Vũ Quần Phương và những câu thơ ‘chắt chiu tâm tưởng’

Không phải dạng người quăng quật vào xã hội ba đào, Vũ Quần Phương không thể lang bạt kỳ hồ. Ông không thể ngất ngưởng khóc cười để từ đời bật dậy thi ca. Một con người cẩn trọng như ông thì đã lường trước tỉ mỉ để tránh va vấp, tránh đụng chạm với mọi sự chẳng lành. Vậy thơ Vũ Quần Phương đến từ đâu?

Lê Thiếu Nhơn – 

Năm 1998, tôi ra Hà Nội dự Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc, mới vinh hạnh được gặp nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ mà tôi ngưỡng vọng bấy lâu. Tôi lặng lẽ quan sát ông xa xa bằng sự nghiêm túc của một kẻ hậu sinh thiện chí, và phán đoán ông là con người tinh tế, cẩn trọng.

Về nhà, lôi bức chân dung nhà thơ Vũ Quần Phương vừa chớp được vội vàng gắn kết với Áo đỏĐợi, tôi cảm thấy hài lòng. Quả nhiên người nào thơ ấy. “Áo đỏ em đi giữa phố đông. Cây xanh như cũng ánh lên hồng. Em đi thắp lửa trong bao mắt. Anh đứng thành tro em biết không” và “Anh đứng trên cầu đợi em. Đứng một ngày đất lạ thành quen. Đứng một đời em quen thành lạ. Nước chảy… kìa em, anh đợi em” đều hay một cách chỉnh tề. Không những cảm xúc thi ca được huy động đến, mà trật tự chữ nghĩa cũng được huy động đến.

nhatho-vu-quan-phuongto-1348827963_480x0

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Áo đỏĐợi như hai cô gái đẹp, đẹp nền nã và lịch sự, đẹp quý phái và tròn trịa. Cái đẹp gần như để người ta hâm mộ, chứ không phải để người ta lao vào đắm đuối si mê. Tôi từng bỏ nhiều ngày, đi lòng vòng quanh hai cô gái đẹp có mỹ danh Áo đỏĐợi liếc xem trên khuôn mặt họ có vệt nhọ nồi chịu thương chịu khó nào không, có nốt ruồi vượng phu ích tử nào không, để được đưa đẩy vài câu thầm yêu trộm nhớ? Liếc tới rồi liếc lui vẫn thấy họ láng mịn và vừa khuôn đủ thước, tôi đành thở dài như con cáo ngước lên chùm nho cao vọi, thỉnh thoảng ngoảnh lại “kính như viễn chi”!

Trên kệ sách của tôi có nhiều thơ Vũ Quần Phương, cả in chung và in riêng. Tôi thường mang thơ ông ra đọc, mỗi lần đọc tôi luôn chuẩn bị một tâm trạng không bị chi phối bằng cách cố gạt ra khỏi tâm trí những giải thưởng của ông cũng như những tác phẩm bình thơ của ông, để được đối diện với từng câu, từng dòng khách quan nhất. Nhiều lần cầm thơ ông lên đặt thơ ông xuống, tôi nghĩ ngợi mông lung, có lẽ ông không phải là người bị động chờ thơ đến với mình mà chủ động đi tìm thơ. Tất nhiên, suy tư của tôi không phải hồ đồ dựa vào số lượng bài thơ, mà tin cậy dựa vào từng bài thơ.

Vũ Quần Phương hình như lúc nào cũng tập hợp quanh mình một đội quân chữ, và ông làm tổng chỉ huy. Đội quân chữ của Vũ Quần Phương không phải ngẫu nhiên nhặt nhạnh được đâu, mà ông tuyển chọn kỹ lưỡng đấy. Đứng trong đội quân chữ của Vũ Quần Phương hầu hết là những chữ hội đủ phẩm chất để viết nên những câu không ai chê dở được. Chính vì sự sát hạch ghê gớm, đội quân chữ của Vũ Quần Phương đều tinh nhuệ đến độ trở nên quen thuộc với độc giả và với chính tác giả! Ông biết rất rõ sự thật này và thừa nhận sự thật này tồn tại: “Chuyện buồn chuyện vui phập phồng quên nhớ/ Thơ viết trăm bài vẫn chữ năm xưa”.

