Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín hấp dẫn du khách
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn nổi tiếng. Ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải là nét đẹp đặc trưng của địa phương. Hàng năm cứ mùa lúa chín hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng cùng bà con trải nghiệm canh tác ra những hạt lúa chín thơm mà chỉ nơi này mới có.
Nếu tính từ thành phố Hà Nội, huyện Mù Cang Chải cách khoảng 300km, nơi đây được mệnh danh là thiên đường của những thửa ruộng bậc thang vàng óng mỗi khi mùa lúa chín quả không sai. Với độ cao trung bình 1000m – 1600m so với mặt nước biển, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là thành quả hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao. Lúa chín không chỉ đem lại ấm no cho bà con, lúa chín còn thu hút hàng ngàn khách thập phương đến với vùng đất đặc biệt này.
Các thửa ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải được đồng bào người Mông Khai phá hàng trăm năm nay, trong đó các thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước đẹp nhất của huyện tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Từ chân cho đến đỉnh đồi những thửa ruộng bậc thang đặc biệt này tạo vẻ đẹp riêng hiếm có, đặc sắc. Đặc biệt năm năm 2007 với 330 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc ba xã này được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích quốc gia.
Trong những thửa ruộng bậc thang được nhiều du khách xuýt xoa vì nét đẹp khác biệt, thì đồi mâm xôi thuộc xã La Pán Tẩn nổi tiếng là địa danh du lịch hấp dẫn của huyện Mù Cang Chải, bởi sự độc đáo của chính thửa ruộng bậc thang với hình tròn trên giữa đỉnh của ngọn núi, tiếp đến là những bậc thang đều nhau trải dài xuống chân núi.
Đây là thửa ruộng bậc thang đẹp nhất khu vực và được mọi người đặt với tên gọi ruộng bậc thang đồi mâm xôi. Được biết ruộng bậc thang mâm xôi này do một gia đình người Mông khai phá từ 30 năm nay. Trước đây nó là một mỏm đồi đất đá khô cằn, mỗi ngày chủ nhân của thửa ruộng này khai hoang chỉ được vài mét và sau cả tháng trời ròng rã mới hình thành được cái mâm xôi này. Từ khi đồi mâm xôi trở thành danh thắng quốc gia nổi tiếng được nhiều người biết đến, du khách mỗi năm đến đây chiêm ngưỡng một nhiều thêm, nhờ thế mà cuộc sống của bà con nơi đây có của ăn của để, đời sống đổi thay rõ rệt.
Trong những năm qua địa phương thu hút đông đảo du khách đến thăm quan mỗi dịp lúa chín và tìm hiểu nét văn hóa dân tộc của bà con nơi đây. Nhìn những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau vàng óng, du khách chỉ biết trầm trồ thán phục sức sáng tạo của bà con đã rất vất vả để có được kiệt tác độc đáo.
Cuộc sống của bà con người Mông nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, trồng thêm các loại ngô, đậu … và kiếm tiền từ du lịch. Nhiều gia đình chuyển đổi những thửa ruộng bậc thang trồng lúa thay cho hoa tam giác mạch, tạo thêm nét phong phú cho du khách mỗi khi đến đây tham quan. Có gia đình còn tận dụng thả nuôi cá ở ruộng khi vừa cấy xong. Mùa lúa chín cũng là lúc người dân đi bắt cá ở ruộng, mỗi ruộng ít cũng được cả chục kg cá chép, đủ để cải thiện cho bữa ăn gia đình hoặc mang bán ngoài chợ.
Thời điểm đẹp nhất để du khách khắp nơi đến đây thưởng ngoạn cảnh đẹp vào trung tuần tháng 9 và đầu tháng 10 hàng năm, lúc này những thửa ruộng bậc thang vàng óng lớp lớp, tầng tầng, trải rộng khắp các quả đồi. Mỗi thửa ruộng bậc thang lại có hình thù khác nhau trải dài trên những sườn núi hùng vĩ.
Những thửa ruộng bậc thang nơi đây thể hiện tình thần sáng tạo độc đáo của những con người vùng cao trong quá trình cải tạo thiên nhiên, sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người, là niềm tự hào của bà con nơi vùng cao này./
Ngọc Lương