Nguyễn Phong Sắc – Một nhà lãnh đạo tài ba, nhà báo cách mạng tiên phong trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. – Bảo tàng xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một nhà lý luận chính trị hùng biện, một cây bút sắc sảo và rất có tài trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Sở trường đó đã được thể hiện qua sự tín nhiệm của Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, họp ngày 28-3-1929 tại tỉnh Sơn Tây, đã phân công đồng chí Nguyễn Phong Sắc phụ trách công tác tuyên truyền. Nhiệm vụ của anh là phải vận động, truyền bá ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sâu rộng trong các tầng lớp Công – Nông, nhằm xúc tiến việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau cuộc họp ngày 21-7-1929 của Ban chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự, xã Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hội nghị đã quyết định phân công hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách phong trào cách mạng ở Trung Kỳ.
Vinh – Bến Thủy trong những năm đầu thế kỷ XX đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của phía Bắc Trung kỳ, có đường giao thông thuỷ, bộ thuận lợi, là cửa ngõ của nước Lào nên thực dân Pháp đặc biệt chú ý trong vấn đề đầu tư xây dựng, phục vụ cho công cuộc “khai thác thuộc địa” của chúng ở các nước Đông Dương. Dựa vào một khu vực có nhiều thuận lợi cho việc tuyên truyền cách mạng. Vinh – Bến Thủy được Nguyễn Phong Sắc coi là mảnh đất đạt được cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đồng chí đã chọn Vinh – Bến Thủy làm điểm mở đầu cho các cuộc vận động, giác ngộ cách mạng cho quần chúng Công – Nông, thợ thuyền và dân cày. Từ địa điểm Vinh – Bến Thủy, dần dần Nguyễn Phong Sắc mở rộng địa bàn hoạt động, tuyên truyền ra các vùng lân cận như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Anh Sơn, Hà Tĩnh…Đó là tiền đề mở đầu cho một phong trào cách mạng long trời chuyển đất sau này, với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, Nguyễn Phong Sắc thấm nhuần những chỉ dẫn của V.I. Lênin và Nguyễn Ái Quốc về vai trò của báo chí cách mạng. Báo chí là thứ vũ khí đấu tranh sắc bén và có hiệu quả vì: “Tờ báo không những là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”.
Là một trí thức yêu nước nồng nàn, khước từ mọi điều kiện của cuộc sống đầy đủ vật chất, tự nguyện đứng vào đội ngũ của những người cộng sản. Giữa người lãnh đạo Cách mạng và nhà báo cách mạng ở Nguyễn Phong Sắc được hoà quyện làm một. Vì mục tiêu nâng cao nhận thức giác ngộ quần chúng, hướng công nông đi vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Nguyễn Phong Sắc đã viết báo. Ngược lại qua các bài báo anh viết đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên quần chúng đi theo Đảng. Báo Nguyễn Phong Sắc viết như một ngọn gió mới thổi vào làm nức lòng quần chúng nhân dân, động viên, chỉ dẫn, khích lệ họ tự tin vào sức mạnh đoàn kết dân tộc. Ngược lại với lòng kính yêu tin tưởng, làm theo của tầng lớp Công – Nông Nghệ Tĩnh, thì kẻ thù lại tìm mọi cách bưng bít, che giấu sự thật vì chúng thấy rõ các bài báo do đồng chí viết, in ấn để tuyên truyền là cực kỳ nguy hiểm cho chính sách cai trị của chúng.
Những năm tháng cuối năm 1929, phong trào cách mạng của quần chúng do các tổ chức tiền thân của Đảng như Tân Việt, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh mẽ ở Vinh – Bến Thủy cũng như ở các huyện trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12. Vào thời điểm đó (27-10-1929) đồng chí Nguyễn Phong Sắc được tiếp thu chỉ thị của Quốc tế cộng sản, về việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng trong đó nhấn mạnh nội dung: “Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương phải lập tức xuất bản báo chí của mình để tuyên truyền và giải thích đường lối cách mạng của mình và của Quốc tế Cộng sản”.
Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Phong Sắc đã đi xuống các vùng Vinh, Bến Thủy, các huyện Nghị Lộc, Diễn Châu để tuyên truyền, vận động học sinh trong trường Quốc học Vinh, công nhân trong các nhà máy, thợ thuyền và dân cày, đứng lên đấu tranh ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga. Bằng tình cảm chân thành, cùng với cuộc sống giản dị, gần gũi với mọi người của một thanh niên đi “vô sản hóa”. Anh Thịnh (tên gọi Nguyễn Phong Sắc) đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho công nhân và bà con xóm thợ vùng Vinh – Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận ở ngoại thành Vinh.
Để thuận tiện cho việc đi lại, che mắt bọn mật thám rình mò, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã phải cải trang, sắm nhiều vai diễn cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Khi làm việc trong các nhà máy, trông anh Thịnh, cán bộ thượng cấp của Đảng, giống hệt như một người thợ, trong bộ quần áo bà ba nâu đã sờn. Khi đi trên đường phố anh đóng vai cu li kéo xe, chân đất, đầu đội mũ bê rê đã cũ. Trên chiếc xe tay của đồng chí Nguyễn Phong Sắc kéo, có khi là khách thuê nhưng cũng có khi là các đồng chí của mình cải trang để hội ý, trao đổi công việc của Đảng. Đã nhiều lần, Nguyễn Phong Sắc đóng vai thầy đồ đi tìm trường dạy học với bộ quần áo lụa Tây màu trắng chít khăn đóng, che ô đen, đeo kính râm. Với cuộc đời từng trải, có khi Nguyễn Phong Sắc lại sắm vai giống hệt một thầy lang đi bốc thuốc chữa bệnh, hoặc thầy địa lý xem mồ mả, hướng đất làm nhà, hay thầy bói. Anh đã đi nhiều nơi, để tuyên truyền, vận động quần chúng, tuyển chọn cán bộ, xây dựng đội ngũ cốt cán cho Đảng ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nguyễn Phong Sắc làm việc tận tụy, không biết mệt mỏi, như con thoi, sáng đang ở phố, nhưng buổi chiều anh đã có mặt ở các vùng nông thôn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Nguyễn Phong Sắc đã tuyển chọn được những hạt giống đỏ cho Đảng. Đó là các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Lê Xuân Đào, Phan Thái Ất, Hoàng Trần Thâm, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm, Hoàng Lạc, Nguyễn Châu, Mai Kính, Hồ Hảo, Trần Cảnh Bình, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Phúc…Trong số họ nhiều cán bộ có năng lực về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, viết báo, truyền dơn, khẩu hiệu kịp thời tuyên truyền sâu, rộng các chủ trương chính sách của Đảng trong quần chúng để: “Thức tỉnh họ đứng lên làm cách mạng, ủng hộ Đảng, đi theo Đảng và gia nhập Đảng” (Theo lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngày 18-12-1930). Nguyễn Phong Sắc đã đào tạo nên những cây viết trung thành, sắc sảo, phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là đồng chí: Nguyễn Tiềm, Hoàng Văn Tâm, Chu Văn Biên, Lê Lộc, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhã, Tôn Thị Quế, Nguyễn Huy Lung, Hồ Hảo, Phan Thái Ất, Đặng Chánh Kỷ…
Năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cùng các đồng chí Trần Văn Cung và Võ Mai lập ra Xứ bộ Trung kỳ. Xứ uỷ Trung kỳ đã thành lập các ban lãnh đạo. Trong điều kiện lúc bấy giờ, đời sống nhân dân còn khổ cực, dân trí còn thấp, nên việc tuyên truyền, vận động giải thích cho quần chúng hiểu rõ con đường cách mạng mà lãnh đạo Nguyễn Ái Quốc đang đi là rát quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Cán bộ phụ trách tuyên truyền phải là người trong Ban Thường vụ, đứng sau chức vụ Bí thư và Phó Bí thư. Cơ quan ấn loát của Đảng cũng được ra đời để in Báo Đảng tuyên truyền và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ uỷ Trung kỳ, đồng thời cũng là người trực tiếp chỉ đạo các tờ báo và kiêm luôn công tác biên tập, viết bài cho các tờ báo Xứ uỷ Trung kỳ đến các Tỉnh bộ Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tháng 7 – 1929 tờ báo “Bôn sê vích” được ra đời, cơ quan ấn loát của Xứ uỷ Trung kỳ thời gian đầu đặt ở làng Vang, thành phố Vinh, sau đó bị địch lùng sục nên đã chuyển đến nhiều địa điểm như làng Vạn Phần (Diễn Châu); Yên Lưu; Yên Dũng; Lộc Đa; Đức Thịnh… Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sử dụng tờ báo “Bôn Sê Vích”. Không chỉ với nhiệm vụ tuyên truyền mà còn trở thành người tổ chứcc tập thể. Báo “Bôn Sê Vích” đã in Tuyên ngôn Đông Dương Cộng sản Đảng cùng những chủ trương, sách lược, hướng dẫn quần chúng, tập hợp chính trị. Nhờ đó tờ báo hướng dẫn, đưa đường và nhiều cơ sở của Hội TNCMĐCH và Tân Việt cách mạng Đảng đã chuyển biến thành Chi bộ Cộng sản như: Chi bộ Dương Xuân (Anh Sơn); Chi bộ Chi Lễ (Khai Sơn); Chi bộ Tổng Đặng Sơn (Đô Lương); Chi bô Vạn Phần (Diễn Châu); Chi bộ Yên Dũng, Lộc Đa (Thành phố Vinh)…
Sau khi tờ báo “Bôn Sê Vích” đi vào hoạt động đều có hiệu quả cao, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lại cho ra mắt tờ báo “Công hội” vào tháng 8 – 1929 nhằm tuyên truyền cho việc thành lập “Công hội đỏ” ở Nghệ An và định hướng cho những hoạt động của tầng lớp công nhân, từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Để họ làm chủ vận mệnh chính mình, đấu tranh đưa yêu sách, đòi mọi quyền lợi hợp pháp cho giai cấp công nhân, thợ thuyền. Công hội Đỏ đã tích cực ủng hộ các cuộc đấu tranh của phe Hộ chống lại phe Hào ở các vùng nông thôn nhằm thêm bạn bớt thù, vận động trong hàng ngũ binh lính của địch, không đàn áp các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tháng 10 – 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lại cho ra tờ báo “Công nông binh”. Tờ báo đã vạch lối, đưa đường cho sự đoàn kết giữa các tầng lớp bị đàn áp, bóc lột trong xã hội cùng đứng lên chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Tờ báo “Công nông binh” là sự chuẩn bị, là đêm trước cho sự liên minh của các lực lượng cách mạng Công – Nông – Binh trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và các giai đoạn cách mạng sau này.
Xuất phát từ một học sinh, trí thức yêu nước, theo cách mạng, Nguyễn Phong Sắc rất hiểu tâm tư, tình cảm của đại bộ phận học sinh trong các trường Quốc học Vinh và Thanh Chương. Trước khi Nguyễn Phong Sắc được cử vào hoạt động ở Trung kỳ, vào năm 1928, học sinh trường Quốc học Vinh đã tổ chức cách mạng: Tân Việt cách mạng Đảng và TNCMĐCH hoạt động mạnh, những hạt nhân nòng cốt trong học sinh như Nguyễn Đình Điền, Chu Văn Biên, Nguyễn Tiềm, Phan Đăng Tài (em ruột đồng chí Phan Đăng Lưu) và nhiều người khác đã vận động học sinh đấu tranh đòi các quyền lợi hợp pháp, chính đáng.
Từ những ngày đầu mới vào Vinh hoạt động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tìm hiểu, tuyên truyền, chọn lọc các nhân tố tích cực trong số học sinh trường Quốc học Vinh để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại trường Quốc học Vinh. Chi bộ Quốc học Vinh tích cực chuẩn bị để cùng phối hợp với các lực lượng Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ ở các địa phương, chuẩn bị tổ chức lễ kỉ niệm 12 năm cách mạng Tháng Mười Nga ra đời (7 – 11 – 1917 – 7 – 11 – 1929).
