Bằng Việt: ‘Nước Nga làm phong phú hồn thơ tôi’

Không chỉ nổi tiếng là người dịch thơ hay, nhất là thơ Nga, nhà thơ Bằng Việt còn có nhiều kỷ niệm gắn bó với đất nước xinh đẹp này từ lúc bắt đầu tuổi trẻ, khi ông vừa tốt nghiệp cấp III và sang Nga du học ngành luật.

Thu Huyền – 

Nhà thơ Bằng Việt.

Nhà thơ Bằng Việt.

Sống ở Nga từ năm 1961 đến 1965, về nước Bằng Việt làm nghề luật nhưng vẫn trở đi trở lại nước Nga nhiều lần với những tư cách khác nhau, khi thì dự Hội nghị Á Phi, Hội Hữu nghị các nước XHCN, giao lưu với các nhà văn Xô viết, đi ký hợp đồng, rồi học lý luận văn học cao cấp tại Trường M. Gorky, đi nhận giải thưởng dịch thuật văn học của Quỹ Hòa bình Liên Xô. Nước Nga là một phần không thể thiếu trong cuộc đời cũng như hồn thơ của ông.

– Ông nhớ gì về những ngày tháng sống và học tập ở nước Nga xa xôi?

– Ở một ngày còn nhớ, huống chi tôi đã sống ở đó 5 năm. Bây giờ cuộc sống bận rộn cứ cuốn mình đi, ngồi nhớ lại mới thấy những ngày tháng ấy đã trôi rất xa rồi. Tôi còn nhớ lần đầu đặt chân đến nước Nga, tôi chỉ mơ một ngày nào đấy Việt Nam cũng đẹp, cũng văn minh như thế. Đấy là một thế giới khác hẳn đối với chàng thanh niên quen sống trong nghèo khó. Cuộc sống ở Nga rất dễ chịu, xã hội hài hòa, bản chất của người Nga là nhân hậu, bao dung, con người luôn biết sống vì cộng đồng lớn. Thêm vào đó, thiên nhiên rất tuyệt vời, những thảo nguyên ngựa chạy chồn chân, chim bay mỏi cánh. Đó là một thế giới riêng. Văn hóa Nga có tầm quan trọng đặc biệt với nhân loại bởi những tên tuổi không ai thay thế được như Puskin, Tolstoy, Tchaicovxky.

– Những ngày tháng sống và học tập tại Nga có tác động thế nào đến cuộc đời ông?

– Nước Nga đã có tác động rất lớn đến cuộc đời tôi. Những năm 60 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim của nước Nga. Tôi gọi nước Nga là gia đình quốc tế bởi nước Nga luôn mở rộng cửa đón các sinh viên thế giới, có cả trường đại học của các dân tộc trên thế giới. Tôi chơi với sinh viên của tất cả các nước, được giao tiếp với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa khác nhau, điều này cũng khiến tôi say mê học ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… Họ rất yêu Việt Nam và thích học tiếng Việt nên tôi đã dạy tiếng Việt cho họ qua tiếng Nga. Có những sinh viên Cuba cứ muốn được tình nguyện sang Việt Nam tham gia chiến tranh bởi mối quan hệ thắm thiết giữa hai nước. Tôi ở ký túc xá với một sinh viên người Nga, cậu ấy rất tốt, mỗi lần về quê lại xách bao nhiêu thịt cá lên để hai đứa cùng ăn, thỉnh thoảng lại mời tôi về quê chơi. Sống ở Nga mới thấy người Việt Nam mình được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đi đến đâu cũng được yêu mến, trọng thị. Người Nga cũng được giáo dục là phải yêu các dân tộc chống đế quốc. Nếu sống trong một môi trường khác thì tôi không thể có được những kiến thức, những suy nghĩ có giá trị như sống ở đây.

– Tại nước Nga, ông đã viết bài thơ “Bếp lửa”, cho đến nay vẫn được đánh giá là bài thơ hay nhất của Bằng Việt. Điều gì ở nước Nga đã khiến ông sống nhiều cho thơ hơn là luật?

– Đó là một buổi sáng mùa đông lạnh giá ở Kiev – một thành phố cổ, thành phố mẹ của các thành phố Nga, tôi đi ra xe buýt để đến trường. Sương mù giăng như khói, lá vàng bay ngập đường gợi cho tôi không khí những ngày thu xa xưa của thời chống Pháp. Lúc ấy, tôi ở Ba Vì với bà nội, cùng ngắm lá vàng, sương phủ trên mặt sông. Tình cảm sâu nặng với bà trỗi dậy trong tôi khiến tôi viết Bếp lửa. Thực ra, ngày còn bé, tôi luôn thích văn học, yêu thích những giá trị tinh thần và luôn ước mơ trở thành nhà thơ. Song nước Nga đã làm phong phú hồn thơ tôi. Sống ở Nga, tôi làm khoảng hai trăm bài thơ cho riêng mình, phần lớn chưa từng công bố. Một cô gái Cuba đã gợi ý cho tôi nên đổi tên Nguyễn Việt Bằng thành Bằng Việt nghe có thanh điệu hơn.

– Chia tay nước Nga, điều gì làm ông nhớ nhất?

– Tôi nhớ tất cả những gì đã trở thành thân quen với mình, nhất là phong cách sống phóng khoáng mà mình đã nhanh chóng thích nghi. Nhớ các thầy cô giáo luôn coi mình như con, ngày lễ tết thường mời mình đến nhà ăn cơm. Về nước rồi, tôi vẫn thường liên hệ với các thầy cô để xin tài liệu. Tôi chơi thân với nhà thơ Eptusenco, một nhà thơ nổi tiếng của Nga thời kỳ đó. Lúc tôi sắp về nước, ông mời tôi uống bia tại Hội Văn học Nghệ thuật Liên Xô và tặng tôi một chiếc cà vạt. Ông bảo, sẽ có ngày ông sang Việt Nam và năm 1972 ông đã sang. Sau này, tôi trở lại nước Nga cả chục lần với nhiều tư cách khác nhau nhưng cũng ít có cơ hội gặp lại tất cả bạn bè. Năm 1983, tôi được giải thưởng về dịch thuật của Quỹ Hòa bình Liên Xô, tiền thưởng cũng khá nên tôi dành dụm để đi thăm các thầy cô, lúc ấy mới hay nhiều thầy cô mình đã mất. Đến năm 1987, lần cuối cùng tôi đến Nga thì cuộc sống đã thay đổi nhiều. Từ đó trở đi, tôi cũng bị cuốn theo cuộc sống nên không còn gặp lại hay liên hệ được với những người cũ nữa. Chỉ một lần được nói chuyện với nhà thơ nữ Rimma Karacova qua cầu truyền hình đầu tiên ở Việt Nam.

– Ông đã dịch nhiều thơ, văn của các nước có đời sống văn học đa dạng, phong phú, theo ông văn học Nga có đặc điểm gì riêng so với thế giới?

– Văn học Nga là nền văn học lớn của thế giới, có tính nhân bản, nhân loại, gần với trái tim thế giới. Họ có cách nghĩ đan xen giữa phương Tây và phương Đông, có sự cảm nhận sâu sắc, vẻ đẹp đôn hậu, sẻ chia tình cảm. Từ thời xưa, văn học Nga đã có tính lý tưởng, khát vọng tự do, nhân ái khác với tính thực dụng trong văn học Mỹ. Văn học Nga không có nhân vật nào có tác phong như Scarlet, có lẽ chính điều này tạo nên sự giàu có và phồn vinh cho xã hội Mỹ. Người Nga thì chừng mực, yếu đuối, mạnh về suy nghĩ và triết lý hơn hành động.

– Vậy thơ ca Nga có sức hút đặc biệt thế nào với ông?

– Thơ Nga có cấu trúc chặt chẽ, giàu cảm xúc, triết lý, thanh âm và tiết tấu hài hòa. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thơ tôi. Mới sang đấy học, tôi đã bắt đầu dịch thơ, một trong những bài đầu tiên tôi dịch là Chiều đông của Puskin. Sau đó, tôi dịch cả tập thơ của Olga Bergon vì bắt gặp một sự đồng cảm, nhất là khi bị bao vây trong chiến hào ở Leningrad. Tôi dịch một lúc mấy bài mà không cần phải chữa, bây giờ đúng là không làm nổi. Thơ của Olga gần với chất phương Đông, tinh tế, tĩnh lặng, có sức lay động nội tâm. Thực ra, trước khi sang Nga học, tôi đã thích Olga Bergon khi đọc tập truyện Những ngôi sao ban ngày của bà viết về miền Trung nước Nga, bà viết văn xuôi mà như thơ. Khi tôi học ở Nga, bà cũng đã già rồi, tôi cũng không có dịp được gặp bà, đó cũng là một sự tiếc nuối.

(Nguồn: Người Lao Động)

 

Rate this post