Những câu chuyện đáng quý về nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn Phong Sắc
Đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong ngôi nhà nhỏ trên phố Bạch Mai (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi được gặp cháu ruột của đồng chí là ông Nguyễn Hùng Sơn. Những lời chia sẻ mộc mạc của ông Sơn cùng sự ấm cúng của ngôi nhà dường như xua tan cái giá rét căm căm của Hà Nội trong buổi chiều đầu năm. Qua câu chuyện, chúng tôi hiểu hơn về những ảnh hưởng của truyền thống gia đình tới tư tưởng yêu nước và cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc – một trong những thành viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản Bắc Kỳ và một trong những Ủy viên BCH T.Ư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Con dâu và cháu ruột của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (ông Nguyễn Hùng Sơn) trong ngôi nhà nhỏ đã trăm năm tuổi trên phố Bạch Mai (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)
Tiền đề hun đúc tình yêu nước lớn lao
Ông Nguyễn Hùng Sơn kể: “Liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc – ông nội của chúng tôi – tên thật là Nguyễn Đình Sắc, khi tham gia phong trào yêu nước và hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Phong Sắc và lấy bí danh là Thanh, Thịnh. Ông sinh ngày 1/2/1902 tại làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền) trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Phúc và mẹ là cụ Thành Thị Tửu, làm nghề thủ công hàng mã. Cụ Nguyễn Đình Phúc là con trưởng dòng họ Nguyễn Đình, học cao, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Pháp, chữ Quốc ngữ. Khoảng năm 1907, cụ tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thường giao du với các nhân vật chủ chốt của phong trào, bị thực dân Pháp theo dõi, khám xét nhà cửa, bắt giam và kết án 10 năm tù. Ra tù, sức yếu, cụ chuyên tâm truyền dạy con trai Nguyễn Đình Sắc và cậu bé hàng xóm Nguyễn Hoàng Tôn, sau này trở thành một thanh niên yêu nước, tham gia hoạt động cách mạng”.
Theo lời kể của người cháu ruột, chúng tôi được biết làng Bạch Mai thuở ấy vốn thuộc vùng đất cổ ven đô, có nhiều đình chùa mà ngày nay vẫn được người dân sở tại chăm nom, phụng thờ. Dân làng chủ yếu là lao động nghèo vất vả, cần cù mưu sinh từng ngày bằng các nghề thủ công như làm bún, làm đậu phụ, bánh đa, giò chả, kéo xe tay… cùng hoàn cảnh nên gần gũi giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều sĩ phu yêu nước, nhà hoạt động cách mạng đã đến ở Bạch Mai và gây dựng cơ sở. Khi còn nhỏ, ông Nguyễn Đình Sắc được cha chăm sóc giáo dục, cho học ông giáo Ròn (ông Sắc gọi bằng cậu ruột). Ông giáo Ròn cũng là người có tinh thần yêu nước theo chí hướng Đông Kinh nghĩa thục.
Sau thời gian được ông giáo kèm cặp, ông Sắc được gia đình cho vào học tại trường Công Ích (trường tư thục trong ngõ chùa Liên Phái, nay thuộc phố Bạch Mai), học địa lý, lịch sử, văn học, toán và tiếng Pháp. Cũng thời gian này, chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, khi đó, nước ta là thuộc địa của Pháp nên chịu ảnh hưởng rất lớn. Tình hình đất nước, xã hội thường được cụ Phúc và bạn bè thảo luận tại nhà, khiến ông Sắc sớm có những suy nghĩ và cảm nhận về thời thế, tình cảnh đất nước, con người Việt Nam, chính là tiền đề hun đúc trong ông tình yêu quê hương đất nước và xót thương người lao động bị áp bức bóc lột.
Ông Nguyễn Hùng Sơn tự hào chia sẻ về những thành tích trong công tác và học tập của các thành viên trong đại gia đình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc ở một vùng ngoại ô Hà Nội thời thuộc Pháp, học trường làng, rồi trường Bưởi, đỗ đầu kỳ thi Thành chung của ngôi trường nổi tiếng Đông Dương, đồng chí Nguyễn Phong Sắc giỏi tiếng Pháp, tính toán thông minh, am hiểu văn học và lịch sử nước nhà. Là một trí thức trẻ mới 22-23 tuổi đã có nghề nghiệp ổn định lương cao, sớm có vợ con, cuộc sống đầy đủ, ông vẫn quyết từ bỏ vinh hoa phú quý để đi làm cách mạng giải phóng dân tộc. Truyền thống gia đình cùng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trước những oan trái bất công trong xã hội thuộc địa đã giúp ông sớm có tư tưởng, hành động theo tinh thần cách mạng vô sản. Khi hoạt động ở Trung Kỳ, ông gắn bó mật thiết với công nhân, nông dân, đoàn kết với cán bộ và Nhân dân, làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo. Khả năng hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân, nông dân và năng lực lãnh đạo tài tình, tư duy tổng kết thực tiễn và lý luận sắc bén thông qua viết sách báo, cùng sự ủng hộ của quần chúng Nhân dân đã giúp ông vững vàng lãnh đạo cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh từ khi nổ ra cho đến khi bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.
Theo tư liệu lịch sử và lời kể của gia đình, năm 1931 bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò rồi tại Sở mật thám Vinh (Nghệ An), bị hỏi cung và tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần, ông vẫn quyết giữ vững phẩm chất khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Những tên mật thám khét tiếng gian ác không thể hiểu tại sao một thanh niên mảnh khảnh, dáng thông minh nho nhã, đã từng là viên chức cao cấp của Sở Tài chính Đông Dương lại có thể chịu đựng được những trận đòn tra khảo khủng khiếp nhất mà vẫn bảo toàn chí khí người cộng sản. Ngày 25/5/1931, thực dân Pháp bí mật đưa Nguyễn Phong Sắc đến đồn Song Lộc thuộc Cửa Hội (Nghệ An) và bắn ông tại đó.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo TP chụp ảnh lưu niệm cùng đại gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc dịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Nối dài truyền thống vẻ vang của gia đình
Để ghi nhớ công lao to lớn, tấm gương cao cả phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, cuối năm 2003, Ban Bí thư T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo Ban Tổ chức T.Ư, Ban Tài chính quản trị T.Ư và Tỉnh ủy Nghệ An cho xây dựng khu mộ Liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc tại xóm Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 5/2005, khu mộ được khánh thành và giao Huyện ủy Nghi Lộc, Đảng ủy xã Phúc Thọ trực tiếp quản lý. Tại khu mộ này, Ban Tổ chức T.Ư cho dựng tấm bia đá có gắn ảnh Liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc.
Qua tư liệu được biết, đồng chí Nguyễn Phong Sắc có vợ là bà Trịnh Thị Cán (cưới năm 1924) và bà Hoàng Thị Ái (lấy nhau trong thời gian hoạt động cách mạng). Sau hòa bình lập lại, bà Hoàng Thị Ái là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mất năm 2004. Ông Sắc và bà Cán có 2 con trai là Nguyễn Đình Dung và Nguyễn Đình Vinh (tức Nguyễn Phong Vinh). Trong đó, bác Nguyễn Đình Dung tham gia Vệ quốc đoàn năm 1945, chiến đấu quyết tử trong Trung đoàn Thủ đô, hy sinh năm 1947; bác Nguyễn Phong Vinh – nguyên Vụ phó Ban Tổ chức T.Ư, mất năm 2005. Ông Sắc và bà Ái có 1 con gái, năm 1931 bà gửi con tại một gia đình cơ sở ở Vinh để đi hoạt động cách mạng nhưng không may gia đình bị trận bom Pháp đàn áp ở Bến Thủy – Nghệ An và mất hết.
Ông Nguyễn Hùng Sơn giới thiệu bức ảnh đại gia đình với hơn 20 thành viên, trong đó 9 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Hiện nay, ngôi nhà nhỏ đã trăm tuổi trên phố Bạch Mai vẫn được người con dâu của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (vợ người con thứ hai Nguyễn Đình Vinh) và cháu ruột là ông Nguyễn Hùng Sơn đang ở, hằng ngày trông nom, thờ cúng. Phát huy truyền thống gia đình và noi theo tấm gương cao cả của cụ, ông, cha mình, ngày nay các con, cháu, chắt trong một đại gia đình có hơn 20 người đều không ngừng phấn đấu trong công tác và học tập, đều thành đạt trong cuộc sống, tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp tích cực cho địa phương, trong đó 9 người đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Gia đình nhiều năm liền được tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; nhiều người từng được tặng thưởng Huân chương Lao động.