Giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam từ góc nhìn Lịch sử

Ngày nay, một khi đã nhắc đến người Quảng Nam thì người ta liên tưởng ngay đến một vùng đất giàu truyền thống với những con người nói thứ ngôn ngữ Việt bằng một chất giọng lạ thường, một giọng nói rất riêng – chỉ có ở đất Quảng – đặc trưng làm nên bản sắc của họ. Giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam rất đặc trưng là bởi nó không giống với giọng điệu của người Việt ở bất cứ tình nào ngoài Bắc – cái nôi của người Việt nơi đây. Nó lại cũng không giống với vùng nằm gần nó nhất là Thừa Thiên Huế, giọng Quảng Ngãi thì có phần giống vì có lẽ cũng từ một nguồn mà ra (người Việt di cư vào đất Chiêm Động và Cổ Lũy cùng một thời gian), nhưng nó lại một lần nữa khác biệt với vùng Bình Định – Phú Yên. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?

Sự khác biệt làm nên điều thú vị trong giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam

Về từ ngữ, vùng Quảng Nam có sử dụng những từ như “mô, tê, ni, răng, rứa, ri, hỉ…” với nghĩa “đâu – nào (mô), kia (tê), ni (này), răng (sao), vậy (rứa). Họ lại có những đại từ xưng hô theo kiểu lớn nói với nhỏ hoặc bạn bè ngang hàng nói với nhau rất khác, họ xưng “ta” và gọi người đối diện là “mi”. Những vốn từ này vốn dĩ không có mặt trong ngôn ngữ của người Việt ở ngoài Bắc nhưng ta có thể bắt gặp ở những người dân thuộc vùng Quảng Bình cho đến Thừa Thiên cũng sử dụng những từ ngữ như vậy.

Sự khác biệt này theo chúng tôi có thể được giải thích theo cách vùng đất từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam vốn thuộc đất người Chăm khi xưa nên có thể từ đó mà lí giải rằng đó là những từ ngữ vốn có của người Chăm, qua sự dung hòa ngôn ngữ của hai dân tộc đã được đưa vào hệ thống từ ngữ của người Việt trong sinh hoạt thường ngày (?!).

Nói như các tác giả của “Văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ” thì : “Quá trình tiếp xúc ngôn ngữ với tiếng Chăm trong suốt hai ngàn năm lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ trung đại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiếng Việt Trung bộ và Nam bộ. Cùng với các sản phẩm văn hóa, một loạt từ ngữ tiếng Chăm đã đi vào tiếng Việt ở Trung và Nam Trung bộ, và được lưu dân Việt chuyển tiếp vào Nam bộ. Vì vậy, trong tiếng Việt ở Trung bộ và Nam bộ có thêm một bộ phận từ vựng gốc Chăm, chưa kể các địa danh, góp phần làm nên sự khác biệt của các phương ngữ tiếng Việt ở Trung bộ và Nam bộ so với phương ngữ Bắc ở địa bàn Bắc bộ.Điều đó phản ánh mức độ ảnh hưởng của sâu sắc của văn hóa Chăm với văn hóa Việt trên vùng đất phía Nam”.[1]

Như vậy có thể sơ khai hình dung được rằng những từ ngữ khác biệt so với ngoài Bắc mà người Việt ở Quảng Nam đang sử dụng chính là vốn từ của ngôn ngữ Chăm được tiếp thu và đưa vào hệ thống tiếng Việt như ta vẫn thường tiếp thu những từ ngữ gốc Hán khi xưa và ngày nay là những từ mang đặc trưng Tây phương.

Nhưng điều đáng nói ở đây là mặc dù cùng vốn từ ngữ, nhưng giọng nói và thanh điệu ngữ âm của người Quảng Nam lại rất khác, thậm chí có thể nói là xa lạ so với giọng nói của người dân từ Bắc Hải Vân trở ra đến Quảng Bình. Đây là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước về giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam.


Giọng nói đặc biệt của người Quảng NamGiọng nói đặc biệt của người Quảng Nam là kết quả của một quá trình đan xen văn hóa Việt – Chăm

 

Theo lý giải của giáo sư Trần Quốc Vượng khi dạy cho học trò ở giảng đường Đại học về việc thế nào là giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam được nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú dẫn lại trong sách “Có 500 năm như thế” thì “đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy truyền cho con cái để thành nên giọng Quảng hôm nay!”.[2]