Để giúp cho Chi bộ Sinh hội Đỏ nhanh chóng phát triển lực lượng và hoạt động có hiệu quả, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cho ra đời tờ báo “Xích Sinh” vào cuối tháng 11 – 1929. Tờ báo “Xích Sinh” được ra đời dựa trên cơ sở của tờ báo “Hồng Sinh” đã có từ trước, chỉ khác nhau ở nội dung và chất lượng tuyên truyền. Tờ báo “Xích Sinh” do đồng chí Nguyễn Phong Sắc tổ chức sáng lập, lãnh đạo, biên tập và tham gia viết các bài chính luận. Để tránh sự lùng sục của bọn mật thám, Nguyễn Phong Sắc đã cho đặt trụ sở in báo và in truyền đơn ở ngoài khu vực của trường. Đồng chí đã chọn các đồng chí Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Văn Điền và Nguyễn Văn Sơn phụ trách in ấn tờ báo. Nhiều gia đình quần chúng đã tích cực giúp đỡ, nuôi dưỡng, mua nguyên vật liệu để in báo “Xích Sinh”. Khi báo đã in xong, được nguỵ trang khéo léo trên các gánh hàng buôn bán để phân phát cho các địa phương. Trong số đó nổi bật nhất có gia đình mẹ Lộc, nhà ở gần Bến Đền. Gia đình mẹ là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ và canh gác cho đồng chí Nguyễn Phong Sắc hoạt động, hội họp. Sau này, khi cơ sở bị lộ, mẹ Lộc cùng hai người con trai bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, không khai báo nửa lời. Mẹ dạy 2 người con trai nhất quyết không được để lộ những cơ sở đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí của ông làm việc.
Tờ báo “Xích Sinh” ra đời đã góp phàn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần thành công trong đợt kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1929. Tờ báo còn được đồng chí Nguyễn Phong Sắc cho đăng bài viết về trường Đại học Phương Đông ở nước Nga. Mục đích để tuyên truyền cho học sinh thấy rõ những gì tốt đẹp của nước Nga, một viễn cảnh tương lai của đất nước Việt Nam. Những bài báo do anh em học sinh Quốc học Vinh viết “anh Thịnh duyệt, rồi mới đem đi in”.
Ngoài việc tuyên truyền cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn có trách nhiệm dùng tờ báo để chỉ đạo việc hợp nhất các tổ chức Đảng. Trong tờ báo “Xích Sinh” số 3 ra vào đầu tháng Giêng năm 1930 đồng chí Chu Văn Biên kể lại: “Theo ý anh Thịnh, số báo này chúng tôi cho đăng 3 vấn đề lớn:
1. Vạch rõ và phê phán nghiêm khắc những điểm ngộ nhận của một số học sinh an phận thủ thường.
2. Vạch rõ thủ đoạn ức hiếp hèn hạ học trò của bọn phản Cách mạng Giê ra và Ga rơ bi en.
3. Trích đăng bài viết về trường Đại học Phương Đông của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tuyên truyền và dạy cho các dân tộc thuộc địa liên hiệp lại để làm Cách mạng giải phóng dân tộc.
Vào đầu những năm 1930, với những bài viết trực tiếp cùng với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, các tờ báo ‘Xích Sinh”, “Bôn Sê Vích”, “Công Hội” và “Công Nông Binh” đã trở lại vũ khí sắc bén để tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản, phê phán tư tưởng cải lương và luận điệu nói xấu, bài xích Cộng sản của kẻ thù. Các bài viêt của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đăng trên các tờ báo nói trên đã định hướng cho sự hợp nhất của các tổ chức tiền thân của Đảng ở Nghệ Tĩnh, đón nhận sự ra đời của một chính Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3 – 2 – 1930. Những bài báo do đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết lúc bấy giờ đã thực sự có tác dụng: “Tuyên truyền tập thể, cô động tập thể, tổ chức tập thể”.
Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bận rộn với tổ chức phát triển lực lượng Đảng ở Nghệ Tĩnh, tuy vậy đồng chí vẫn không sao nhãng việc viết báo để tuyên truyền. Vào 23 h ngày 20 – 4 – 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã quyết định một cuộc họp quan trọng tại nhà đồng chí Nguyễn Phúc ở Yên Dũng Hạ. Để che tai măt địch đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã ăn mặc cải trang: “Chiếc áo lương dài bạc màu, quần chúc bâu màu cháo lòng, mũ trắng, guốc mộc giống hệt như một hương sư hàng tổng”.
Trước khi vào họp, thấy các đồng chí của mình bố trí nguỵ trang cho cuộc họp quan trọng này giống như một cuộc đánh tổ tôm, đồng chí Thịnh rất hài lòng và dí dỏm pha trò: “Hà! Đen đỏ một phen nhỉ! Nhưng tất cả chúng ta chỉ được “Đỏ” chứ không được “Đen” đâu nhé”.
Sau khi đã kết nạp các đồng chí trung kiên, là những người công nhân ưu tú ở Vinh – Bến Thuỷ vào Đảng Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phong Sắc nhấn mạnh: “Phải ghi nhớ sâu sắc rằng dù thời kỳ nào cũng vậy, vô sản giai cấp vẫn là giai cấp chủ động, phấn đấu hơn hết các giai cấp khác. Vô sản giai cấp nhất thiết phải đi hàng đầu trong mọi công cuộc lớn nhỏ”.
Cũng trong buổi họp quan trọng này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nêu ra chủ trương chuẩn bị phát động một cuộc đấu tranh mới, mở đầu là cuộc đấu tranh trong ngày 1 – 5 – 1930 nhân ngày kỉ niệm Quốc tế Lao động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc để nghị: “Nên phát động một đợt đấu tranh, rất sôi nổi để có một tiếng vang lớn trong quần chúng, tạo nên một sức mạnh chính trị áp đảo quân thù, buộc chúng phải nhượng bộ một số quyền lợi cấp thiết nhất cho quần chúng lao khổ. Bây giờ đã sắp đến ngày 1 – 5, nhân ngày hội đoàn kết đấu tranh đó của lao khổ thế giới, ta phát động một cuộc biểt tình lớn ở Vinh – Bến Thuỷ, là nơi tập trung Vô sản giai cấp và gắn liền với cả một vùng nông thôn rộng lớn”.
Trong công tác lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa nhạy bén, vừa quyết liệt nhưng không kém phần thận trọng. Để đảm bảo thắng lợi cho cuộc đấu tranh mở đầu lịch sử trong ngày 1 – 5, ngày 20 – 4 – 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức cuộc họp để kiểm tra lại công tác chuẩn bị, thành phần là các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ, Tỉnh uỷ lâm thời Vinh – Bến Thuỷ và các đồng chí Bí thư chi bộ các cơ sở.
Rõ ràng cuộc đấu tranh của ngày 1 – 5 – 1930 ở Vinh – Bến Thuỷ cùng một số địa phương ở các huyện trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh là do đồng chí Nguyễn Phong Sắc quyết định và tổ chức lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc cho rằng: “Không có đấu tranh thì quần chúng làm sao mà được thử thách, làm sao mà biết được người hay, người dở để tuyển lựa vào Đảng và tổ chức quần chúng”.
Để giúp các đồng chí của mình chuẩn bị cho công tác tuyên truyền và tổ chức đấu tranh trong ngày 1 – 5, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn tự lo liệu vải đỏ để may cờ đỏ búa liềm, vẽ mẫu hướng dẫn may cờ. Viết truyền đơn và hướng dẫn cách in truyền đơn, báo chí, hướng dẫn cách treo cờ, cách rải truyền đơn, chuẩn bị người diễn thuyết trong buổi biểu tình…
Cuộc biểu tình trong ngày 1 – 5 – 1930 ở Vinh – Bến Thuỷ cũng như ở các địa phương diễn ra đúng kế hoạch của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đề ra. Vẫn biết trước những thiệt hại, tổn thất không thể tránh khỏi trong một cuộc đọ sức không cân xứng “Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”. Ngay sau cuộc đấu tranh ngày 1 – 5, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo cho các đồng chí của mình làm tốt công tác mai táng các liệt sỹ, băng bó, chữa chạy cho người bị thương, động viên tinh thần quần chúng, vận động quyên góp giúp đỡ về vật chất cho các gia đình bị nạn. Đêm hôm đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thức trắng đêm để viết bài báo và cho đăng trên “Người lao khổ”do đồng chí Nguyễn Phong Sắc thành lập – đây là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Xứ uỷ Trung kỳ, được ra dời cùng với sự mở đầu cho cuộc đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 lịch sử. Trong trang báo “Người lao khổ” số 2, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã viết bài tường thuật phân tích, ca ngợi sự hy sinh anh dũng vì dân, vì nước của các liệt sỹ và cuộc đấu tranh mở đầu của giai cấp Vô sản. Sự liên minh và sức mạnh của khối đoàn kết Công – Nông. Cũng qua các bài viết trên báo chí, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã kêu gọi Công, Nông ở các tỉnh hãy đứng lên đấu tranh ủng hộ các cuộc đấu tranh của Công, Nông Nghệ Tĩnh. Mở đầu trang báo đồng chí đã in đậm một tít nội dung: “Cuộc tuần hành thị uy ở Bến Thuỷ. Gương đấu tranh! Gương hy sinh! Đế quốc chủ nghĩa Pháp vô cớ giết anh em, chị em lao khổ! Anh em! Chị em! Đoàn kết lại! Cực lực phản kháng đế quốc chủ nghĩa Pháp giết người!”
Qua báo “Người lao khổ” với ngòi bút sắc sảo, văn phong sáng sủa, đanh thép, hùng hồn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lên tiếng vạch mặt tội ác của kẻ thù, tàn sát đẫm máu những người yêu nước Vinh – Bến Thuỷ, khi họ đấu tranh với hai bàn tay trắng, để đòi quyền Tự do – Độc lập, đòi một cuộc sống bình đẳng, công bằng. Bài báo đã tố cáo và kêu gọi quần chúng giữ vững lòng tin, tiếp tục đoàn kết, đấu tranh, đã thôi thúc hàng vạn trái tim công – nông Nghệ Tĩnh. Những bài báo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết đã vượt qua không gian lan toả đến các tỉnh bạn làm rung động đến trái tim hàng triệu người lao khổ ở các địa phương trong cả nước. Nhờ các bài báo, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã truyền đạt tinh thần và không khí đấu tranh sôi sục từ Nghệ Tĩnh đi khắp nơi, mở đầu cho nhưng đợt gọi, ủng hộ XVNT trong cả nước và trên trường Quốc tế, thông qua các bài kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhờ vậy, qua báo chí, Nguyễn Phong Sắc viết đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong thời kỳ mới. Trong bài báo “Người lao khổ” số 2, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã viết: “Thế là quân đế quốc và quân tư bản đã thẳng tay giết anh em dân cày và thợ thuyền. Chúng nó hàng ngày hút máu anh em, chị em. Bây giờ anh em không chịu nó, nó bắt giết như ruồi muỗi. Khổ thế! Cực thế! Sống sao nổi? Anh em, chị em! Sáu người chết đó là sáu người đã vì anh em, chị em mà hy sinh; sáu người đi đầu để chỉ đường đấu tranh cho anh em, chị em! Ai dám nói rằng dân An Nam không dũng cảm hy sinh!
Cuộc đấu tranh ở An Nam đã đến ngày phải kịch liệt. Nhưng mỗi một người trong anh em, chị em phải chết thì lại có hàng vạn anh, chị em khác phải kế tiếp. Dù đế quốc chủ nghĩa Pháp có giở thói hung ác đến đâu cũng không thể ngăn trở phong trào cách mạng được.”
Trước sự hy sinh tổn thất của đồng chí, đồng bào trong cuộc đấu tranh ngày 1 – 5, gương hy sinh anh dũng, bất khuất tuyệt vời của các đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn, Trần Cảnh Bình tại Bến Thuỷ đã rung lên trong trái tim nhân từ, trao lên ngòi bút để vạch mặt, tố cáo đế quốc thực dân. Qua các bài báo, Nguyễn Phong Sắc đã ca ngợi đức hy sinh quên mình của đồng bào, đồng chí. Những bài viết của Nguyễn Phong Sắc trên báo “Người lao khổ” số 3; báo “Tiến lên” của Tỉnh uỷ Nghệ An. Báo “Bước tới” của Tình uỷ Hà Tĩnh đều ra kịp thời trong ngày 1 – 5 – 1930 đưa tin cuộc đấu tranh ở cả hai tỉnh như một bản cáo trạng hùng hồn, tố cáo tội ác tày trời của kẻ thù cho nhân loại biết. Đối với anh, em, đồng chí, đồng bào lao khổ, các bài báo của Nguyễn Phong Sắc khác nào một lời hiệu triệu. là tiếng kèn xung trận, thức tỉnh mọi người tiếp tục đoàn kết, đứng lên đấu tranh để trả thù cho những người đã hy sinh vì mưu lợi hạnh phúc cho mọi người.
Nguyễn Phong Sắc đã tập trung trí tuệ và sức lực cho công tác lãnh đạo phong trào và viết báo để tuyên truyền cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Qua báo “Người lao khổ”, Nguyễn Phong Sắc đã kêu gọi, “Anh chị em, gương hy sinh đã rõ rệt. Đế quốc chủ nghĩa đã lộ mặt nạ giả đạo đức mà giết người vô tội. Anh em, chị em không thể do dự được nữa. Phải nhớ lấy 6 người bị thảm sát ở Bến Thuỷ, phải theo gương trước mà hăng hái hy sinh.”.
Trong bài đăng trên báo “Người lao khổ” số 3 ra ngày 3 – 5 – 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lại tiếp tục phân tích sâu sắc hơn về tính chất của cuộc đấu tranh trong ngày 1 – 5. Nguyễn Phong Sắc đã giải thích về nguyên nhân thắng lợi của 2 cuộc đấu tranh ngày 1 – 5 ở Hạnh Lâm và Trường Pháp – Việt của huyện Thanh Chương. Đồng chí đã lý giải qua bài viết về cuộc đấu tranh liên minh của Công – Nông Vinh – Bến Thuỷ tại sao phải giải tán nửa chừng. Sau khi phân tích, chứng minh, Nguyễn Phong Sắc đã kêu gọi đảng viên và quần chúng cách mạng không nên nôn nóng, manh động, dễ đưa đến tổn thất trong đấu tranh.
Qua bài viết trên báo “Tiến lên” của Đảng bộ Nghệ An, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã phân tích kỹ về lẽ sống và giá trị của đức hy sinh vì nghĩa cả cho Tổ quốc, cho đồng bào: “Sống của anh em là sống cho toàn thể lao khổ, công việc của anh em là mưu cầu lợi ích cho toàn thể lao khổ. Cái sống của anh em quý báu ở đương thời, cái chết của anh em lại càng có lợi ích về sau nữa. Vì cái chết của anh em rất ảnh hưởng sâu xa. Anh em chết mà tinh thần hăng hái của anh em để lại cho toàn thể anh em lao khổ không bao giờ chết được”.
Theo Nguyễn Phong Sắc để tỏ lòng biết ơn và học tập người đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước thì người sống phải làm được những việc sau:
1. Nối lấy tinh thần của anh em, hiểu lấy nghĩa vụ như anh, em, hết sức bênh vực quyền lợi của lao khổ.
2. Phấn đấu cho đến cùng đánh đổ đế quốc Pháp chủ nghĩa tối dã man, tàn ác.
Nguyễn Phong Sắc đã coi gương hy sinh của các chiến sỹ trong cuộc đấu tranh như: “Anh em thật là ông thần hộ vệ cho toàn thể lao khổ Việt Nam”.
Những bài báo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc có sức thuyết phục kỳ lạ, mọi người tin tưởng, kính trọng anh, nghe theo lời anh nói, tin theo việc anh làm. Sau cuộc đấu tranh mở đầu ngày 1 – 5 lịch sử, phong trào cả hai tỉnh Nghệ Tĩnh đã phát triển nhanh chóng như vết dầu loang. Phong trào nổ ra ở khắp nơi làm cho kẻ địch hoang mang, lo lắng, không kịp trở tay. Chính Sa-Ten Khâm sứ Trung kỳ cũng phải thừa nhận những thất bại nặng nề do chính chúng gây ra. “Thời nào cũng vậy, thái độ chính trị của Nghệ Tĩnh đều làm cho chính phủ An Nam bận lòng lo lắng.”
Nguyễn Phong Sác đã vui mừng khôn xiết trước những thắng lợi từng bước của phong trào do đồng chí trực tiếp lãnh đạo, đó là khi gặp những anh em công nhân, anh đã nháy mắt cười rất tươi và sôi nổi trò chuyện: “Đấy! Các cậu thấy chưa!Tàn sát Bến Thuỷ, Hạnh Lâm rõ ràng là địch “Giúp” chúng mình vận động quần chúng càng nhanh, càng mạnh.”
Để kịp thời cô vũ động viên phong trào đấu tranh ở các huyện trong hai tỉnh. Trong báo “Người lao khổ” số ra ngày 13 – 7 – 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã viết: “Pháp thẳng tay bóc lột anh em, chị em. Song nếu anh em biết đấu tranh thì nó phải sợ và chỉ có đấu tranh mới giành được thắng lợi.” Sau cuộc tàn sát đẫm máu ngày 12 – 9 – 1930 trong cuộc đấu tranh ở Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã viết bài đăng trên báo “Người lao khổ” ra ngày 5 – 10 – 1930 đã nhấn mạnh và khẳng định rằng: “Đấu tranh là vấn đề sống chết của quần chúng Nghệ Tĩnh. Quần chúng nơi khác cũng phải hết sức đấu tranh để bênh vực Công – Nông Nghệ Tĩnh.”
Vào mùa thu năm 1930, Nguyễn Phong Sắc sung sướng trước thành quả Cách mạng, đó là sự ra đời của các xã Bộ nông, chính quyền Xô Viết đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Nguyễn Phong Sắc tâm sự với những cán bộ cốt cán của phong trào do chính đông chí bồi dưỡng và đào tạo rằng: “Đã nhen được lửa cháy rồi thì cứ nổi gió cho lửa bùng lên càng dữ dội, càng mau thiêu đố quân thù. Đối với người cách mạng, lửa căm thù có bao giờ thừa.”
Ngọn lửa cách mạng do đồng chí Nguyễn Phong Sắc thắp sáng, trên quê hương Nghệ Tĩnh, đã nhanh chóng lan toả khắp nơi, như ngọn lửa thiêng thổi bùng lên trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Ngọn lửa thiêng đó đã soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam trong các con đường lịch sử từ ngày đầu có Đảng và sáng mãi trong các cuộc cách mạng trong giai đoạn nối tiếp sau này, dưới ngọn cờ lãnh đạo quang vinh của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã vận dụng một cách tài tình, sáng tạo đường lối cách mạng Vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào thực tiễn của cuộc cách mạng ở Nghệ Tĩnh trên mọi lĩnh vực: lãnh đạo tuyên truyền, tổ chức, xây dựng Đảng đặc biệt là hiệu quả của mặt trận báo chí. Báo chí đối với đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trở thành môt thứ vũ khí sắc bén, nó như ngọn lửa hồng sưởi ấm trong đêm đông cho mọi tầng lớp cần lao. Báo chí của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trở thành ngọn lửa thiêng, góp phần thiêu đốt bọn cướp nước và lũ bán nước.
Bài học kinh nghiệm về vai trò và tính tiên phong của một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, quyết định sứ mệnh lịch sử, cũng như việc coi trọng hiệu quả của công tác tuyên truyền . Coi báo chí là mặt trận quan trọng của cuộc đấu tranh cách mạng đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã để lại cho Đảng ta những bài học vô giá.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ngọn lửa thiêng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng như tên tuổi và sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp báo chí của đồng chí Nguyễn Phong Sắc sẽ sáng mãi theo chiều dài năm tháng.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 71 năm đồng chí Nguyễn Phong Sắc hy sinh, đồng chí đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, hiên ngang, bất khuất, thanh thản ra đi, để gieo mầm cho sự sống tương lai của Tổ quốc, để cho quê hương Lam Hồng được tạc vào thế kỷ – một Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Với tấm lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc, người lãnh tụ của phong trào XVNT năm xưa, tôi coi bài viết này như những nén hương thơm thảo, kính dâng lên hương hồn lệt sỹ Nguyễn Phong Sắc – người anh hùng của cao trào XVNT quang vinh của Đảng và của Dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trương Quế Phương
Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh