Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương
Trần Nhương còn có những bút danh khác như Trường Nhân, Lâm Thao. Trần Nhương sáng tác trên nhiều lĩnh vực, ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ và những năm gần đây ông còn tiến sang lĩnh vực hội họa.
Người đa tài
Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of blog quechoa
Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of blog quechoa
Nhiều
tác phẩm văn học của ông đã được xuất bản từ năm 1980. Hai tác phẩm thơ quan trọng
“Gương mặt tôi yêu” xuất bản năm 1980 và “Bài thơ tình của lính” xuất bản năm
1987 đã được giới sinh hoạt văn học nghệ thuật chú ý đến.
Tiểu
thuyết “Dòng sông không có đôi bờ” của ông xuất bản năm1997 và tái bản năm
2005. Tập truyện mới nhất mang tên “Em đã có một người đàn ông” xuất bản năm
2010.
Tuy
mới bước vào lĩnh vực hội họa, Trần Nhương đã sáng tác khá nhiều và ông đã có 7
cuộc triển lãm cá nhân và nhóm từ năm 1998 tới nay. Tranh của Trần Nhương được
giới thưởng ngoạn đánh giá có chiều sâu và mang nhiều hơi hướm thi ca trong từng
tác phẩm.
Tác
giả Trần Nhương hiện đã về hưu sau nhiều năm tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ
thuật và ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức văn học nghệ thuật, trong đó
bao gồm hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trần Nhương hiện là biên tập viên của
báo Người Cao Tuổi Việt Nam.
Nói
về tự thân, tác giả Trần Nhương sơ lược đôi điều về mình như sau:
Trước đây mình là giáo viên, mình
viết và in những bài đầu tiên từ năm sáu mấy…nhưng in báo trung ương gọi là
oách một tì thì từ năm 67 mới bắt đầu in trên tờ Quân Đội, sau đó đi bộ đội, đi
lính. Cuộc đời cứ làm thơ làm văn, đi dự đại hội văn trẻ lần thứ hai năm 71…Tất
nhiên văn chương mình nó cũng chẳng nổi quả gì nhưng thôi mình cứ làm bền bỉ…
Trần
Nhương là một tác giả xuất thân từ bộ đội, sau một thời gian ngắn làm giáo viên
tại Hà Nội, ông nhập ngũ và cũng như mọi thanh niên khác, ông tham gia chiến
trường ngành vận tải vào năm 1965. Đi nhiều, tiếp cận nhiều cảnh đời trong chiến
tranh. Ông san sẻ cái nhìn của mình trong tập thơ “Bài thơ tình của lính” do
nhà xuất bản Quân đội xuất bản năm 1987. Tác phẩm này tái bản lần thứ 2 năm
2005 và nhận Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1989.
Tập
thơ “Bài thơ tình của lính” mang hơi hướm của người bộ đội viết về những nơi
mình đi qua, những suy nghĩ rời rạc cũng như các trăn trở như người đọc thường
thấy trong các tác phẩm viết về người lính trong cuộc chiến. Bên cạnh những bài
thơ về mẹ của các tác giả cùng thời hay trước ông, bài thơ Mẹ của Trần Nhương
có lẽ gây được sự xao động nơi người đọc trong tập thơ này.
Cũng
những khắc khoải tự trách và hình ảnh làng quê lớn lên song song cùng với bà mẹ,
nhưng Trần Nhương đã vượt khá xa nhiều tác giả khác khi tránh được những nhóm từ
quen thuộc như ca dao thường xuất hiện trong những bài thơ về mẹ. Ông không
dùng từ ngữ nào mới nhưng những hình ảnh đến và đi trong bài thơ đôi khi buồn đến
chạnh lòng:
Từ lòng Mẹ con lớn lên
Qua vòm cổng đá ong chân trời như
ban ngày ào đến
Tuổi thơ ngây vội vàng
Bước chân trâu sá cày bỡ ngỡ.
Khi giọng nói vỡ ra, manh áo chật
Buông theo cày con cầm súng lên đường
Mẹ tiễn con rồi cánh cửa mở ra
Đón vầng trăng vào nhà bầu bạn
Ngày mùa nhớ con đầy nồi cơm mới
Ngày tết nhớ con phấp phỏng câu
chào
Con đi núi xanh rừng xanh
Mái tóc Mẹ thắm suốt đường chiến dịch
Rời lũy tre bé bỏng
Con đến với bao la mặt trận trong
này.
Cảm xúc rất thật
Đọc
lại bài thơ “Đất nước những ngày này” trong tập thơ, người đọc dễ dàng nhận ra
những cảm xúc thật rất đáng suy ngẫm của tác giả trong thời gian ấy. Ông nhìn lại
những gì mà sau bao năm người lính cùng nhân dân miền Bắc tranh đấu bằng máu để
dành lại được, nhưng đời sống người dân vẫn cơ cực như ngày nào khi chiến tranh
còn đang tiếp diễn.
