Vua Lý Nhân Tông, nhạc sĩ, biên đạo múa đầu tiên của nước Việt
TP – Hầu hết văn hóa của các nước trên thế giới đều có hai yếu tố là nội sinh, ngoại sinh và Việt Nam càng không phải là ngoại lệ. Chuyện đó hoàn toàn bình thường nếu biết dựa vào cái của người ta để sáng tạo thành cái của mình. Thời nhà Lý, có một vị vua đã ý thức được độc lập dân tộc bên cạnh ý thức độc lập văn hóa, đó là Lý Nhân Tông
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua lập ra nhà Lý. Triều đại nhà Lý kết thúc vào năm 1225 với 9 triều vua. Nhà Lý sùng đạo Phật vì thế chùa chiền được dựng lên khắp nơi trong đó có hai ngôi chùa nổi tiếng còn đến ngày nay là Phật Tích ở trên núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, Bắc Ninh do vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1057 và Đọi Sơn nay thuộc xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên, Hà Nam xây năm 1054.
Khi các nhà khảo cổ của Viện Viễn Đông bác cổ khai quật chùa Phật Tích năm 1937, 1940 và sau này Viện khảo cổ khai quật năm 2008 đã tìm thấy các tượng thiên thần Kinnari, đầu người mình chim đang cầm các loại nhạc cụ là tỳ bà, trống phong yêu (còn gọi là trống tầm bông), chũm chọe, ống tiêu. Tượng các Kinnari cầm nhạc cụ cũng tìm thấy tại chùa Đọi Sơn. Kinnari là hình tượng phổ biến trong Phật giáo ở Ấn Độ. Nhưng tại chùa Phật Tích, lần khai quật năm 1937 các nhà khảo cổ tìm thấy một tảng đá kê cột dài 0,72m, chiều cao 0,21m chạm khắc một dàn nhạc mỗi bên năm nhạc công vừa múa vừa tấu nhạc. Những hiện vật quý báu tìm thấy ở hai ngôi chùa này cho thấy thời Lý âm nhạc, vũ đạo đã phát triển nhưng là nhạc Trung Hoa và Chiêm Thành. Bức chạm dàn nhạc có thể là mô phỏng dàn nhạc của Phật giáo hoặc cũng có thể là của cung đình.
Tuy nhiên sách “Đại Việt sử ký toàn thư” lại không có ghi chép về các nhạc cụ thời Lý, song sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc (thời Trần) chép khá cụ thể: “Nhạc khí: có thứ trống “phạn sĩ” (trống cơm), nguyên nhạc khí của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm(*), bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng, hợp với ống kèn, tháp nứa, xập xõa, cái trống lớn, gọi là đại nhạc, chỉ vua mới được dùng, các tôn thất quý quan, có gặp lễ đám chay, đám cưới mới cho dùng đại nhạc. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyển, thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được”. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Bùi Thị Thanh Mai thì “Với bức chạm dàn nhạc công ở chân tảng chùa Phật Tích, ta đã thấy sự xuất hiện của nhiều loại nhạc cụ như: trống, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh, sáo tiêu, phách phản ánh sự phát triển âm nhạc của thời Lý. Điều này chứng tỏ nhạc khí thời Trần có sự kế thừa và phát triển từ truyền thống thời Lý”.
Việc vua Lý Thánh Tông cho chạm khắc dàn nhạc lên đá ở chùa Phật Tích chứng tỏ ông là vị vua yêu âm nhạc và thực tế “Đại Việt sử ký toàn thư” cho rằng ông là người “sành âm luật”. Năm 1060, Lý Thánh Tông “thân phiên dịch nhiều khúc và tiết cổ âm của Chiêm Thành” – một đất nước có nền âm nhạc và vũ đạo phát triển khá lâu đời ảnh hưởng của Ấn Độ – rồi sai nhạc công luyện tập ca hát tấu khúc. Lý Thánh Tông mất năm 1072 đã truyền lại ngôi cho con trai duy nhất là Lý Nhân Tông khi đó mới 6 tuổi. Lớn lên nối nghiệp cha Lý Nhân Tông cũng là ông vua tốt và tài hoa như cha.
Trong văn bia ở chùa Đọi Sơn do Nguyễn Công Bật là Thượng thư Bộ Hình khắc năm 1121, năm hoàn thành tháp Sùng Thiện Diên Linh do Lý Nhân Tông xây dựng có đoạn: “Vua ta tứ thơ thâu tóm thiên biến vạn hóa của đất trời nhạc phổ hòa hợp âm thành của Đường, Phạn”. Ở đoạn sau văn bia viết: “Vua ta tinh tường âm nhạc nước ngoài chuyển nắm được đầu mối cốt yếu của nghệ thuật”. Những ghi chép trong văn bia rất khớp với “Đại Việt sử lược”: “Đặc biệt giỏi về âm luật, những bài ca, khúc nhạc mà nhạc công luyện tập đều do vua thân chế tác”. Điều đó có nghĩa ông khác với cha mình chỉ phiên nhạc còn ông đã sáng tác khúc ca, khúc nhạc nên có thể coi ông là nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam. Một trong những khúc ca Lý Nhân Tông sáng tác được sử chép lại là bài “Giáng vân tiên tử” (Tiên cưỡi mây xuống trần) véo von tiếng hát cung đàn ngợi ca công lớn của tiền vương”. Không chỉ sáng tác khúc ca, khúc nhạc, ông còn là người đầu tiên soạn các điệu múa. Chính ông đã mở rộng nghệ thuật múa rối nước và rối cạn. Ông sáng tạo ra Hội đèn Quảng chiếu mùa xuân ở Thăng Long, dựng Đài Chuông tiên mùa thu, dựng Vũ đình trên xe đẩy di động cho cung nữ nhạc công ca múa hát tấu nhạc ở trong cung đình rồi xe ra ngoài cửa thành cho vua quan và dân chúng kinh thành xem. Vì thế có thể coi ông là ông tổ của nghề tổ chức sự kiện.
Lý Nhân Tông cũng khuyến khích thanh niên đá cầu, hất phết, đấu vật, đua thuyền, đề cao việc học, và cho rằng “biết chữ để làm văn”. Một số bài thơ tứ tuyệt của ông còn lưu lại ngày nay là “Trung tán Vạn Hạnh thiền sư, Tán Giác Hải thiền sư, Thông Huyền đạo nhân”… Tất cả những việc Lý Nhân Tông làm là có lẽ bắt nguồn từ ý thức, một đất nước chỉ độc lập thực sự khi nước đó độc lập về văn hóa với phương Bắc.
(*) là vật liệu làm từ cơm nghiền cho nát ra để bịt vào hai đầu mặt trống