Trần Nhương và Thi hứng 4
Tám mươi tuổi, nhà thơ Trần Nhương, biệt danh là “Trần ham vui” bất ngờ ra mắt triển lãm hội họa “Thi hứng 4”. Vậy là ở tuổi có thể gọi là thượng thọ, nhưng “lão Trần” vẫn vô cùng phong độ cả về thể chất, tinh thần và nhiệt huyết đam mê trong sáng tạo nghệ thuật. Không kể thơ, văn, hay làm trang web văn chương đình đám một thời, riêng với hội họa “lão Trần” đã có tới 4 lần thi hứng. Với một nhà thơ ở tuổi xưa nay hiếm, điều đó thật đáng trân trọng.
Nhà thơ Trần Nhương.
– Tự nhận mình là “Trần ham vui” nhưng tôi thấy ông ham làm việc, ham sáng tạo vậy thì thời gian đâu để mà ham chơi nữa?
+ Vì ham vui nên tôi vẫn làm và vẫn chơi. Công việc thường diễn ra như sau. Tám giờ đi lên Báo Người cao tuổi biên tập mảng văn nghệ cho tờ báo. Trong thời gian ấy tranh thủ tạt ngang chăm sóc “con web” trannhương.com. Tối về không đọc sách thì vẽ tranh. Ở đâu có sự kiện như hội thảo, lễ ra mắt sách của bạn bè là tôi có mặt ghi hình đưa tin lên web trannhuong.com tắp lự, nên ai cũng thích mời lão Trần ham vui. Bạn bầu có gì vui ới là lên đường ngay.
– Tôi thấy xuyên suốt trên con đường sáng tạo nghệ thuật mà cụ thể là hội hoạ ông chỉ có một cái tên là “Thi hứng”. Hẳn cái tên như một thông điệp của “lão Trần” chăng?
+ Tôi thích dùng cái tên “Thi hứng” cho mảng hội họa của tôi vì mấy lẽ. Một là tôi không học vẽ trường quy mà chủ yếu tự học, tự mày mò, tự vẽ, vì vậy vẽ với tôi hoàn toàn là ngẫu hứng. Hai là tranh của mình như là sự ngẫu hứng của thi ca. Tôi vẫn là anh nhà thơ, say thơ là chính.
Tôi vẫn thường nói vui với bạn bè thơ là “bà cả” còn hội họa là “người tình”. Việc vẽ với tôi cũng là một cách làm thơ theo một bút pháp khác. Thường ngày làm thơ bằng chữ, bằng từ thì nay làm thơ bằng màu bằng đường nét. Tất cả đều là ngẫu hứng của sáng tạo, viết hay vẽ đều đi đến một cái đích cốt lõi nhất là làm đẹp cho đời.
– Ông hãy chia sẻ một chút ở “Thi hứng 4” này có gì khác biệt với “Thi hứng 1,2,3”? Và thông điệp lớn nhất của “Thi hứng 4”?
Các tác phẩm tại triển lãm “Thi hứng 4” của nhà thơ Trần Nhương.
+ “Thi hứng 4” tôi đã có bước chuyển cho tranh trừu tượng. Càng già, tôi càng vẽ trong tâm trạng đầy cảm xúc, nhiều khi cảm xúc ồ ạt đến, màu sắc gọi nhau, tạo nên sự chồng lấn nhiều lớp lên tranh. Tôi chú ý đến màu cho nhuyễn, cho đẹp, chịu khó pha trộn để tạo những màu quý chứ không sử dụng màu nguyên bản như trước đây.
Thông điệp trong “Thi hứng 4” cũng rõ ràng hơn, tôi đề cập nhiều đến số phận con người và về những vẻ đẹp của đời sống đang dần mất đi, dần bị quên lãng. Hôm khai mạc triển lãm, Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá tranh của tôi có bước chuyển quan trọng, có nghề hơn.
“Thi hứng 4” vẫn là cái đẹp của cuộc sống, qua những tác phẩm tôi cố gắng mang lại sự đáng yêu của một con đường Cổ Ngư, của các cô gái Dao đỏ, của những bông hoa bên bờ rào, của một bình minh mưa, của một trầm tích xứ Mường, của một dáng lưng ong gợi nhớ. Tranh đã có ý tưởng hơn, gửi gắm những trăn trở hôm nay như “Phận người”, “Biển không còn ngày xưa”, “Phố chiều”, “Kí ức làng”…
– Viết văn, làm thơ, vẽ tranh và cả làm báo nữa. Trong bốn môn nghệ thuật ấy, ông dành tình yêu cho môn nào hơn? Môn nào mang lại cho ông hạnh phúc nhiều hơn? Vì sao?
+ Thơ và tranh cho tôi niềm vui sống hơn cả. Thơ đeo đuổi cả đời, đau đáu cả đời, như một chàng khát yêu trước một cô gái hấp dẫn, muốn chinh phục chẳng dễ dàng gì, càng đi tới thì thấy càng xa. Sự muốn chiến thắng, muốn chiếm lĩnh là một thử thách cực nhọc và cũng mang lại cho mình hạnh phúc của sự dấn thân.
Hội họa lại cho mình say đắm như kẻ mộng du, như lạc vào cõi thiền mà được buông bỏ để đắm chìm vào màu sắc, hình khối. Khi vẽ tôi như lạc vào một hội xòe, một chợ tình Khau Vai nào đó, chỉ còn bồng bềnh màu sắc đưa mình đi trong bát miên du. Nhà văn mà vẽ tranh nó có cái cảm xúc nhân đôi đặc biệt như vậy.
Các tác phẩm của hoạ sĩ Trần Nhương.