Niềm
tin sẽ có một ngày tươi sáng hơn vẫn cháy rực rỡ trong tim nhà thơ, vì theo
ông, cũng như hàng trăm ngàn người lính lúc ấy, mặt trận kinh tế và chính trị
không thể nào gian khổ bằng mặt trận quân sự mà ông và bạn bè đưa lưng chống đỡ.
Niềm tin vào cái nghèo sẽ bị tiêu diệt chừng như phơi phới trong lứa tuổi thanh
xuân của ông lúc bấy giờ:
Cái đói nghèo còn theo mãi
Chợ sớm chợ chiều giá gạo như nước
lên
Bữa ăn thành mối lo ngày đêm
Vài mét vải hai năm nay mặc tạm
Bao cám dỗ những chân trời di tản
Kéo người nhẹ dạ ra đi
Nắng hạn chưa qua, bão lụt lại về
Mùa màng thất bát
Cái cũ kỹ như sợi dây trói buộc
Đâu sao Khuê lấp lánh phía chân trời?
Trước bao điều dữ dội
Nếu không có Đảng mình đất nước sẽ
về đâu…
Một bức tranh làng quê VN của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
Một bức tranh làng quê VN của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
“Nếu
không có Đảng mình đất nước sẽ về đâu?” là câu hỏi rất thật trong phạm trù niềm
tin mà ông và rất nhiều người lúc ấy đặt vào. Tiếc thay, những điều dữ dội
trong cuộc sống sau gần nửa thế kỷ chừng như vẫn hiện diện như chưa bao giờ có
cuộc đổi thay ở đất nuớc này.
Sau
nhiều năm nằm trong chiếc tổ ấm mang tên Đảng, một hôm Trần Nhương giật mình nhớ
tới hai từ “nhân dân” quen thuộc. Nhân dân xưa và nhân dân ngày nay có khác:
Trước lũ lụt nhân dân thất bại
Gặp cửa quyền thất bại phía nhân
dân
Thời lạm phát nhân dân thất bại
Nhập tách gì thất bại chỉ nhân dân
Chống tham nhũng nhân dân đều thất
bại
Cải cách gì thất bại gửi nhân dân
Vậy mà cứ trường tồn hơn tất cả
Võng lọng, oai quyền năm tháng sẽ
hư không
Nhân dân lọc vứt đi bao cặn bã
Để tìm ra rờ rỡ trái tim hồng…
Năm
2002, trong một bài thơ mang tên “Chẳng có gì quan trọng” tác giả nhìn lại
mình, nhìn lại chung quanh sau một thời gian dài sáng tác. Trần Nhương thảng thốt
thú nhận mọi nỗ lực tranh đấu để tồn tại hay gạt bỏ đều vô ích. Một cách gián
tiếp, tác giả thú nhận những viễn mơ mà ông từng kinh qua, tuy đẹp nhưng cuối
cùng thì chỉ là những kết quả buồn, nào có gì đâu để gọi là quan trọng.
Những cuốn sách một thời như sấm trạng
Giờ bán cân bà đồng nát mua về
Những quy phạm một thời như thước
ngọc
Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê.
Dòng sông Đà hùng dũng nhường kia
Giờ ngăn đập sông luồn qua cửa cống
Biển Vũng Tàu cứ tưởng mình dài rộng
Dàn khoan dầu biển hoá mảnh ao quê.
Người quan trọng một thời bao thuộc
hạ
Giờ vẩn vơ đợi khách chẳng ai thăm
Em hoa hậu đẹp như nhành lửa ấm
Bếp thời gian để lại chút than hoa!
Em của anh ơi, chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa..
Thơ
của ông trong thời gian gần đây có khuynh hướng theo dõi những diễn biến xã hội,
đặc biệt mẫn cảm với những bất công, giằng xé trong giới nông dân nghèo và những
nạn nhân thời cuộc. Khi xảy ra sự cố công an bắn chết một học sinh trong vụ xô
xát tại khu lọc hóa dầu Nghi Sơn do người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại phần đất
thuộc khu lọc hóa dầu này để ngăn cản đơn vị thi công vì họ chưa đồng tình với
phương án giải quyết đền bù.
Bài
thơ mang tên “Thơ viết ngày 1 tháng 6” khá nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà kém
phần xót xa, ông viết:
Ngày vui này các em thiếu đi một bạn
Bạn Lê Xuân Dũng
Mười hai tuổi học lớp 6 ở Tĩnh Hải,
Nghi Sơn
Ngã xuống khi cùng dân làng giữ đất
Thương thay !
