Phiếm bàn về “Tâm sự Bà Huyện Thanh Quan” trong bài Qua Đèo Ngang nổi tiếng của bà – T.Vấn và Bạn Hữu
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
Theo Từ Điển Wikipedia ghi nhận, thì Bà Huyện Thanh Quan đã để lại cho đời gồm 6 bài thơ bằng chữ Nôm theo thể Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật như sau:
1. Thăng Long Thành Hoài Cổ.
2. Qua Chùa Trấn Bắc.
3. Qua Đèo Ngang.
4. Chiều Hôm Nhớ Nhà.
5. Tức Cảnh Chiều Thu.
6. Cảnh Đền Trấn Võ.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, Bà Huyện Thanh Quan chỉ để lại 4 bài là Thăng Long Hoài Cổ; Chiều Hôm Nhớ Nhà; Qua Chùa Trấn Bắc và Qua Đèo Ngang, còn những bài khác thì chưa chắc, trong đó lại có bài nằm trong nhóm tác phẩm của Bà Hồ Xuân Hương.
Trong bốn bài thơ đó đều tuyệt tác, người ta thấy tấm lòng “hoài cổ” của Bà rõ nét rất nhiều, nhưng trừ bài Qua Đèo Ngang, thì 3 bài kia lại có nhiều thành ngữ chữ Hán. Xin được nêu ra đây để thấy sự khác biệt với bài Qua Đèo Ngang, mặc dù cũng cùng chung một tấc lòng hoài cổ như đã nêu trên của tác giả.
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương,
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
(Những chữ Hán là: tạo hóa, hí trường, tinh sương, thu thảo, lâu đài, tịch dương, tuế nguyệt, tang thương, kim cổ, đoạn trường).
CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
(Có sách gọi bài này là Chiều Hôm, còn Chiều Hôm Nhớ Nhà lại là bài khác)
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gỏ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
(Những chữ Hán là: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, chương đài, lữ thứ, hàn ôn).
QUA CHÙA TRẤN BẮC
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
Mấy tòa sen tỏa hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá,
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.
(Những chữ Hán là: hành cung, cố quốc, hương ngự, phong, phế hưng, kim cổ)
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới đèo ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta!
– Hai chữ Quốc quốc và Gia gia vừa là chữ Hán, mà cũng là hai chữ tượng thanh của chim Cuốc (tức chim Đỗ Quyên) và chim Đa Đa (Gà Gô).
Trước khi cố gắng phân tích về tâm tình hoài cổ và nỗi nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan, xin phép được lược qua về tiểu sử của Bà để bạn đọc rộng đường tìm hiểu thêm.
Theo Giáo Sư Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu trang 396 thì ghi là: không rõ họ tên của Bà. Còn các tác giả về sau này lại cho rằng Bà tên là Nguyễn Thị Hinh sinh năm 1805 và mất năm 1848, người Làng Nghi Tàm, Huyện Vĩnh Thuận ở ven Hồ Tây, Hà Nội. Bà là con của vị danh nho Nguyễn Lý (1755-1837) vốn là một cựu thần nhà Lê, sống ở thế kỷ 19, (khoảng cuối triều Lê, đầu Nguyễn). Bà kết duyên cùng ông Lưu Nguyên Ôn (1804-1847) bút hiệu Lưu Ái Lan (có sách còn chép là Lưu Nghi hay Lưu Nguyên Uẩn), đỗ cử nhân triều Minh Mệnh, và được bổ làm Tri huyện Thanh Quan, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vì là phu nhân của huyện quan, nên người đời gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Bà cũng được vua Minh Mệnh triệu vào kinh phong chức Cung Trung Giáo Tập để dạy các công chúa, phi tần và cung nữ.
Có tác giả nói Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích bạn thân với Thi Hào Nguyễn Du, nhưng cũng có tác giả cho rằng cha của Bà mới là học trò của cụ Phạm Quý Thích, chứ không phải là Bà.
Xem ra thì tiểu sử hãy còn mù mờ, vì mỗi tài liệu ghi mỗi khác nhất là năm sinh và mất của Bà. Xin tạm theo Wikipedia, mà Wikipedia cũng ghi theo một vài tác giả sau này căn cứ vào chồng Bà (1804-1847), để nói về năm sinh 1805 và mất 1848 của Bà vậy. Ở đây xin tạm vin vào cái mốc 1805-1848 này, để lý giải phần nào về tâm sự của Bà. Đó là tâm sự “hoài Lê” mà nhiều người đã từng nghĩ như thế.
Xuyên qua ba bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ, Chiều Hôm Nhớ Nhà và Qua Chùa Trấn Bắc”, ta thấy rõ tâm sự “nhớ về triều đình cũ” hơn là nỗi nhớ nhà của Bà như:
– Nào là “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo; Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ.
– Nào là “hành cung”, “cố quốc”, “mùi hương ngự”, “nếp áo chầu”, “sóng lớp phế hưng”, “người xưa cảnh cũ” trong bài Qua Chùa Trấn Bắc.
– Còn bài Chiều Hôm Nhớ Nhà thì rõ ràng là tả cảnh kẻ đi ngoài “dặm liễu sương sa” mà nhớ về kẻ ở “chương đài”, cho nên biết ai mà “kể nỗi hàn ôn ấm lạnh”.
Kẻ đi ngoài dặm liễu, cho phép ta liên tưởng đến bước đường muôn dặm của Bà phải đi từ huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình vào kinh thành ở Phú Xuân (Huế) do lệnh vua phong làm Cung Trung Giáo Tập.
Còn danh từ “Chương đài” theo tích “Liễu chương đài” chỉ nơi người đẹp tên Liễu ở con đường Chương Đài trong chuyện của Trương Hoành bên Tàu. Các tác giả Việt Nam ta thường dùng điển tích “chương đài” này để chỉ nơi đài các, hoặc chỉ về các tiểu thơ hay các mệnh phụ phu nhân, cho nên ta có thể hình dung câu “Kẻ chốn chương đài người lữ thứ” trong bài Chiều Hôm Nhớ Nhà, là nói về tâm trạng nhớ nhà, nhớ chồng con đang ở nơi đài các hoặc phủ nha tại huyện Thanh Quan, mà Bà lại là người lữ thứ đang đi ngoài vạn dặm trường đình.
Cái tâm trạng nhớ nhà của Bà, ta cũng thấy bàng bạc ở câu “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” trong bài Qua Đèo Ngang. Tại sao là thương nhà ? Theo nhiều tài liệu ghi lại, thì Ông Huyện Thanh Quan chồng Bà có thời gian bị cách chức vì can án. Vậy thì phải chăng khi Bà lên đường vào Kinh Đô Phú Xuân thụ phong chức Cung Trung Giáo Tập, là lúc chồng Bà đang hồi vận bỉ này, nên Bà mới hạ bút thương nhà ?!
Đọc đi, đọc lại nhiều lần bốn bài thơ Thăng Long Hoài Cổ; Chiều Hôm Nhớ Nhà; Qua Chùa Trấn Bắc và Qua Đèo Ngang, rồi đối chiếu vào lịch sử nước nhà, kẻ viết xin đưa ra những thiển kiến của mình, để lập luận về tinh thần hoài cổ của Bà như sau:
Năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà dưới danh nghĩa “Phù Lê Diệt Trịnh” và đã làm xong sứ mạng. Ngài được vua Lê Hiển Tông gả Công Chúa Ngọc Hân cho. Lúc đó dân chúng cả nước đều căm phẫn việc Chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, và khi Nguyễn Huệ diệt Chúa Trịnh xong ai nấy đều vui mừng hớn hở vì đã trừ xong mầm mống loạn thần, nhất là dân chúng Bắc Hà càng vui mừng gấp bội. Kinh thành Thăng Long lại rực đèn hoa chúc mừng đám cưới của Công Chúa Ngọc Hân sánh duyên cùng hào kiệt đất Tây Sơn là Phò Mã Nguyễn Huệ, lúc đó được tấn phong là Nguyên Súy Dực Chính Phù Vận Uy Quốc Công. Rồi vua cha Lê Hiển Tông băng hà, Nguyễn Huệ đưa Công Chúa Ngọc Hân về Nam. Vua Lê Chiêu Thống lên ngôi, nhưng triều chính rối ren, phe Chúa Trịnh lại nổi lên làm loạn, khiến Nguyễn Huệ phải đưa quân ra Bắc lần nữa mới dẹp yên.
Nhân đó vào tháng 4 năm Đinh Mùi (1787) Nguyễn Nhạc là Anh Cả của Nguyễn Huệ chia vùng đất phía Nam ra làm ba: Từ đèo Hải Vân trở ra Bắc thuộc Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Đất Gia Định thuộc về người Anh Thứ Hai của Nguyễn Huệ là Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc tự mình đóng đô ở Qui Nhơn xưng là Trung Ương Hoàng Đế (theo Tóm Tắt Niên Biểu Lịch Sử VN của hai ông Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức).
Như vậy quyền hành vua Lê bị tước bỏ, không còn lại là bao; cho nên đến cuối năm 1788 vua Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, bằng cách đưa đường cho đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Quân Thanh vô cùng tàn bạo, phá hủy hết đền đài cung điện của kinh thành và tàn sát người dân Việt Nam không chút nương tay.
Đến mùng 5 Tết Kỹ Dậu (1789), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ hành quân thần tốc, đánh tan 20 vạn quân Thanh tại Gò Đống Đa, đem lại thanh bình cho trăm họ từ Bắc vào Nam…
Khi Bà Huyện Thanh Quan ra đời tại vùng đất Hồ Tây, ngoại ô Thăng Long khoảng năm 1805 cho đến tuổi cặp kê hiểu biết ít nhiều về văn chương lịch sử, tạm cho là khoảng 1820, thì thời điểm này cách với năm “đám cưới lịch sử” của Ngọc Hân Công Chúa và năm “đại thắng quân Thanh” của Hoàng Đế Nguyễn Huệ, chỉ trên dưới 30 năm.
Ắt hẳn Bà vẫn còn nghe được phụ mẫu của mình và những bô lão là dân Thăng Long, ca tụng và truyền tụng hai sự kiện huy hoàng và trọng đại trên, bằng những tấm lòng ngưỡng phục vô cùng.
Nhất là cha của Bà, một quan lại triều thần của thời Lê mạt này, đã chính mắt nhìn thấy và cũng có thể tham dự vào ít nhất là một trong hai sự kiện đó, như tham dự vào đám cưới của Công Chúa Ngọc Hân chẳng hạn.
Rồi khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vào chiếm Thăng Long, vẫn suy tôn vua Lê và trọng dụng các cựu thần cũ của nhà vua. Vị quan nào không muốn tiếp tục phục vụ triều đình, thì cho cáo lão về hưu chứ không hề bắt tội.
Cha của Bà cũng ở trong hoàn cảnh hưởng được ân mưa móc đó, làm sao mà không ngưỡng phục cho được ? Từ đó có thể nói là ảnh hưởng không ít đến lòng ngưỡng mộ của Bà, đối với triều đại hào hùng của Đại Đế Quang Trung.
Chắc chắn rằng những ca tụng, truyền tụng và ngưỡng phục đó, không phải vì triều đình thối nát của nhà Lê trong thời gian cả trăm năm chuyên quyền của Chúa Trịnh, khiến cho đất nước qua phân vì Trịnh Nguyễn; mà vì cái chiến thắng lẫy lừng của Đại Đế Quang Trung, và trước đó, là đám cưới giữa trai anh hùng gái thuyền quyên Nguyễn Huệ, Ngọc Hân nơi hành cung tráng lệ với “hương ngự áo chầu, với ngựa xe rộn rịp uy nghi” ở ven Hồ Tây cảnh trí hữu tình… và cũng là nơi mà Bà Huyện Thanh Quan được sinh ra, nay chỉ còn là “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” mà thôi!
Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi Hoàng Đế, lại cho dời Kinh Đô về Huế, khiến cho đền đài cung điện tại Thăng Long đã hoang phế lại càng hoang phế thêm hơn!
Nhưng khi lên ngôi, Nguyễn Ánh tức vua Gia Long lại đối xử không nương tay với các cựu thần của Tây Sơn, nếu không muốn nói là vô cùng tàn ác, khiến cho lòng người ngán ngẩm mà có dịp so sánh, để ngậm ngùi thương cho triều đại của người anh hùng áo vải Quang Trung.
Thế thì tâm sự hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, không phải là hoài vọng về triều Lê, trong đó có tên vua bán nước cầu vinh Lê Chiêu Thống, mà đây là tiếc thương cho triều đại Tây Sơn ngắn ngủi với Đức Hoàng Đế Quang Trung: một minh quân kiêu dũng có một không hai trong lịch sử nước nhà.
Đến bài Qua Đèo Ngang, với hai câu “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc; Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, thì nhận thấy cái ý tưởng hoài vọng về đất nước của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rõ nét hơn.
Trước khi phân tích thêm về hai câu quốc quốc và gia gia trên, xin được mô tả về địa điểm Đèo Ngang:
Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, thuộc dãy Hoành Sơn đoạn chạy ngang ra biển Đông. Đèo dài 6 km, cao khoảng 250 m (750 ft). Phần đất phía Bắc thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh . Phần đất phía Nam là thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảnh Bình.
Đây là ranh giới cũ giữa Đại Việt (và trước đó là Đại Cồ Việt) với Chiêm Thành, từ sau khi người Việt giành được độc lập (năm 939, thời vua Ngô Quyền) và trước thời kỳ Nam tiến của người Việt (năm 1069, thời nhà Lý). Đèo Ngang cách bờ Sông Gianh chảy qua tỉnh Quảng Bình (nơi Trịnh-Nguyễn phân tranh) là 27 km.
Xin nhớ là Nguyễn Nhạc đã phân chia ranh giới từ Đèo Hải Vân (Thừa Thiên) ra Bắc thuộc về Bắc Bình Vương cai quản, mà Đèo Ngang lại nằm trong địa phận đó. Cho nên, khi Bà Huyện Thanh Quan đến Đèo Ngang, hướng mắt nhìn về phương Nam có di tích Sông Gianh phía xa xa… mà tức cảnh sinh tình “nhớ nước đau lòng”.
– Nhớ nước đau lòng đây là những cuộc chiến nồi da xáo thịt của hai nhà Trịnh-Nguyễn, phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài, gây biết bao cảnh thê lương tang tóc cho người dân lành vô tội hơn cả 100 năm!
– Nhớ nước đau lòng đây, cũng là nhớ nước do Nhà Tây Sơn cai quản nói chung, và vùng đất nước của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nói riêng, có một thời gian ngắn ngủi yên bình, nay đã mất.
Còn thương nhà, là thương cho gia cảnh của mình chăng ? Có thể lập luận về việc này khi biết là do Bà, mà Ông Huyện Thanh Quan bị mất chức.
Cũng theo Wikipedia, sự việc này là nhân lúc Ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đã đệ đơn lên trình bày rằng chồng cô đã ruồng bỏ cô để xin được ly dị, lấy chồng khác.
Vì thương cảm, Bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng phê đơn cho phép ly hôn bằng mấy câu thơ:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào,
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai ?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai,
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Hay chuyện, chồng cô Đào kiện quan trên. Quan trên ăn của đút, giáng chức Ông huyện Thanh Quan.
Nghe nói vì việc này và cũng còn vì vài nguyên do khác nữa, mà rốt cuộc Ông huyện Thanh Quan bị giáng chức! Xem ra, thì việc tiếm quyền chồng “làm thơ xử án” của Bà, đã đưa Ông huyện và cả gia đình đến những hậu quả đầy tai hại!
Đề cập đến “quốc quốc và gia gia”, thì cũng xin mạn phép trích ra đây bài viết Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ «Đèo Ngang» nguyên thủy? của ông Nguyễn Vĩnh Tráng đăng trên Diễn Đàn Việt Thức như sau:
… “Mặt khác, tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài “Le Râle d’eau”.
Trong “Le Râle d’eau” lại có bài “Đèo Ngang”, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài “Le Râle d’eau” kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe.
Biết rằng trận chiến này thế nào cũng thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.
Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân.
Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc, để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: “Quốc Quốc, La Hoa”, Quốc ở đây, còn La Hoa ở đâu ?
Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ “Đèo Ngang”.
Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩm La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp.
Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả.
Bài «Đèo Ngang» trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng.
Sau đây là bài “Đèo Ngang” theo ông Lê Văn Phát sưu tầm, và “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan:
ĐÈO NGANG
(Ô. Lê Văn Phát sưu tầm)
Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa Hoa
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.
Vô Danh
– Quốc Quốc là tên của trung thần Quốc.
– Hoa Hoa là tên của vua La Hoa.
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bà Huyện Thanh Quan
– Quốc Quốc là chim Cuốc (Đỗ Quyên).
– Gia Gia là chim Đa Đa (Gà Gô).
Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết”. (Hết trích).
Căn cứ vào câu chuyện phóng bút “làm thơ xử án” của Bà khiến cho gia cảnh suy sụp, rồi nay chính bản thân Bà, lại phải trải qua muôn dặm đường trường về kinh phó nhậm. Tuy là cũng làm quan đấy, nhưng trong lòng cả hai vợ chồng Bà chắc gì không khỏi buồn phiền.
Nay trên đường xuôi Nam, đứng trên Đèo Ngang nơi có di tích lịch sử xa xưa vinh quang cũng có, mà ô nhục cũng nhiều.
Vinh quang là nơi đây trở về Nam, trước kia là của Chiêm Thành, nay đã được tiền nhân ta mở rộng cõi bờ. Còn ô nhục là cũng chính nơi Đèo Ngang này là điểm đóng quân của Chúa Trịnh, khi xua binh đánh chiếm miền Nam của Chúa Nguyễn gây nên biết bao cảnh tương tàn!
Nếu không có đạo quân với chính nghĩa “phò Lê diệt Trịnh” của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, cũng đã từng đi ngang qua đây tiến ra giải phóng Bắc Hà, thì cảnh qua phân nồi da xáo thịt giữa Trịnh-Nguyễn còn kéo dài đến biết bao giờ mới dứt ?
Tâm trạng hoài cổ của Bà ở đây, có thể cho phép ta suy luận là “hoài Tây Sơn” chứ không phải “hoài Lê”, cho nên mới nhớ nước mà đau lòng cho vị vua anh minh thần võ Nguyễn Huệ sớm đã băng hà!
Nhưng lúc đó, trong triều vua Gia Long tàn sát cựu thần của Tây Sơn rất nhiều, và còn ảnh hưởng đến triều vua Minh Mạng này nữa, nếu cái tâm trạng “hoài Tây Sơn” này của Bà thấu tai đến triều đình, thì khó bảo toàn mạng sống.
Tại sao lại nói vậy ? Xin thưa: Bà được vua vời vào triều đình phong chức Cung Trung Giáo Tập tức là được ân sủng rất nhiều, mà ở bài thơ này lại than là “Nhớ nước đau lòng ?”.
Nhớ nước nào đây mà phải đau lòng ? trong khi đất nước dưới triều Minh Mạng mà vợ chồng bà làm quan đó, muôn dân sống trong cảnh thống nhất thanh bình.
Triều đình đương đại có thể bắt tội Bà bất trung, nếu không mượn điển tích chim Quốc đưa vào để trọn vẹn câu thơ “Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc”, tức câu thơ này ám chỉ trung thần Quốc của vua La Hoa kêu tiếng nhớ nước Chiêm Thành, chứ không phải là tâm trạng của riêng Bà.
Đến câu “Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia”, hẳn nhiên là nỗi thương gia cảnh của chính Bà đang chia biệt với chồng con. Để rồi qua hai câu kết của bài Qua Đèo Ngang, Bà hạ bút: “Dừng chân đứng lại trời, non, nước. Một mảnh tình riêng ta với ta!”.
Thật là giữa trời non nước bao la, nơi đèo cao rừng rậm quạnh hiu này, tai lại nghe chim cuốc chim đa kêu não nuột khiến Bà ôm bao mối tơ tình, mà chỉ có một mình Bà biết một mình Bà hay mà thôi!
Cũng may là chồng Bà về sau này được bổ vào chức Bát Phẩm Thi Lại Bộ Hình, và cuối cùng lên đến Viên Ngoại Lang. Người đời sau cho là do Bà vào cung dạy học nên chồng Bà nhờ đó mà được thăng quan.
Đến năm 1843, sau khi chồng mất được vài tháng, Bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc dẫn 4 con về lại Nghi Tàm cho tới lúc qua đời.
Để kết luận và bằng riêng vào tấm lòng thương nhà của Bà như đã nêu, kẻ hậu sinh này xin nương vào “năm vận” trong bài Qua Đèo Ngang, để làm bài thơ Thuận Nghịch Độc “Đèo Ngang Tâm Sự” cả gan mô tả về nỗi thương nhà của Bà trong lúc đó. Đúng hoặc sai, hay hoặc dở cũng xin Bà nhận cho, mà đừng quở trách kẻ hậu sinh này luôn hết lòng ngưỡng phục thi tài trác tuyệt của Bà:
ĐÈO NGANG TÂM SỰ
(Tưởng tượng nỗi thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan khi tới Đèo Ngang)
Đọc Xuôi:
Sương chiều nắng ngã bóng dương tà,
Vắng lạnh đèo nghiêng dốc đá hoa.
Thương nhớ nặng sầu quê cách núi,
Chứa chan hoài cảm nỗi xa nhà.
Gương rầu bóng tủi hờn son phấn,
Gối lẻ thân buồn chạnh thất gia.
Vương lệnh nhận lời vâng chỉ phán,
Chương đài lối rẽ chịu đành ta!
Đọc Ngược:
Ta đành chịu rẽ lối đài chương,
Phán chỉ vâng lời nhận lệnh vương.
Gia thất chạnh buồn thân lẻ gối,
Phấn son hờn tủi bóng rầu gương.
Nhà xa nỗi cảm hoài chan chứa,
Núi cách quê sầu nặng nhớ thương.
Hoa đá dốc nghiêng đèo lạnh vắng,
Tà dương bóng ngã nắng chiều sương!
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân