Xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa thời kỳ mới
Xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa thời kỳ mới
Trong các nguồn lực phát triển của một quốc gia, một cộng đồng, một địa phương, con người là nguồn lực quan trọng nhất. “Con người là trung tâm của sự phát triển”, “là của cải thực sự của một quốc gia” [UNDP]. Vì vậy, chăm lo phát triển nguồn lực con người là một định hướng lớn trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ CNH, HĐH của Đảng và Nhà nước ta.
Hội thảo khoa học điểm mạnh và điểm yếu của con người Thanh Hóa trong đời sống xã hội hiện nay. Ảnh: Ngọc Anh
Cũng như mọi dân tộc trên thế giới, con người Việt Nam cũng có những điểm mạnh (đức tính, phẩm chất, giá trị), điểm yếu (thói, tật) riêng. Những điểm mạnh của con người Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu đúc kết như: Yêu nước; Nhân ái; Anh hùng, quả cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm; Hiếu học; Sáng tạo; Cần cù; Trọng tình nghĩa và đạo lý. Bên cạnh đó, con người Việt Nam cũng có những điểm yếu khá nổi trội như: Thụ động, dựa dẫm; cào bằng, đố kỵ; sĩ diện; khôn vặt; không coi trọng lý tính; ít hiểu (tự nhận thức) về mình, hiểu người; vung tay quá trán; mê tín dị đoan…
Thanh Hóa là một xứ, một tiểu vùng văn hóa độc đáo, nhưng trong tiến trình lịch sử luôn thống nhất và chịu sự ảnh hưởng, chi phối của dòng chảy lịch sử, văn hóa chung của dân tộc, thời đại. Vì vậy, con người Thanh Hóa mang trong mình tất cả những phẩm chất, giá trị cũng như những “thói”, “tật” chung của con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình, người Thanh Hóa đã tạo nên những nét tâm lý, tính cách riêng bên cạnh nhiều giá trị chung, phổ quát của người Việt.
Nghiên cứu tổng kết các nhận định của người xưa và các nhà nghiên cứu từ trước đến nay về người Thanh Hóa; đồng thời qua so sánh, thảo luận, hội thảo, điều tra, khảo sát, phỏng vấn hơn 1.000 người thuộc nhiều tầng lớp, nhóm người khác nhau trong và ngoài tỉnh mấy năm qua, chúng tôi đã bước đầu khái quát được một số điểm mạnh, điểm yếu của con người Thanh Hóa, đặc biệt trong cuộc sống xã hội hiện nay. Những giá trị, phẩm chất có nét trội, tính trội của người dân Thanh Hóa nói chung so với một số địa phương khác trong cả nước là: Tinh thần trọng nghĩa, bất khuất, can trường, xả thân vì nghĩa lớn; thông minh, hiếu học; sáng tạo, nhanh trí, nhạy bén trong công việc; có bản lĩnh, ý chí tiến thủ, can đảm vượt khó; cần cù, siêng năng, không quản khó nhọc; bộc trực, thẳng thắn đến mức quyết liệt; tự tôn, tự hào mạnh mẽ về bản thân và quê hương nhưng cũng tự trào, tự giễu mình sôi nổi và thẳng thắn…
Bên cạnh những phẩm chất có tính trội đó, những điểm yếu có phần trội của người dân Thanh Hóa là: Tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, độc đoán (nhất là trong gia đình); Tư tưởng ưa làm “thủ lĩnh”; cao ngạo, tự tôn đôi khi thái quá; dễ nổi nóng, bất cần; thiếu sự mềm mỏng, khôn khéo trong giao tiếp; cục bộ, thiếu tính cố kết trong kinh doanh, làm ăn; phát âm tiếng địa phương thiếu chuẩn và thiếu tính truyền cảm…
Nếu đặc điểm tâm lý, tính cách con người Việt Nam là một dãy hằng số thì những phẩm chất, đức tính và thói tật của con người Thanh Hóa kể trên chính là những nét trội, nét nổi bật trên dãy hằng số đó. Phong thổ, khí hậu, điều kiện sống nhiều khắc nghiệt; truyền thống lịch sử lâu đời của một vùng đất tối cổ; vị thế địa – chính trị xung yếu trong nhiều diễn tiến chính trị, quân sự quan trọng của đất nước; đất “quý hương” cho các bậc anh hùng khởi nghiệp đế vương; truyền thống khoa bảng với nhiều tấm gương đỗ đạt cao xưa và nay; một tiểu vùng văn hóa đặc sắc nhưng cũng đậm chất trung gian, chuyển tiếp,… tất cả đã hòa quyện, hun đúc nên tâm lý, tính cách, cốt cách riêng của con người Thanh Hóa.
Tính vùng miền trong văn hóa là một quy luật và thực tế tất yếu. Phủ nhận tính vùng miền là phủ nhận thực tế, phủ nhận tính phong phú, đa dạng của nền văn hóa, của bản sắc văn hóa dân tộc. Thiếu tôn trọng sự đa dạng văn hóa là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng định kiến, phân biệt, kỳ thị vùng miền (kỳ thị Bắc – Nam, kỳ thị thành thị – tỉnh lẻ; kỳ thị người dân tộc thiểu số, kỳ thị dân Thanh – Nghệ – Tĩnh; kỳ thị người miền Tây Nam bộ…) – một hiện tượng xã hội dai dẳng, có tính phổ biến ở nước ta hiện nay, nhất là trên không gian mạng. Đây là nguy cơ xâm phạm quyền bình đẳng và làm mất cơ hội của người khác; nguy cơ gieo rắc hằn thù, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm giảm sức mạnh nội sinh của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Với quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện “về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” với những nhiệm vụ cụ thể. Xây dựng con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới cũng phải bám sát các nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo tinh thần trên. Ngoài ra, cần phải nắm vững nét đặc trưng tâm lý, tính cách vùng miền của con người Thanh Hóa để có những giải pháp cụ thể, sát hợp. Nếu thực sự coi con người là trung tâm của sự phát triển thì vấn đề xây dựng con người Thanh Hóa đẹp, tin cậy trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa hiện nay. Trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu, đúc kết những điểm mạnh, giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người Thanh Hóa; bổ sung, xây dựng những phẩm chất, chuẩn mực giá trị mới của con người thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (sáng tạo, khoa học, hợp tác, tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự khác biệt…); nghiên cứu chỉ ra những điểm yếu, phản giá trị, phi giá trị; phân tích chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng tạo nên những điểm mạnh, điểm yếu đó; đề xuất các biện pháp phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu nhằm hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Thanh Hóa nói riêng, con người Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện các chiến lược, cơ chế, chính sách và chương trình tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục về văn hóa và con người xứ Thanh dành cho mọi người dân Thanh Hóa, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, nhằm giúp họ hiểu biết tường tận hơn về truyền thống văn hóa – lịch sử của quê hương; nhận thức và tự nhận thức sâu sắc những điểm mạnh, điểm yếu của con người Thanh Hóa trong chính bản thân mình, trong mối liên hệ, so sánh với người dân các tỉnh, thành khác; biết tự hào và tự tôn đúng mực; từ đó biết phát huy những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của cha ông, biết điều chỉnh, hạn chế những điểm yếu, sẵn sàng tạo lập những giá trị mới phù hợp với yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển.
PGS.TS. Hoàng Thị Mai
(Trường Đại học Hồng Đức)