Dịch giả Dương Tường từng gây bão với “Lolita”: Tôi có những niềm vui nhỏ nhặt khi dịch truyện Kiều sang tiếng Anh
Dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông được biết đến là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật… Ông là tác giả của nhiều tác phẩm văn học dịch có giá trị, như: tập truyện ngắn “Cây tường vi”, “Anna Karenina”- Lev Tolstoy, “Cuốn theo chiều gió” – Margaret Mitchell, “Đồi gió hú” – Emily Brontë, “Cái trống thiếc”- Günter Grass, “Kafka bên bờ biển” – Haruki Murakami…
Dương Tường được đánh giá là một trong số ít dịch giả văn học có tầm vóc ở Việt Nam xét ở nhiều phương diện.
Vào một ngày đầu tháng 2, chúng tôi có dịp chuyện trò cùng dịch giả Dương Tường trong căn phòng làm việc nhỏ của ông. Dù đã gần 90, nhưng phong thái đĩnh đạc, tính chất nghệ sĩ vẫn phảng phất đâu đó mỗi khi ông chuyện trò. Dương Tường thích hoài niệm về đời mình, về những trải nghiệm ông được trải qua cùng năm tháng.
Châm một điếu thuốc, rít một hơi thật dài, phả khói vào không trung rồi nhâm nhi tách trà. Như một cuốn băng đời mình, ông bắt đầu kể về Dương Tường của 87 năm về trước.
Dịch giả Dương Tường.
Không làm cái dễ, phải làm cái gì khó hơn
“Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi. Lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lo-lii-ta: đầu lưỡi lướt ba bước xuôi vòm miệng để vỗ nhẹ, tại bước ba, lên răng. Lo. Lii. Ta”.
(Trích tác phẩm “Lolita” của đại văn hào Vladimir Nabokov)
Lolita không phải tác phẩm dịch thành công nhất, nhưng lại tranh cãi nhất của tôi. Tôi mượn Lolita để bắt đầu câu chuyện dịch thuật hơn 60 năm qua của mình.
Dịch thuật không phải là việc định sẵn trong đầu tôi. Trong quá tình đọc các tác phẩm văn học nước ngoài, tôi cảm thấy “phí” vì những câu chuyện hay như thế mà ít người biết đến. Nhưng có lẽ, lý do chính hơn cả là nhu cầu đời sống khi ấy, không có cách nào kiếm ăn, dịch sách là con đường duy nhất để nuôi vợ con.
Tôi bắt đầu dịch sách từ những năm 60 thế kỷ trước, tức 28-29 tuổi. Cuốn sách đầu tiên tôi dịch là tập truyện ngắn “Cây Tường Vi”. Năm 1955, sau hoà bình, tôi trở lại Hà Nội. Trường Đại học chính của tôi là thư viện. Tôi gần như lăn lê bò toài ở thư viện mọi lúc để tranh thủ mót kiến thức, thứ mà cả một thời thanh xuân trước đó tôi không được học. Cho nên, cái chính của tôi là tự học.
Phòng làm việc ngập nắng của Dương Tường. Tất nhiên, nơi đây rất nhiều sách.
Sau gần 60 năm làm nghề, tôi có gần 60 tác phẩm dịch, chủ yếu 2 thứ tiếng: Anh và Pháp. Nhờ thế, ngôn ngữ tiếng Việt của tôi cũng giỏi và phong phú hơn. Thật khó để nói tác phẩm nào xuất sắc nhất. Nhưng, những cuốn yêu thích nhất, có khi là “Anna Karenina” của Leo Tolstoy và “Bức thư của người đàn bà không quen” của Stefan Zweig.
Tôi rất thích cảm giác khi hoàn thành một bản thảo. Tác phẩm càng thách thức thì khi vượt qua, tôi càng thích thú. Có những cuốn sách mà trong lúc dịch, tôi vẫn còn chưa chắc là có được xuất bản hay không? Lolita chẳng hạn. Trước đó, tôi đã dịch cuốn “Chết chịu” (Mort à crédit) của Céline nhưng không được ra mắt.
Tôi tôn trọng nguyên tác của tác giả và sự khác nhau giữa 2 ngôn ngữ. Có những dịch giả chọn cắt câu gốc của tác giả ra thành nhiều câu tiếng Việt, làm thế thì dễ hơn cho người dịch và người đọc, nhưng làm mất đi đặc thù và mất hết giá trị của tác phẩm. Tác phẩm khó thì độc giả phải đọc cái khó của nó, phải vận dụng trí lực của mình để hiểu tác phẩm. Đừng làm độc giả lười đi, và nếu lười thì họ cũng không tiếp thu được những gì đặc biệt.
