Phương Pháp, Trí Huệ và Ba Con Đường

PHƯƠNG PHÁP, TRÍ HUỆ VÀ BA CON ĐƯỜNG 
Geshe Lhundub Sopa | Thanh Danh dịch Việt

geshe lhundub sopageshe lhundub sopaGeshe Lhundub Sopa (1923-), học giả vĩ đại từ Tu viện Sera, được biết đến vì hiểu biết của ngài về tánh Không. Ngài cũng là một trong các giám khảo kỳ thi biện luận của đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1959 ngay trước khi phải đào thoát sang Ấn Độ khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Ngài sang Mỹ năm 1962 và tham gia giảng dạy tại trường Đại học Madison, tiểu bang Wisconsin vào năm 1967 cho đến khi ngưng gần đây. Ngài là người đứng đầu tinh thần tại Trung tâm Phật giáo Vườn Nai, tiểu bang Wisconsin. Geshe Rinpoche giảng những lời này tại Trung tâm thiền đại thừa Tushita, New Delhi vào ngày 30 tháng 7 năm 1980. Bài giảng này được xuất bản lần đầu trong quyển Những lời dạy ở Tushita vào năm 1981.  

TÌM KIẾM HẠNH PHÚC

Đạo sư vĩ đại người Ấn Độ vào thế kỷ 11 A-đề-sa (Atisha) nói rằng: 

Đời người ngắn ngủi

Kiến thức bao la

Hãy như thiên nga

Tách đôi nước – sữa.

Cuộc sống của chúng ta không kéo dài mãi trong khi có rất nhiều phương hướng mà chúng ta muốn theo đuổi. Như loài thiên nga có thể lấy dưỡng chất từ sữa và nhổ lại nước, chúng ta cũng nên trích xuất dưỡng chất từ cuộc sống bằng cách thực hành trí huệ không phân biệt và dấn thân vào những hoạt động mang lại lợi lạc cho mình và người khác trong đời này và cả những đời sau. 

Mọi chúng sinh hữu tình đều mong ước đạt được trạng thái cao nhất của hạnh phúc và tự do hoàn toàn khỏi mọi khổ đau, nhưng con người nên đặt mục tiêu cao hơn các loài muông thú, côn trùng kia vì chúng ta có rất nhiều tiềm năng hơn chúng; với trí thông minh đặc biệt của mình, chúng ta có thể đạt được rất nhiều thứ. Là những người thực hành tâm linh, chúng ta nên phấn đấu đạt được hạnh phúc và không còn khổ đau không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho tất cả chúng sinh hữu tình. Chúng ta có trí thông minh và năng lực thực hành pháp để hiện thực hóa các mục tiêu. Chúng ta có thể bắt đầu ngay từ bây giờ và dần sẽ đạt được những cấp độ cao hơn cho đến khi đạt được toàn thiện. Vài người thậm chí có thể đạt được giác ngộ chỉ trong một đời người. 

Trong Bồ tát Hạnh, đạo sư vĩ đại, Bồ tát Tịch Thiên đã viết:

Mặc dù chúng ta mong muốn mọi hạnh phúc

Một cách thật ngu ngốc, chúng ta phá hủy nó, như kẻ thù

Mặc dù chúng ta mong muốn không đau khổ 

Chúng ta lại không ngừng tạo ra các nguyên nhân của nó.

 

Những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta làm thường trái ngược nhau. Những thứ chúng ta làm nhằm mang lại vui vẻ thật ra lại gây ra đau khổ và rắc rối. Ngài Tịch Thiên nói mặc dù chúng ta mong muốn hạnh phúc nhưng do vô minh, chúng ta phá hủy cội nguồn của hạnh phúc như thể nó là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. 

Theo những lời dạy của đức Phật, trước hết chúng ta phải học hỏi, hay nghiên cứu. Bằng cách tự hỏi rằng liệu có thể thoát khỏi khổ đau và tìm thấy hạnh phúc hoàn hảo, chúng ta mở ra các cánh cửa nhu cầu tâm linh và khám phá ra rằng bằng cách đặt nỗ lực và trí tuệ đúng hướng, chúng ta thực sự có thể kinh nghiệm được những mục tiêu này. Điều này sẽ dẫn chúng ta tìm ra được con đường giác ngộ. Đức Phật đã chia giáo lý của ngài thành các cấp độ khác nhau, chúng ta căn cứ vào đó để học và thực hành. 

 

KẺ THÙ THỰC SỰ 

Điều gì làm nên hạnh phúc? Điều gì gây ra khổ đau? Đây là những câu hỏi quan trọng trong đạo Phật. Đức Phật chỉ ra rằng nguồn gốc cơ bản của tất cả những vấn đề của chúng ta là nhận thức sai lầm về bản ngã. Chúng ta luôn nắm lấy một kiểu “Tôi” nào đó, một kiểu suy nghĩ hay còn gọi là thái độ lấy mình làm trung tâm và mọi thứ chúng ta làm là dựa trên nhận thức sai lầm này của bản ngã. Việc nắm giữ này làm tăng thêm bám luyến vào cái tôi và tôi là trung tâm, cho rằng mình vượt trội hơn tất thảy, và hơn cả sinh tử luân hồi. 

Việc tự nắm giữ này tạo ra tất cả bám chấp của chúng ta gắn với từ “Tôi”. Từ tôi đến của tôi, tài sản của tôi, thân thể tôi, suy nghĩ của tôi, gia đình của tôi, bạn bè tôi, đất nước của tôi, công việc của tôi và những thứ tương tự như vậy.

Từ bám chấp sẽ đi đến ác cảm, giận dữ, ghét bỏ những thứ đe dọa đến đối tượng của bám luyến. Đạo Phật gọi ba thứ này – tham, sân, si – là tam độc. Những ảo tưởng này là nguyên nhân của các vấn đề của chúng ta. Chúng mới chính là những kẻ thù thật sự. 

Chúng ta thường tìm kiếm kẻ thù từ bên ngoài nhưng những hành giả Phật giáo nhận ra rằng không có kẻ thù bên ngoài; kẻ thù thật sự đến từ bên trong. Một khi rũ bỏ được tham, sân, si tức là ta đã chinh phục được kẻ thù bên trong của mình. Tư duy đúng đắn (Chánh tư duy) thay thế cho vô minh, chỉ còn lại trí tuệ sáng tỏ, và ta sẽ nhìn thấu bản tánh chân thật của bản ngã và tất cả hiện tượng. Những tạo tác của thế giới ảo huyễn sẽ không còn xảy ra nữa. 

Khi không còn vô minh, chúng ta sẽ không hành động sai lầm. Khi không hành động sai lầm, chúng ta sẽ không còn khổ đau – nhân quả nghiệp báo sẽ không còn tham đối tiếp. Nghiệp – những hành động của thân, khẩu, ý của chúng sinh hữu tình, cùng với những hạt giống đã gieo vào trong tâm – sẽ được kiểm soát. Vì nguyên nhân của những hành động này – tham, sân, si – đã bị phá hủy, những nghiệp trên đường tăng trưởng, trổ quả sẽ dừng dứt. 

Tham, sân, si cùng với các cành nhánh của chúng như tự cao, ghen tuông và tị nạnh là những nghiệp lực rất mạnh. Một khi đã khởi lên, chúng sẽ lập tức chiếm lấy tâm thức ta; chúng ta sẽ nhanh chóng bị đè bẹp bởi sức mạnh của những kẻ thù bên trong này và không còn tự do hay tự kiểm soát được tình hình nữa. Những kẻ thù bên trong thậm chí còn khiến chúng ta gây hại đến những người mà chúng ta yêu quý; chúng khiến cho ta thậm chí giết cả cha mẹ, con cái mình. Tất cả những xung đột này, từ giữa những thành viên trong gia đình cho đến những cuộc chiến tranh trên thế giới, đều sinh ra từ những suy nghĩ tiêu cực này. 

Ngài Tịch Thiên đã nói: “Chỉ có một nguyên nhân cho tất cả mọi vấn đề”. Chính vô minh đã gây nhầm lẫn về bản tánh thực sự của bản ngã. Tất cả chúng sinh hữu tình đều giống nhau ở chỗ đều bị áp chế bởi vô minh chấp ngã; tuy nhiên, mỗi chúng ta cũng có khả năng thực hành du già để thanh lọc tâm ý đến điểm mà ở đó chúng ta thấy mọi sự vật, hiện tượng như nó vốn là. 

 

ĐỨC PHẬT ĐÃ THỰC HÀNH VÀ TRUYỀN PHÁP NHƯ THẾ NÀO 

Đức Phật chính ngài, đầu tiên đã học, thực hành và chứng được Pháp và giác ngộ. Ngài thấy được những cốt tủy của nhân quả của suy nghĩ và hành động và sau đó dạy mọi người cách sử dụng những quy luật này theo cách để thành tựu giải thoát. 

Những lời dạy đầu tiên của Ngài là về bốn sự thật (Tứ Thánh Đế): khổ, tập, diệt, đạo. Trước hết, chúng ta cần học cách nhận ra đau khổ và rắc rối vốn xâm chiếm cuộc sống của chúng ta. Sau đó, cần nhận ra nguyên nhân của chúng. Thứ ba, cần biết rằng có thể loại bỏ các nguyên nhân này để hoàn toàn tự do giải thoát. Cuối cùng, chúng ta cần biết về sự thật của đạo – những phương tiện giúp chúng ta đạt được giải thoát, những phương pháp thực hành giúp phá hủy đi hạt giống của khổ đau từ tận gốc rễ. 

Có nhiều cách để trình bày đạo Phật, dẫn đến việc hình thành nhiều tông phái khác nhau trong đạo Phật, như là Tiểu Thừa hoặc Đại Thừa, tuy nhiên những giáo lý về Tứ Thánh Đế luôn là nền tảng căn bản của tất cả các tông phái Phật giáo; dù mỗi phái có những phương pháp đặc biệt khác nhau nhưng tất cả đều dựa trên bốn sự thật này. Không có Tứ Thánh Đế thì sẽ không có Đại Thừa hay Tiểu Thừa. Tất cả tông phái Phật giáo thấy đau khổ là vấn đề chính của sự hiện hữu và vô minh là nguyên nhân chính của đau khổ. Nếu không loại trừ vô minh, sẽ không có cách nào để giải thoát khỏi luân hồi và sẽ không có cách nào thành tựu toàn giác của Phật quả. 

