Đôi điều đọng lại

Ông tên là Nguyễn Văn Chinh, cựu chiến binh nhưng không hề “cũ”, đất nước yên bình, về quê hương ông thể hiện đậm nét bản chất người lính Cụ Hồ.

Ông tên là Nguyễn Văn Chinh, lớn lên khi đất nước có chiến tranh. Thủa ấy, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Tháng 2/1975 đúng ngày kỷ niệm 45 năm thành lập Đàng cộng sản Việt Nam (03/02) ông nhập ngũ và trở thành người lính Quân đoàn 4, sư đoàn 7 Miền Đông Nam Bộ. Tham gia chiến đấu giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4, rồi giúp bạn Campuchia đánh đuổi quân Pôn Pốt, cuối tháng 10/1978 ông hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương Xóm Chùa thôn 4 xã Mê Linh, Mê Linh, Hà Nội. Ngồi với tôi và các đồng chí Thường trực hội NNCĐDC/Dioxin huyện và Ban chấp hành Hội xã Mê Linh, ông kể:Là người lính, ông tham gia chiến đấu những năm tháng chiến tranh, hoàn thành nhiệm vụ, khoác balo trên vai trở về quê hương. Đến gần nhà, ông gặp một cụ già vạ vật ven đường, với chiếc nón rách nát. Hổi thăm mọi người, không biết quê cụ ở đâu? Chắc không có con cái? Lang thang tha phương khắp nơi. Những khi mưa dầm, gió giông cụ chỉ biết dạt vào những lều quán sống lay lắt. Sau dăm ba câu chuyện hỏi về hoàn cảnh của cụ, ông trở về nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình, người thân nhưng trong lòng vẫn trăn trở thương thân phận của cụ già bên dốc Hạ (nơi tiếp giáp giữa 2 xã Mê Linh, Tráng Việt) đang cần những bàn tay nắm, dìu đỡ. Ông trao đổi tâm sự của mình với người thân. Được sự đồng cảm của mọi người, ông xin phép bố, mẹ và gia đình cho đón cụ về nuôi. Hôm ấy, một buổi sáng cuối năm 1978 cụ Nguyễn Thị Nghìn đã được ông đón về sống cùng gia đình. Thấm thoát gần 22 năm trôi đi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chinh đã hết lòng chịu thương, chịu khó chăm sóc bố, 2 mẹ, các con. Hàng ngày một việc nhỏ như gọi dạ, bảo vâng, hay đánh răng, rửa mặt, thuốc thang, đi viện, những lúc trái nắng trở giời… tất cả đều nhờ sự chăm sóc của ông và bà Nguyễn Thị Láng-người vợ thủy chung, cần cù, chịu khó, tận tâm với gia đình của ông. Rồi bố, mẹ đẻ ra đi cùng đàn sếu không đợi ngày về. Năm 2000, mẹ Nguyễn Thị Nghìn trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi, trước khi xuôi tay cụ nghẹn ngào “cảm ơn các con đã nuôi, chăm sóc ta suốt 22 năm, mong con tiếp tục giữ truyền thống Bộ đội cụ Hồ lá lành đùm lá rách, xây dựng quê hương ta ngày càng giàu đẹp, các con là tương lai của đất nước…” Hôm tiễn biệt cụ về nơi an nghỉ cuối cùng có mặt hàng trăm đồng đội, bà con 2 xã Mê Linh và Tráng Việt, những người già và trẻ nhỏ khóc nức nở, trời vần vũ mưa nặng hạt. Người dân truyền tai nhau: trời đón cụ ấy ra đi, tình người được ở lại, Cụ mãi mãi dành tình cảm đặc biệt cho đôi vợ chồng “Nối vòng tay nhân ái” Nguyễn Văn Chinh-Nguyễn Thị Láng!

Nhớ lại những ngày đầu trở về địa phương, quê hương lúc ấy, người nghèo thì nhiều, người khá giả thì ít, kinh tế nhà nào cũng khó khăn, nhìn đồng quê mà thèm muốn màu xanh no ấm. Được sự động viên của người thân, bạn bè, với bản chất của người lính “Bộ đội cụ Hồ” nghĩ là làm, ông mạnh dạn nhận đấu thầu 33.350m2 hoang hóa đầm lầy của HTX để chuyển đổi sang mô hình ao vườn hy vọng mang lại ổn định cuộc sống gia đình.

Nhưng chọn cây gì, nuôi con gì không hề đơn giản. Sau nhiều lần trăn trở cuối cùng ông quyết định cải tạo 23.350 m đầm lầy, đào ao thả cá, phần còn lại 10.000m2 bờ ao ông phân khu trồng các loại hoa xen kẽ với các loại cây ăn quả. Kết quả, sau 10 năm, gia đình ông thu hoạch trên 2 tỷ đồng cá, hơn 1 tỷ đồng hoa các loại mỗi năm. Sản phẩm thu hoạch cuả gia đình ông được lưu thông khắp mọi miền đất nước, trừ chi phí các khoản, mỗi năm ông thu lãi 1,5 tỷ đồng.

Nhưng quan trọng hơn cả tiền bạc là ông đã tạo việc làm ổn định cho 10 – 15 lao động, chủ yếu con cháu trong nhà. Lúc vào thời vụ cao phải thuê lao động với mức lương 9 triệu đồng/người.

Vợ chồng ông sinh được 03 người con trai đều thành đạt có cuộc sống hạnh phúc. Chúng tôi còn được biết vợ chồng ông Chinh không chỉ có tâm “nối vòng tay nhân ái” làm kinh tế giỏi mà còn tham gia đi đầu đóng góp, ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, đồng đội, biển đảo, NNCĐDC/Dioxin” tại địa phương, gia đình ông ủng hộ gần 200 triệu đồng.

Với nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, ông được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen, ông xứng đáng là người lính “Cựu mà không cũ” để mọi người học tập và noi theo.

Ngô Đức Thuận

TT Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội

Rate this post