Ước mơ người Thanh Hóa “lá rau má to như lá sen” xưa rồi, giờ rau má đã… đi Tây
Nông dân ở làng cổ Đông Sơn (Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) có thu nhập cao từ trồng rau má – Ảnh: VŨ TUẤN
Tôi cắm cả bìa đỏ vì cây rau má! Tôi nói thật cả năm trời cùng anh em đi học nghề ở miền Nam. Rồi về tìm được giống rau má cổ. Giờ có sản phẩm, có đơn hàng là mừng rồi. Chúng tôi đang trồng rau má để xuất khẩu.
Ông Bùi Văn Tuấn
Ông Lương Xuân Hùng ở xã Quang Trung, Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vừa bỏ vườn thanh long mấy ngàn mét vuông chỉ để rau má bên dưới thêm ánh sáng tươi tốt. Những chiếc cọc bêtông ông Hùng đầu tư vài chục triệu đồng vẫn sừng sững trong vườn mà bên dưới là bát ngát màu xanh thứ “cỏ đặc sản” của người Thanh Hóa.
Kiếm bộn tiền từ “cỏ” mọc đường tàu
Đơn hàng đầu tiên ông Hùng thu được sau ba tháng phá thanh long trồng rau má là 7 tạ rau giống bán cho doanh nghiệp, tính ra thu được bằng cả tấn thanh long. “Ngày trước thì phá đi không được! Cứ có một mẩu rễ là “hắn” (rau má) lại lên. Đến giờ trồng “hắn” thì không đủ giống để trồng. Mà hắn dễ mọc, tháng nào cũng có thu, hơn hẳn thanh long”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng là nông dân có máu làm ăn lớn. Ông vừa kinh doanh vừa làm nông nghiệp, đất vườn vài hecta chỉ trồng loại cây nào trở thành hàng hóa, thu tiền “cục”. Dân trong vùng trồng rau má từ lâu, nhưng trồng nhỏ lẻ để bán chợ.
Trồng rau má lãi hơn cả trồng ớt, bắp cải. Trồng một lứa gần chục năm mới phải trồng lại. Hạn hán cả tháng cây chỉ còi đi, tưới nước lại sống. Ngập lụt cả tuần, nước rút, thứ cây đầu tiên ngoi lên khỏi mặt bùn là rau má. Biết trồng loại “cỏ” này có lãi, nhưng trồng ít ông Hùng không làm. Đến khi có doanh nghiệp đến đặt hàng, ông Hùng sẵn sàng bỏ cây khác chuyển sang trồng rau má.
“Quan trọng nhất là cái đầu ra ổn định. Giờ tôi ký hợp đồng với công ty, giá có thấp hơn bán ở chợ nhưng bán được nhiều và ổn định”, ông Hùng cho hay. Loại “cỏ” của người nghèo Thanh Hóa một thời những tưởng đã bị lãng quên cùng câu nói “ăn rau má, phá đường tàu” nhưng lại đang trở thành một loại cây đặc sản, sinh lợi tốt theo đúng nghĩa đen.
Cùng xã với ông Hùng, mảnh vườn ba sào (1.500m2) của ông Vũ Văn Hiếu đang trồng cà rốt, rau thơm cũng nhổ phéng đi để trồng rau má. Ngày ông chở sọt “cỏ” giống về, vợ ông tròn mắt: “Ông mang cái thứ chi về? Cái ni bán đầy chợ, trồng không sợ ế à?”. Ông Hiếu đã quyết: “Tôi có hợp đồng bao tiêu rồi”.
Sống ở vùng rau má, nông dân như ông Hiếu thừa hiểu loại rau mọc dại này trồng một lứa thu gần chục năm, thời tiết tốt thì tháng nào cũng được thu. Mỗi sào rau má thu bằng cả mẫu ngô, chỉ cần đầu ra ổn định.
Rau má đã được chế biến để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản – Ảnh: VŨ TUẤN
Làm “gián điệp” để về quê trồng rau má
Ông Bùi Văn Tuấn (quê Quảng Xương, Thanh Hóa), chủ tịch HĐQT Công ty CP liên minh HTX nông lâm sản Thanh Hóa, đặt đôi ủng đầy bùn đất lên hè. Chủ doanh nghiệp vài ngày lại ra đồng với thứ rau “phá đường tàu”. Doanh nghiệp của ông Tuấn đang phát triển vùng nguyên liệu khoảng 30ha ở Thanh Hóa. Sản phẩm ban đầu của doanh nghiệp là bột rau má, trà rau má và ngũ cốc rau má. Đơn hàng đã xuất được sang Đức, Nga và chuẩn bị chờ những bước kiểm định cuối cùng để sang Nhật Bản.
Chưa đầy một năm trước, điều khiến ông Tuấn vừa xấu hổ vừa bất ngờ là cây rau má được trồng thành hàng hóa lại ở miền Nam chứ không phải trên quê hương “nức tiếng rau má” của ông. Khi rủ được hai người nữa cùng chí hướng bỏ việc viên chức nhà nước theo mình “khởi nghiệp”, ông Tuấn thế chấp sổ đỏ lấy lộ phí để cả ba khăn gói quả mướp vào Long An… làm thuê.
