Những chuyện chưa kể về Tây du ký: Ngô Thừa Ân viết riêng lai lịch của Đường Tăng
Ngược lại, bí ẩn xung quanh nó càng tăng lên. Nếu gạt bỏ hồi thứ 9 khỏi tổng thể câu chuyện, thì lai lịch Đường Tăng một lần nữa bị khuyết.
Lai lịch Đường Tăng bị khuyết nghĩa là 4 nạn đầu tiên trong số 81 nạn của thầy trò Đường Tăng cũng không có. Câu chuyện Tây du trở nên không toàn vẹn. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Tây du ký có hồi truyện nào kể xuất thân của Đường Tăng hay không?
Nguồn gốc chuyện kể về Đường Tăng
Tây du ký thường được cho là lấy cảm hứng từ hành trình thỉnh kinh có thật của nhà sư Huyền Trang thời Đường. Nhưng lai lịch của Đường Tam Tạng tiểu thuyết và Huyền Trang lịch sử hoàn toàn không giống nhau. Bốn nạn đầu tiên trong tiểu thuyết Tây du ký xuất hiện lần đầu trong tạp kịch của Dương Cảnh Hiền thời nhà Nguyên. Tạp kịch gồm 6 bổn, mỗi bổn 4 tiết. Lai lịch Đường Tăng nằm trong bổn đầu tiên. Bốn tiết của bổn ấy tương ứng với 4 nạn đầu trong danh sách.
Chuyện kể rằng Ngã Phật Như Lai muốn truyền Đại tạng kim kinh sang Đông Thổ, nên đã chọn Tì Lư Già tôn giả thác sinh làm con của Trần Quang Nhị ở huyện Hoằng Nông thuộc Hải Châu, để sau này sang Tây Thiên lấy kinh. Trần Quang Nhị lấy vợ họ Ân – con gái của đại tướng Ân Khai Sơn, thi một lần đã đỗ, được cử làm Tri phủ Hồng Châu. Lúc lên đường nhậm chức thì phu nhân có mang 8 tháng. Giữa đường Trần Quang Nhị bị Lưu Hồng đẩy xuống nước, rồi Lưu Hồng bắt ép Ân phu nhân phải theo mình đi Hồng Châu, giả làm Trần Quang Nhị để nhậm chức. Long vương từng được Trần Quang Nhị cứu, lại nhận được pháp chỉ của Quan Âm nên đã cứu Trần Quang Nhị, cho ở thủy phủ. Ân phu nhân sinh con vào ngày 15 tháng 10 năm Trinh Quán thứ ba. Lưu Hồng ép phải bỏ đứa trẻ xuống sông. Vì thế Ân phu nhân viết một lá huyết thư, giắt cây trâm vàng, thả đứa trẻ trôi theo dòng nước. Lúc đó vì chưa có tên nên trong huyết thư tạm gọi là Giang Lưu. Đứa trẻ được Đan Hà thiền sư ở chùa Kim Sơn nhận nuôi. Đến khi 18 tuổi, Đan Hà mới cho Giang Lưu biết ngọn ngành. Giang Lưu đi tìm mẹ, rồi tới chỗ ông ngoại báo tin, dẫn quân tới bắt Lưu Hồng. Long vương trả Trần Quang Nhị, cả nhà đoàn viên.
Có thể thấy bài thơ ở hồi thứ 12 của Tây du ký, hồi thứ 9 giả mạo và phần tăng bổ lai lịch Đường Tăng của Chu Đỉnh Thần đều nương theo cấu trúc truyện của Dương Cảnh Hiền, dù có khác nhau ở vài chi tiết. Bốn tiết kịch của Dương Cảnh Hiền gồm: Nhậm chức gặp cướp, Ép mẹ bỏ con, Giang Lưu nhận thân, Bắt giặc rửa thù; có thể xem là tương ứng với 4 nạn đầu. Có khác chăng là ở chỗ kiếp nạn đầu là của Trần Quang Nhị, không phải “Kim Thiền bị đuổi”. Trong tạp kịch, Tì Lư Già tôn giả được chọn mà không có lý do rõ ràng.
Ngô Thừa Ân có kể riêng lai lịch Đường Tăng không ?
Về vấn đề này, ý kiến của các nhà nghiên cứu không thống nhất nhau. Có quan điểm cho rằng Tây du ký vốn không có hồi truyện nói riêng về lai lịch của Đường Tăng. Xét dung lượng các quyển trong bản rút gọn của Chu Đỉnh Thần thì mỗi quyển tương ứng với khoảng 2 – 3 hồi truyện trong tiểu thuyết Tây du ký. Lai lịch Đường Tam Tạng ở bản họ Chu được kể trong một quyển, đáng ra phải chiếm đến 2 – 3 hồi. Khả năng nguyên tác tiểu thuyết bị mất đến 2 – 3 hồi rồi được tổ chức lại là rất khó xảy ra.
Quan điểm thứ hai cho rằng trong nguyên tác Tây du ký vốn có nói về lai lịch Đường Tăng, nhưng từ bản cổ nhất hiện tồn là bản Thế Đức đường trở về sau đã bị thất lạc phần truyện ấy. Tây du ký dùng 7 hồi đầu mô tả lai lịch của Tôn Ngộ Không, đến hồi thứ 8 khi Quan Âm Bồ Tát đi sang Đông Thổ, trên đường đi cũng lần lượt gặp Sa Tăng, Bát Giới và Ngộ Không.
Sa Tăng và Bát Giới đều lần lượt kể rõ lai lịch của mình. Không lý nào riêng Đường Tam Tạng lại không có đoạn truyện nào kể rõ, mà chỉ được tóm lược trong một bài thơ. Lý do thứ hai nằm ở trong danh sách 81 kiếp nạn đã nói ở phần trước. Lai lịch của Đường Tăng chính là 4 nạn đầu tiên trong số 81 nạn. Không lý nào lại bỏ 4 nạn đầu mà chỉ kể 77 nạn sau. Nhà nghiên cứu Lý Thời Nhân nói rằng “cố sự về việc Đường Tăng ra đời đối với việc phản ánh trọn vẹn tư tưởng và tính cách của Đường Tăng mà nói là không thể thiếu được”.
Từ đó có quan điểm cho rằng phần tăng bổ của Chu Đỉnh Thần trên thực tế là phần bị mất của Tây du ký. Nhưng điều này không thuyết phục, vì lai lịch Đường Tăng trong đó thực tế chỉ có 3 nạn chứ không phải 4 nạn. Nạn thứ hai “đầy tháng quăng sông” đã bị viết thành Nam Cực Tinh Quân hóa thành hòa thượng chùa Kim Sơn, tới gặp Ân tiểu thư và nhận lấy đứa trẻ, đưa tới chùa Kim Sơn. Làm gì có chuyện quăng sông!
Dù nói thế nào đi nữa, lai lịch Đường Tăng là phần truyện hết sức quan trọng, vì sao cuối cùng lại không thấy có?
(còn tiếp)