu để thể hiện điều đó. Ngoài ra, họ cũng rất dễ bị tác động bởi yếu tố “bầy đàn” trong cảm xúc nên chỉ cần một vụ việc nhỏ cũng có thể dẫn đến sự “cuồng nộ tập thể”.
Hooligan và sự bất công xã hội
Khi xã hội rơi vào tình trạng bất bình đẳng trầm trọng giữa các nhóm người hoặc các địa phương thì bạo lực trong thể thao được xem như một phương tiện để các nhóm, các địa phương sử dụng như một cách thức biến thất bại trong thực tế thành chiến thắng mang tính biểu tượng trước các nhóm, các địa phương chiếm ưu thế hơn.
Hooligan và sự phi chuẩn của xã hội (anomie sociale)
Vấn nạn hooligan cũng như những hành vi lệch lạc xã hội khác cũng thường được xem như sự phản chiếu hình ảnh của xã hội đương đại. Khi một xã hội rơi vào tình trạng “rối loạn chuẩn mực” thì các cá nhân, các nhóm trong xã hội thường hành xử một cách bạo lực với nhau khi có những bất đồng, bởi đó là một trong những cách hữu hiệu nhất để bảo vệ hoặc giành phần thắng cho mình.
Hooligan và sự chế tài
Một nghiên cứu so sánh giữa nhóm đã từng bị kết án và nhóm chưa từng bị kết án của David Farrington năm 1977 cho thấy những cá nhân từng bị kết án có tỉ lệ tội phạm (tái phạm) cao hơn rất nhiều so với những người chưa từng bị kết án. Lý giải hiện tượng này là những cá nhân từng tiếp xúc với sự chế tài xã hội đã có “kinh nghiệm” về sự trừng phạt rằng nó không “ghê gớm” như hình dung ban đầu nên họ không còn sợ sự chế tài ấy nữa và vẫn tiếp tục có những hành vi lệch lạc.
Câu chuyện hooligan ở VN có lẽ diễn ra theo logic này khi sự trừng phạt của những nhà tổ chức đối với những hành vi quá khích của CĐV thường rất nhẹ nhàng. Và điều này đã khiến những CĐV quá khích “lờn thuốc” nên họ tiếp tục có các hành vi bạo lực với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng dần.
Hooligan và tâm lý đám đông
Hooligan không phải là một hành vi cá thể mà là hành vi của đám đông. Theo Gustave Le Bon, trong đám đông, cá nhân con người rất dễ bị cuốn hút vào cảm xúc của đám đông, bởi đám đông có năng lực liên kết mọi thành viên lại với nhau. Vì vậy, khi có một yếu tố châm ngòi thì hành vi bạo lực tập thể rất dễ diễn ra.
Hooligan và mối quan hệ với CLB
Nghiên cứu của Broussard năm 1990 cho thấy bạo lực nơi CĐV thường xảy ra ở các CLB mà mối quan hệ giữa CĐV và lãnh đạo CLB không tồn tại hoặc tồn tại một cách lỏng lẻo. Dễ nhận ra điều này khi phần lớn các phát biểu của giới lãnh đạo CLB về những CĐV hooligan là “họ không phải là CĐV của CLB”. Những phát biểu kiểu này sẽ không làm giảm hành vi bạo lực mà ngược lại. Khi đó, các CĐV dần rơi vào cảm giác cô đơn, bị xem thường nên họ thường dùng hành vi bạo lực như cách thức để nhắc nhở lãnh đạo các CLB rằng “họ là những người quan trọng và cũng yêu thích CLB chứ không phải chỉ có các quan chức”.
Luật sư TRẦN VŨ HẢI:
Từng cộng tác với LĐBĐ VN (VFF) và thậm chí từng ứng cử chức danh chủ tịch VFF, luật sư Trần Vũ Hải nói về những “hình ảnh xấu xí” do các CĐV gây ra trong thời gian gần đây:
”Với những gì chúng ta đã đọc và xem qua báo chí, truyền hình thì chuyện “quậy” của CĐV VN chưa là gì cả so với nước ngoài. Tôi nói như thế để mọi người hãy bình tĩnh và đừng quá hoảng hốt khi cho rằng những điều diễn ra ở bóng đá VN là chuyện dị biệt, kinh khủng.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là không cần gióng lên hồi chuông báo động khi những biểu hiện đáng lo ngại ngày càng xảy ra thường xuyên hơn và đặc biệt lần sau luôn “nặng đô” hơn lần trước. Không ai đảm bảo được rằng mức độ sẽ chỉ có thế mà có thể ngay tuần sau, tháng sau hay năm sau sẽ xảy ra chuyện nặng nề như ở nước ngoài. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải bàn thảo chuyện này một cách nghiêm túc là điều cần thiết”.
* Ông có cho rằng dường như chúng ta đang nương nhẹ cho những hành động bạo lực xảy ra ở bóng đá? Ví dụ nếu một người dân đốt pháo sáng ngoài đường sẽ bị phạt ngay, nhưng đốt pháo trên khán đài thì không?
– Theo tôi, mọi chuyện không đơn giản như thế bởi muốn phạt hay muốn xử lý người vi phạm thì phải có đầy đủ bằng chứng. Ví dụ chuyện đốt pháo trên khán đài, làm sao biết chính xác được ai là người đốt? Tương tự, chuyện CĐV gây loạn ngoài đường phố cũng vậy, rất khó để thu thập đủ tang chứng, vật chứng. Song cũng không thể phủ nhận là nhiều người có tâm lý “ôi dào, bóng đá ấy mà!”.
* Những gì vừa diễn ra ở Nghệ An, theo ông, các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm hay chưa?
– Theo những gì mà tôi biết qua thông tin trên báo chí, Công an Nghệ An đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Cụ thể là việc không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra trên sân. Còn ngoài sân, việc lập hai vòng kiểm soát là hợp lý và cẩn trọng. Tuy nhiên, chắc là kinh phí tốn không ít khi huy động cả ngàn cảnh sát, dân phòng cùng chó nghiệp vụ, xe đặc chủng… Thật tiếc chỉ là chuyện chơi thôi mà gây hao tốn cho xã hội quá.
* Ông có đề xuất để giải quyết câu chuyện rắc rối từ khán giả bóng đá không?
– Những rắc rối từ khán đài, tuy thấy nhỏ nhưng muốn giải quyết không đơn giản chút nào. Theo tôi biết, ở nước ngoài người ta phải bắt đầu từ nghiên cứu xã hội học để tìm lý do vì sao lại xảy ra những chuyện bạo động trong bóng đá. Dựa trên cơ sở đó, nhiều ngành chức năng mới cùng ngồi lại để định ra các phương án đối phó, xử lý sao cho phù hợp. Theo tôi, người ta đã có quá nhiều nghiên cứu, quá nhiều kinh nghiệm để đối phó với hooligan, nên cách hay nhất là nên sang xứ người để học và chắt lọc những điều phù hợp áp dụng ở VN.
“Sẽ xử lý nghiêm để làm gương”CĐV đánh nhau náo loạn trước trận đấuLời kể của người trong cuộcCĐV Hải Phòng náo động tại đất NghệVòng 8 petro VN gas V-League 2009: Nóng ở Vinh!