Trong thơ Vũ Quần Phương thường nhắc nhiều đến khái niệm thời gian. Không những trong tập Vết thời gian, mà những tập Quên chữ…Quên câu hay Giấy mênh mông trắng cũng trở qua trở lại cơn cớ “thời gian”. Khi thì đau đáu:

“Người giữ gìn ký ức
Quên thời gian đang trôi” 

Khi thì xa xôi:

“Em đang gọt trái lê mùa hạ
Vỏ lê như thời gian đang rơi”

Khi thì bồn chồn:

“Một nỗi gì
Buồn hơn cả nỗi buồn, xa hơn xa gốc rễ
Thoảng như hơi thở nhẹ
Làm mình ngồi lặng lẽ
Thời gian”

Sự ám ảnh ấy được ông định nghĩa bằng bài Thời gian chân thành:

“Không nắm được bàn tay
Thì hằn lên nét mặt
Thân người về xứ khác
Tình người còn đâu đây
Kìa tiếng chim cu gáy
Xa xăm mà thơ ngây”.

Vị trí Vũ Quần Phương trong làng thơ Việt Nam đã ổn định, công chúng luôn nhắc tên ông cùng với Lưu Quang Vũ và Bằng Việt đại diện cho đội ngũ nhà thơ thuộc giới tri thức. Có lẽ thấy ông đã có tài bình thơ người khác, nên thưa thớt người bình thơ ông. Nhà thơ Vũ Quần Phương xuất thân ngành y, và có con thành đạt ở nước ngoài. Cha tôi cũng làm bác sĩ, cũng cực nhọc mong con cái rạng danh dòng họ, nhưng đến hôm nay tôi chỉ là kẻ bôn ba láu lỉnh kiếm ăn qua ngày. Vì vậy, hơn một lần tôi muốn viết về ông để thể hiện sự quý mến, nhưng cứ e ngại cái tuổi trẻ của tôi đôi khi cao hứng lỡ lời sẽ gây cho ông phiền muộn, mà điều đó sẽ khiến tôi ân hận. Thật mừng, một ngày tôi bỗng nhận được một email của ông. Ông hỏi thăm công việc của tôi, hỏi tôi ở Sài Gòn thường trao đổi văn chương với ai. Tôi rất vui, vì được một người mình ngưỡng vọng quan tâm đến mình, và vẫn xưng hô chú – cháu với ông. Và đến lúc ông đề nghị “Hãy coi tôi như một người anh, chúng ta dễ nói chuyện với nhau hơn” thì chính sự cởi mở đến mức độ lượng ấy của ông mới giúp tôi yên tâm.

Cái tài của Vũ Quần Phương là có thể dùng những chi tiết rất cũ, hình ảnh rất cũ để tạo thành những câu thơ mới. Do vậy, không cần biết tên riêng từng bài thơ, vẫn có thể hấp thụ xúc cảm thơ ông:

“Tình yêu biến anh thành hạt cát
Gánh một miền sa mạc chờ em”

hay

“Một cây gạo ven bờ
Đốt cả trời lẫn nước”

hoặc

“Vẽ buồn, vẽ nhớ, vẽ yêu
Tương tư vẽ gió cho diều đứt dây”

Ngay cả chuyện tình yêu tuyệt vọng, tưởng đã nói hết trong hai bài Áo đỏĐợi thì ông vẫn viết được bài Cầu và sông không thua kém gì:

“Cầu ở lại còn nước trôi đi
Vẫn gần nhau mà luôn chia ly
Dẫu có vậy nhưng còn được vậy
Tôi là cầu, nhưng em là chi?”

Nhà thơ Vũ Quần Phương quan niệm:

“Đừng ngại bụi bay, đừng sợ tiếng người
Tiếng chát chúa bán mua
tiếng ngọt ngào tình tự
Đời dám yêu thơ thì thơ đừng sợ
Bút cũng như mầm chạm đất mới sinh sôi”

Nhưng ông không phải dạng người quăng quật vào xã hội ba đào, ông không thể lang bạt kỳ hồ, ông không thể ngất ngưởng khóc cười để từ đời bật dậy thi ca. Một con người cẩn trọng như ông thì đã lường trước tỉ mỉ để tránh va vấp, tránh đụng chạm với mọi sự chẳng lành. Vậy thơ Vũ Quần Phương đến từ đâu? Xin thưa, đến từ chính cõi hồn của ông, từ thái độ trân trọng con người của ông. Ai đó có thể gọi bà điên hay con điên, nhưng ông gọi Cô điên bằng cái nhìn bao dung “trời xanh đè xuống vai em trĩu nặng”.

