Tĩnh đô vương Trịnh Sâm

BP – Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, Trịnh Sâm là con trưởng Minh đô vương Trịnh Doanh. Từ nhỏ ông đã được học hành tử tế và thông minh, quyết đoán hơn người. Năm 1767, sau khi cha qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Ngay sau khi lên ngôi, ông định rõ thể lệ kiện tụng, về việc người đương sự kêu xin xét lại, cho phép người nào thấy bản án xử lý không đúng có thể xin xử lại, nếu xét lại vẫn chưa tỏ rõ được lý lẽ thì cho phép người đương sự đánh mõ tâu bày. Và trong những năm đầu cai trị, ông chính thức hoàn thành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, sửa sang nền chính trị và tiến hành Nam chinh.

Năm 1769, ông sai Đoàn Nguyễn Phục đánh bại quân khởi nghĩa nông dân của Hoàng Công Toản (cha là Hoàng Công Chất vừa qua đời) tại vùng núi phía tây bắc. Năm 1770, ông lại dẹp được cánh quân khởi nghĩa cát cứ vùng Trấn Ninh suốt 30 năm của hoàng thân Lê Duy Mật, buộc Lê Duy Mật tự tử. Từ đó Trịnh Sâm kiêu căng, cho mình có công lớn, bốn cõi yên ổn hơn mọi đời chúa trước nên ông tự phong là Đại Nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng sư Thượng phụ, Duệ đoán Văn công Võ đức Tĩnh vương.


Minh họa: Sỹ Hòa

Năm 1774, ông cử Thống tướng Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt làm phó tướng đem quân Nam chinh. Đến ngày 29-1-1775, quân Trịnh đánh vào kinh đô của họ Nguyễn ở Phú Xuân. Chúa Nguyễn dùng thuyền chạy trốn ra biển vào Quảng Nam. Từ đấy, quân Bắc Hà chỉ còn đối thủ là Tây Sơn. Chúa Trịnh phong Hoàng Ngũ Phúc chức Đại Trấn phủ ở Thuận Hóa để cai trị vùng đất vừa chiếm được.

Sau sự kiện ở Thuận Hóa, chúa Trịnh đã giành khỏi tay chúa Nguyễn một vùng đất rộng lớn. Nhưng cũng kể từ đó, chính quyền Lê – Trịnh tiếp tục lún sâu vào lục đục, suy yếu; chúa Trịnh Sâm ngày một sa đọa, bỏ bê việc nước, gian thần Hoàng Đình Bảo thừa cơ lộng hành, cùng với Tuyên phi Đặng Thị Huệ mưu phế bỏ ngôi thế tử. Mùa thu năm 1776, trong nước gặp cảnh hạn hán, mất mùa, dân bị đói, giá gạo cao mà ruộng chiêm thì khô nẻ, công việc làm ruộng không được tiện lợi. Người sang trọng phải nhòm từng cửa để xin làm thuê hoặc vay mượn mà cũng không đắt, họ hợp nhau ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Nhân dân không được yên nghiệp làm ăn.

Chưa hết, theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Trịnh Sâm có chí toan cướp ngôi vua. Sai bọn Vũ Trần Thiệu tả thị lang bộ Lại sang nhà Thanh, Sâm làm tờ biểu mật tâu với triều đình nhà Thanh nói: “Nhà Lê không có người con cháu nào hiền tài”. Lại sai nội gián dâng của đút lót và xin phong tước. Khi sứ đoàn đi đến hồ Động Đình, Vũ Trần Thiệu đem tờ biểu đốt trước mặt sứ bộ, rồi uống thuốc tự tử.

Tháng 9 -1782, Trịnh Sâm mất. Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi chúa với tước hiệu Điện Đô vương, lúc đó Trịnh Cán mới 6 tuổi. Tuyên phi Đặng Thị Huệ trở thành người điều khiển triều chính giúp con cùng với Huy quận công Hoàng Đình Bảo khiến quân đội và nhân dân bất bình. Tháng 10-1782, Dự Vũ là tay chân của Trịnh Khải xúi kiêu binh nổi loạn, giết chết Hoàng Đình Bảo, truất ngôi Trịnh Cán và giáng xuống làm Cung quốc công. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị truất xuống thứ dân, sau tự tử. Trịnh Cán bị đưa ra ở phủ Lượng quốc rồi ốm chết, ở ngôi được một tháng.

Lời bàn:

Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi đó, ông nói với chú tiểu nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” (ý nói là giữ bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 241 năm. Bởi thế xã hội đương thời mới có câu: “Lê tồn Trịnh tại”. Song, công bằng mà nói, trong các chúa Trịnh cũng có những người giỏi, cố gắng chấn chỉnh chính sự của đàng Ngoài, khôi phục sản xuất bị tàn phá do chiến tranh, biết trọng dụng nhân tài… và đã có những đóng góp đáng kể về văn hóa. Tiêu biểu là các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh.

Nhưng tiếc rằng, đến Trịnh Sâm tuy cũng là người có tài văn võ nhưng lại mắc quá nhiều lỗi lầm: Bắt em là Trịnh Lệ vì tranh ngôi chúa đem giam vào ngục. Vì ganh ghét tài năng với thái tử Lê Duy Vỹ sắp tức vị, mà bắt đem xiềng xích nơi nhà giam cho đến chết. Chưa hết, Trịnh Sâm còn là một vị chúa có nhiều cung tần vào loại nhất trong các chúa Trịnh. Theo cuốn “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam” thống kê thì ông này có tới 400 cung tần, mỹ nữ chuyên lo việc hầu hạ. Đặc biệt là sự sủng ái quá mức của Trịnh Sâm đối với Đặng Thị Huệ – một người đàn bà đầy tham vọng và xảo trá… là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ cơ nghiệp của họ Trịnh. Con người ta sinh ra ở trên đời thì với mỗi người sức vóc đều có hạn, sống trụy lạc như Trịnh Sâm mà không thân bại danh liệt mới là lạ.           

ND

Rate this post