Bạn chưa kịp nhìn thấy những mẻ dầu
Được lọc ngay trên quê hương bạn
Chưa được nhìn tàu cao tốc
Chạy qua đất Tĩnh Gia
Chưa kịp lớn để trái tim lỡ nhịp
Bởi một ánh nhìn ai đó online
Có thể đó là không cố ý của viên
công an
Làm bạn dừng ở tuổi 12
Nhưng đối diện với nhân dân
Viên công an nhân dân
Đưa đạn lên nòng là cố ý…
Nghịch lý cuộc sống
Một bức tranh của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
Một bức tranh của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
Trong
bài “Ngọt Đắng”, Trần Nhương đi xa hơn trước những mâu thuẫn mà ông đối diện
hàng ngày trong đời sống. Những yếu tố hạn hẹp manh mún xuất hiện song song với
nhau làm ông hụt hơi phân tích để rồi cuối cùng “ngọt và đắng” trở thành kết quả
tự nhiên khiến ông phải chấp nhận như một vĩnh hằng. Tác giả không đặt cho mình
câu hỏi nào, sự trải nghiệm đã làm ông tỉnh táo hơn trước các nghịch lý mà ông
cho là tất nhiên phải có. Bản năng tranh đấu của người cộng sản trước bất công
hình như đã mòn trong cuộc hành trình dài hơi của người lính. Ông trở nên tĩnh
lặng trước đen và trắng của cuộc đời, ông viết:
Em dịu dàng mềm mại như nhung
Lại cứng nhắc gan lỳ như thép
Trời mênh mông vẫn còn bao lối hẹp
Người tươi cười che đậy lắm mưu mô
Tưởng vĩnh hằng bền vững Liên xô
Ngôi sao đỏ thành một thời hoài niệm
Voi to lớn lại ngại ngùng lũ kiến
Quan như thần hóa bè lũ maphia
Nơi thâm cung ngưỡng mộ nhường kia
Bao trung nịnh, bao dâm ô, tội ác
Đến đồng tiền cũng đi liền với bạc
Có ban ngày còn có cả ban đêm
Nước triều vơi rồi nước triều lên
Biển lớn thế vẫn chịu bờ trói buộc
Bao trải nghiệm cho ta nhìn thấy được
À thế ra ngọt đắng vẫn đi cùng…
Những
ngày về hưu đối với nhiều người là một quãng thời gian để nghỉ ngơi và hồi tưởng,
nhưng đối với Trần Nhương lại là những gọi nhớ không bình yên khi nhận thấy đời
con chim trong lồng mà ông nuôi sao lại giống với những bâng khuâng mà ông chứng
kiến hàng ngày đến thế!
Bài
thơ mang tên “Lặng Im” có lẽ phần nào chia sẻ được những hoài niệm chen lẫn
bâng khuâng và ít nhiều cay đắng của một nhà thơ trước những thang bậc cuối
cùng của đời người ngắn ngủi và giới hạn.
Về hưu nuôi một con chim
Để mong bớt cái lặng im trong nhà
Ngày một, ngày hai, ngày ba
Thức ăn, nước uống, mang ra nhấc
vào
Huýt sáo líu ríu khơi mào
Ngọt ngào câu hỏi lời chào cậu chim
Thế mà nó vẫn lặng im
Đôi khi ánh mắt lim dim mơ màng
Nuôi chim mong tiếng hót vang
Mà chim không hót nghĩ càng chán
thêm
Tôi ngồi nghĩ ngợi liên miên
Hay là nó muốn đòi tiền cát-xê
Hay là đương chức ù lì
Chỉ ăn không nói làm chi cho phiền
Hay là quan chức cấp trên
Kiệm lời ra dáng người hiền của dân
Hay là kẻ sĩ ngu đần
Cúi đầu vâng dạ làm thân tôi đòi
Hay là khao khát khoảng trời
Rừng xanh một thuở là nơi vẫy vùng
Con chim héo hắt trong lồng
Và tôi xao xác muối lòng sớm trưa
Tôi ra cửa hàng đã mua
Đổi con chim khác cho vừa ý hơn
Người bán nhìn tôi cười ròn:
Chim lồng nó thế cụ còn mong chi
Tôi buồn thả cậu chim đi
Nó bay một quãng lại về… lạ chưa ?
Thương chim oanh liệt ngày xưa
Trong lồng lâu quá ngu ngơ một đời
Lặng im là lặng im ơi
Hình như đang cất bao lời với ta…
Quý
vị vừa theo dõi một vài tác phẩm của nhà thơ họa sĩ Trần Nhương. Hy vọng chúng
tôi sẽ trở lại với ông trong một bài viết về hội họa của người nghệ sĩ đa tài
này….
Theo dòng thời sự: