NỖI U HOÀI TRONG THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN

NỖI U HOÀI TRONG THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN

NGÔ THỊ PHƯƠNG THẢO

Bút nghiên trầm tư ưng hữu lệ

Sơn hà cử mục bất thăng sầu.

(Tiển môn đệ – Nguyễn Khuyến)

Ôi! Nguyễn Khuyến ! Ngài lại khóc đấy ư ?

Hình như quá khứ xa xăm đang hiện về…

Cũng có những giọt lệ… không rơi… mà lại lặng lẽ thấm đẫm cả nỗi lòng … để rồi mãi mãi một nỗi buồn man mác, một nỗi u hoài mênh mang lắng đọng ngàn năm…

Bà Huyện Thanh Quan…

Lắng nghe tiếng thơ hay tiếng thở dài thoang thoảng đâu đây ? Lắng nghe tiếng thơ hay tiếng lòng của thi nhân đang từ xa vọng lại:

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,

Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.

(Thăng Long thành hoài cổ – BHTQ)

Có một chút gì mênh mang xa vắng khẽ chiếm lấy hồn ta rồi bỗng chốc đưa ta lạc vào một thế giới rộng lớn và bắt gặp thi nhân trong nỗi cô đơn dàn trải. Bà đứng đấy, một mình mà hỏi trời xanh, mà chất vấn “tạo hoá” sao lại nỡ đặt nên quy luật khắc nghiệt của cuộc sống? Sao lại nỡ để nỗi đau giằng xé lòng người ? … Chẳng một tiếng trả lời… Câu hỏi như ném thẳng vào hoang trống, xé toạc bóng chiều buồn rười rượi; hất tung cả lớp bụi thời gian vô tình phủ mờ, chôn vùi quá khứ tươi đẹp và cả những biến động tang thương. Nhưng hình như thời gian đã trở nên bất lực chính vết thương lòng của nhà thơ. Vết thương ấy đã được gây nên rất âm thầm, rất nhẹ nhàng. Vậy mà đau đớn của nó ngàn đời sau vẫn còn âm ỉ cháy, không thể xoá nhoà, và rồi vết  thương lại quặn thắt nỗi đau đời chính vào thời điểm chênh vênh, khắc khoải nhất trong ngày: chiều. Vâng ! Chiều trong thi ca đã trở thành một không gian muôn thuở chất chứa bao nỗi niềm. Đó là nỗi nghẹn ngào, không nói nên lời của cuộc chia ly:

Bóng chiều không thắm không vàng vọt 

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

(Tống biệt hành – Thâm Tâm)

Đó là nỗi nhớ nhung mãnh liệt về quá khứ vàng son:

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt.

(Nhớ rừng – Thế Lữ)

Và ở đây, Bà Huyện Thanh Quan đã hóa thân thành người lữ thứ mà để mặc cho chiều tà rơi vào lòng mình nỗi mênh mông xa vắng:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.

(Chiều hôm nhớ nhà)

Chỉ vài đường nét phác họa giản dị đã tạo nên một bức tranh hoàng hôn tím sẫm. Một cảnh chiều buồn bã, một nỗi lạnh lùng hiu hắt bao trùm. Những tia nắng bảng lảng, yếu ớt còn sót lại đang lờ mờ lụi tắt. Bóng hoàng hôn hay chỉ là ánh hồi quang của ngày, một dư âm mờ nhạt bao trùm cả không gian, thời gian, khiến nỗi buồn trong thơ bỗng trổ nên quạnh quẽ hơn, hiu hắt hơn. Hình như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, người đọc luôn bắt gặp ẩn hiện, phảng phất chiếc bóng mờ nhạt, một “bóng xế tà” của Qua Đèo Ngang, Một “bóng tịch dương” của Thăng Long thành hoài cổ, một “bóng ác tà” của Trời hôm nhớ nhà và giờ đây là “bóng hoàng hôn” của Chiều hôm nhớ nhà thật sâu sắc. Không chỉ cảnh sắc mà âm thanh cũng nhạt nhòa vô định. Trong khoảng trời hiu quạnh, âm thanh xa xôi, văng vẳng như vọng về từ chốn hư vô: “tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn”. Ngày sắp tàn, Cảnh vật gieo vào lòng nữ sĩ cái cảm giác mênh mông rộng lớn rồi lặng lẽ dâng trào thành một nỗi u hoài mênh mang. Có lẽ chiếc bóng đó chính là hiện thực, là cuộc đời qua ánh mắt của thi nhân đã trở nên nhạt nhoà hư ảo. Hay chính là hình bóng của quá khứ xa xăm mà nỗi lòng hoài cổ của thi nhân vẫn mãi đi tìm? Và hình như trong cuộc đời hư ảo đó, trong bóng nhạt nhoà của quá khứ, nữ sĩ đã tìm thấy chính mình. Nỗi hoài cổ, buồn thương không còn âm ỉ nữa mà đã bùng cháy lên sự khao khát, đã vỡ oà ra thành niềm đau đớn khôn nguôi:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

(Qua Đèo Ngang)

“Quốc quốc”, “gia gia” tiếng âm vang xa xôi từ đâu vọng lại? Từ cánh chim vừa thoảng qua hay từ tận sâu thẳm của trái tim bà đang thổn thức? Âm thanh khắc khoải hình như làm rung động cả nơi xa nhất, sâu nhất tưởng chừng đã bị chôn vùi trong cát bụi thời gian, khơi gợi trong thi nhân nhớ nhung da diết. Bà chẳng phải đứng trên đất nước mình đó ư ? Bà chẳng phải đang đắm mình trong hình bóng quê hương đấy ư ? Sao nỡ thốt lên “nhớ nước”, “thương nhà” nghe mà đau đớn quá ! Người đọc thoáng bất ngờ, thoáng bỡ ngỡ nhưng đã chợt nhận ra cái không gian nghệ thuật ấy: Đèo Ngang hay một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển. Đèo Ngang hay chính là nơi đánh dấu ranh giới giữa hai miền: Đàng trong và Đàng ngoài trong cuộc chiến kéo dài ngót hai thế kỷ của hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn. Miền đất phía trước kia sao mà xa xôi, cách trở, lạ lẫm quá. Nỗi nhớ nước, nhớ nhà kia chính là nỗi nhớ mảnh đất thân thương, nơi thi nhân được sinh ra và nuôi dưỡng hay là nỗi hoài nhớ về thời đại nhà Lê đã đi qua? Bà đang đi từ kinh đô của quá khứ đến với kinh đô hiện tại mà nghe trong mỗi bước chân là cả một tâm sự nỗi niềm:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

(Thăng Long thành hoài cổ)

Lối xưa này đã không còn mà trước mắt chỉ là con đường dài hun hút, xa xăm. Thành quách xưa hoang tàn đổ nát, những nền nếp cũ cũng bị phủ mờ bởi bóng hoàng hôn. Thi nhân trở nên trơ vơ, lạc loài, chấp chới giữa mờ ảo của quá khứ và thực tại đan xen như  Chế Lan Viên đã từng viết:

Rồi cả một thời xưa tan tác đổ

Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu

Thời gian chảy đá mòn sông núi lở

Lòng ta còn mang mãi vết thương đau.

Cảnh vật huy hoàng ngày xưa sao tiêu điều xơ xác quá! Quy luật nghiệt ngã của cuộc đời khắc nghiệt, dẫu biết thế mà nỗi đau vẫn cứ gặm nhấm tâm hồn người lữ thứ, vẫn để lại tiếng lòng xót xa trong trái tim thổn thức kia. Không là Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Hoàng hạc lâu)

Thôi Hiệu xa quê, nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê. Còn nỗi đau của bà là đứng trên quê hương mình mà lẻ loi đơn độc. Hình như, ta lại bắt gặp nét tương đồng giữa Bà Huyện Thanh Quan và cụ Tam Nguyên Yên Đổ:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

(Thu vịnh)

Đó phải chăng là bi kịch của đời người! Thi nhân khao khát cuộc sống quê nhà, khao khát hơi ấm nồng đượm của quê hương trong buổi hoàng hôn lạnh lẽo, để rồi nhà thơ giật mình nghĩ đến con đường trước mặt:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

 Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

(Chiều hôm nhớ nhà)

Vẫn nét quý phái trong nét bút người phụ nữ tài hoa Thăng Long, trong quy tắc đối xứng nghiêm ngắt của thơ Đường luật, cảnh vật không còn gói gọn trong “cô thôn” hay “viễn phố”, mà mở rộng ra ngàn dặm xung quanh. Gió không còn nhẹ thoảng của hiu hiu chiều mà trở thành từng cơn cuộn dưới chân. Sương không còn lãng phất đâu đây trên ngàn cây nội cỏ mà đầm đầm rơi, nặng hạt trên lối mòn, thấm vai người lữ thứ. Tất cả như đuổi theo một cánh chim bay gấp về tổ xa mịt mờ. Hình ảnh cánh chim bay khơi gợi sự mênh mông , rộng lớn của bầu trời. Nhưng ở đây “Chim bay mỏi” hay chính là sự thấm mệt rã rời của một tâm hồn tìm về tổ ấm đã cuốn theo bước chân người lữ khách vội vã bước dồn vì hình như thời gian đang gấp gáp đuổi theo sau. Con đường thi nhân sao hiu hắt, dịu vợi quá và bầu trời quê hương sao xa xăm quá để nỗi buồn chất chồng trên từng câu chữ. Vâng, mỗi tiếng thơ là mỗi tiếng lòng được chắt chiu trên từng câu chữ những cảm xúc chân thành sâu lắng của thi nhân để người đọc tìm thấy tâm tình sâu lắng. Nữ sĩ đã cảm nhận sự lẻ loi đơn độc trước trời chiều. Chẳng còn ai, chỉ còn con người đối diện với thiên nhiên:

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Qua Đèo Ngang)

Câu thơ bật lên với nhịp điệu sáng tạo độc đáo 2/2/1/1/1, chừng như  không phải là đè nén câu chữ mà ngôn ngữ cứ tự nhiên bật ra từ tiếng lòng thổn thức của nhà thơ. Bà đang lặng ngắm cảnh đất trời bao la, núi non hùng vĩ,sông nước mênh mông chảy về nơi vô tận của một Đèo Ngang ngút ngàn và thiên nhiên càng rộng lớn bao nhiêu thì tâm trạng con người càng lẻ loi đơn độc bấy nhiêu, một sự tương phản giữa hữu hạn đời người và sự vô cùng tận của đất trời. Bà như chạy trốn nỗi cô đơn để câu kết của bài thơ là sự an ủi chính mình trong lời độc thoại: “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Đọc những câu thơ bất giác người đọc liên tưởng đến Trần Tử Ngang, nhà thơ thời Đường cũng đã viết:

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi thế hạ.

(Đăng U Châu đài ca)

Phía trước không thấy người xưa, phía sau không thấy người nay, nghĩ đất trời mà lòng buồn rười rượi, một mình ta rơi lệ. Nỗi buồn người xưa, nỗi buồn người nay, nỗi buồn người sau có khác nhau chăng nhỉ ? Có lẽ nữ sĩ đang cố nhặt nhạnh từng mảnh vỡ của nỗi buồn để làm hành trang cho bước hành trình của cuộc đời. Chỉ những mảnh vỡ đó thôi mà sau dằn xé day dứt tâm can của bà suốt cuộc đời. Không còn ai, không có ai, chỉ mình bà trơ trọi:

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,

Biết ai mà kể nỗi hàn ôn.

(Chiều hôm nhớ nhà)

Nỗi buồn thời thế cứ đọng mãi nỗi u hoài không thể xoá nhoà trong trái tim người nữ sĩ đa sầu đa cảm trong nét bút tài hoa…

Ôi ! Bà Huyện Thanh Quan… Tiếng thơ âm vang, lắng đọng nỗi u hoài thời thế mà vẫn thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, quê hương . Một nhà phê bình đã nhận xét: “Trong sáng và tài hoa, giàu âm lượng trữ tình, bút lực của Bà Huyện Thanh Quan vẫn giữ mãi cho tác phẩm mảnh mai một sắc hương lạ, quý”.

Thời gian kia chẳng bao giờ đứng lại, quy luật băng hoại kia dù khắc nghiệt bao nhiêu… Tiếng lòng của Bà Huyện Thanh Quan, nỗi u hoài vẫn vương vấn mãi trong lòng người đọc.

Hình như quá khứ xa xăm lại hiện về…

Lắng nghe:

“Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.

Rate this post