Nhiều người Thanh Hóa nhận ‘Trái đắng’ từ mộng làm giàu

TP – Tin vào những lời mời chào hấp dẫn, tìm cách xuất cảnh sang Campuchia, nhiều người dân ở Thanh Hóa bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, casino, game online, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản.

Một ngày oi ả tháng 6, ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của ông Trần Văn Trung, thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) càng trở nên ảm đạm khi câu chuyện ngày trở về nhà của con trai ông, Trần Văn Hiếu, xa mịt mờ.

Ông Trung kể, đầu năm 2022, Hiếu đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang rồi được một người bạn giới thiệu sang Campuchia để làm việc. Ngày Hiếu đi có gọi điện về nhà nhưng không nói sang Campuchia làm việc gì. Sau đó mất liên lạc. Một thời gian sau, vào đầu tháng 5, một người bạn của Hiếu gọi điện về cho gia đình và nói muốn đưa Hiếu về thì phải nộp 76 triệu đồng tiền chuộc cho Cty bên Campuchia qua tài khoản. Không liên lạc được với con để hiểu thêm sự tình thì ngày 24/5/2022, ông nhận được tin từ bạn của Hiếu gọi về nói con bị đánh đập dẫn đến tử vong.

Nhiều người Thanh Hóa nhận 'Trái đắng' từ mộng làm giàu ảnh 1

“Tôi chỉ mong có một phép màu là con vẫn còn sống và nếu con thực sự mất rồi thì nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ để được đưa thi thể con về quê” – Ông Trung nghẹn ngào nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có công dân sang Campuchia lao động trái phép với tổng số 381 trường hợp. Bước đầu đã xác định được 65 trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online và bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm vào người Việt Nam.

Trưởng Công an xã Quảng Long (huyện Quảng Xương) Lê Văn Thi cho biết: Trên địa bàn xã có 2 trường hợp đi lao động trái phép tại Campuchia, trong đó có 1 trường hợp là L.N.T, thôn Lộc Xá đi lao động trái phép tại Campuchia vào đầu năm 2022 vừa trở về. Để được về nước, T. cũng đã phải liên hệ với gia đình để nộp tiền chuộc với số tiền 137 triệu đồng. Còn trường hợp Trần Văn Hiếu, thôn Xuân Tiến, chưa có căn cứ xác định thông tin chính xác.

Gánh nặng tiền chuộc

May mắn được gia đình gửi tiền chuộc để về nước, T.T.D (SN 2003) ở khu phố Khang Phú, phường Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) kể lại: Một người quen ở Nam Định giới thiệu cho em vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Tại đây, ông chủ nơi làm hỏi có muốn đi làm ở Campuchia không? Công việc là bưng bê nước, dẫn khách vào casino, mức lương 20 triệu đồng/tháng. Nghe lời giới thiệu hấp dẫn và mong muốn được đi làm để kiếm tiền mong thoát nghèo cho gia đình, D đồng ý.

Nhiều người Thanh Hóa nhận 'Trái đắng' từ mộng làm giàu ảnh 2

Từ lời giới thiệu, D và một người bạn cùng phường Quảng Tiến đồng ý sang Campuchia. Không cần giấy tờ, không cần tiền, mọi chi phí sang Campuchia làm việc đều được người đàn ông tên Cường lo hết. Đầu năm 2022, D cùng bạn và người đàn ông nói trên đi xe 4 chỗ từ thành phố Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Long Bình (An Giang) và được đưa vào sòng bạc gần khu vực cửa khẩu. Ngay sau khi vào sòng bạc, D và người bạn đã không liên lạc được với người đàn ông đi cùng nữa và được thông báo đã bị bán với số tiền 2.700 USD/người, phải ở lại làm việc để trừ nợ.

Làm việc cho sòng bạc được 3 tháng với nhiệm vụ bưng bê nước phục vụ khách đến chơi thì D được thông báo bị bán tiếp cho một Cty khác với giá 4.600 USD. Công việc hàng ngày của D và người bạn đi cùng là ngồi máy tính, tư vấn đánh bạc cho khách và bị ép làm việc đến 2-3 giờ sáng, đồng thời liên tục bị bảo vệ cầm súng, kiểm tra, đe dọa. Mọi sinh hoạt đều ở tại nơi làm việc và không được đi ra ngoài. Trong khoảng thời làm việc, D không nhận được lương với lý do trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi giới sang Campuchia.

Cảm thấy không thể làm được việc, D và người bạn xin nghỉ việc thì được ông chủ sòng bạc nói phải nộp tiền chuộc với số tiền 140 triệu đồng/người. Không còn cách nào khác, D và người bạn đã phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình gửi tiền sang chuộc để được trở về. Ngày 7/6/2022, D và người bạn được trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Thủ đoạn lôi kéo lao động trái phép

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã điều tra làm rõ 4 vụ (8 đối tượng) có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia xảy ra trên địa bàn huyện Nông Cống, Thường Xuân, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn.

Theo kết quả rà soát, trong tổng số 381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia đã có 179 trường hợp đã trở về nước (bao gồm 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, cơ sở game online được cơ quan chức năng giải cứu; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022). Hiện nay còn 202/381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia, trong đó bước đầu xác định có 86 trường hợp thuộc diện xuất cảnh trái phép, 21 trường hợp đang bị khống chế, cưỡng bức lao động trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online. Các địa bàn trọng điểm có đông công dân xuất cảnh lao động tại Campuchia đó là thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Hà Trung, Thường Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Nông Cống, Nga Sơn, Cẩm Thủy, thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lợi dụng mối quan hệ quen biết với nạn nhân hoặc thông qua ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, các đối tượng đăng thông tin dụ dỗ, lôi kéo các bị hại sang Caphuchia làm những công việc nhẹ nhàng, lương cao với mức lương từ 700 – 1.000USD/tháng. Nạn nhân là những thanh, thiếu niên, không có việc làm ổn định. Các đối tượng môi giới chủ động mua vé máy bay và gửi cho nạn nhân một số tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại, sinh hoạt. Việc làm này cũng nhằm ấn định thời gian để thuận tiện trong tổ chức đưa người xuất cảnh ở biên giới Tây Nam sang Campuchia.

Hoàng Lam

Rate this post