Các vị công chúa Trung Quốc cổ đại nổi tiếng và xinh đẹp nhất
Bên cạnh các vị hoàng đế nổi tiếng trong các triều đại lịch sử thì văn hóa Trung Hoa còn lưu lại dấu ấn bởi các nàng công chúa cổ đại. Đây là những nàng công chúa nổi danh không chỉ xinh đẹp mà còn vô cùng thông minh. Hôm nay tự học tiếng Trung tại nhà sẽ tìm hiểu về 10 công chúa Trung Quốc cổ đại nhé!
10 công chúa Trung Quốc cổ đại nổi tiếng
Thăng Bình công chúa (升平公主)
Thăng Bình công chúa là con gái thứ tư của Đường Đại Tông. Thăng Bình công chúa được gả cho con trai của đại tướng Quách Tử Nghi là Quách Ái. Bộ phim “Túy đả kim chi” là bộ phim được cải biên từ câu chuyện của Thăng Bình công chúa và Quách Ái.
Cao Dương công chúa (高阳公主)
Cao Dương công chúa là con gái của Đường Thái Tông. Cao Dương công chúa được Đường Thái Tông gả cho con trai của Tể tướng Phòng Huyền Linh là Phòng Di Ái. Tuy nhiên vị công chúa này đã qua lại với hòa thượng Biện Cơ. Chuyện đến tai Hoàng đế Đường Thái Tông, ông đã ra lệnh giết chết hòa thượng Biện Cơ. Từ đó, Cao Dương công chúa nảy sinh lòng oán hận với cha mình nên khi Đường Thái Tông qua đời, nàng đã nhảy múa ăn mừng. Về sau, vì tham gia mưu phản mà bị Đường Cao Tông xử chết.
Văn Thành công chúa (文成公主)
Văn Thành công chúa trong lịch sử Trung Hoa là cháu gái của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Để thiết lập mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Thổ Phiên, Đường Thái Tông đã gả công chúa Văn Thành cho Thổ Phiên Vương triều, trở thành Vương hậu thứ hai của Tán phổ Tùng Tán Cán Bố. Cùng nhờ Văn Thành công chúa mà mối quan hệ giữa hai nước này cũng nhờ đó mà tốt đẹp gần hai trăm năm.
Thọ An công chúa (寿安公主)
Thọ An công chúa, tự Trùng Nương là con gái của hoàng đế Đường Huyền Tông – Lý Long Cơ. Thọ An công chúa sinh non, nên Đường Huyền Tông cho rằng đây là điều không may mắn nên không hề sủng ái, yêu thương công chúa và không hề phong nàng lên làm công chúa.
Về sau, khi Đường Huyền Thông bị ép thoái vị trở thành Thái thượng hoàng, chỉ có mình Thọ An công chúa bên cạnh chăm sóc tận tâm, Đường Huyền Thông rất cảm động trước tấm lòng của nàng. Trước khi chết, Đường Huyền Tông nói với Đường Đại Tông, nhất định phải cho Thọ An công chúa một danh hiệu, từ đó Thọ An công chúa mới chính thức được phong làm công chúa.
Nghi Thành công chúa (宜城公主)
Nghi Thành công chúa là con gái của Đường Trung Tông Lý Hiển. Công chúa được gả cho một công tử vô cùng đào hoa. Chàng phò mã này thường ngày không có việc gì làm, tư thông với tỳ nữ. Nghi Thành công chúa cũng không phải là người hiền lành, liền ra lệnh cắt đi tai, mũi của tỳ nữ đó. Đỉnh điểm là công chúa còn muốn đem phò mã của mình thiến thành thái giám tuy nhiên khi được khuyên bảo thì công chúa đã không làm như vậy.
Thái Bình công chúa (太平公主)
Thái Bình công chúa là hoàng nữ của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Thái Bình công chúa rất có phong phạm của Võ Tắc Thiên, đa mưu, giỏi suy đoán, dùng quyền thế để lấn át nhưng cũng rất có nhãn quang về chính trị. Võ Tắc Thiên nhìn thấy được điều đó và thường cùng nàng tham thảo chuyện Quốc gia đại sự. Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, Đường Trung Tông Lý Hiển phục vị, Thái Bình Công chúa với tư thế nữ cường nhân bước đến vũ đài lịch sử.
Đường Trung Tông là người tương đối nhu nhược, yếu đuối cũng chính là nguyên nhân làm cho Thái Bình công chúa chủ quyền thiên hạ. Nàng trước sau từng ba lần phát động chính biến: Lần thứ nhất là giết chết mẫu thân của sủng nam là Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông. Lần thứ hai là cùng cháu Lý Long Cơ cùng nhau phát động Đường Long chính biến giết chết Vi hoàng hậu và lần thứ ba là tranh đấu với Lý Long Cơ. Không ngờ cuối cùng Thái Bình công chúa bị Lý Long Cơ đánh bại, ban cho cái chết và kết thúc một đời huy hoàng.
An Định công chúa (安定公主)
An Định công chúa là con gái của Đường Cao Tổ Lý Uyên, em gái của Đường Thái Tông. Đường Cao Tông Lý Trị là con trai của Đường Thái Tông, trong khi đó Võ Tắc Thiên là vợ của Đường Cao Tông nên gọi An Định công chúa là cô mẫu. Nhưng không ngờ về sau khi Võ Tắc Thiên xưng đế, An Định công chúa không biết xấu hổ và phải trái mà nhận Võ Tắc Thiên làm nghĩa mẫu.
Trong quá trình xưng đế, Võ Tắc Thiên có một sủng nam là Tiết Hoài Nghĩa – người do An Định công chúa hiến tặng cho Võ Tắc Thiên.
Thường Lạc công chúa (常乐公主)
Thường Lạc công chúa là em gái của Đường Thái Tông, cũng chính là cô mẫu của Đường Cao Tông. Do Đường Cao Tông ( chồng của Võ Tắc Thiên ) đối với An Lạc công chúa vô cùng thương yêu nên Võ Tắc Thiên đố kỵ. Võ Tắc Thiên vì báo thù Thường Lạc công chúa mà bỏ đói con gái của Thường Lạc đến chết. Thường Lạc công chúa vì con gái báo thù, đã viết một bức thư tín đưa cho Việt Vương – đang dấy binh tạo phản. Sau này, Thường Lạc công chúa bị giết, Võ Tắc Thiên đã sửa đi tên họ của nàng thành “Hủy” (Hủy là một loại rắn độc thời cổ đại).
Bình Dương công chúa (平阳公主)
Bình Dương công chúa là con gái thứ ba của Đường Cao Tổ Lý Uyên, là người rất có mưu lược. Khi Lý Uyên vẫn chưa thể đạt được giang sơn của triều Tùy, nàng đã thống lĩnh đội Nương tử quân giúp cha công thành đoạt đất. Bình Dương công chúa là vị công chúa duy nhất trợ giúp Hoàng đế kiến lập đại nghiệp thiên thu. Để biểu dương công lao của Bình Dương công chúa, sau khi chết, Lý Uyên đã phá lệ truy phong thị hiệu cho nàng.
An Lạc công chúa (安乐公主)
An Lạc công chúa là con gái của Đường Trung Tông Lý Hiển và Vi Hoàng hậu, được xưng là “Mỹ nhân đẹp nhất trong thiên hạ”, đến cả Tân Đường Thư cũng nói: “Xinh đẹp động thiên hạ”.
An Lạc công chúa có tên thật là Lý Khỏa Nhi, vì khi phụ thân nàng là Đường Trung Tông Lý Hiển bị Võ Tắc Thiên biếm truất (cách chức) đến vùng đất khác làm quan thì mẫu thân nàng hạ sinh trên đường. Vì điều kiện hoàn cảnh ven đường không được đầy đủ mọi thứ, nên Lý Hiển đành phải cởi bỏ y phục để bao bọc nàng và thế là cái tên “Khỏa Nhi” được ra đời. (Khỏa ý chỉ bao bọc, gói).
An Lạc công chúa được sinh ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, khổ cực nên Đường Trung Tông đối với An Lạc công chúa càng thêm yêu thương. Vì được cưng chiều đã làm cho An Lạc công chúa sinh hư, công khai tham dự triều chính , tự ý mua quan bán tước, tụ tập quan công đại thần ra vào phủ của mình. Trong triều, ngoại trừ Tể tướng ra thì đa số các quan cao đều là người của nàng.
Thái tử Lý Trọng Tuấn là người sẽ kế thừa vương vị vua cha sau này nên ai nấy đều lấy lòng nịnh bợ nhưng An Lạc công chúa không hề xem trọng. Thậm chí, An Lạc công chúa còn nhiều lần khuyên nhủ Đường Trung Tông lập mình làm Hoàng thái nữ với ý định muốn làm nữ Hoàng đế như Võ Tắc Thiên nhưng không thành.
Sau này, khi Đường Trung Tông qua đời, mẫu thân của An Lạc công chúa là Vi Hoàng hậu tạm thời khống chế triều chính, thậm chí muốn là Nữ hoàng đế thứ hai sau Võ Tắc Thiên, kết quả bị Thái Bình công chúa và Lý Long Cơ giết chết trong cuộc phát động “Đường Long chính biến”. An Lạc công chúa cũng vì thế mà liên lụy bị giết khi 25 tuổi.
Trên đây là 10 nàng công chúa Trung Quốc cổ đại nổi tiếng nhất. Đọc thêm về lịch sử Trung Hoa chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm động lực để học tiếng Trung đấy nhé!
Đừng quên cập nhật những bài viết mới tại webiste nhé!
Xem thêm:
ĐĂNG KÝ HỌC TẠI ĐÂY