Câu nói ấy của G.S Trần Quốc Vượng có thể xem là “la bàn chỉ hướng” để chúng tôi có thể tiếp xúc và tự lý giải sự hình thành giọng nói của người Quảng ngày hôm nay. Khi tiếp xúc và trao đổi với một số sinh viên người Quảng Nam đang sinh sống và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, những người còn đang “nói rặc tiếng Quảng” về hiểu biết của họ đối với giọng nói quê mình thì hầu như câu trả lời chúng tôi nhận được đều giống nhau, họ bảo “chắc là lai với người Chăm”. Họ nói “chắc” nghĩa là chỉ phỏng đoán, mà có lẽ cũng chỉ có thể phỏng đoán vậy thôi chứ thật khó để có thể xác định người Chăm ở đất Quảng Nam khi xưa sử dụng ngôn ngữ gì, từ ngữ như thế nào? Mà cái sự “lai ngôn ngữ” ở đây diễn ra ở mức độ nào?

Như ta đã được biết, quốc gia Chiêm Thành khi xưa được hợp thành từ hai bộ tộc lớn là tộc Cau ở phía Nam và tộc Dừa ở phía Bắc, việc hai bộ tộc này đều là người Chăm dùng sự khác nhau về tín ngưỡng và văn hóa để phân biệt kiểu như người Chăm ở Ninh Thuận và người Chăm ở Tây Ninh hiện nay hay là sự khác nhau theo kiểu Việt – Mường ngoài Bắc ngày xưa rồi qua quá trình đấu tranh với Trung Hoa đô hộ đã hòa hợp với nhau để lập nên vương quốc Lâm Ấp mà ngày nay chúng ta được biết? Và điều quan trọng là hai bộ tộc này có sự thống nhất về ngôn ngữ hay không? Và khi người Việt vào đất Quảng Nam thì họ giao thoa với ngôn ngữ của bộ tộc nào trong hai bộ tộc trên để hình thành giọng nói ngày nay?Đó là những vấn đề mà khoa học ngày nay chưa có câu trả lời xác đáng.

Nhưng không vì thế mà chúng ta không thể giải thích về giọng nói của người Quảng, đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về vấn đề này, và chúng tôi – theo cách tiếp cận riêng của mình có sự “định hướng” của GS. Trần Quốc Vượng, bằng một phương pháp luận cơ bản và phép phân tích logic kết hợp với tư liệu lịch sử có được cũng mạnh dạn đưa ra kiến giải về vấn đề này.

Nếu nhìn nhận theo hướng đã nói trên, ta biết rằng người Việt và người Chăm khi đã sống hòa nhập với nhau tất nhiên cần phải có một thứ ngôn ngữ chung cho mọi sinh hoạt và giao tiếp thường ngày, đã có lúc văn hóa đi kèm quyền lực của người Chăm nổi trội hơn và người Việt ở Quảng Nam phải học thứ tiếng của họ, nhưng nhìn chung phần nhiều thời gian văn hóa Việt vẫn giữ vai trò chủ đạo và bắt buộc người Chăm phải học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt nếu không muốn có sự rắc rồi trong cuộc sống thường nhật.

Bắt đầu từ những cuộc hôn nhân, những cô dâu người Chăm lấy chồng Việt (thành phần này chiếm số nhiều) thì tất nhiên phải theo chồng, những chàng rể Chăm lấy vợ Việt (thành phần này ít hơn) phải ở rể…Dù là trong hoàn cảnh nào đi nữa thì bắt buộc trong gia đình vợ chồng, cha mẹ, con cái phải có một thứ ngôn ngữ chung, và vì thế người Chăm học tiếng Việt.

Người Chăm học tiếng Việt thì cũng như kiểu người nước người học tiếng Việt vậy, cứ thử nghe một người Pháp, một người Đức hay bất kỳ một người nước ngoài nào đó nói tiếng Việt bạn sẽ thấy điều thú vị và có thể phần nào mường tượng ra sự hình thành giọng nói của người Quảng Nam. Đó là một thứ tiếng lơ lớ nửa Việt nửa Chăm nghe rất lạ, rất vui tai. Bắt đầu từ tế bào gia đình, giọng nói đó được đưa ra ngoài cộng đồng xã hội, rồi người này bắt chước người kia, từ cha mẹ dạy cho con cái, rồi những đứa con ấy lớn lên, lại dạy cho con cái chúng, cứ như thế trải qua nhiều thế hệ, cái giọng nói ấy đã trở nên tự nhiên, thân quen và bản địa hóa, từ đó người ta biết đến cái gọi là giọng nói xứ Quảng.

Như vậy, ở phương diện này, người Chăm ở Quảng Nam qua quá trình chung sống với người Việt đã dần dà từ bỏ thứ ngôn ngữ bản địa của mình để chuyển hẳn sang dùng tiếng Việt. Nhưng chắc rằng trong tâm tưởng của họ vẫn còn điều gì đó nuối tiếng về nguồn gốc tiếng nói mà ông cha họ đã giữ gìn từ bao đời, chính vì thế mà họ không cố gắng phải bắt chước cho bằng được cái giọng của người Việt phương Bắc, hoặc là họ cố tình tạo ra sự khác biệt ấy để giữ lại càng nhiều chất Chăm càng tốt, có lẽ thế mà người Quảng Nam lại có thứ tiếng lơ lớ nửa ngoại nửa nội như thế. Có thể dùng một đoạn trong bài viết của nhà ngôn ngữ học Hoảng Thị Châu để củng cố cho giả định mà chúng tôi vừa nói đến : “Meillet, nhà ngôn ngữ học người Pháp, đã từng nhắc nhở các đồng nghiệp rằng khi một ngôn ngữ biến đổi nhiều, tạo ra một bộ mặt mới khác với trước đó thì rất có thể là có một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ. Thành phần dan cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Khơme và gốc Chăm”.[3] Và rồi “tùy theo cái ngôn ngữ gốc đã bị bỏ mất như thế nào, thì những nét của ngôn ngữ này sẽ tác động trở lại tới tiếng Việt một cách không có ý thức nhưng rất lâu bền, tạo nên những đặc điểm hầu như không thể dùng quy luật phát triển nội tại của ngôn ngữ mà giải thích được”.[4]

Cũng cần làm rõ một vấn đề nữa về giọng nói người Quảng Nam, rõ ràng là nó quá khác biệt so với giọng xứ Huế, cũng xa lạ so với giọng Phú Yên, mà trong chính nội bộ các huyện trong tỉnh cũng khác nhau nữa, các huyện ở Bắc sông Thu Bồn nói khác với các huyện ở Nam sông Thu Bồn. Cần phải có sự lý giải hợp lý cho vấn đề này !

Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy rõ là người Việt di cư vào Nam theo từng đợt khác nhau. Ở đây chúng tôi chọn ba mốc thời gian là các năm 1306, 1402, và 1471 để tìm hiểu vấn đề. Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý để cưới công chúa Huyền Trân, tức là vùng đất từ Nam Đèo Ngang đến Bắc sông Thu Bồn, và lịch sử đã cho thấy dân Việt đã vào tiếp quản vùng đất mới này. Chúng tôi cho rằng đây là đợt Nam tiến có tổ chức đầu tiên của người Việt.

Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy là trong giai đoạn này ngọn núi Hải Vân trong dãy Bạch Mã sừng sững vẫn là trở ngại rất lớn cho đoàn người vào Nam, nên họ dừng lại chủ yếu ở vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên, có lẽ vì thế mà giọng nói của ba tỉnh nói trên có sự giống nhau cả về phương ngữ và từ ngữ, mà nó cũng không khác nhiều với giọng nói của người Việt vùng Nghệ – Tĩnh, chúng tôi tạm gọi đây là đợt lai lần 1.

Ở đợt di cư tiếp theo, năm 1402,dưới sự tổ chức có hệ thống của cha con họ Hồ, người Việt vượt đèo vượt biển để đến vùng đất từ Nam Hải Vân đến Bắc sông Thu Bồn. Thành phần người di cư từ Bắc vào có thể là cư dân của vùng Nghệ An – Thanh Hóa, có thể có những người ở xa hơn nữa và tất nhiên một số lượng người không nhỏ phải có là dân vùng Bình – Trị – Thiên hiện nay.Vậy sẽ có những người nói giọng lai lần 1 lai với giọng Chăm, chúng tôi gọi đó là sự biến đổi giọng nói lần hai. Và ở lần thứ ba, sau năm 1471, người Việt di cư đến tận Quảng Ngãi, đẩy người Chăm lui về Bình Định, sự giao thoa văn hóa và giọng nói diễn ra lần thứ ba.

Thử suy luận về ba lần di cư này, lần đầu những người Việt gặp người Chăm đã chuyển đổi giọng nói theo phương ngữ của vùng Bình – Trị – Thiên, lần thứ hai với những con người có giọng nói lai ấy và một bộ phận người ngoài Bắc nữa vào đến Bắc sông Thu Bồn, hòa hợp và sản sinh ra giọng nói người Quảng Nam ở các huyện như Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An.

Ở lần thứ ba, cũng những người ở ngoài Bắc, một số ở vùng từ Đèo Ngang đến Hải Vân, lại thêm một số nữa ở ba huyện nói trên vượt sông Thu Bồn để vào định cư dải đất phía Nam, sự giao thoa ngôn ngữ và giọng nói lại diễn ra và hình thành giọng của những người ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình cho đến Núi Thành. Ba lần di dân lớn ở ba giai đoạn ấy đã làm nên đặc trưng giọng nói của người Quảng Nam ?!

