Vì sao Lý Nhân Tông được gọi là vị vua mang nhiều điềm lành?

Sự ra đời đầy ly kỳ của Lý Nhân Tông

Lý Nhân Tông (22 tháng 2 năm 1066 – 15 tháng 1 năm 1128) là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng 56 năm, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Dưới thời trị vì của Nhân Tông, nước Việt phồn vinh, “dân được giàu đông”.

Sử sách chép, Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức. Ngài là con trưởng của Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết). Theo sử sách mô tả là vị vua có hình dáng, dung mạo rất khác người: “Trán cao, mắt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ” (Đại Việt sử ký toàn thư); “vua có xương trán nổi lên như mặt trời, ấy là dáng mặt của bậc thiên tử” (Đại Việt sử lược).

Lý Thánh Tông anh minh sáng suốt, trị nước tài ba nhưng về đường con cái, các phi tần trong hậu cung chỉ sinh con gái mà không sinh được nam tử nào cho vua. Sách chép rằng, vua đi nhiều đình chùa để cầu khấn nhưng không linh nghiệm. Một lần nọ, vua đã gặp cô gái hái dâu nhan sắc xinh đẹp, trí tuệ thông minh mới đón vào cung ban hiệu là Ỷ Lan.

vi-sao-ly-nhan-tong-duoc-goi-la-vi-vua-mang-nhieu-diem-lanh-0
Tượng thờ vua Lý Nhân Tông

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tục truyền rằng vua đi cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm mới đi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy mới đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân”.

Ý Lan vào cung 1 thời gian nhưng vẫn chưa mang thai. Nàng cũng đi đến các chùa cầu tự. Lý Thánh Tông còn sai các quan lại đi khắp nơi khấn Phật ban cho mụn con trai, 1 trong số đó là Nội quan Nguyễn Bông – người mà sau này đã đầu thai thác hóa thành con vua.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, đến sau Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Thái tử Càn Đức, tức là Nhân Tông…

Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm”. Ngôi chùa Thánh Chúa này thuộc địa phận phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ở trong tập “Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn” viết về sự tích Ỷ Lan ghi chép tương tự, nhưng chi tiết hơn: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông đến chùa Thánh Chúa gặp sư Đại Diên. Sư này bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm Hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức.

Sau khi Nguyễn Bông bị giết, một đêm nọ vua Lý Thánh Tông nằm mộng thấy điều lạ. Đại Việt sử lược ghi rằng: “Vua mộng thấy tiên ông bế một đứa bé trai trao cho, khi thức dậy vua bảo rằng: Hẳn là có điều tốt lành đây, ta sẽ có hoàng tử nối ngôi. Cùng hôm ấy thần phi họ Lê thấy trong lòng xốn xang, thụ thai đúng 14 tháng rồi sinh”.

Vào năm vua Lý Thánh Tông 43 tuổi có con trai nối dõi, đặt tên là Càn Đức. Nhà vua rất vui mừng; chỉ một ngày sau khi hoàng tử sinh ra, Thánh Tông lập Càn Đức làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu thành Long Chương Thiên Tự, đại xá thiên hạ và phong Ỷ Lan làm Thần phi.

Cuốn Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời Trần, có mô tả ngoại hình của Nhân Tông Càn Đức: “Ngài là người có xương trán nổi lên như mắt trời, ấy là dáng mặt của bậc Thiên tử và tay thì buông dài quá đầu gối”.

Lý Nhân Tông – vị đế vương mang đến nhiều điềm lành

Như đã chia sẻ, Lý Nhân Tông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong sử Việt. Ông lên ngôi năm 7 tuổi (1072) đến năm 1128 thì mất, tức hơn 55 năm. Thời kỳ này đánh dấu giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử nhà Lý và cũng là 1 trong những giai đoạn văn minh bậc nhất trong sử Việt.

Thời kỳ mới trị vì, vua còn nhỏ tuổi nên Nguyên phi Ỷ Lan, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành trở thành trụ cột giúp giang sơn vững mạnh. Vua có thời gian học tập và phát triển để trở thành một minh quân.

Dù thời kỳ ấy, nước ta bị kìm kẹp bởi liên minh Tống – Chiêm nhưng nhờ có sự phò tá của Lý Thường Kiệt nên Đại Việt có thể dễ dàng đánh Tống bình Chiêm, phá tan thế liên minh. Cũng nhờ đó mà giang sơn được thái bình, văn minh được phát triển rực rõ.

