Nhiều cây sung dáng kỳ quái, giá bạc tỷ xuất hiện ở Hà Nội
Nhiều cây sung dáng kỳ quái, giá bạc tỷ xuất hiện ở Hà Nội
Thứ Ba, ngày 01/05/2018 10:00 AM (GMT+7)
Để có dáng thế kỳ quái, những cây sung này được bàn tay nghệ nhân kỳ công tạo tác, uốn nắn từ khi còn nhỏ.
Tác phẩm “Vạn lộc đa sung” của anh Đỗ Văn Huy (Quốc Oai, Hà Nội) tại triển lãm cây cảnh huyện Quốc Oai khiến nhiều người ngạc nhiên bởi cây nhìn giống như cây sanh.
Theo anh Huy, một lần đi mua cây anh nhìn thấy cây sung này ở một nhà vườn, cứ đứng ngắm mãi. Qua vài lần thương lượng, chủ nhân của cây mới đồng ý bán.
Tác phẩm có chiều cao 1,7m, đường kính gốc 0,7m, bộ rễ tỏa đều các hướng như cây cổ thụ ngoài tự nhiên. Thân, cành, lá, quả… được tạo tác theo lối bonsai với tỷ lệ hài hóa cân đối. Tay cành được cắt giật tỉ mỉ, bông dăm tạo thành những tản vân nghệ thuật.
“Để sở hữu một tác phẩm như thế này rất khó khăn nên tôi phải bỏ ra một số tiền rất lớn để thuyết phục chủ nhân bán cây. Hiện cây sung này có giá gần 1 tỷ đồng”, anh Huy nói.
Cây sung của anh Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Thọ) được đánh giá là cây sung đẳng cấp.
Theo anh Toàn, tìm được một cây sung có thế dáng, bộ rễ như thế này ở Việt Nam rất khó bởi cây này được tạo tác từ nhỏ. Cây sung có tuổi đời trên 100 năm.
Chủ nhân của tác phẩm cho biết, cây sung này có nguồn gốc từ đất Tuyên Quang, của một ông giáo chuyên trồng và tạo tác sung nên ông làm sung rất đẹp. Tác phẩm đẹp từ bộ rễ đến tay cành, quả ra quanh năm.
“Tôi mua cây sung này cách đây hơn chục năm với giá hơn 1 tỷ đồng. Rất nhiều đoàn đến thăm quan, họ đều ngạc nhiên bởi tác phẩm đẹp từ rễ lên ngọn. Cây có bộ rễ như vậy vì được trồng và uốn nắn từ nhỏ”, anh Toàn nói.
Một cây sung to lớn có hình dáng kỳ quái của ông Phạm Minh Châu (Nam Định). Theo chủ nhân của tác phẩm, cây có tuổi đời vài trăm năm.
Thân cây xù xì nổi u cục, điểm đặc biệt là bộ rễ của cây xoắn lại tạo một khoảng lớn dưới thân cây.
Hàng trăm rễ nhỏ từ thân cây tỏa ra xung quanh, thân cây mốc trắng
Cây được giao bán khoảng 800 triệu, ông Châu thông tin
Cây sung có tên “song long tọa sơn” của anh Lại Đức Hòa (ở Văn Giang, Hưng Yên)
Để tác phẩm nhìn đẹp mắt, chủ nhân dựng nên một tiểu cảnh non nước hữu tình dưới bóng cây
Gốc cây xù xì, ôm đá. Tay cành được cắt giật rất công phu.