Dịch giả Dương Tường vượt qua ca mổ xương sống ở tuổi 89
Ngay sau khi hay tin nhà thơ, dịch giả Dương Tường bị ngã, phải phẫu thuật, không ít người trong giới văn nghệ sĩ và độc giả xót xa. Nhiều độc giả, người mến mộ ông đều cầu nguyện cho ca mổ thành công. Theo thông tin từ con gái ông, hiện nhà thơ, dịch giả Dương Tường đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) và dự kiến sẽ mất thời gian khá dài để hồi phục sau phẫu thuật.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường miệt mài làm việc dù tuổi cao, mắt lòa
ẢNH: AN AN
Nhiều độc giả cho biết không chỉ yêu thích ngôn ngữ văn chương của nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua các tác phẩm dịch và sáng tác, mà họ còn kính phục ông, xem ông như một tấm gương lớn về tự học, cống hiến, về sự nhẫn nại, kỷ luật và tận lực. Độc giả Hải Vân nói: “Ông là một tấm gương về tự học. Tác phẩm dịch của ông đậm chất hào hoa. Được biết cuộc đời ông nhiều truân chuyên nhưng cuối đời có hậu mà có hậu nhất là ông sẽ còn được nhiều thế hệ độc giả nhớ tới”.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (thứ 3 từ trái sang) cùng các văn nghệ sĩ tại TP.HCM mừng sinh nhật ông hồi tháng 8.2017
ẢNH: LUCY NGUYỄN
Với niềm say mê với ngôn ngữ, ông đã tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và bắt tay vào dịch thuật từ năm 1960. Bằng tâm nguyện “cả đời ăn nằm với chữ”, gia tài dịch thuật đồ sộ của ông tới nay gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Na Uy… Trong đó phải kể đến những tác phẩm nổi tiếng từng chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất…
Mới đây, dịch giả Dương Tường vừa ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version (Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành), xuất bản hồi tháng 4.2020. Tác phẩm này là kết quả của ông miệt mài suốt hai năm soi kính lúp đánh từng con chữ cỡ lớn trong căn phòng gác xép vì mắt đã lòa.