“Tôi ngày càng ít nghĩ tới đàn bà”

Quấy rầy Charlie Nguyễn thời gian này thật không phải và cũng thật đáng… chán. Doanh thu “khủng” của

Long ruồi

và trước đó là

Để mai tính

khiến Charlie trở thành một cái tên được săn lùng nhiều nhất không chỉ của riêng báo chí mà còn bởi các nhà sản xuất, các diễn viên và cả những đại gia dư tiền lắm của đang ngắm nghía phim ảnh như một món hời đầu tư thời hậu chứng khoán.

Charlie không khó gần, thậm chí còn là vô cùng thân thiện với hầu như tất thảy. Nhưng cũng chính vì thế mà càng lúc càng trở nên… khó đoán.

 

Hẹn Charlie Nguyễn vào một buổi sáng sau năm lần bảy lượt nài nỉ, đe dọa, dỗ dành. Gloria Jeans Coffees không phải là một tiệm cafe yên tĩnh cho những câu chuyện dài, nhưng lại là nơi có lẽ sẽ làm cho Charlie được “là mình” nhất. Vì nó giống “ở bển”? Có một cậu trai chào “Hello” và chạy lại bắt tay đầy tình thân với Charlie, tất nhiên là anh nhiệt tình bắt tay lại dù ánh mắt thoáng vẻ băn khoăn. Cậu trai vừa đi khuất, Charlie đã lẩm bẩm: Trời, không thể nhớ ra là ai, thấy quen, gặp ở đâu rồi? Không nhớ!

 

Tôi không còn là kẻ đứng ngoài nhìn vào

Khoảng thời gian của 4 năm về trước, Charlie Nguyễn nói tiếng Việt còn chưa rành, với Sài Gòn cái gì cũng ngỡ ngàng. Mê mẩn các món ăn Việt, sung sướng lái xe gắn máy phóng vù vù, tò mò với mỗi thói quen của người Sài Gòn và chỉ nghe được một nửa giọng Bắc.

Còn bây giờ, sống ở Sài Gòn đôi khi anh lại than nhớ Cali, nhớ không khí trong lành nơi ấy, khi suýt ngất vì ống khói của một chiếc xe buýt giữa lúc dừng đèn đỏ ở nơi này. Về Cali, ăn mãi những món Tây, Charlie lại than nhớ gỏi ba khía, nhớ cơm cá kho tộ, hủ tíu, thậm chí cả bột chiên ở lề đường Sài Gòn.

Gia đình lớn của Charlie chia hai nửa, ba mẹ anh vẫn ở Cali, nhưng ba đứa con của ông bà thì hai đứa đã mua nhà, tính chuyện sống lâu dài ở quê hương. Vợ chồng Tawny Trúc Nguyễn – Jimmy Nghiêm Phạm với 3 đứa con và Johnny Trí Nguyễn sống gần nhau ở khu chung cư cao cấp gần trung tâm Sài Gòn. Riêng ông anh cả Charlie Nguyễn, vợ và con gái anh vẫn ở Cali nên cứ xong mỗi dự án hoặc lễ Tết, Noel, anh lại vội vã về Mỹ với gia đình.

– Tôi nhớ lần đầu gặp anh khi “Dòng máu anh hùng” mới chiếu ở Việt Nam, và bây giờ, khoảng cách của hai thời điểm đó với anh là gì?

Ngày xưa không biết nhiều, giờ thì thấy mình biết nhiều. Biết nhiều vừa chán vừa thích. Có cái biết nhiều thì không còn thấy nó huyền bí nữa. Thời điểm lần đầu tiên bạn gặp tôi, cái gì cũng mới lạ, cũng tươi, cũng có nhiều cái để học hỏi, khám phá, làm quen. Giờ thì đã khám phá, làm quen xong. Ngay cả việc đi đường, bây giờ tôi lái xe gắn máy chạy ngoài đường rất là tự tin. Tôi không còn là kẻ đứng ngoài nhìn vào nữa, tôi đã là một phần của Sài Gòn rồi.

– Anh vẫn chạy đi chạy lại giữa Cali và Sài Gòn, hai cuộc sống đó có gì khác nhau?

Khác nhau rất nhiều. Về phương diện công việc, ở Sài Gòn sôi động hơn. Nhiều cơ hội hơn cho tôi. Cali có gia đình nên bình yên, quen thuộc hơn. Nhưng ranh giới giữa Cali và Sài Gòn bây giờ đã mờ nhòa đi. Cảm giác của tôi khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất hay Los Angeles cũng không còn khác biệt nữa. Cảm giác ấy vừa gần, vừa xa. Vừa thoải mái vừa thấy không thoải mái.

Người ta càng thích phim, mình càng mệt

Mỗi khi Charlie sửa kịch bản, anh lại ngồi một mình ở góc nào đó trong những tiệm cafe quen thuộc, miệng lẩm bẩm, tay vẽ vẽ những hình vô nghĩa trong không khí, y như một gã khùng. Bởi lúc đó là anh đang chìm vào câu chuyện phim, đang hình dung những câu thoại, những tình tiết của nhân vật tương lai. Charlie là một người ngập tràn mâu thuẫn. Anh là người dễ tạo cho người mới quen cảm giác lúc nào cũng hài hước, thân một chút thì thấy dường như không phải thế và gần hơn thì thấy con người này buồn nhiều hơn vui.

– Nếu người ta nói ở Việt Nam, anh là đạo diễn có giá nhất lúc này, anh có thấy thích?

 
Trời! Làm sao có chuyện đó được? Người ta là ai? Không! Nếu nói thế đối với tôi là áp lực, nên tốt hơn là nếu một phim thành công thì mình sẽ đẩy sự chú ý cho diễn viên, còn mình gánh hết trách nhiệm thì nặng nề lắm. Người ta càng thích phim, mình càng mệt!

– Anh từng nói anh muốn xem phim nghệ thuật và thích làm phim nghệ thuật, giờ đây ước muốn đó  sao rồi?

Vẫn còn đó nhưng nó không còn là kiểu như cá cần nước nữa. Nghĩa là nếu có cơ hội thì mình cũng không từ chối. Nhưng nếu không có cũng không sao. Bây giờ, nếu để thưởng thức, tôi luôn muốn tìm một phim thật lạ, thật đột phá, thật riêng tư của tác giả nhưng đồng thời nó cũng phải hay nữa để mình có khoảng hai tiếng đồng hồ thật sung sướng.

– Anh từng nói anh thích đọc sách, nhưng bao lâu rồi anh không đọc sách?

Nói ra thật đáng xấu hổ nhưng có lẽ phải 3, 4 năm rồi tôi không có thời gian để đọc bất cứ cuốn sách nào nữa. Nếu bây giờ bạn hỏi tôi về một cuốn sách nào đó tôi nhớ thì tôi không còn nhớ bất cứ cuốn sách nào ngoài một cuốn sách là

The power of now

(Sức mạnh của hiện tại – do chính mẹ của Charlie chuyển ngữ – đã xuất bản ở Việt Nam). Tôi nhớ cuốn sách đó vì nó tồn tại một cách tự nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình hàng ngày.

 

 

Sao mình lại ở đây…

Charlie thích ăn chay. Và nếu như không muốn ngủ gật trong tiệm cafe khi trò chuyện với anh thì đừng nên nói chuyện về đạo Phật hoặc thiền học. Lúc đó Charlie trở thành một người khác, anh thuyết giảng say sưa và có trạng thái như một kẻ đang truyền giáo. Charlie sẽ quên mất kịch bản đang viết dở, quên mất những cuộc họp hay mọi thứ xung quanh với những cô chân dài, chân ngắn, lúc đó anh rơi vào thế giới riêng của anh, vô ưu.

– Anh bắt đầu nghĩ về đạo Phật từ bao giờ?

Tôi nghĩ về đạo Phật rất ít dù được dạy về đạo Phật rất nhiều (ba mẹ Charlie ăn chay trường). Nhưng khi tôi đã nhận ra chân lý rồi thì tôi hiểu ông Phật là một ông thầy rất giỏi, Phật đã thiết kế ra một trường học để cho người ta học theo mà mục đích cuối cùng là giác ngộ và giải thoát.

– Anh thấy mình giác ngộ từ khi nào?

Khai ngộ – là thời điểm tôi biết tôi là ai. Người ta hay nói người ta biết mình là ai nhưng thật ra họ chỉ biết đến thân xác, công việc, tên tuổi người ta chứ không thực sự biết mình là ai. Tất cả những cái đó không phải là mình. Mình có trước tất cả những thứ này. Tôi đã khai ngộ trong một giấc ngủ khi đó tôi chưa đến 30 tuổi. Đó là kết quả của việc tôi luôn khao khát được biết cuộc đời là gì, ý nghĩa cuộc đời là gì. Sao mình lại ở đây? Tại sao có mình? Mình sinh ra để làm gì? Mình chết, mình đi đâu?…

– Không phải là sự khai ngộ đó bắt nguồn từ một đổ vỡ tình cảm, một nỗi đau khôn nguôi trong lòng để anh có thời gian đọc sách, ngẫm nghĩ đấy chứ?

Hoàn cảnh dài dòng, nói chi cho mệt! Mỗi người có một cách. Có người thì khi đến tận cùng của sự phiền não thì là động cơ để người ta ngộ ra. Tất nhiên, khi cuộc sống bình an, người ta đâu có thắc mắc làm chi cho mệt. Chỉ khi có biến cố, gặp bất trắc, con người mới có xu hướng tự hỏi mình là ai…

Trong yên lặng vang lên tiếng động

– Phiền não nhất mà anh từng rơi vào xuất phát từ đâu? Có phải như một trong những lời Phật dạy rằng món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm không?

Đúng rồi, thì là tình cảm! Tình cảm là cái mà (ngập ngừng), đó là cái làm cho mình bị cắn rứt nhất. Đó là tác động làm cho mình càng quyết liệt tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Tại sao mình lại phải trải qua phiền não này? Xung quanh mình là không khí mà sao mình lại cảm thấy phiền não đến thế?

Sau khi khai ngộ thì không còn vấn đề gì nữa. Khi đó mình không còn phân biệt nữa, không còn nghĩ đến việc có mình và có một ai đó để mình yêu. Nó là sự trở về trạng thái nguyên thủy. Tất thảy đều là một, đều không khác nhau dù có vẻ khác nhau. Giống như trong sự yên lặng vang lên một tiếng động, có thể là tiếng con nít, tiếng còi xe, tiếng đàn… Những tiếng đó khác nhau nhưng cùng từ sự yên lặng mà hiện ra.

– Có mâu thuẫn gì không khi anh khai ngộ rồi mà vẫn đi làm những bộ phim thương mại và cố tìm ra những yếu tố câu khách?

Khi khai ngộ rồi, tôi thấy mình cũng không khác lúc tôi chưa khai ngộ. Người ta nhìn vào một người ngộ rồi thì người ta nghĩ rằng ông đó biết cái gì mà mình không biết, ông đó có cái gì mà mình không biết. Nhưng sự thật không phải vậy, sự thật rất đơn giản và bình thường. Chỉ là khi mình nhận ra bản chất thật của mình rồi thì tất cả đều nhẹ nhàng, tất cả đều được trân trọng, vì nó không ngoài mình, không khác mình, tất cả đều là một. 

 

– Nếu được làm lại một điều gì đó, anh sẽ chọn…?

Nghe có thể mâu thuẫn, nhưng nỗi buồn lớn nhất là trách mình chọn cái nghề này. Nhiều khi tôi ngưỡng mộ những người có cuộc sống thật bình thường và không ai biết tới họ. Tôi nhìn thấy ở họ sự bình an trong tâm hồn. Nhưng tôi không muốn sống với sự hối hận nào cả. Dù có khó khăn, khổ sở thế nào thì mình cũng đành phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình thôi.

Charlie đang chuẩn bị cho một vài dự án khác, là phim thương mại – tất nhiên! Bây giờ anh giống một ông thợ lành nghề biết tỏng sản phẩm của mình sẽ làm bằng chất liệu gì, kiểu dáng ra sao và thậm chí đoán trước được thái độ của người tiêu dùng nữa.

Một Charlie mơ mộng vài năm trước với phim art, với nghệ thuật và sách vở dường như đang đi vắng. Những sợi tóc bạc đã mọc thật nhiều trên mái tóc cắt ngắn và nếp nhăn hằn thêm trên khuôn mặt luôn được khen là “cine” hơn cả em trai anh (Johnny Trí Nguyễn).
       
Thì biết làm sao, thời gian không chừa ai. Charlie đã chọn con đường đi của mình, thì không dễ có ai làm phiền được sự tĩnh tại trong con người tin rằng mình đã khai ngộ ấy.

– Ký ức buồn bã nào ở lại trong anh đến tận bây giờ?

Đó là một lần tôi đánh vào tay con gái khi cháu mới 3 tuổi. Khi đó tôi giận dữ vì cháu nghịch quá, cứ xô đổ hết đồ trên bàn và không chịu nghe lời. Lúc nào nhớ lại chuyện này tôi cũng thấy hối hận. Mười mấy năm nay không bao giờ dám đánh con hết, thậm chí là la mắng lớn tiếng cũng không.

– Hạnh phúc của anh hiện tại mang gương mặt của ai?

Trong lòng tôi vẫn ước và muốn nói giá như đó là gia đình. Nhưng thực tế tôi đã dành quá nhiều thời gian cho đam mê của mình và những giấc mơ điện ảnh. Tôi cũng mơ nếu ngày nào đó được làm phim với con gái của mình, chắc tôi sẽ vui và hạnh phúc lắm. Nhưng đến giờ vẫn chưa phải là thời điểm để thực hiện ước mơ ấy…

– Khi là một người đàn ông của gia đình, anh sợ nhất điều gì? Và là đạo diễn, điều anh lo nhất?

Là một người đàn ông, tôi sợ nhất là làm cho người mình yêu thương không hạnh phúc. Thêm nữa, tôi cảm thấy mình chưa báo hiếu được cho cha mẹ. Cái nghề hiện tại của tôi chiếm hết thời gian trong cuộc sống hàng ngày. Còn với phim ảnh, tôi sợ nhất là sẽ không có đủ thời gian để thực hiện hết những ước mơ.

– Anh có cô đơn không?

Tôi hoàn toàn không thấy cô đơn. Ngược lại tôi rất thích những khoảnh khắc thời gian riêng tư một mình. Một mình không có nghĩa là không có ai khác, mà là không phải thấy cái đầu đang chìm trong suy nghĩ của mình. Cách biệt được với cái đầu và những vọng tưởng của nó là lúc tôi thấy mình được một mình riêng tư. Đó là những giây phút thật yên tĩnh, an bình và tự do nhất.

– Anh có phải là người phiêu lưu?

Trong thâm tâm tôi không thích phiêu lưu bởi tôi thấy rõ bản chất mong manh của những cuộc phiêu lưu. Tôi đã nói với bạn, tôi chỉ thích làm một người bình thường. Nhưng trên thực tế thì tôi phiêu lưu theo nghề nghiệp. Điều này gây nên sự mâu thuẫn giữa ước muốn được sống một cuộc sống bình thường và nỗi lo sợ mình không có đủ thời gian cho những dự án mình muốn làm. Chỉ khi tôi tỉnh thức để trở về với bản chất thật của mình mới có thể chấm dứt nỗi mâu thuẫn nội tại này. Đôi lúc mâu thuẫn cũng tốt, nó càng lớn sẽ càng mau chóng làm cho tôi tỉnh ngộ!

– Đàn bà, họ chiếm bao nhiêu phần trăm trong những ảnh hưởng và suy nghĩ của anh?

Hồi nhỏ thì nhiều hơn bây giờ, càng ngày càng ít đi. Có lẽ vì tôi cảm thấy mình không còn bao nhiêu thời gian cho cái đam mê của mình nữa, nên tôi phải tập trung tư tưởng cho nó.

– Có nỗi cay đắng nào của chính mình từng được anh thể hiện trên phim?

Một phần nào đó thôi.

– Thất bại với anh là gì?

Thất bại là nỗi đau về mặt tâm lý nhưng đồng thời cũng làm cho tôi mạnh mẽ, cương quyết và khôn lớn hơn. Trong việc làm phim, khi mình thất bại sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Tôi sợ sự thất bại phần lớn là vì thế. Còn với mình, đối mặt với sự thất bại càng làm cho tôi tỉnh thức. Tôi rất cầu toàn trong công việc nhưng lại không khao khát được thành công. Tôi nghĩ sự khao khát mong được thành công luôn đồng nghĩa với sự sợ thất bại.

 

– Khi anh không làm phim nữa, tìm anh ở đâu nhỉ?

Tôi sẽ ngồi ở nhà đọc sách, thiền, viết kịch bản và nếu có duyên thì đi dạy học ở đâu đó. Tôi rất thích làm thầy giáo và muốn chia sẻ kinh nghiệm cũng như hiểu biết của mình cho bất cứ ai đam mê phim ảnh và ao ước được làm phim.

– Có lần anh nói anh sẽ đi tu?

Đúng là ước vọng đó đang lớn lên trong tôi. Nhưng tu không có nghĩa là đến một ngôi chùa, cạo đầu, ăn chay niệm Phật hàng ngày như hình dung của mọi người. Tôi muốn ở một nơi yên tĩnh, nghĩ về chân lý, tìm những người cùng suy nghĩ với mình, để thỉnh thoảng chuyện trò thôi.

 

Theo

Đẹp

Rate this post