 

ỨNG DỤNG TỨ THÁNH ĐẾ 

Đạo Phật nói nhiều về vô ngã hay bản tánh trống không của vạn vật. Đây là một giáo lý cốt tuỷ. Quán chiếu về tính Không lần đầu tiên được dạy bởi đức Phật và sau đó được truyền dạy rộng rãi bởi đại sư Long Thọ (Nagarjuna) và các học trò của ngài, những người giải thích về thuyết Trung Đạo – một hệ tư duy không cực đoan. Trung quán tông – những người theo Trung Đạo, cho rằng cách mà vạn vật tồn tại là không hề có phân cực tuyệt đối; mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy không tồn tại theo cách mà chúng ta nhận thức chúng. 

Về cái “Tôi”, hiểu biết của chúng ta về bản tánh của nó cũng thường sai lầm. Điều này không có nghĩa là không có con người hoặc không có ham muốn. Khi đức Phật phủ định sự tồn tại của bản ngã, ngài có ý rằng bản ngã mà chúng ta thường nhận thức có hiện hữu. Những hành giả, bằng cách thiền tập với cái nhìn vào bên trong sâu sắc hơn, đã nhận ra bản tánh của bản ngã và thấy rằng cái “Tôi” có tồn tại ở một chiều kích khác. Những hành giả này đã nhận ra tính trống không của bản ngã vốn là giáo lý cốt yếu mà đức Phật đã truyền dạy; họ đã thủ đắc được vũ khí sắc bén của trí huệ để đốn hạ cây độc ảo tưởng và loạn tâm. 

Để có thể làm được giống như vậy, chúng ta phải nghiên cứu giáo lý, tinh tấn quán chiếu và xác quyết thông qua thực hành thiền định. Bằng cách này, chúng ta sẽ thấy rõ tự tánh của ngã. Trí huệ nhận biết tánh Không cắt đi gốc rễ của ảo tưởng và chấm dứt đau khổ; nó trực tiếp đối lại vô minh, cái khiến chúng ta nhận thức sai lầm về thực tại. 

Đôi khi chúng ta có thể áp dụng những phương pháp đối trị cụ thể – ví dụ như khi một cơn giận nổi lên, chúng ta thiền định về lòng bi mẫn, khi dục vọng nổi lên, chúng ta thiền định về sự bất tịnh của thân thể, khi tham luyến nổi lên trong một trường hợp cụ thể, chúng ta thiền định về vô thường, và vân vân … Nhưng mặc dù những pháp đối trị này tương ưng với những vọng tưởng cụ thể, chúng không thể cắt bỏ tận gốc rễ – vì vậy mà chúng ta phải chứng ngộ tánh Không.

 

KẾT HỢP TRÍ HUỆ VÀ PHƯƠNG PHÁP 

Tuy nhiên, chỉ trí huệ thì không đủ. Bất kể cái rìu có sắc bén như thế nào, vẫn cần có cán rìu và con người để vung rìu lên. Cũng như vậy, thiền định về tánh Không là thực hành chính yếu nhưng vẫn phải được bổ trợ và định hướng bởi phương pháp. Nhiều bậc đạo sư Ấn Độ như tôn giả Pháp Xứng (Dharmakirti) và Tịch Thiên (Shantideva) đã khẳng định điều này. Ví dụ như thiền định về Tứ Thánh Đế cũng bao gồm mười sáu phép quán chiếu khác về các phương diện khác nhau của sự thật như vô thường, khổ… Cũng như vậy, vì chúng ta chia sẻ thế giới này với nhiều người khác, chúng ta cần thiền tập về tình yêu thương, bi mẫn và bồ đề tâm, về ước nguyện mong cho mọi chúng sinh được giác ngộ. Việc này chính là sáu hạnh ba la mật – bố thí, tinh tấn, giữ giới, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ. Năm hạnh đầu tiên chính là hỗ trợ cho hạnh thứ sáu, trí huệ ba la mật, trở nên vững vàng. 

 

LOẠI BỎ CHƯỚNG NGẠI TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN GIẢI THOÁT VÀ TOÀN TRÍ 

Để đạt được Phật tánh thì những chướng ngại trên đường đi cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Những chướng ngại này cơ bản có hai loại: chướng ngại trên đường đến giải thoát bao gồm những vọng tưởng như là tham luyến và những chướng ngại trên con đường đạt được toàn trí. Khi loại bỏ được những vọng tưởng, một người sẽ trở thành A la hán. Trong tiếng Tây Tạng, A la hán [dra-chom-pa] có nghĩa là người đã phá hủy được [chom] kẻ thù bên trong [dra] và do vậy đạt được giải thoát khỏi tất cả mọi vọng tưởng. Tuy nhiên, sự giải thoát này vẫn chưa phải là Phật quả. 

A la hán không còn vướng mắc vào sinh tử luân hồi, không còn khổ đau và không phải tái sinh bởi nghiệp và vọng tưởng. Trong đời này, nghiệp và vọng tưởng  vẫn khiến chúng ta quay cuồng, trồi sụt, dẫn đến việc tái sinh đôi khi là ở cõi cao hơn hoặc đôi khi là ở cõi thấp hơn. Chúng ta cũng có rất ít lựa chọn hoặc độc lập trong việc sinh, sống, chết và tái sinh. Nghiệp xấu và vọng tưởng kết hợp với nhau sẽ làm chủ chúng ta hết lần này tới lần khác. Tự do, do vậy, rất hạn chế. Như một vòng tròn vậy, thỉnh thoảng tái sinh ở cõi cao, rồi rơi xuống cõi thấp; thỉnh thoảng làm súc vật, thỉnh thoảng làm người hay chư thiên. Đây chính là ý nghĩa của sinh tử luân hồi. Bậc A la hán đã giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi này, các ngài đã phá vỡ vòng luân hồi và vượt thoát. Đời sống của các ngài đã trở nên hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn tự do. Các thế lực kiểm soát các ngài đã không còn nữa và các vị la hán trú ngụ trong trạng thái giải thoát. Các ngài hoàn toàn chứng ngộ tánh Không. 

Về mặt phương pháp, A la hán đã thành tựu con đường kết hợp giữa thiền định về tánh Không và thiền định về vô thường, nghiệp và quả, bản chất đau khổ của sinh tử luân hồi… nhưng quả vị A la hán vẫn chưa phải là sự toàn hảo của Phật quả.

Nếu so sánh với đời sống luân hồi của chúng ta thì A la hán là một thành tựu tuyệt vời nhưng các vị A la hán vẫn gặp phải những trở ngại vi tế. Những trở ngại thô rõ trong tâm như tham, sân, si có thể đã hết nhưng vì chúng vẫn là những trở lực thường hằng trong tâm chúng ta một khoảng thời gian rất dài, chúng để lại vết hết sức vi tế như những thói quen hoặc khuynh hướng vi tế. 

Ví dụ, một vị A la hán sẽ không nổi sân nhưng những thói quen cũ như lời nói nặng nề, vẫn còn ở đó. Họ cũng còn một chút vi tế của việc tự coi mình là trung tâm. Tương tự như vậy, dù một vị A la hán không còn vô minh hay tà kiến, họ không thể nhìn thấy một vài phương diện của nghiệp và quả một cách rõ ràng như một vị Phật. Những giới hạn vi tế như vậy được gọi là những chướng ngại trên con đường dẫn tới toàn trí. Trong Phật quả, những chướng ngại này được loại bỏ hoàn toàn không còn một dấu vết. Ở đó có tự do hoàn toàn và trí huệ toàn hảo. 

 

TRÍ HUỆ VÀ CÁC HÓA THÂN CỦA PHẬT 

Là một vị Phật là do có một thứ. Thứ đó là bồ đề tâm. Thực hành bồ đề tâm rất rộng lớn: rộng rãi bố thí, là cách mà chúng ta giúp đỡ người khác bằng nhiều cách khác nhau; nhẫn nhịn, là giữ cho tâm tĩnh lặng; giữ giới tinh tấn, với điều này, đề có thể giúp đỡ hữu tình chúng sinh, chúng ta sẵn sàng không ngần ngại trải qua nhiều khó khăn; và nhiều điều khác nữa. 

Trước khi thành tựu Phật quả, chúng ta phải thực hành như môt vị Bồ tát và trưởng dưỡng  con đường hợp nhất trí huệ và phương pháp. Chức năng của trí huệ là để không còn vô minh. Chức năng của phương pháp là để có được trạng thái cơ thể và môi trường hoàn hảo. 

Phật quả được phú bẩm nhiều phẩm tánh cao quý như thân, tâm trong sáng, toàn trí, sức mạnh, và vân vân … – và từ sự toàn hảo của các phẩm tánh bên trong, một vị Phật phát tâm tạo ra một môi trường hoàn hảo, hay còn gọi là “Tịnh độ”.

Với sự chín muồi của trí huệ và phương pháp, quả ngọt sẽ đến: trí huệ và thân Phật. Thân, hay còn gọi là rupakaya, có hai chiều kích khác gọi là báo thân (Sambhogakaya) và hóa thân (Nirmanakaya), cùng với thân trí huệ (pháp thân, dharmakaya) tạo thành tam thân của một vị Phật. Thân này không phải là thân vật lý bình thường mà là sự phản chiếu, sự biểu hiện của trí huệ pháp thân. Từ trí huệ toàn hảo xuất hiện thân toàn hảo. 

 

COI TRỌNG NGƯỜI KHÁC

Như chúng ta có thể thấy từ các ví dụ bên trên, các hoạt động của Bồ tát dựa trên động lực không giống với thái độ thông thường của chúng ta, vốn ích kỷ và tự coi mình là trung tâm. Để đạt được Phật quả, chúng ta phải thay đổi các suy nghĩ trần tục của mình thành các suy nghĩ về tình yêu thương và lòng bi mẫn với chúng sinh hữu tình. Chúng ta phải học cách quan tâm, toàn thời gian, ở mọi cấp độ. Thái độ coi mình là trung tâm nên được xem như là một kẻ thù còn từ bi, nguyên nhân của hạnh phúc tối cao, một người bạn thật sự của chúng ta và những người khác. 