Chỉ cách gọi “cô điên” đã ít nhiều phản ánh được ngôn ngữ lương thiện nhà thơ rồi! Ông không lao theo sấp ngửa nhân gian, nhưng nghiêng tai nghe Tiếng gọi cuộc đời để làm thơ: “Hỡi ai tim đập bên trang giấy/ Có thấy lòng tôi run xuống câu”.

Mỗi người có một phương pháp tiếp cận thi ca, và không thể nói phương pháp nào hiệu quả hơn phương pháp nào. Nhà thơ Vũ Quần Phương chọn phương pháp nhắm mắt lại nhìn vào tâm tưởng. Theo tôi, đấy là một phương pháp cực kỳ vất vả. Với một không gian chật hẹp từ “tâm” đến “tưởng”, nhà thơ phải luôn tự vấn, tự dằn vặt, tự phản biện bản thân. Vậy mà, Vũ Quần Phương ít nhiều đã làm được đấy. Ông chợt trông Hoa trong nhà lao Buôn Ma Thuột bằng suy tư “Hoa trắng rơi trên sân ngục lạnh/ Những mắt nhìn hoa giờ ở đâu?”

Ông mỗi bận Sáng nghe chim hót bằng trắc ẩn:

“Ta nghe hót mà quên chim đang hót
Thấy bao la mà quên một chiếc lồng
Tiếng hót hay mà lòng chim tan nát
Nỗi nhớ trời xanh, nỗi nhớ cánh đồng
Chim kêu cứu mà lòng ta mơ mộng
Chim tội tù mà ta cứ như không

Và ông hàng ngày Soi gương cũng thảng thốt:

“Năm tháng chẳng trôi đi, năm tháng đọng ở đuôi con mắt
Ở nét cười, mái tóc
Ở câu đùa nửa chừng im bặt”

Không có điều kiện trải mình ra với đời mênh mông hiện thực, Vũ Quần Phương chấp nhận cho đời chảy vào mình bao la hư ảo, thoáng phút giây Ngã ba Đồng Lộc 1994 cũng đủ ông:

“Nghe trĩu nặng những gì chưa trả được
Ta ngẩng đầu nhận nợ tháng năm xa”

Đọc thơ Vũ Quần Phương theo hệ thống xuyên suốt, tôi nhận ra chỉ cần rời khỏi bốn bức tường vuông vắn nơi phố thị thì trái tim thi sĩ của ông lập tức đánh đu với thiên nhiên mà hình thành những câu thơ thật bay bổng.

Chẳng hạn, bài Dựng nhà trên dãy Hoàng Liên Sơn như một đoạn phim phối hợp nhịp nhàng những góc quay khi toàn cảnh lúc cận cảnh:

“Mây bay như biển như hồ
Núi như lớp lớp sóng xô quanh nhà
Quá giang mộng bắc qua xà
Dẻo dai nút lạt buộc qua chân trời
Mênh mang lạnh mấy khoảng đồi
Bỗng nghe ấm một chuỗi cười giòn tan”

Tuy nhiên, nhà thơ Vũ Quần Phương không có nhiều phút rong ruổi như vậy, biên độ thơ của ông quyết định bởi khoảng cách giữa “tâm” và “tưởng”. Tất cả sự nhìn và sự nghe đều được ông quy về sự nghĩ:

“Chai sạn bao chuyện đời mặt đất
Buổi sớm bình yên này
Làm rơi nước mắt hay
Còn ai mỗi bận cây thay lá
Nghe lòng xao xác dưới chân qua”

Thỉnh thoảng phác họa lao động thơ của Vũ Quần Phương, tôi lại hiện lên một khung cảnh hơi trào lộng: Mỗi khi ông ngồi vào bàn viết thì tâm hồn ông xuất ra khỏi thể xác ông, tâm hồn ông bay lơ lửng và không ngừng hỏi thể xác ông: Nhà ngươi là ai? Nhà ngươi tốt hay xấu? Nhà ngươi phải vui hay cần buồn? Cứ thế cho đến khi hoàn thành những tác phẩm mang phong cách Vũ Quần Phương. Ông luôn thể hiện năng lực bác sĩ trong nghề thơ, ông tự bắt mạch cho cảm xúc của mình, rồi ông tự chữa bệnh cho chữ nghĩa của mình. Vì ông nghĩ nhiều quá, khiến nhiều ý tứ, nhiều hình tượng cứ khô cong lại.

Công bằng mà đánh giá, Vũ Quần Phương có nhiều câu thơ tài hoa lắm. Dĩ nhiên, một người tinh tế như ông thì biết ngay đó là những đứa con tinh thần quý giá, nhưng ông sợ chúng bị cảm gió hay bị ho khan, nên làm thêm rất nhiều câu thơ bình thường để che chắn. Nếu mỗi bài thơ là một cô gái, thì cô gái của Vũ Quần Phương thường có lông mày đẹp hay nụ cười xinh, mà lại luôn đội nón xụp hoặc đeo khẩu trang. Tội nghiệp cho người nào nặng lòng với cô ấy kia, muốn nhìn thấy lông mày đẹp phải dậm chân hò hét ầm ĩ, còn muốn nhìn thấy nụ cười xinh thì phải chắp tay năn nỉ ỉ ôi.

Chắt chiu tâm – tưởng để có được những câu thơ tài hoa “gương mặt dài như giọt lệ đang rơi”, nhà thơ Vũ Quần Phương tỏ ra kỹ tính quá mức trong việc dùng chữ. Ông có một đội quân chữ đấy, nhưng ông toàn chọn những chữ đẹp đẽ. Trong bài Diều giấy của ông, tôi bắt gặp mấy câu “Mắt em làm gió nâng diều bay/ Hồn em mở những chân trời lạ/ Em níu chân trời trong kẽ tay”. Hai câu trước rất gợi, nhưng câu thứ ba lại líu quíu, vì ông sợ những chữ khác không cao sang bằng chữ “chân trời”, nên đặt hai “chân trời” cạnh nhau, mà quên cảnh giác “chân trời” này sẽ che khuất “chân trời” kia. Tôi nghĩ, nếu thay chữ “chân trời” bằng một chữ ốm yếu hơn rất nhiều là chữ “buổi chiều” thì bức tranh thả diều sẽ bớt đơn điệu hơn.

Ở đây, ông như một đạo diễn khó tính, không có niềm tin với diễn viên phụ, liên tục cho diễn viên chính xuất hiện trong ống kính, cảnh trước cũng diễn viên chính mà cảnh sau cũng diễn viên chính thì sao tránh khỏi sự tẻ nhạt trên màn bạc? Có lẽ do bản tính Vũ Quần Phương cẩn trọng thôi, chứ những “tiểu xảo” ấy đối với ông chỉ là cái búng ngón tay nhẹ nhàng. Ví dụ, ông dùng chữ “đuổi” khá đắc địa:

“Vườn quê lổm ngổm nhà lầu
 Đuổi cây húng Láng vào câu hát buồn”

Câu lục bát này và cả bài thơ Làng Láng lưu luyến người đọc vì chữ “đuổi”, mới biết sức quyến rũ của diễn viên phụ cũng đáng gờm!

Nhờ sự nghĩ thường trực, nhà thơ Vũ Quần Phương rất giỏi trong chuyển biến câu thơ. Bài Thuyền Trương Chi đang trôi viết bằng thể lục bát:

“Đã yêu cho lũ tràn đầy
Đã thương cho đến hao gầy khúc sông
Chống sào hát với Biển Đông
Biển không hết nước ta không hết nàng
Mây trôi nước chảy mơ màng
Con chim trúng đạn, yêu bàn tay cung

Với những câu trích dẫn trên, năm câu đầu thì ai cũng có thể làm được, nhưng câu thứ sáu mới chính là Vũ Quần Phương, riêng Vũ Quần Phương. Thừa nhận sự nghĩ của ông rất giỏi, nhưng tôi lại đặc biệt thú vị ở những bài thơ mà ông không kịp nghĩ. Đó là trường hợp Căn nhà xưa viết theo lối thơ văn xuôi. Có lẽ sự chuyển nhà hơi vội vàng khiến ông không kịp giục cái xao xác từ “tâm” đến “tưởng” rồi huy động đội quân chữ trung thành, ông đành chỉ viết bằng “tâm” những dòng run rẩy:

“Tôi từ giã bao lần những chiếc áo mặc chật
những nỗi buồn cho tôi lớn lên
Nhưng lần này trước căn nhà cũ nát, trái tim tôi thành viên gạch trên tường”

Vậy đấy, thử một lần hưởng ứng thao thức “hỡi ai tim đập bên trang giấy” thì tôi đã thấy “lòng Vũ Quần Phương run xuống câu”!

Lê Thiếu Nhơn

Rate this post