Hiểu về tư tưởng “thuận theo tự nhiên” của Trang Tử từ góc nhìn giáo sư ĐH. Harvard | bởi Huỳnh Anh | Brands Vietnam
Huỳnh Anh
-
Báo lỗi
Hiểu về tư tưởng “thuận theo tự nhiên” của Trang Tử từ góc nhìn giáo sư ĐH. Harvard
Trang Tử “đưa chúng ta thoát khỏi cách nhìn thế giới thông thường”, “vượt ra bản chất con người của mình”, để nhìn cuộc đời đầy đủ, bao quát nhất có thể.
Nhắc đến Trang Tử, người ta thường nghĩ tới chuyện ông mộng thấy bướm: Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy bướm hay là bướm mộng thấy hoá Chu.
Câu chuyện này đập tan mọi tự tin của chúng ta về cách ta hiểu mình và cuộc sống. Sẽ ra sao nếu ta không là người mà là một con bướm mơ thấy mình là người, rằng mọi góc nhìn của ta từ trước đến nay chỉ là ảo mộng của một con côn trùng?
“Thoát khỏi cách nhìn thế giới thông thường”
Trang Tử đứng cùng với Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử… trong danh sách những bậc tư tưởng của Trung Hoa cổ đại. Sống cuộc đời thanh đạm, bí ẩn, Trang Tử chỉ để lại cho hậu thế một tác phẩm duy nhất là Nam Hoa Kinh. Những tư tưởng từ tác phẩm này trao cho chúng ta – những độc giả hiện đại – những chất vấn thú vị về cách ta sống cuộc đời mình.
“Tất cả chúng ta đều đeo những tấm che mắt ngăn trở chúng ta trải nghiệm hoàn toàn và gắn kết với thế giới. Trang Tử cho rằng giới hạn lớn nhất trong số đó là quan điểm nhân sinh hạn chế của chúng ta”, Michael Puett, tác giả, giảng viên lịch sử Trung Hoa tại đại học Harvard ghi trong cuốn “Minh đạo nhân sinh”.
Xã hội xưa hay nay đều có quá nhiều luân lý, ước lệ, những “hình mẫu lý tưởng” định trước, như “tấm màn che” ngăn cản ta nhìn cuộc đời đầy đủ, bao quát nhất có thể. Nam Hoa Kinh của Trang Tử thôi thúc con người phá vỡ những tấm màn che đó, “đưa chúng ta thoát khỏi cách nhìn thế giới thông thường”, “vượt ra bản chất con người của mình”.
Tư tưởng này xuất phát từ quan điểm “thuận tự nhiên” mà Trang Tử tôn sùng: Mỗi người, mỗi vật đều có tánh tự nhiên của riêng mình, nếu biết thuận theo thiên tính đó thì hạnh phúc, phận sự duy nhất của mỗi vật, mỗi người là trở về cái tánh của mình để sống theo nó. Những quan niệm truyền thống, luân lý, quy ước xã hội, những quan điểm hạn hẹp mà ta “thậm chí còn không nhận ra là chúng đã thống trị cuộc sống của mình”… chính là trở ngại lớn nhất, khiến con người sống trái với thiên tính của mình.
Việc đọc sách Trang Tử cho phép chúng ta bước vào một thế giới mở rộng, gạt bỏ đi những trở ngại tinh thần đó và biết mở lòng ra với mọi trí tưởng tượng. “Có rất nhiều cú ngoặt bất ngờ, những cách chơi chữ và những bài thơ không theo một quy luật logic hay kiến thức nào cả. Sách Trang Tử được soạn ra nhằm giũ sạch mọi quan điểm của chúng ta, khiến chúng ta phải suy nghĩ khác về một thực tại ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bắt gặp nó”, Puett ghi.
Nhìn đời khác đi để bớt phiền não
Không đào sâu nghiên cứu, diễn giải các tư tưởng Trung Hoa cổ đại như những cuốn sách cùng chủ đề, thay vào đó, “Minh đạo nhân sinh” tập trung vào sự liên hệ của những tư tưởng này với cuộc sống hiện đại.
Trong chương “Về tính tự nhiên: Trang Tử và một thế giới biến đổi”, Michael Puett khơi gợi cách độc giả có thể áp dụng những tư tưởng Trang Tử vào cuộc sống. “Thông qua tất cả các truyện ngụ ngôn và giai thoại trong Trang Tử, chúng ta sẽ được xem xét việc giải phóng khỏi quan điểm con người cá nhân hạn chế là thế nào. Ở mức độ ẩn dụ, điều này có nghĩa là nhìn thế giới như một con bướm, một con chim, một con hổ. Ở cấp độ trực quan hơn, điều này có nghĩa là hiểu thế giới từ góc nhìn của một người khác”, Michael Puett nói.
“Nếu bạn là phụ nữ, hãy hình dung bạn nhìn thế giới này như là một người đàn ông. Hoặc hãy thử nhìn thế giới từ góc độ của một người già dù bạn vẫn đang còn trẻ. Hoặc đặt mình vào vị trí bần hàn của một nghệ sĩ nghèo khó, dẫu bạn là một luật sư nghèo khó. Hãy tưởng tượng việc nhìn thế giới qua con mắt của một đồng minh – hoặc một kẻ thù. Khi mở ra khả năng của tất cả các quan điểm, chúng ta có thể nhìn toàn bộ vũ trụ từ vị trí rộng lớn nhất có thể, đó là cách nhìn chúng ta bắt đầu hiểu được sự biến đổi vô tận của vạn vật”, ông ví dụ.
Góc nhìn khác thường, theo Michael Puett, giải thoát con người khỏi nhiều phiền não: “Nhức đầu sổ mũi không bất tiện mà là một cơ hội để được nằm trên chiếc giường ấm áp đọc tiểu thuyết; một lễ đính hôn bị huỷ bỏ không phải là nỗi đau cào xé mà là cơ hội để có một tương lai mới”.
Sách Trang Tử kể nhiều về những người có quan điểm hoàn toàn cởi mở, những người mà ông gọi là “con người đích thực” (chí nhân): “đồng cỏ có cháy cũng không làm cho họ thấy nóng, sống rạch đóng băng cũng không làm cho họ thấy lạnh”.
Và nếu con người thực sự có khả năng nhìn mọi thứ từ một góc nhìn không giới hạn, hẳn ta sẽ tán tụng tất cả các khía cạnh của đời sống này, bao gồm cả cái chết. Sử sách chép lại rằng ngay cả trước cái chết của vợ mình, Trang Tử cũng ung dung, không hề khóc lóc. “Khi chúng ta nhìn cái chết từ góc nhìn rộng nhất có thể, chúng ta đau buồn, song cũng thấy rằng hình dạng con người của chúng ta là một khoảnh khắc tuyệt vời nhưng chỉ mang tính tạm thời trong tất cả sự biến đổi”, Michael Puett ghi.
Dù ít người có thể bình tâm, an lạc trước vạn sự thất thường như Trang Tử, nhưng đọc về ông, ta chắc chắn ý thức hơn về những ràng buộc trong suy nghĩ, quan niệm, từ đó ít nhiều giải phóng mình.
“Nếu chúng ta có thể vượt qua bản chất loài người của mình và biết rằng nhìn thế giới từ mọi lập trường nghĩa là như thế nào thì chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống đầy đủ và thuận tự nhiên hơn”, Michael Puett kết luận trong “Minh đạo nhân sinh”.
Michael Puett là giáo sư môn lịch sử Trung Quốc của khoa ngôn ngữ và văn minh Đông Á, đồng thời là chủ tịch ủy ban nghiên cứu tôn giáo ở đại học Harvard. Trong “Minh đạo nhân sinh”, Michael Puett đã hệ thống và giảng giải những triết lý của các triết gia Phương Đông: Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử… Cuốn sách ra mắt vào năm 2016, lọt vào danh sách bán chạy nhất của The New York Times và Sunday Times.