Đại Thừa chứa đựng một phương pháp thực hành đặc biệt, gọi là “hoán đổi mình với người khác”. Đương nhiên, tôi không thể biến thành anh và anh không thể biến thành tôi, đây không phải là điều phương pháp này nói tới. Cái mà chúng ta phải thay đổi là thái độ “tôi trước hết” thành suy nghĩ yêu mến mọi người “bất cứ điều gì xấu xảy đến với họ, hãy để chúng xảy đến với tôi”. Thông qua thực hành chúng ta học được cách xem thái độ vị kỷ là kẻ thù lớn nhất của mình và chuyển hóa việc thỏa mãn bản thân thành thái độ từ bi, cho đến khi toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở thành các năng lực tích cực này. Kể từ đó, mọi việc mà chúng ta làm đều là lợi lạc cho người khác; mọi hành động của chúng ta đều hàm chứa công đức. Đây là sự ảnh hưởng và sức mạnh của tâm Bồ tát  – bồ đề tâm, sự nở bừng tối thượng của từ và bi biến thành ước nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. 

 

TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN 

Tình yêu thương và lòng bi mẫn có bản tánh tương tự nhau nhưng cách thức ứng dụng thì khác nhau. Lòng bi mẫn thường được đề cập khi nói về các vấn đề của chúng sinh, là nguyện ước giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Trong khi tình yêu thương hay được nói đến ở phương diện tích cực là nguyện ước chúng sinh được hạnh phúc và có các nguyên nhân của hạnh phúc. Tâm từ bi của chúng ta nên cân bằng hướng đến mỗi chúng sinh và nên thật mạnh mẽ như là của một người mẹ yêu thương hết mực đứa con duy nhất của mình, chịu trách nhiệm hết mực cho sự an lành của người khác. Đó là cách một vị Bồ tát đối đãi với chúng sinh. 

Tuy nhiên, bồ đề tâm không chỉ có từ bi. Các vị Bồ tát thấy rằng, để giải thoát chúng sinh hữu tình khỏi khổ đau và có được hạnh phúc cao nhất, chính chúng sinh cần phải được trang bị đầy đủ các phẩm tính – đầu tiên chúng sinh phải thành tựu Phật quả, tự do hoàn toàn khỏi các chướng ngại và giới hạn và hoàn toàn sở đắc tất cả trí và lực. Hiện giờ, chúng ta không thể giúp gì nhiều cho người khác. Do vậy, để có thể giúp nhiều chúng sinh hơn, chúng ta phải thành tựu giác ngộ càng sớm càng tốt. Ngày cũng như đêm, mọi việc chúng ta làm nên được thực hiện theo cách có thể giúp chúng ta đạt được toàn giác sớm nhất vì lợi lạc của chúng sinh hữu tình. 

 

BỒ ĐỀ TÂM 

Một ý niệm đặc trưng bởi nguyện như vậy được gọi là bồ đề tâm (bodhicitta), hay tinh thần Bồ tát. Không như những tư tưởng chấp ngã tự tôn thường thấy của chúng sinh vốn thường dẫn đến tham, sân, si, ganh tị và ngã mạn, Bồ tát đạo là con đường của yêu thương, bi mẫn và bồ đề tâm, nếu chúng ta thực hành các pháp thiền định đúng đắn, tự thân chúng ta sẽ trở thành các vị Bồ tát. Vậy thì, như ngài Tịch Thiên đã nói, tất cả những hoạt động bình thường của chúng ta – ăn, ngủ, đi đứng hay bất kể gì khác, đều sẽ sản sinh vô lượng thiện lành và lấp đầy những mục đích vì lợi lạc của chúng sinh. 

 

ĐỜI SỐNG CỦA MỘT VỊ BỒ TÁT 

Cuộc đời của một vị Bồ tát là rất quý báu, và do đó để có thể nuôi dưỡng thân này, chúng ta ngủ, ăn và làm mọi việc khác để giữ gìn nó. Bởi vì điều này là động lực của chúng ta, mỗi muỗng thực phẩm mà chúng ta ăn sẽ tạo ra một lượng công đức tương xứng với số lượng chúng sinh hữu tình trong vũ trụ này vậy. 

Để tăng tiến trên mười cấp độ Bồ tát trên con đường dẫn đến Phật quả, chúng ta thực hành cả phương pháp và trí huệ: trên nền tảng của bồ đề tâm chúng ta trưởng dưỡng chứng ngộ về tánh Không. Thấy được tánh Không của ngã thì vô minh ngã chấp và bám luyến của chúng ta sẽ dừng dứt. Chúng ta sẽ thấy tất cả hiện tượng là trống không và tiếp theo, mọi thứ xuất hiện trong tâm là ảnh huyễn, như các trò ảo thuật vậy.

