Trịnh Sâm và Nguyễn Phúc Khoát: Trẻ không chơi, già đổ đốn
Cuộc đời của 2 vị Chúa này có thể tóm gọn trong 6 chữ: Trẻ không chơi, già đổ đốn
1. Những công lao vĩ đại
Cả 2 vị chúa Trịnh Sâm và Nguyễn Phúc Khoát đều có những công lao hiển hách trong giai đoạn trị vì thời kỳ đầu của mình.
Trịnh Sâm và Nguyễn Phúc Khoát. Hình minh họa.
Trịnh Sâm
Với Trịnh Sâm, ông hoàn thành công cuộc ” dọn rác” cho cha mình còn đang dang dở, đống rác do ông bác Trịnh Giang gây ra, hàng loạt những cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương, và nghiêm trọng là cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật- hoàng thân nhà Lê nổi loạn sau phi vụ chúa Trịnh Giang phế lập Lê Duy Phường. Lê Duy Mật đóng địa bàn ở Trấn Ninh, suốt 30 năm quấy nhiễu khiến cho chúa Trịnh Doanh không yên.
Chúa Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán; phần nhiều công việc đều đổi mới, không theo nếp cũ. Ông cũng đề xuất ra hàng loạt những cải cách toàn diện trên các mặt tố tụng, hộ tịch, giáo dục, như việc cử Nguyễn Nghiễm làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, cử Ngô Thì Sĩ biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, cử tướng Bùi Thế Đạt dẹp bọn giặc cướp, cử Hoàng Đình Bảo trấn thủ Nghệ An cứu tế dân nghèo
Và thành tựu quan trọng nhất trong cuộc đời ông, chính là chúa Trịnh Sâm đã cử tướng Hoàng Ngũ Phúc nam tiến đánh thẳng vào kinh đô Phú Xuân, tiêu diệt chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, điều mà suốt hơn 200 năm qua các đời chúa Trịnh không làm được.
Nguyễn Phúc Khoát
Với Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ông đổi mới hoàn toàn quan chế và y phục như Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi.
Ông cũng 2 lần chinh phạt Cao Miên, dùng các tướng Nguyễn Cư Trinh, Trương Phúc Du, Mạc Thiên Tứ bảo vệ Hà Tiên, bắt sống Nặc Nguyên, ép Nặc Nguyên phải cống đất để được thả về nước. Về sau, ông cũng bảo kê cho Nặc Ông Tôn lên ngôi quốc vương Cao Miên, trực tiếp cạnh tranh với Xiêm La tại chính sự Cao Miên.
Lần đầu tiên, dưới thời Võ vương, ông đã hoàn thành công cuộc Nam Tiến mà các chúa Nguyễn đã nhọc công suốt gần 200 năm. Lãnh thổ chữ S cơ bản đã được định hình.
2. Sa Đọa Cuối Đời
Trịnh Sâm
Chúa Trịnh Sâm đam mê nhan sắc của Đặng Thị Huệ, nghe lời gièm pha của họ Đặng mà phế trưởng lập thứ, gả con gái cho em Đặng Thị Huệ là Đặng Mậu Lân, một tên vô lại càn rỡ, phế truất con trưởng Trịnh Tông, lập con thứ Trịnh Cán mới 5 tuổi làm thế tử. Sự việc này trực tiếp gây ra hai biến động lớn đó là vụ án năm Canh Tý và loạn kiêu binh ở Bắc Hà. Bản thân chúa Trịnh Sâm mắc bệnh trĩ, hậu quả từ việc ăn uống không lành mạnh.
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng không khá gì hơn, chúa si mê nhan sắc của cô em họ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (con gái của chú ruột Dận vương Nguyễn Phúc Điển). Hai người tư thông mà sinh ra Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Thuần được nuôi kín trong hậu cung, vì chúa mất mặt sợ lộ chuyện loạn luân.
Chúa Trịnh Sâm tin dùng hoạn quan Phạm Huy Đĩnh và Phạm Ngô Cầu. Đĩnh cấu kết với Lê Quý Đôn làm sổ hộ tịch hạch sách dân chúng, khiến cho dân chúng kêu than không ngớt. Mùa thu năm 1776, trong nước gặp cảnh hạn hán, mất mùa, dân bị đói, giá gạo cao, mà ruộng chiêm thì khô nẻ, công việc làm ruộng không được tiện lợi.
Người sang trọng phải nhòm từng cửa để xin làm thuê hoặc vay mượn mà cũng không đắt, họ hợp nhau ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Nhân dân không được yên nghiệp làm ăn. Về sau, Phạm Huy Đĩnh cũng là đạo diễn trong vụ việc sát hại thái tử Lê Duy Vỹ. Vụ việc này gây rúng động lòng dân Bắc Hà, khiến họ càng chán ghét họ Trịnh, nhiều nơi dân chúng nổi loạn dấy lên khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh.
Phạm Đình Hổ có ghi chép về sự sa đọa của chúa Trịnh Sâm trong Vũ Trung Tùy Bút như sau :
“Khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 – 1775), trong nước vô sự, Thịnh Vượng thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, binh linh dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán.
Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Cũng có lúc cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc. Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì.”
Nguyễn Phúc Khoát
Chúa Nguyễn Phúc Khoát tin dùng ông cậu ruột là Trương Phúc Loan, bị Loan dắt mũi cho ăn nằm với cô em họ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, mà sinh ra Nguyễn Phúc Thuần. Về sau Loan câu kết với Ngọc Cầu, sửa đổi di chiếu, phế truất thế tử Nguyễn Phúc Luân (cha Nguyễn Ánh), lập Nguyễn Phúc Thuần làm chúa. Hệ thống thuế khóa phức tạp, cồng kềnh, nặng nề, quan cấp dưới lạm thu để tham nhũng khiến dân phải nộp nhiều hơn quy định. Thuế thổ sản có tới hàng ngàn thứ, tính cả những sản vật nhỏ nhặt.
Năm 1741, Phúc Khoát ra lệnh cho Trương Phúc Loan truy thu thuế của cả những người bỏ trốn. Tới năm 1765 lại có lệnh truy thu thuế còn thiếu của 10 năm trước. Loan nổi tiếng là tham lam, vơ vét của công, mua quỵt của các thương nhân nước ngoài. Có đợt sau trận lụt, nhà Loan bày vàng ra phơi “sáng chóe” cả sân.
Thất bại trước những cuộc đụng độ với Xiêm La cộng với sưu thuế nặng nề, cùng tình trạng tham nhũng tại địa phương khiến cho chính quyền chúa Nguyễn càng càng suy yếu đi. Quan lại mặc sức ăn chơi hưởng lạc, tham những tích cóp của cải, dân chúng lầm than đói khổ, đi theo nghĩa quân Tây Sơn ở Bình Định, đánh cướp các châu phủ. Đương thời Lê Quý Đôn có ghi chép về sự sa đọa của chúa Nguyễn Phúc Khoát với đám quan lại Đàng Trong trong Phủ Biên Tạp Lục như sau:
Từ nhà chúa, quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lược, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau… Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…”.