Nhà thơ Vũ Quần Phương và “phương pháp kham khổ” dạy con thành Giáo sư toán học

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương có phương cách dạy con rất độc đáo.

Năm 2008, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Polya – một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM). Giống như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn dù đang giảng dạy ở nước ngoài nhưng đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học vào năm 2009. Khi đó, anh mới 39 tuổi. Điều bất ngờ, tài năng toán học này lại trưởng thành dưới sự dạy dỗ của một người cha mang tâm hồn lãng mạn – nhà thơ Vũ Quần Phương.

Thành tài từ tuổi thơ gian khó

Không giống như đa số các Giáo sư, Tiến sĩ khoa học trưởng thành trong gia đình có truyền thống, GS. Vũ Hà Văn không phải con “nhà nòi”. Cha anh – nhà thơ Vũ Quần Phương là nhà thơ nổi tiếng từ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông được biết đến với thể loại trữ tình lãng mạn, như bài thơ “Áo đỏ” được nhiều người yêu thích: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không?”. Ít ai biết rằng, trước khi trở thành thi sĩ, nhà thơ Vũ Quần Phương từng là một bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, trái tim đa sầu đa cảm trưởng thành từ tuổi thơ cô đơn, thiếu thốn đã khiến ông gắn bó với nghiệp thơ ca lúc nào không hay. 6 tuổi, nhà thơ mồ côi bố. 10 tuổi, ông đã xa nhà đi trọ học.

Ngay từ những ngày ấy, Vũ Quần Phương đã thấm thía nỗi cô đơn. Những lúc thấy mình lủi thủi không có ai chia sẻ, ông tìm đến thơ và “yêu” những con chữ từ rất sớm. Đó là khởi đầu cho những uẩn khúc trong tâm tư, tạo nên chiều sâu của tâm hồn của nhà thơ tài hoa. Sau khi bố mất, mẹ con ông phải sống nhờ trong một ngôi nhà thờ họ, mùa đông phải dán thêm giấy bóng che bớt những cơn gió lạnh. Bao nhiêu năm rồi ông vẫn nhớ cái cảnh ấy, không có nhà, thỉnh thoảng mẹ con ông lại phải chuyển đi nơi này nơi khác. Cảnh nghèo ấy khiến ông sớm phải suy nghĩ và lo toan cho cuộc sống của mình.

Ý thức được sự vất vả của cuộc sống, nhà thơ Vũ Quần Phương học hành rất nghiêm túc, hết phổ thông, thi vào đại học Y Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc và về công tác tại bộ Y tế. Đối với ông, công việc khởi đầu như thế là thuận lợi. Nhưng rồi, nỗi đam mê với thơ vẫn ám ảnh ông. Năm 1969, nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Ông ít nhiều có lưỡng lự bởi chính mẹ cũng khuyên ông nên ở lại Bộ Y tế để làm việc. Mãi đến 2 năm sau, ông mới quyết định dứt bỏ nghề y về công tác tại chương trình Tiếng thơ, thuộc Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đó, ông vừa biên tập cho chương trình, lại vừa tham gia nói chuyện thơ và trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp, một nhà phê bình thơ được tin cậy. Nhà thơ Vũ Quần Phương kết hôn với một dược sĩ và có hai con trai – Vũ Hà Văn và Vũ Thanh Điềm, cuộc sống gia đình chỉ ở mức “bình dân” bởi thu nhập của giới văn nghệ sĩ thời kì đó vốn bị đánh giá là “chẳng đủ sống”.

GS Vũ Hà Văn sinh năm 1970 tại Hà Nội. Khi đó đất nước chiến tranh, cuộc sống của anh phải chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Tuy nhiên trong điều kiện ấy, sự cố gắng của Vũ Hà Văn lại càng được nhân lên gấp bội. Năm thi ĐH Bách khoa, anh giành trọn điểm 10 môn Hoá, trở thành Á khoa vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Thầy giáo dạy thêm của anh vì quá tự hào về cậu học trò còn gom lại tất cả tiền học thêm anh đóng trước đó để “thưởng” cho anh… Sau đó, Vũ Hà Văn được cử sang Hungary đào tạo chuyên ngành vô tuyến điện. Sang Hungary, anh được gặp Tiến sĩ toán học Lovást (sau này, ông Lovást trở thành Chủ tịch Hội đồng Toán học thế giới) và được khích lệ chuyển sang học toán. Bố mẹ và nhiều thầy giáo trong nước cũng ủng hộ Văn rẽ ngang. Vậy là sau hai năm học vô tuyến điện, anh đã chuyển sang ĐH Tổng hợp của Hungary học về toán.

Bà Đào Thị Hường (vợ nhà thơ Vũ Quần Phương) cho biết, thời bao cấp nhà nào cũng khó khăn cả nhưng chính cuộc sống khó khăn, tằn tiện đến mức khắc kỷ đó lại rèn cho con trai của bà tính chừng mực, điềm đạm, chắt chiu, không bao giờ thái quá và sa đà vật chất. Hồi đó thương con, vợ chồng bà cũng vay mượn để mua áo “kimono” gửi sang cho Văn bán, có thêm tiền sách vở, nhưng anh không đem bán, cứ chất đầy tủ. Khi nhà thơ Vũ Quần Phương sang thăm con, ông ngạc nhiên hỏi thì Văn chỉ giải thích đơn giản: “Con đang học mà có người gọi bảo mang áo đến, con sẽ mất tập trung, phân tán lắm”. Thay vì đó, chàng du học sinh tự bươn chải kiếm sống bằng cách mùa hè thì đi hái quả ở nông trang. Lúc nhàn rỗi, anh vào thư viện đi xếp sách thuê, tiền kiếm được không nhiều nhưng có đồng nào lại dùng mua sách. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng vô cùng tự hào về tính tự lập của con trai: “Tất cả các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, sách vở, radio…, Văn đều phải mua lại của những sinh viên tốt nghiệp về nước với giá chỉ bằng 20 – 30% so với đồ mới… Những năm Văn học ở Hungary thiếu thốn lắm, học bổng chỉ đủ ăn thế mà sau 3 năm học đầu, Văn vẫn tiết kiệm được 100 USD mang về cho bố mẹ. Khi cầm đồng tiền ấy, tôi thực sự rất xúc động và thương con”.

Không dạy con bằng đòn roi

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, bên cạnh sự nghiệp thơ ca thì hai cậu con trai tài giỏi là “gia tài” đáng tự hào nhất của ông. Hiện, GS Vũ Hà Văn đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale (Mỹ). Người con trai thứ hai Vũ Thanh Điềm cũng từng là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia của hãng Google (Mỹ). Thỉnh thoảng, vợ chồng ông lại sang Mỹ để thăm con cháu. Hàng năm, GS Toán học Vũ Hà Văn đều về nước vào dịp hè để giảng tại Viện toán cao cấp và các trường đại học ở Việt Nam, các cháu cũng tranh thủ hè về thăm ông bà. Chia sẻ về bí quyết dạy con thành tài, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, nhà trường và gia đình là hai môi trường quan trọng nhất.

Ông kể: Trước đây, GS Hà Văn học ở một trường cấp II tại Hà Nội. “Sau một năm, tôi thấy không ổn, vì thầy giáo dạy nghiêm khắc thái quá so với trẻ 11-12 tuổi. Về sau, tôi phải xin chuyển cho cháu sang trường Trưng Vương, học với thầy Tôn Thân – một nhà sư phạm nổi tiếng. Tôi nghĩ Văn đã học được thầy Tôn Thân nhiều thứ, không chỉ là môn Toán. Bản thân tôi cũng rất biết ơn những người thầy thuở học trò của mình. Ngày ấy, tôi rất khá các môn tự nhiên nhưng nhờ được học văn của các thầy dạy văn mà tôi yêu văn chương, thích tìm tòi nghiên cứu các tác phẩm – tác giả mình được học. Tôi thấy giáo dục nhà trường là phần rất quan trọng. Quan điểm giáo dục của các thầy cô tác động sâu sắc tới sự phát triển nhân cách trẻ. Họ cho trẻ kiến thức đã đành, họ còn đánh thức sự say mê học hành, tạo phương pháp học tập đúng đắn cho các cháu. Bây giờ đến thế hệ con của Hà Văn, các cháu vẫn tiếp tục được bố mẹ tìm chọn trường tốt cho theo học”, nhà thơ cho biết.

Về phần gia đình, nhà thơ Vũ Quần Phương quan niệm, cha mẹ dạy con không chỉ dạy bằng lý lẽ mà phải dạy bằng cách sống của chính mình. Ông chia sẻ: “Tôi nhớ hồi đó, con tôi và con ông bạn cùng phải thi đại học. Trước hôm thi, tivi truyền hình trực tiếp trận chung kết bóng đá thế giới. Ông bạn tôi không cho con xem trong khi cả nhà đều được xem. Vậy là cậu bé ấy phản ứng bằng cách hôm sau không chịu đi thi. Bố mẹ bắt đi thì đến nơi nó bảo quên bút. Tôi cũng không cho con tôi xem. Nhưng cả nhà tôi không ai xem cả. Đấy là cách bố mẹ chia sẻ với con, không để con một mình nai lưng gánh chịu áp lực học hành. Vai trò của gia đình là ở chỗ tạo được không khí học tập trong nhà mình”. Nhà thơ cũng cho rằng, dạy con bằng tình yêu thương, bằng lý lẽ tốt hơn đòn roi. “Vì đòn roi có thể đạt được mục đích nhanh hơn nhưng không khiến đứa trẻ thấm thía. Cách dạy dỗ đó có thể khiến nó sợ hãi, tuân theo nhưng có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương. Mà đôi khi sự cứng rắn của cha mẹ lại chỉ xuất phát từ sự nóng giận, thiếu kiểm soát. Tôi không bao giờ quên lần Văn không nghe lời, tôi giận quá đã vứt đồ chơi của con. Mà với nó, đó là kho tàng, là công trình nó tạo dựng nên. Tôi đã nhìn thấy nét mặt con khi đó thật đau đớn. Tôi thấy mình thật ác quá. Tôi đã làm tổn thương con mình và đó là ám ảnh tôi không thể quên. Sau này khi quyết định điều gì cho con, tôi cũng tránh việc khiến con bị tổn thương”, nhà thơ cho biết.    

Gia Hân

Rate this post