– Nhắc lại chuyện làm báo, trang trannhuong.net của ông một thời quy tụ nhiều bài báo, nhiều sáng tác văn chương nghệ thuật của bạn bè và cả những diễn đàn văn chương sôi động, thẳng thắn? Ông chia sẻ thêm về trang web của mình? Và hẳn cũng từ một cơ duyên nào đó để ông lập trang này và theo như tôi được biết là một trang web văn chương cá nhân sớm nhất có mặt trên mạng internet.
+ Năm 2006 khi tôi đang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam thì quyết định lập trang web của mình. Xuất bản truyền thống khó khăn, in được 1.000 cuốn sách có khi bán cả năm chả hết. Cánh nhà thơ thì chủ yếu bỏ tiền in sách rồi mang đi tặng bạn. Tôi thấy công nghệ thông tin đã phát triển, nhất là lợi thế của internet giao lưu bốn phương chỉ trong một nút enter. Tôi nhờ người viết, thiết kế trang web theo ý tưởng của mình.
Qua trang web văn chương của mình, mình đi khắp thế giới mà chẳng cần visa. Người Việt ở nước ngoài tìm đọc trannhuong.com. Nhờ trang web mà tôi thêm bạn, có cả những chuyến đi nước ngoài nhờ bạn bè yêu “trannhuong.com”.
Ngoài văn chương, nghệ thuật tôi thấy mình cần có tiếng nói xây dựng xã hội với tư cách công dân. Tôi có chuyên mục “Tin văn và…”, “Tôi có ý kiến” để phát biểu, để thông tin. Nhớ năm kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long lại lũ lụt miền Trung tôi đưa bài gửi lãnh đạo Hà Nội đề nghị giảm bắn pháo hoa lấy tiền ủng hộ bà con miền Trung. Không biết có phải nghe theo ý kiến của tôi không nhưng Hà Nội đã giảm từ 29 điểm xuống còn 9 điểm bắn pháo hoa và gửi tặng 6 tỷ cho miền Trung.
Trong mục “Tôi có ý kiến của tôi” có bài “Loa ơi đừng kêu nữa” nói về loa phường, về ô nhiễm âm thanh môi trường. Ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng nên trang web nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả. Trang của mình mà được bạn bè đóng góp mới phong phú nên tôi mở chuyên mục “Bầu bạn góp cổ phần” để kêu gọi “cổ đông” chất xám phi lợi nhuận.
Một trang web tư nhân nhiều lúc cũng có tác dụng như lên tiếng đòi quyền lợi cho các nhà văn, hay bênh vực những nhà văn còn nhiều thiệt thòi trong chế độ chính sách. Tôi cũng chú ý đến thông tin về đồng nghiệp nhất là khi có vận hạn hay từ trần coi đó là một nghĩa cử không thể thiếu của “trannhuong.com”.
Nhiều cơ quan, tổ chức và nhiều bạn bè biết tới “trannhương.com” như một kênh thông tin báo chí tích cực của cá nhân. Hạnh phúc lan tỏa từ “trannhuong .com” là không thể đo đếm được hết. Vui thế đấy, cứ chân thành là có yêu thương thôi.
– Tuổi bát thập, với người khác để giữ được sức khoẻ ăn ngủ bình thường đã là khó thế mà “lão” Trần Nhương vẫn làm việc, sáng tạo và ham chơi như một người trung niên cường tráng? Năng lượng nào để ông có được một đời sống sống động và tích cực như vậy? Có triết lí sống nào của riêng Trần Nhương để có thể chia sẻ cho mọi người?
+ Nói triết lí nghe to tát quá, cụ Nguyễn Trãi dạy: “Khôn ngay khéo đầy”. Mình ăn ở thật lòng vì người thì người không phụ. Tôi rất ít khi giận ai, có chuyện gì nói xong là cho qua. Tôi không ham hố quyền chức, không quá ham tiền bạc. Được sao hay vậy, cái mình đang có là hạnh phúc rồi, tự bằng lòng với mình.
Tôi khoác áo lính 28 năm mà không suy suyển trong bom đạn thì chả tốt số quá là gì, còn mong gì hơn nữa. Sự tham lam ích kỉ chỉ mang lại bi kịch, đau khổ. Bao nhiêu tấm gương tày liếp trước mắt đấy, nên cứ an nhiên mà sống thôi.
Tôi không lười nhác, làm việc chăm chỉ, thể dục đều đặn, không bia rượu tít mít, không thức quá khuya. Tôi có bài thơ “Vừa đủ” được nhiều người yêu thích, có lẽ đấy là triết lí của tôi chăng? Vui vẻ mỗi ngày, cố giữ cho mình sự thanh thản, tĩnh tâm là hạnh phúc nhất.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.
Nhà văn Trần Nhương sinh năm 1942 tại Phú Thọ. Năm 1965 khi đang dạy học, ông nhập ngũ là lính Vận tải quân sự. Năm 1979 ông theo học trường Đại học Văn hóa, khoa Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Tốt nghiệp, ông về NXB Quân đội công tác, năm 1987 là Trưởng phòng biên tập sách Văn nghệ. Năm 1993 ông chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam, đến năm 2008 nghỉ hưu. Hiện nay ông làm báo tại báo Người cao tuổi. Ông đã có 25 đầu sách, tiêu biểu như “Bài thơ tình của lính” (thơ) “Dòng sông không có đôi bờ” (TT) “Gió tháng ba vẫn thổi” (thơ). Ông đã được trao giải Bộ Quốc phòng, giải liên hiệp VHNT Việt Nam, giải Văn học Sông Mekong…