“Ở Bến Lức (Long An), người người ăn rau má, nhà nhà trồng rau má, cả doanh nghiệp chế biến. Thế mà quê tôi chỉ mới bán ở chợ. Chúng tôi chia nhau mỗi người xin một việc làm thuê cho họ, học được cách làm thì về”, ông Tuấn kể.
Cái khó của lão nông khởi nghiệp tuổi 60 này chính là tìm lối đi riêng. Ở nơi khác nông dân trồng giống rau má lai, còn ông Tuấn muốn tìm lại giống rau má “tía” truyền thống của Thanh Hoá. Loại rau mọc dại, thân và lá nhỏ hơn các giống lai nhưng rất thơm, đậm vị và giàu “tính dược” như các bài thuốc dân gian của người Thanh Hóa.
“Cái giống rau nhặng nhặng đắng nhưng bổ. Ngày chúng tôi còn đi học, ăn cơm độn rau má, nhà nghèo ăn cháo rau má. Ốm đau, bệnh tật cũng giã rau má làm thuốc. Thế mà nơi khác lại làm giàu được từ rau má, chúng tôi có thế mạnh tại sao lại không?”, ông Tuấn nói.
Phục hồi giống rau má tía
Thế rồi doanh nghiệp này tìm được một người từng “khai quật” rau má cổ về trồng gần hai chục năm nay ở ngay chân cầu Hàm Rồng. Đó là lão nông Lương Trọng Tuấn, người đã phá vườn hoa cả nghìn mét vuông để trồng thứ “cỏ” mọc dại trên núi.
Nơi những cọng rau má đầu tiên được ông Tuấn mang về vườn chính là ngọn đồi C4 – nơi đặt trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm 1965.
“Tôi tìm rau má có dây màu tía, dây nhỏ hơn nhưng củ to hơn cây màu trắng. Mà “hắn” hợp đất lắm! Đất tôi trồng hoa nhiều phân, nhiều dinh dưỡng, trồng “hắn” xuống là “hắn” tốt bời bời, có muốn phá cũng khó”, ông Tuấn cho hay.
Người làng cổ Đông Sơn ngỡ ngàng khi lão nông phá hoa đi trồng rau má có thu nhập khá. Năm 2002, giá rau má ở chợ đêm thành phố này khoảng 30.000 đồng mỗi kg, cứ hai đêm đi chợ ông Tuấn để ra được một chỉ vàng (khoảng hơn 500.000 đồng). Ba đêm đi chợ ông mua được hai chiếc xe đạp mini Nhật cho con đi học. Ngày ấy, học sinh cấp III đi xe mini Nhật chẳng khác gì sinh viên đi xe máy bây giờ.
Dân Đông Sơn học theo, nhiều người trồng rau má. Cánh đồng ngô bên bờ sông Mã được thay thế dần bằng “cỏ” rau má. Ấy thế nhưng không ai dám trồng nhiều hơn vì sức mua ở chợ có hạn. Trồng nhiều bán không hết, cả nhà ăn lưỡi xanh lè. Cả cánh đồng bát ngát dân chỉ dám trồng chưa đầy một hecta. Thế rồi, doanh nghiệp của ông Bùi Văn Tuấn đến ký hợp đồng bao tiêu, xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng rau má lên 150ha. Cả cánh đồng bãi bên bờ sông Mã trồng rặt những ngô, cỏ voi và vài loại rau khác đang chuyển dần sang trồng rau má.
Ngoài 9 sào dân trồng từ trước, dân làng bỏ rau, khử độc, diệt sâu trong đất để chuẩn bị làm rau má công nghệ cao. Có nhà ký hợp đồng chưa ráo mực đã ra đồng nhổ luôn vườn ớt đang ra quả để làm đất cho kịp xuống giống rau má.
Chị Hoàng Thị Lan Hương, giám đốc Công ty CP liên minh HTX nông lâm sản Thanh Hóa, cho hay doanh nghiệp đang cần rất nhiều rau má nhưng chỉ dùng giống rau má bản địa, không dùng giống lai.
“Mỗi tạ rau má chỉ làm được vài kg bột sấy lạnh, nửa tạ rau má làm được bốn cân trà. Đấy là lấy cả lá, thân, rễ. Chúng tôi cần rất nhiều nguyên liệu. Cái khó bây giờ là vùng nguyên liệu chưa phát triển kịp. Đơn hàng của chúng tôi đã có mặt ở các siêu thị trong toàn quốc và đã có đơn hàng sang Đức, Nga. Phía doanh nghiệp ở Nhật đã đặt hàng, chỉ chờ một số máy móc chuyển từ Nhật Bản về kịp là chúng tôi đáp ứng được”, chị Hương cho hay.
Ngoài doanh nghiệp của ông Tuấn và chị Hương, ở Thanh Hóa đang có doanh nghiệp khác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau má cho nông dân ở các huyện Như Thanh, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Nông Cống… để sản xuất các sản phẩm nước ép, bột mịn, trà túi lọc cho xuất khẩu.
Rau má cho năng suất 45 – 50 tấn/ha, doanh thu bình quân từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Thế mạnh loài rau này là sức sống mãnh liệt, trồng một lần được thu chục năm mới phải trồng lại. Nông dân Thanh Hóa ước tính trồng rau má cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với nhiều loại cây màu khác.
Phát hiện mới về rau má