Một cách lý giải khác nữa, ta thấy người Chăm hiện nay ở Ninh Thuận và người Chăm ở Tây Ninh, An Giang về ngôn ngữ có phần khác nhau thì chắc hẳn người Chăm ở những bộ tộc khác nhau trong thời trước cũng không giống nhau về giọng nói, nhưng họ sẽ dùng một ngôn ngữ chung trong đời sống. Cũng như người Việt lúc bấy giờ là tập hợp của các tộc người khác nhau như Kinh – Mường – Thái – Tày – Nùng – H’Mông…dùng thứ ngôn ngữ chung là tiếng Việt thì người Chăm có thể cũng có những tộc người khác nhau cùng nói tiếng Chăm. Khi người Việt đến ở đất Quảng Nam, tùy theo sự giao thoa với dân tộc nào mà hình thành giọng nói ở vùng ấy, nhưng tựu trung lại đều mang âm vị của “tiếng Quảng”.

Trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu từ góc độ văn hóa sử, chúng tôi không có điều kiện đi sâu vào phân tích vấn đề phương ngữ hay âm tiết về giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam ở từng vùng mà chỉ dựa trên sự lý luận để góp phần làm rõ sự hình thành giọng nói của con người nơi đây như đã trình bày ở trên. Những ý kiến của chúng tôi về vấn đề này còn mang tính chủ quan dựa trên sự tiếp xúc trực tiếp với con người xứ Quảng và khảo sát các nguồn tài liệu hạn hẹp mà chúng tôi được tiếp cận. Chắc chắn ý kiến này sẽ còn nhiều thiếu sót nên chúng tôi mong đợi sự chỉ dạy của các thầy cô và các nhà nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này.

Sau đây xin dẫn ra một số từ ngữ và câu nói mang đặc trưng của chất giọng của người Quảng Nam để người đọc tham khảo thêm.Đây là những từ ngữ mà GS. Cao Xuân Hạo đưa ra trong bài viết “ Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam” [5]:

Máy bay – má ba

Chảy máu – chả má

Đào sâu – đồ sao, đò sao

Bói bài – búa bừa.

Đau đầu – đa dào

Bãi sau – bữa sa.

Hái lầm – hứa làm

Mây cói – mai cúa

Cây măng – cai meng

Sân sau – sang sa

Cháo rau – chó ra

Máy mắt – má mét

Học làm – hạc lòm

Mai sau – mưa sa

Chòi cao – chùa cô

Voi bầy – vua bài

Dao bài – dô bừa

Bài học – bừa hạc

Hái lộc – hứa lọc

Cạo long – cọ long

Bắt sáo – béc số

Cào cào – cồ cồ

Não lòng – nõ làng

Máy bào – má bò

Bão táp – bỏ táp

Máu cam – má com……….

Một số câu nói mà người Quảng Nam cũng thường hay tự giễu mình được Hồ Trung Tú dẫn lại : “ “En không en tét đèn đi ngủ, đừng có kèn nhèn chó kén nhen ren” (ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng có cằn nhằn chó cắn nhăn răng); “Mì tơm anh Tốm Quảng Nôm, hồi mô đúa bụng đúa bụng dô lồm một tô” (Mì tôm anh Tám Quảng Nam, hồi mô đói bụng vô làm một tô)”.[6]

“Và đặc biệt câu nhại sau đây cho thấy điểm then chốt nhất trong sự biến âm của một nguyên âm chủ yêu, âm [a], trong phương ngữ Quảng Nam : “Choa ơi choa, anh boa ảnh câu con cóa ảnh để trên hòn đóa con gòa hén en” (Cha ơi cha, anh ba ảnh câu con cá ảnh để trên hòn đá con gà hắn ăn)”[7]

Những từ ngữ và câu nói thú vị trên đây là những minh chứng thể hiện một giọng nói rất đặc trưng của người dân xứ Quảng. Nhắc đến bản sắc văn hóa Quảng Nam là người ta lại nghĩ ngay đến cái giọng Quảng và ngược lại, cái giọng nói khó nghe khó hiểu ấy nhưng lại rất thân thương với con người nơi đây, chính giọng nói ấy, cùng với những sản phẩm văn hóa giao thoa khác nữa đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Quảng Nam trong lịch sử và hiện tại.

TÁC GIẢ: ĐOÀN NHẬT QUANG

Rate this post