Giọng Quảng Nam

Thứ Bảy 06/08/2022 , 15:33 (GMT+7)

Nói đến giọng Quảng Nam, cả Đà Nẵng, là nhớ những câu đã trở thành đặc trưng khi trêu chọc nhau: Eng không eng tét đèng đi ngủ, đừng kèng nhèng chó kéng nheng reng.

 

Tác giả Hữu Thọ, quê Hà Đông, Hà Nội, giảng viên Đại học Sư phạm Qui Nhơn (1980-2000) và Đại học Công nghiệp TP.HCM (2000-2017), cựu chiến binh thời chống Mỹ, nay nghỉ hưu ở Thành phố Cần Thơ.

Nói đến giọng Quảng Nam, bao gồm cả Thành phố Đà Nẵng, hẳn ai cũng nhớ những câu đã trở thành đặc trưng khi trêu chọc nhau: Eng không eng tét đèng đi ngủ, đừng kèng nhèng chó kéng nheng reng (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng cằn nhằn chó cắn nhăn răng); Mì tơm anh Tốm Quảng Nôm, hồi mô đúa bụng dô lồm một tô (Mì tôm anh Tám Quảng Nam, hồi mô đói bụng vô làm một tô); Choa ơi choa, anh boa ảnh câu con cóa ảnh để trên hòn đóa con gòa héng eng (Cha ơi cha, anh ba ảnh câu con cá ảnh để trên hòn đá con gà hắn ăn), v.v.

Bà con xứ Quảng chớ la tôi “chửi cha không bằng pha tiếng” nhé, bởi chính người Quảng Nam cũng thường đem giọng nói quê mình ra giễu cợt. Tại sao ư? Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới dám tự trào về mình. Thái độ người Quảng Nam có điều gì đó tương tự người xứ Gabrovo ở Bulgaria. Họ sáng tác vô số chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn lập Bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và quảng bá ra thế giới.

Tiếng Quảng Nam từng được coi là ngôn ngữ chuẩn, ngôn ngữ quốc gia. Thật vậy, vua Tự Đức đã khẳng định: “Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh”. Nghe đồn, đã có dự án trình UNESCO đề nghị công nhận giọng Quảng Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cơ mà.

Giọng Quảng Nam rất đặc trưng, không giống giọng Bắc Bộ – cái nôi của người Việt, khác hẳn giọng Thừa Thiên Huế – dù chỉ cách một con đèo Hải Vân, hao hao giọng Quảng Ngãi – có lẽ từ một nguồn mà ra, cũng chẳng giống giọng Bình Định, Phú Yên – hai xứ cùng cảnh ngộ. Nhà thơ trào phúng Tú Rua, người xứ Quảng, viết:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm

Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm

Có chàng công tử quê Đà Nẽng

Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm

Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ

Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm

Thêm ông hàng xóm người Hà Nội

Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Người Quảng Nam vào Sài Gòn làm ăn, học hành tất nhiên phải nói giọng Sài Gòn, không thì ai nghe? Nhưng khi về quê, nếu quen miệng thì chắc chắn bị người ta khó chịu, từ lườm nguýt, bĩu môi đến chửi xiên chửi xỏ. Một ví dụ: Chàng trai từ Sài Gòn về quê ăn Tết, sang thăm hàng xóm: – Bác dạo này sao bác? (Tiếng Quảng Nam phải là: Hồi ni bác răng, khỏe không?). Ông già nghe ngứa cái lỗ tai, bèn thủng thẳng hỏi: – Con mới dề đó hả? – Dạ con mới dìa. – Hư… ừm, rứa chớ hồi mô dô lại? – Dạ, ra Tớt con dô trỏng lại. Có gì không bác? – Ừ, hồi mô dô nhớ nói bác biết, bác gửi cái ni. – Dạ, cái gì bác? – Chẳng có chi, gửi con chó vô, hồi dề hắn sủa tiếng Sài Gòn nghe chơi!

Làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Cái sự đáo để, thâm thúy của người xứ Quảng thật là đáng nể! Tại sao giọng Quảng Nam đặc biệt như vậy? Có nghiên cứu cho rằng bởi đó là giọng của người Chăm nói tiếng Việt. Cho đến thế kỉ 11, vùng đất này vẫn thuộc vương quốc Chăm Pa, vì lãnh thổ Đại Việt khi đó chỉ đến “Đèo Ngang bóng xế tà” thôi. Năm 1306 vua Trần gả công chúa Huyền Trân, vua Chế Mân sướng quá, cắt luôn cho Đại Việt hai châu Ô, Rí làm lễ cưới. Một thế kỉ sau, năm 1402 Hồ Quý Ly mở mang bờ cõi đến sông Thu Bồn. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông tiến quân đến đèo Cả, sau rút về lập biên giới tại đèo Cù Mông, ranh giới hai tỉnh Bình Định, Phú Yên ngày nay. Thế là trong suốt mấy trăm năm, trai tráng Việt vào đây lập nghiệp, lấy vợ người Chăm. Các cô gái Chăm lấy chồng Việt tất nhiên phải học tiếng Việt, nhưng nói bằng giọng Chăm lơ lớ, vừa biến âm méo tiếng như ă thành e (ắt/ét), am thành ôm, ôm thành ơm, ao thành ô, vừa pha lẫn những từ Chăm, ví như mô (đâu), tê (kia), ni (này), răng (sao), rứa (thế), ri (vậy), chừ (hiện tại), rị (kéo), truất (tệ quá), thộn (túi áo quần), cà rịch cà tang (đủng đà đủng đỉnh), v.v. Thứ giọng và vốn từ ấy truyền cho con cái, những thế hệ người Việt gốc Chăm, tạo nên giọng Quảng Nam ngày nay.

Xin kết thúc bằng bài thơ da diết giọng quê của thi sỹ Tường Linh, người xứ Quảng:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm

Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm

Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc

Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm

Mùa đông tơi lá che mưa bấc

Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm

Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa

Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Hữu Thọ

Bài viết cho chuyên mục “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: [email protected]

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: [email protected]

Rate this post