Cuộc đời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên
Năm 1946, ông Huyên (thứ 2 từ trái sang) cùng phái đoàn chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu. Hội nghị đàm phán giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Từ Pháp, ông viết bức thư về cho vợ – bà Vi Kim Ngọc “…đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức của mình để thoát khỏi vòng áp chế…Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ?…Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh bay…”. Từ đây, ông hoàn toàn tin tưởng và đi theo cách mạng. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng ông từ chối với lý do “thiếu kinh nghiệm”. Trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch “Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân”, ông nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946. Ông giữ cương vị “tư lệnh ngành” trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.