Tôi luôn quan niệm, không làm cái dễ, phải làm cái gì khó hơn. Vì vừa sức mình thì không cần phải cố gắng. Khó hơn thì mình phải kiễng chân lên một chút, như thế sẽ lớn dần.
Thời gian trung bình cho một tác phẩm dịch thường là một năm. Cũng có những cuốn 2, 3 năm và thậm chí lâu hơn nữa. Cho đến bây giờ, tôi có thể tự hào nói với mọi người, những cuốn sách, tác giả tôi chọn dịch hầu hết đều thuộc lại khó nhất thế giới. Điển hình như việc dịch tiểu thuyết của Marcel Proust – nhà văn vĩ đại nhất thể kỷ 20, đối với tôi, như một món nợ canh cánh bên lòng, bởi quỹ thời gian của bản thân tôi chẳng còn được bao nhiêu.
“Dưới bóng những cô gái đương hoa” – cuốn tiểu thuyết kết hợp giữa Dương Tường cùng 2 tác giả khác.
Proust viết một thứ tiếng Pháp mà trong đó chữ nào cũng dễ, nhưng câu nào cũng khó. Trí thức trung bình của nước Pháp đọc tiểu thuyết của Proust không thể hiểu. Có những câu dài hàng chục trang, tôi đọc như lạc vào mê cung. Có những câu chỉ ngắn cỡ một dòng, tôi cũng phải đánh vật cả ngày.
Nhiều khi tôi muốn muốn từ bỏ, nhưng không dám, không tự cho phép mình bỏ dở. Khi bắt tay vào dịch, đương nhiên tôi đã phải biết nó khó chẳng khác nào đụng đầu với núi. Nhưng tôi quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Trước đó, tôi nghiền ngẫm cho đủ, đọc đi đọc lại tác phẩm hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Dịch Lolita mà không sai mới lạ
Tôi không nghĩ Lolita gây nhiều tranh cãi, vì tôi có cãi lại đâu.
Lolita là một cuốn tiểu thuyết rất hay, nhưng khó dịch. Năm 2012 với tôi đúng là đáng nhớ bởi Lolita, tôi vẫn nghĩ là một bản dịch bình thường, bỗng “nổi đình nổi đám” như cách tôi vẫn hay nói đùa. Độc giả cho rằng Lolita không đảm bảo về chất lượng dịch thuật, rằng tôi “đạo” chú thích của người khác. Khi dịch xong Lolita vào cuối năm 2011, tôi mệt phờ. Tác phẩm đến với công chúng, tôi rất buồn và có cảm giác mình ăn gian. Họ xếp tôi vào họ “đạo” là đúng rồi. Có lỗi thì phải chịu thôi. Tôi từng xin độc giả thứ lỗi.
Nhưng tôi dám chắc, bản tiếng Việt Lolita là một bản dịch tâm huyết, có chất lượng mà không thẹn với lương tâm. Dịch Lolita mà không sai mới lạ. Nhưng với 2 năm trời miệt mài với nó, tôi nghĩ đã dành cả tâm huyết cho từng con chữ. 7 năm trôi qua, mọi thứ ồn ào gần như tôi không còn mấy để tâm. Đúng, Lolita là một cuốn sách quan trọng, nhưng với tôi, cuốn sách quan trọng nhất cuộc đời vẫn đang ở phía trước. Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả.
Khi đối diện với Lolita của Vladimir Nabokov, tôi phải đương đầu với đầy đủ các khó khăn chung của vấn đề chuyển ngữ, rồi văn phong của tác giả, cách chơi chữ, những liên kết văn bản ngầm, mà nói chung, rất khó có ai dịch được. Có thể đến 80-90% những chỗ chơi chữ trong Lolita là không thể dịch hoặc không thể dịch hết ý. Bởi vậy ở đây, vấn đề là phải tìm ra một chiến lược dù cho thất bại cũng phải thật đẹp.
Ông luôn biết cách trân trọng từng tác phẩm của mình.
Dự án cuối đời: Dịch Kiều sang tiếng Anh
Ai cũng biết tôi nổi tiếng gàn bướng, thậm chí còn tự tôn… quá thể đáng. Tôi luôn muốn bản dịch của mình phải chín nẫu tiếng Việt. Một đời tôi “ăn nằm với chữ”. Cho dù bây giờ sắp sửa 90, mắt mờ chân yếu, còn làm được gì tôi vẫn sẽ làm. Tôi và cái máy tính là một. Nó chết thì tôi cũng… chết!
Đều đặn, có đứa học trò đến đọc Kiều cho tôi nghe, tôi thích thế. Mỗi buổi như vậy giống như một lớp học, chúng tôi trao đổi với nhau những đoạn Kiều tôi thích. Có khi lại giống một buổi giảng văn, tôi mò mẫm lắng nghe từng con chữ một, vào những ngày cuối đời.
Thời điểm này, Dương Tường làm việc nhiều với máy tính.
Thời điểm này, tôi làm việc nhiều với máy tính. Những con chữ hiện trên màn hình to gần ngang đốt tay người, mắt tôi mờ dần, đánh mãi mới được một dòng chữ. Cả màn hình chỉ chứa được 5 dòng. Dịch Kiều sang tiếng Anh có lẽ là dự án dịch thuật cuối cùng và tôi không muốn phô trương quá nhiều về nó. Sáng sớm, tôi thức dậy, lặng lẽ ngồi và nhìn ánh nắng hắt hiu cuối mùa còn vương vấn qua khung cửa sổ. Thời gian không còn nhiều, tôi như tham gia vào cuộc chạy đua mà đối thủ chính là tôi.
Tôi có những niềm vui nhỏ nhặt khi dịch Kiều. Một chiều, tôi đến nhà và nói với con gái:
“Hôm nay là một ngày vô cùng ý nghĩa với bố! Bố vừa dịch xong câu thứ 1000 của truyện Kiều. Mai phải khao bố đi nhé!”.
Niềm vui của tôi đơn giản là như thế đó!
Cuộc sống với tôi đơn giản là tự biết cách bằng lòng với những gì mình có
Tôi đang ở độ tuổi có thể nói là bão hoà sống, nhưng trong đầu vẫn đầy rẫy những hình ảnh sống động của quá khứ 87 năm trước. Đứa con bé nhất của tôi, quay đi quay lại năm nay cũng gần 50. Nghèo nàn và tù túng của những năm tháng trước, tôi luôn biết cách trân trọng tất cả. Cái nghèo đương nhiên là khổ, nhưng nhiều khi về già nghĩ lại, tôi thấy nó đẹp. Con người ta buồn cười thế, nhớ những ngày xưa nghèo nàn. Tuy từng thời mình có những mong ước khác nhau.
Có thể trí nhớ của Dương Tường đang giảm sút, nhưng ký ức về những cái Tết xưa, trong ông vẫn hẵng sâu đậm.
Quỹ thời gian của tôi không nhiều, tôi mong ước có thể làm nốt việc còn dang dở. Với cuốn sách cuối đời, tôi âm thầm làm việc trước khi mắt mình không còn nhìn thấy gì nữa. Đã có thời tôi nghĩ mình còn không thể làm được bất cứ việc gì. Tôi từng tập viết lại, nhưng nếu viết dở một câu, tôi không biết nối lại chỗ nào nữa. Bây giờ người ta dịch được mấy trang, tôi mới làm được một dòng.
Còn những tác phẩm của mình, tôi trân quý chúng. “Cây tường vi”, “Anna Karenina”, “Cuốn theo chiều gió”, “Đồi gió hú”, “Cái trống thiếc”, “Kafka bên bờ biển”, và cả “Lolita”, tôi mong những đứa con tinh thần sẽ luôn nhận được sự yêu quý của độc giả.
Cuộc sống của một dịch giả sau khi đã về hưu, vẫn miệt mài với con chữ mà như ông bảo cho đến hơi thở cuối cùng.
Cơ thể và trí óc nào cũng tàn lụi, không ai có thể thắng được cái chết. Tôi hay ví von, dịch được một tác phẩm như leo qua một ngọn núi. Nhưng rồi, khi chinh phục xong, tôi biết trước mắt mình còn nhiều đồi núi khác, có khi còn lởm chởm, gian nan hơn.
Nhà văn V.S.Naipaul (Nobel Văn học 2001) có nói trong một bài phỏng vấn, rằng đến tuổi 80 thì người ta chẳng còn gì nhiều để nói với cuộc đời. Tôi đã 88, đam mê dịch thuật theo tôi suốt từ những năm đôi mươi, sau 60 năm, tôi vẫn còn luyến lưu nhiều.
Cuộc sống với tôi đơn giản là tự biết cách bằng lòng với những gì mình có và chắc hẳn, cứ biết hiện tại đã, làm được đến đâu thì làm.