Quảng cáo

Về giáo dục, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng văn Miếu. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Văn Miếu ban đầu là nơi thờ tự các bậc Thánh hiền, nơi học tập của Hoàng thất.

Đến năm 1075, vua Lý Nhân Tông đánh dấu kỳ thi khoa bảng đầu tiên bằng khoa thi “Tam trường” để chọn Minh kinh Bác học. Khoa thi này lấy 10 người đỗ, trong đó có Trạng nguyên Lê Văn Thịnh – Trạng nguyên khoa bảng đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lại cho xây dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Đây được xem là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho giang sơn. 

Không chỉ phát triển Nho học và giáo dục, vua Lý Nhân Tông và mẹ là Thái hậu Linh Nhân còn là những người mộ Đạo phật. Vua đã cho xây dựng nhiều chùa tháp, khuyến khích việc hành đạo của các thiền sư.

Phật pháp thời kỳ phát triển mạnh mẽ, được truyền đi khắp nơi. Thậm chí vua còn dùng Phật pháp để giáo hóa dân chúng, khiến giang sơn thái bình, xã tắc ổn định. Đã có nhiều sự việc kỳ lạ xuất hiện trong thời kỳ này được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm 1083 “Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long”. Năm 1117, “tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện”. Núi Chương Sơn chính là núi Ngô Xá ở xã Yên Lợi, Ý Yên, Hà Nam ngày nay. Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện từ thời Lý Nhân Tông đến nay vẫn còn. Cũng trong năm 1117, Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Rồng vàng hiện ở bảo đài, cầu đảo ở Động Linh”. 

Trong lịch sử, hiện tượng “móc ngọt” (mưa ngọt) cực hiếm. Nếu xuất hiện được thì đó là điềm lành. Thời Lý Nhân Tông đã xuất hiện 3 lần. Chuyện này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu, tháng 8 (1080), móc ngọt xuống. Vua đem đua thuyền”. 

Năm 1111, 1112 cả nước được mùa to, xuất hiện mặt trời có hai quầng. “Nhâm Thìn, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 3 (1112), (Tống Chính Hòa năm thứ 2). Mùa xuân, móc ngọt xuống”. Năm 1118 “có mọc ngọt xuống, vua tự tay viết tám chữ, ‘Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế’ vào bia, sai thợ khắc.”

Vua Lý Nhân Tông cũng là người rất quan tâm đến nông nghiệp – thủy lợi. Ông được xem là người khởi công đắp nhiều đê lớn đầu tiên của Đại Việt. Tháng 9 âm lịch năm 1077, triều đình sai đắp đê trên sông Như Nguyệt, đê này được mô tả dài 67.380 bộ.

Đại Việt sử lược chép, năm 1103, nhà vua lệnh cho cư dân Thăng Long làm đê chống lũ, cả nội đô lẫn ngoại ô. Mùa xuân năm 1108, Nhân Tông sai đắp đê tại Cơ Xá – đây là đoạn đê sông Hồng gần cầu Long Biên ngày nay.

Đến năm 1117, ông theo lời Thái hậu, ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi. Ai môt trộm trâu bị phạt 80 trượng và tội đồ làm người hầu trong quân đội. Người giết trâu và ăn trộm trâu đều phải bồi thường. Hàng xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng. 

Thời kỳ của Lý Nhân Tông, nhân dân thường trúng mùa to. Khi hạn hán mất mùa được phát chẩn kho lương, giảm tô dịch, đất nước thịnh vượng, nhân dân ấm no. Nhân Tông còn thường xuyên xem gặt lúa ở các nơi cũng như các lễ hội bắt voi… để tỏ rõ sự thịnh vượng của nước Việt lúc đó. 

Có thể nói, trong thời gian trị vì, Lý Nhân Tông đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực, đưa Đại Việt cường thịnh, đời sống nhân dân ấm no, xã tắc ổn định. Sách Đại Việt sử ký toàn thư khen ngợi Lý Nhân Tông là người “trí tuệ hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến; thần giúp đỡ, người ứng theo, thông âm luật, chế khúc hát, nhân dân giàu đông, mình nên thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.

Trong Việt giám thông khảo tổng luận cũng ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ, có quan hầu Kinh Diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi ở lúc thừa bình vậy”.

Xem thêm: Lý Thánh Tông – 1 trong 3 đấng minh quân nhà Lý tạo ra thời kỳ “trăm năm thịnh thế”

Rate this post