Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trong danh sách 46 ông Trạng “chính thống” không có tên ông. Nhưng ông là người duy nhất đỗ tiến sĩ mà được dân tôn xưng là Trạng. Đó là Trạng Bùng.

Thi cử lận đận

Mẹ ông, bà Nhữ Thị Thục là con quan Thượng thư bộ Hộ triều Lê Nhữ Văn Lan. Năm 1491, bà lấy chồng họ Nguyễn và sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do bất hòa trong việc dạy dỗ con, bà bỏ chồng về quê ở trấn Sơn Tây và lấy người chồng khác họ Phùng ở làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay thuộc Hà Nội và đến năm 1528 sinh ra Phùng Khắc Khoan.

Khắc Khoan có tư chất thông minh từ nhỏ. Tương truyền ngay từ khi cậu mới 10, 12 tuổi, thiên hạ đã lưu truyền lời sấm: “Văn tinh cửu dĩ xuất Phùng thôn” (sao Văn hiện ra ở làng Phùng lâu rồi). Văn tinh là ngôi sao tượng trưng cho người tài, nhằm chỉ Phùng Khắc Khoan.

Trong khi đó, ở làng Trung Am, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nổi tiếng là người thông tuệ. Nhưng vì lúc đó thế sự rối ren nên ông vẫn ở quê nhà chưa đi thi. Theo lời nhắn gửi của bà Nhữ Thị Thục, sau khi bà mất, ông Phùng dẫn con về Hải Dương nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ.

Khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1552) đời vua Mạc Mậu Hợp, Phùng Khắc Khoan đỗ hương cống (cử nhân), nhưng bị đánh tụt xuống sinh đồ (tú tài). Lý do chỉ vì trước đó, lớp đàn anh của Phùng Khắc Khoan là Lương Hữu Khánh đã bỏ vào Thanh Hóa thi với nhà Lê. Thành ra Phùng Khắc Khoan bị vạ lây.

Thời ấy nhà Mạc đã bước vào thời kỳ suy thoái. Nguyễn Kim và sau đó là Trịnh Kiểm đã phò trợ con cháu nhà Lê, xây dựng triều đình Lê Trung Hưng ở xứ Thanh. Phù Lê hay ra giúp Mạc là câu hỏi lớn đặt ra trước Phùng Khắc Khoan.

Ông cứ băn khoăn mãi, dò ý Trạng Trình vừa là thầy vừa là anh, nhưng không thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm nói gì. Đêm ấy hai thầy trò cùng ngủ chung, trời chưa sáng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đánh thức em dậy mà bảo: Gà gáy rồi, trời đã sáng, sao không dậy, ngủ mãi ư?

s Mộ phần của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Vốn biết Trạng Trình là người thông hiểu lý số, thường nói ẩn dụ, Phùng Khắc Khoan hiểu ý rằng đã đến lúc vào giúp nhà Lê dựng nghiệp. Phùng Khắc Khoan bèn từ biệt thầy bí mật lên đường, tránh sự truy bắt của quan quân nhà Mạc.

Vị phúc thần của dân

Năm 1557, Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương, nhưng phải đến kỳ thi Hội năm Quang Hưng thứ 3 (1580) ông mới thi đỗ Hoàng giáp, tức Đệ nhị giáp Tiến sĩ, lúc đã 52 tuổi.

Phùng Khắc Khoan ra làm quan, nhưng vì tính hay nói thẳng trái ý vua nên bị biếm chức đầy ra tận Con Cuông, vùng núi heo hút của tỉnh Nghệ An.

Năm 1592, nhà Lê đánh thắng nhà Mạc, trở lại kinh thành Thăng Long thiết lập chế độ vua Lê – chúa Trịnh. Năm 1597, Phùng Khắc Khoan được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc triều cống. Tại buổi lễ chúc thọ vua Minh, sứ thần các nước được yêu cầu làm thơ chúc tụng.

Phùng Khắc Khoan làm luôn 36 bài khiến vua tôi nhà Minh và các sứ thần đều sửng sốt. Minh Thần Tông đọc xong cất lời khen: “Nhân tài ở đâu cũng có. Xem thơ Khắc Khoan thấy rõ là người học rộng, lại đầy lòng trung nghĩa, thực là đáng khen”. Vua Minh ban lệnh cho khắc in tập thơ của chánh sứ Việt Nam và gọi ông là “Phùng Kỳ lão”, coi như bậc Trạng nguyên.

Trên đường đi sứ về, đoàn sứ giả có dịp thăm nhiều xưởng dệt tơ. Phùng Khắc Khoan để ý quan sát và ghi chép kỹ lưỡng kỹ thuật của họ. Trở về nước, ông đã phổ biến cách dệt tơ cho vùng quê Kẻ Bùng, từ đó nơi đây có nghề sản xuất tơ lụa và nổi tiếng nhất là “lượt Bùng”.

Khi tuổi đã cao, trải qua ba đời vua, ông về trí sĩ tại quê nhà và cho dựng nhiều công trình văn hóa và thủy lợi còn lại đến ngày nay. Nhân dân biết ơn ông, xưng tụng ông là Trạng Bùng và khi mất ông được lập miếu thờ và tôn làm phúc thần.

Dĩ Nguyên

Rate this post