Khi một ảo thuật gia dựng lên một cảnh, khán giả tin rằng họ đang thấy điều đó thật sự hiện hữu. Ảo thuật gia, dù cũng thấy những thứ mà khán giả thấy, lại hiểu khác. Khi ông ấy biến ra một phụ nữ đẹp, khán giả trải nghiệm dục vọng. Khi ông ấy tạo ra một con thú hung dữ, khán giả thấy sợ hãi. Ảo thuật gia thấy người phụ đẹp và con thú hung dữ kia cùng lúc với khán giả nhưng ông ấy biết rằng những thứ này là không thật. Ông ấy thấy chúng trống không trong cách mà chúng xuất hiện – hiện thực của chúng không giống như kiểu biểu hiện của chúng. 

Một cách tương tự, các vị Bồ tát đã thấy được tánh Không thấy mọi thứ là ảnh huyễn và những thứ vốn có thể gây ra bám luyến và sân giận cho họ trước kia sẽ không còn có thể làm như vậy nữa. 

Như ngài Long Thọ đã nói, 

Bằng cách kết hợp hai nhánh phương pháp và trí huệ, Bồ tát đạt được tác động hai nhánh thân và tâm (sắc thân và pháp thân) của một vị phật. 

Sự tích tập năng lượng công đức và trí huệ đưa họ đến với tầng đầu tiên của Bồ tát địa, nơi họ trực nhận biết tánh Không và vượt qua các trở ngại để đến với giải thoát. Họ sử dụng chứng ngộ này để tăng tiến trên mười cấp độ Bồ tát, cuối cùng xóa bỏ tất cả các trở ngại, thành tựu toàn trí. Họ trước tiên xóa bỏ cấp độ thô lậu của vô minh, sau đó bằng cách thực hành thiền định từ từ về phương pháp kết hợp với trí huệ, thành tựu giác ngộ toàn hảo. 

 

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA ĐẠI THỪA 

Những chủ đề chính của luận bàn này – sự từ bỏ, tánh Không và bồ đề tâm – được dạy bởi đức Phật Thích Ca, đức Long Thọ và ngài Tông Khách Ba – Tsong Khapa cung cấp các nội dung chính của Đại thừa. Ba yếu tố chính của con đường này giống như chìa khóa cho những ai muốn đạt giác ngộ. Về mặt phương pháp và trí huệ thì sự từ bỏ và bồ đề tâm tạo thành phương pháp; và thiền định về tánh Không chính là trí huệ. Phương pháp và trí huệ giống như đôi cánh của một con chim, giúp chúng ta bay cao trên bầu trời Pháp. Nếu một con chim chỉ có một cánh, nó không thể bay; để đến được những tầng cao của Phật quả, chúng ta cần đôi cánh của phương pháp và trí huệ. 

 

SỰ TỪ BỎ

Phương pháp chính yếu của Đại thừa là bồ đề tâm. Để sinh khởi bồ đề tâm, trước tiên chúng ta phải sinh khởi lòng bi mẫn – ước nguyện giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau, chính là nền tảng của động lực thành tựu giác ngộ. Tuy nhiên, như ngài Tịch Thiên đã chỉ ra, trước hết chúng ta phải có lòng bi mẫn với chính bản thân. Chúng ta phải muốn thoát khỏi khổ đau trước khi có thể thật sự mong muốn điều này cho ai khác. Ước muốn tự khởi thoát khỏi khổ đau chính là sự từ bỏ. 

Nhưng hầu hết chúng ta không có được điều này. Chúng ta không thấy những lỗi lầm của sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, chẳng có cách nào mang lại lợi lạc cho chúng sinh trong khi vẫn tiếp tục đi vào lối của những thú vui và hoạt động của luân hồi. Do đó, trước tiên chúng ta phải sinh tâm mong muốn thoát khỏi luân hồi – nguyện ước thường hằng thoát khỏi tất cả khổ đau. Khi mới bắt đầu thực hành, điều này là quan trọng nhất. Sau này rồi, chúng ta có thể mở rộng năng lực này đến người khác thông qua tình yêu thương từ ái), lòng bi mẫn và bồ đề tâm, gộp lại chính là phương pháp. Khi hợp nhất với trí huệ thấy biết tánh Không, chúng ta sở đắc những nguyên nhân chính của Phật quả. 

 

SỐNG MỘT ĐỜI CÓ Ý NGHĨA 

Tất nhiên là để phát triển cả ba phương diện của con đường, chúng ta phải tiến hành từng bước một. Chúng ta cần nghiên cứu, huân tập và thiền định. Tất cả chúng ta nên cố gắng thực hành thiền định mỗi ngày. Dù già hay trẻ, nam nay nữ, dân tộc nào đi nữa đều có thể thực hành. Ai cũng có khả năng tăng trưởng hiểu biết. Đời sống con người này thật quý giá và nhiều ý nghĩa nhưng nó cũng dễ mất đi trong khi kiếm tìm đắm mê sắc dục, danh tiếng và những thứ tương tự là các mục tiêu tạm thời trong đời này. Vậy thì chúng ta có khác gì loài súc vật, với các mục tiêu của loài vật. Ngay cả khi chúng ta không nỗ lực trở thành một vị thầy tâm linh, ít ra chúng ta cũng có thể thực hành nhằm làm cho cuộc đời của chúng ta và của những người khác có ý nghĩa hơn. 

 

Câu hỏi: Ngài có thể nói rõ ý về việc gỡ bỏ khổ đau cho người khác không ạ? 

Geshe Sopa: Chúng ta không nói về các biện pháp tạm thời, như đói hoặc khát. Các bạn có thể đi từ thiện để đóng góp đồ ăn, thuốc hay những thứ vật chất khác, nhưng những thứ này chỉ hời hợt mà thôi. Quyên góp kiểu này sẽ không bao giờ là đủ so với nhu cầu của thế giới thậm chí bản thân nó có khả năng trở thành nguyên nhân của rắc rối và đau khổ. Cái thiếu chính là một loại hạnh phúc hoàn hảo hay hân hoan. Do đó, chúng ta trưởng dưỡng lòng bi mẫn cho chúng sinh hữu tình, mong ước mang lại hạnh phúc cao nhất cho họ, hạnh phúc thường hằng. Hành giả, các du già  và các vị Bồ tát xem đây là mục tiêu lớn nhất trong thực hành. Họ cũng cho đi những thứ tạm thời nhiều nhất có thể nhưng chính yếu vẫn là làm sao sinh ra hạnh phúc cấp cao hơn. Đây là hoạt động chính của các vị Bồ tát. 

Câu hỏi: Đạo Phật tin tưởng mạnh mẽ vào kiếp trước và kiếp sau. Làm thế nào việc này lại nhất quán với ý niệm về vô thường được dạy bởi đức Phật? 

Geshe Sopa: Bởi vì nhiều thứ là vô thường, chúng sẽ thay đổi. Vì ô nhiễm là vô thường, thanh tịnh là có thể đạt được. Sự thật tương đối có thể vận hành vì có sự hiện hữu của sự thật tuyệt đối. Ô nhiễm sẽ trở nên thanh tịnh ; bất toàn sẽ trở nên hoàn hảo. Thay đổi sẽ làm cho các điều kiện chuyển đổi. Bằng cách định hướng cuộc đời chúng ta một cách đúng đắn, chúng ta sẽ chấm dứt các kiểu mẫu tiêu cực. Nếu mọi thứ mà không vô thường, chúng ta sẽ chẳng có cơ hội nào để thay đổi và tiến hóa. 

Về nghiệp và tái sinh, vô thường nghĩa là chúng ta có thể có kiểm soát dòng đời của mình, như một dòng sông lớn không bao giờ giống nhau từ điểm này đến điểm tiếp theo. Nếu chúng ta để các dòng ô nhiễm nhập vào thì dòng sông sẽ ô nhiễm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta để các suy nghĩ xấu, các nhận thức lệch lạc và các hành động sai trái dẫn dắt cuộc đời mình, chúng ta sẽ theo chiều hướng tiêu cực và tái sinh vào các cõi thấp. 

Nếu, theo chiều ngược lại, chúng ta khéo léo kiểm soát cuộc đời mình thì sẽ tiến hóa theo chiều hướng tích cực, tái sinh vào các cõi cao và có khi còn đạt được trí huệ tối thượng của Phật quả – các kinh nghiệm bất toàn đến và đi sẽ không có ảnh hưởng nữa trong khi dòng chảy thường hằng của sự hoàn hảo sẽ đến với chúng ta. Khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tối thượng của đời sống con người. 

Câu hỏi: Trong ví dụ về con sông và dòng nước chảy, lúc trong lúc đục. Vậy dòng đời sẽ như thế nào? 

Geshe Sopa: Đạo Phật nói về năm uẩn, một uẩn chủ yếu về thân và bốn uẩn còn lại về tâm. Cũng có một nền tảng khác (một hướng khác) cho rằng không có phân biệt thân hay tâm mà giống như một dạng năng lượng. Năm uẩn bất tịnh này sau cùng sẽ tịnh hóa và hiển hiện rõ ràng thành năm vị phật của Ngũ Trí Như Lai. 

Câu hỏi: Cầu nguyện có vai trò như thế nào trong đạo Phật? Đạo Phật có tin vào những lời cầu nguyện hay không, nếu có, vì Phật tử không thờ một đấng tối cao (God), họ sẽ cầu nguyện ai? 

Geshe Sopa: Trong đạo Phật, lời cầu nguyện có ý nghĩa như một điều mong ước, ước nguyện những điều tốt sẽ đến. Trong ý nghĩa này, một lời cầu nguyện là một ước mong thể hiện bằng lời nói. Lời cầu nguyện của các vị Phật và các vị Bồ tát là bằng tâm trí và có uy lực rất lớn. Các vị Phật và các vị Bồ tát có lòng từ bi bình đẳng với tất cả chúng sinh và lời cầu nguyện của các ngài là vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Do đó, khi chúng ta cầu nguyện tới các ngài giúp đỡ hoặc hướng dẫn, các ngài có uy lực để ảnh hưởng đến chúng ta.

Theo cách xem xét này, lời cầu nguyện sinh ra một kiểu phật quả. Tuy nhiên, cầu nguyện không có nghĩa là bạn không thực hành mỗi ngày mà dựa dẫm tất cả vào Phật. Chắc chắn không phải là như vậy. Các vị Phật làm phần việc của họ và chúng ta làm phần việc của chúng ta. Các vị Phật không thể rửa sạch vết dơ của chúng ta bằng nước như giặt quần áo được. Cội rễ của đau khổ không thể bị lấy ra như kiểu lấy gai nhọn ra khỏi bàn chân – các vị Phật chỉ cho chúng ta cách lấy nó ra còn bàn tay trực tiếp lấy cái gai ra phải là bàn tay của chúng ta. 

Cũng như vậy, Phật không thể chuyển dời tri thức của ngài vào trong chúng ta. Ngài giống như một vị bác sĩ, chẩn đoán bệnh và kê đơn còn việc uống thuốc là trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Nếu một bệnh nhân không theo đơn thuốc đã kê hoặc không làm theo lời khuyên bác sĩ thì bác sĩ cũng chẳng giúp gì được dù cho thuốc có đúng tới đâu hoặc chuyên môn của bác sĩ có cao tới đâu đi chăng nữa. Nếu chúng ta uống các loại “thuốc” của Pháp như đã được kê toa và thực hành theo các lời dạy của đức Phật, chúng ta có thể dễ dàng chữa các loại bệnh vô minh, bám chấp và các các thứ bệnh khác trên đường đến với giải thoát và toàn trí. Biết đến Pháp nhưng không thực hành giống như một bệnh nhân mang cả bao thuốc nặng trên vai nhưng không dùng chút nào. Do đó, đức Phật đã dạy: “Ta đã cho các ngươi thuốc. Uống hay không là do các ngươi.”

Câu hỏi: Trong lúc hành thiền, chúng ta quán tưởng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vậy ngài ấy quán tưởng điều gì khi thiền định?

Geshe Sopa: Chúng ta nên thiền định dựa trên cái gì? Chúng ta thiền định như thế nào? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thiền định cũng như chúng ta vậy: về tình yêu thương, lòng bi mẫn, bồ đề tâm, tứ diệu đế…Thỉnh thoảng ngài thiền định về thân hoàn hảo của các vị Phật, các vị Bổn tôn. Các vị Bổn tôn này là biểu hiện của một phẩm tính hoàn hảo và thông qua thiền định, chúng ta đem mình đến gần hơn với các phẩm tính mà các ngài biểu hiện. Quán tưởng bổn tôn và thiền định thông thường giúp thuần hóa tâm phân tán, bất tịnh và to lớn như con voi chắn trước mặt. Tâm hoang dã, lang thang này phải được làm dịu lại để có thể thực hành tâm linh ở các cấp độ cao hơn. Do đó, vào lúc ban đầu chúng ta thường ổn định nó bằng cách tập trung vào một đối tượng cụ thể. Đây là hình thức thiền định tĩnh lặng  nhằm giữ cho tâm chúng ta tập trung vào một điểm cố định, an trụ vào sự sáng rõ và an nhiên hoàn hảo lâu nhất mà chúng ta muốn mà không cần nỗ lực, không bị lung lay hay mệt mỏi. 

Có rất nhiều đối tượng có thể sử dụng cho kiểu thiền định này: một ngọn nến, một bức tượng, một vật thể nhỏ hay tương tự như thế. Bởi vì thân của một vị đã giác ngộ hàm chứa nhiều giá trị biểu trưng và chia sẻ bản tánh với mục tiêu mà chúng ta hy vọng đạt được,  kiểu thiền định này có nhiều ưu điểm. Nhưng không nhất thiết phải như vậy, chúng ta có thể chọn một đối tượng khác để thực hành. Việc chính là tập trung tâm của mình vào một đối tượng và đừng để nó lung lạc. Kết cục là chúng ta có thể thiền định một cách sáng rõ và an nhiên lâu đến chừng nào chúng ta mong muốn, thậm chí đến vài ngày. Đây là khi thành tựu được thiền định tĩnh lặng. Khi đã nắm bắt được công cụ tâm này thì thực hành các kiểu thiền định khác đều sẽ dễ dàng thành công. 

Khi mới bắt đầu thực hành kiểu này, chúng ta sẽ thấy tâm thức mình giống như một con voi hoang dã, chạy khắp nơi này đến nơi kia, không bao giờ tập trung được vào một việc gì. Dần dà sau đó, thông qua thực hành và thực tập, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng hơn và ngay cả khi tập trung vào một đối tượng đơn giản như hít vào và thở ra sẽ cho thấy sự hoang dã của tâm và tác dụng làm dịu  của thiền định. 

Trích từ “NHỮNG GIÁO LÝ TỪ TÂY TẠNG – Hướng dẫn của những Lạt Ma vĩ đại”

Nicholas Ribush biên tập bản tiếng Anh. NXB. Lama Yeshe Wisdom Archive, 2005.

Thanh Danh dịch sang tiếng Việt, 2021.

Rate this post